Nam giới có thể mắc ung thư vú không? Hay mặc áo ngực quá thường xuyên cũng làm tăng khả năng mắc ung thư vú? Đó là những thắc mắc mà chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng nghe nói đến. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu câu trả lời và bóc trần những lời đồn sai sự thật về bệnh ung thư vú nhé!
- 1. Nếu không có người thân trong gia đình mắc ung thư vú thì bản thân mình cũng không lo mắc bệnh này?
- 2. Chỉ cần ăn duy trì lối sống lành mạnh, cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên, ăn uống khoa học và không dùng bia rượu thì sẽ tránh được ung thư vú?
- 3. Mặc áo ngực làm tăng nguy cơ ung thư vú?
- 4. Các loại chất khử mùi cho vùng nách có thể gây ung thư vú?
- 5. Để điện thoại di động ở gần ngực có thể gây ung thư vú?
- 6. Chế độ ăn quá nhiều đường có thể gây ung thư vú?
- 7. Chụp nhũ ảnh (X quang vú) định kỳ hằng năm giúp đảm bảo phát hiện sớm ung thư vú từ giai đoạn sớm?
- 8. Ung thư vú luôn biểu hiện thành những khối có thể sờ được?
- 9. Ung thư vú chỉ xảy ra ở phụ nữ trung niên và cao tuổi?
- 10. Tất cả các trường hợp ung thư vú đều được điều trị giống nhau?
- 11. Sau khi được điều trị khỏi ung thư vú, bệnh nhân sẽ trở lại cuộc sống bình thường?
Mặc dù ung thư vú là một trong những loại ung thư được biết đến nhiều trong xã hội hiện nay, nhưng vẫn còn không ít quan niệm sai lầm về căn bệnh này được truyền tai nhau rộng rãi. Ngay cả đối với những người đang mắc hoặc có người thân mắc ung thư vú thì việc phân biệt sự thật với những tin đồn sai lầm cũng không phải dễ dàng.
Dưới đây là những điều lầm tưởng rất phổ biến mà bạn có thể đã từng nghe nói về bệnh ung thư vú. Hãy cùng khám phá sự thật nhé!
1. Nếu không có người thân trong gia đình mắc ung thư vú thì bản thân mình cũng không lo mắc bệnh này?
Sự thật là: hầu hết những người được chẩn đoán ung thư vú thực ra lại không có người thân nào từng mắc bệnh.
Nhiều người vẫn nghĩ ung thư vú là một bệnh di truyền, nhưng thực tế chỉ có khoảng 5-10% trường hợp mắc bệnh này được cho là có liên quan đến di truyền, do những đột biến gen nhất định từ cha mẹ truyền lại cho con. Như vậy tức là đại đa số những người mắc ung thư vú không có tiền sử gia đình. Thay vào đó, nhiều yếu tố khác từ môi trường và lối sống có thể góp phần gây nên ung thư vú.
Hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân nào làm cho một số người mắc ung thư vú còn những người khác thì không. Yếu tố nguy cơ rõ rệt nhất là tuổi cao, do các tế bào ban đầu vốn khỏe mạnh có thể tích lũy nhiều đột biến theo thời gian và cuối cùng trở thành tế bào ung thư.
Mặt khác, nếu một người có tiền sử gia đình mắc ung thư vú – dù bên nội hay bên ngoại – thì nguy cơ của họ sẽ tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó còn một số yếu tố nguy cơ khác như tiền sử gia đình có người mắc ung thư buồng trứng hoặc ung thư tuyến tiền liệt cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Nếu tự thấy mình có những yếu tố này thì bạn nên chia sẻ với bác sĩ mỗi khi đi khám bệnh nhé.
2. Chỉ cần ăn duy trì lối sống lành mạnh, cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên, ăn uống khoa học và không dùng bia rượu thì sẽ tránh được ung thư vú?
Sự thật là: mặc dù những thói quen tốt này có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, nhưng không thể loại trừ hoàn toàn ung thư vú.
Rất nhiều người khi được chẩn đoán ung thư vú đã thắc mắc rằng mình ăn uống điều độ, không thừa cân, không uống rượu, vậy tại sao lại mắc phải bệnh này? Đúng là có những bằng chứng cho thấy lối sống lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc ung thư vú, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn sẽ chẳng bao giờ mắc bệnh.
Tất nhiên điều chỉnh lối sống là rất quan trọng để phòng ngừa bất kỳ căn bệnh nào, nhưng không thể bỏ qua vai trò của việc tầm soát thường xuyên định kỳ, đặc biệt đối với ung thư vú. Bạn có thể học cách tự khám vú ở nhà để nhận ra những bất thường khi chúng mới xuất hiện từ giai đoạn sớm.
3. Mặc áo ngực làm tăng nguy cơ ung thư vú?
Sự thật là: hiện nay không có bằng chứng nào cho thấy áo ngực làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
Thỉnh thoảng bạn sẽ nghe thấy ở đâu đó những lời đồn rằng mặc áo ngực có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Những người đưa ra ý kiến này giải thích rằng: áo ngực gây chèn ép và làm giảm lưu thông bạch huyết ở vùng ngực, làm cho các chất thải độc hại tích lũy lại trong mô và tế bào, từ đó gây nên ung thư.
Tuy nhiên hiện nay không có bằng chứng nào ủng hộ cho giả thuyết này. Một nghiên cứu năm 2014 được thực hiện trên khoảng 1500 phụ nữ mắc ung thư vú đã không phát hiện mối liên quan nào giữa căn bệnh này với việc mặc áo ngực cả.
4. Các loại chất khử mùi cho vùng nách có thể gây ung thư vú?
Sự thật là: không có bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa chất khử mùi và ung thư vú, tuy nhiên độ an toàn của các chất này vẫn cần được nghiên cứu thêm.
Từ lâu đã có lời đồn rằng chất khử mùi – đặc biệt là những loại có chứa nhôm và một số hóa chất khác trong thành phần nguyên liệu – có thể được hấp thụ vào các mạch bạch huyết vùng nách và vận chuyển tới tế bào tuyến vú, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Nhiều người còn cho rằng việc cạo lông cũng làm cho vấn đề này càng nghiêm trọng hơn do tạo ra những vết xước li ti trên da giúp các hóa chất thấm vào cơ thể nhiều hơn. Một giả thuyết khác nói rằng các chất khử mùi có tác dụng ngăn đổ mồ hôi vùng nách, từ đó làm giảm việc giải phóng các độc tố ra khỏi mạch bạch huyết và làm tăng nguy cơ ung thư.
Hiện nay không có bằng chứng nào cho thấy mối liên quan giữa việc dùng chất khử mùi và ung thư vú. Tuy nhiên một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những phụ nữ sử dụng các sản phẩm chứa nhôm cho vùng nách sẽ có nồng độ nhôm trong mô vú cao hơn bình thường. Vấn đề này vẫn cần được nghiên cứu thêm để đưa ra kết luận chính xác về nguy cơ gây hại đối với sức khỏe.
5. Để điện thoại di động ở gần ngực có thể gây ung thư vú?
Sự thật là: không có bằng chứng nào cho thấy mối liên quan giữa điện thoại di động và ung thư vú, tuy nhiên mức độ an toàn của những thiết bị điện tử này vẫn cần được nghiên cứu thêm.
Mặc dù có một số trường hợp cá biệt phụ nữ trẻ phát hiện bị ung thư vú sau khi mang điện thoại di động gần ngực trong một thời gian dài, nhưng vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định mối liên quan này.
Hiện nay hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào câu hỏi liệu bức xạ từ điện thoại di động có thể làm tăng nguy cơ ung thư não hay không. Đây là loại bức xạ năng lượng thấp, không giống như bức xạ năng lượng cao được dùng trong chụp X quang.
Các nghiên cứu hiện vẫn chưa tìm ra mối liên hệ nào, nhưng các nhà sản xuất điện thoại di động vẫn thường khuyên người dùng hãy giữ chúng cách xa khỏi cơ thể. Tốt nhất chúng ta nên làm theo lời khuyên này trong lúc chờ những nghiên cứu trong tương lai.
6. Chế độ ăn quá nhiều đường có thể gây ung thư vú?
Sự thật là: hiện nay chưa có bằng chứng để khẳng định đường gây ra ung thư vú.
Không chỉ riêng ung thư vú, mà với tất cả các loại ung thư khác hiện nay có một lời đồn rằng đường là nguồn dinh dưỡng giúp nuôi sống các tế bào ung thư và giúp chúng phát tán rộng rãi trong cơ thể.
Trên thực tế tất cả các tế bào dù là ung thư hay khỏe mạnh cũng đều sử dụng đường dưới dạng glucose để làm nhiên liệu cho các hoạt động sống. Đúng là tế bào ung thư tiêu thụ đường nhanh hơn các tế bào bình thường, nhưng không có bằng chứng nào để cho rằng ăn nhiều đường sẽ gây ung thư.
Đến nay mới chỉ có một nghiên cứu trên chuột gợi ý rằng tiêu thụ quá nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú, tuy nhiên vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để xác định mối liên quan này có thực sự tồn tại và có đúng với cơ thể người hay không.
Tuy nhiên có một điều cần lưu ý rằng: ăn nhiều đường sẽ gây tăng cân, và tình trạng thừa cân đã được khẳng định là một yếu tố nguy cơ của ung thư vú. Thêm vào đó, một số nghiên cứu còn phát hiện mối liên quan giữa tiểu đường với nguy cơ ung thư vú, nhất là ung thư giai đoạn muộn và ác tính nhiều hơn. Các nhà khoa học vẫn chưa rõ mối liên quan này là do người mắc bệnh tiểu đường thường có cân nặng quá khổ hay là do họ có mức đường huyết cao.
Tóm lại, vì lý do sức khỏe chúng ta vẫn nên hạn chế các món đồ ngọt như bánh kẹo, nước giải khát có đường, cũng như các thực phẩm đã qua chế biến.
7. Chụp nhũ ảnh (X quang vú) định kỳ hằng năm giúp đảm bảo phát hiện sớm ung thư vú từ giai đoạn sớm?
Sự thật là: mặc dù nhũ ảnh là công cụ tầm soát ung thư vú rất tốt hiện nay, nhưng không phải lúc nào nó cũng phát hiện được ung thư ở giai đoạn sớm.
Nhiều phụ nữ khi nhìn thấy kết quả nhũ ảnh bình thường sẽ nghĩ rằng mình đã an toàn và có thể tạm quên đi nỗi lo về ung thư vú trong vòng một năm tiếp theo. Tuy nhiên nhũ ảnh không phải là không có sai sót. Đôi khi phương pháp này có thể cho kết quả âm tính giả, tức là hình ảnh bình thường mặc dù đã có ung thư xuất hiện.
Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, nhũ ảnh có thể bỏ sót 20% ung thư vú tại thời điểm chụp. Kết quả âm tính giả thường xuất hiện nhiều hơn ở những phụ nữ có mô vú mật độ dày và những người trẻ. Đó là lý do vì sao một người phụ nữ có thể nhận kết quả nhũ ảnh bình thường nhưng rồi lại được chẩn đoán ung thư vú chỉ vài tháng sau đó.
Mặt khác, ung thư vú đôi khi có thể xuất hiện và phát triển nhanh chóng chỉ trong vòng một năm sau khi có kết quả nhũ ảnh thật sự là âm tính.
Tầm soát ung thư vú bằng cách chụp nhũ ảnh định kỳ hằng năm là cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên cũng cần phải chú ý tới bất kỳ thay đổi nào của vú thông qua các thao tác tự khám tại nhà và đến khám tại cơ sở y tế định kỳ mỗi năm.
8. Ung thư vú luôn biểu hiện thành những khối có thể sờ được?
Sự thật là: ung thư vú có thể không sờ được, đặc biệt ở giai đoạn đầu mới xuất hiện.
Nhiều người tin rằng ung thư vú có thể được phát hiện bằng cách tự khám và sờ thấy khối u, thậm chí coi đây là lý do để không chụp nhũ ảnh khi thấy mình không có gì bất thường. Tuy nhiên ung thư vú không phải lúc nào cũng tạo thành khối, và khi đã sờ thấy được tức là ung thư có thể đã phát tán rộng hoặc ở giai đoạn muộn mất rồi.
Tự khám vú tại nhà là thói quen tốt, nhưng không thể thay thế cho việc tầm soát định kỳ bằng nhũ ảnh. Bên cạnh đó cũng có những quan niệm sai lầm khác về khối u ở vú, chẳng hạn như nếu có cảm giác đau thì đó không phải là ung thư, hay nếu sờ thấy khối trơn nhẵn và di chuyển dễ dàng dưới da thì không phải là ung thư. Trên thực tế, bất kỳ một khối u bất thường nào sờ thấy ở vú cũng phải được thăm khám cẩn thận bởi bác sĩ.
9. Ung thư vú chỉ xảy ra ở phụ nữ trung niên và cao tuổi?
Sự thật là: phụ nữ trẻ cũng có thể mắc ung thư vú, và thậm chí cả nam giới!
Mặc dù tuổi tác đúng là yếu tố nguy cơ hàng đầu của ung thư vú, nhưng phụ nữ ở tất cả mọi độ tuổi đều cần phải chú ý phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, tự khám vú tại nhà và trao đổi với bác sĩ nếu có dấu hiệu nghi ngờ. Đừng nghĩ rằng phụ nữ trong độ tuổi 20-30 sẽ không bao giờ mắc ung thư vú. Đặc biệt những người có tiền sử gia đình mắc căn bệnh này càng cần phải tầm soát sớm hơn.
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng nam giới không thể mắc ung thư vú vì họ không có cơ quan này giống như nữ giới. Tuy nhiên thực tế là nam giới vẫn sở hữu mô vú tương tự. Ung thư vú cũng có thể xảy ra ở nam giới mặc dù cực kỳ hiếm gặp, chiếm chưa tới 1% tổng số các trường hợp ung thư vú được phát hiện tại Mỹ.
Mặc dù hiếm như vậy nhưng ung thư vú ở nam giới thường được phát hiện ở giai đoạn muộn vì bản thân người bệnh và bác sĩ cũng chủ quan với vấn đề này. Hãy nhớ kiểm tra bất kỳ sự thay đổi nào trên ngực mình dù bạn là nam hay nữ nhé!
10. Tất cả các trường hợp ung thư vú đều được điều trị giống nhau?
Sự thật là: mỗi bệnh nhân sẽ được lên kế hoạch điều trị khác nhau tùy theo mục tiêu và ý muốn của họ.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp điều trị, chẳng hạn như:
- Kích thước, vị trí, mức độ xâm lấn và giai đoạn tiến triển của khối u
- Bệnh nhân có đột biến gene di truyền hay không
- Các dấu ấn sinh học và xét nghiệm đặc biệt để dự đoán khả năng tái phát của khối u
- Ý muốn của bệnh nhân nhằm tránh tác dụng phụ của các phương pháp điều trị hoặc để sắp xếp thời gian cho thuận tiện
11. Sau khi được điều trị khỏi ung thư vú, bệnh nhân sẽ trở lại cuộc sống bình thường?
Sự thật là: ung thư vú có thể để lại tác động lâu dài đối với sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
Nhiều người cho rằng bệnh nhân ung thư vú có thể trở lại cuộc sống bình thường ngay sau khi kết thúc các phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Tuy nhiên trên thực tế có những loại thuốc đặc biệt cần sử dụng đến một năm hoặc lâu hơn, thậm chí các thuốc của phương pháp nội tiết có thể phải dùng đến 10 năm.
Hoặc nếu như bệnh nhân chọn phương pháp phẫu thuật tạo hình lại vùng ngực thì họ sẽ phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật kéo dài trong vài tháng. Đặc biệt đối với những người mắc ung thư vú di căn thì quá trình điều trị sẽ kéo dài đến suốt đời.
Ngay cả khi những phương pháp điều trị đã kết thúc thì tác dụng phụ của chúng vẫn đi theo người bệnh lâu dài, chẳng hạn như đau và căng tức vùng ngực, mệt mỏi, thay đổi vùng da, các triệu chứng mãn kinh sớm, và nhiều tác dụng phụ khác tùy theo từng phương pháp điều trị cụ thể. Một số người còn phải chịu tác động về tâm lý và tinh thần, chẳng hạn như lo lắng, sợ tái phát và các mối quan hệ xã hội bị ảnh hưởng.
Trên đây là những lưu ý bạn cần nhớ về bệnh ung thư vú, căn bệnh không hiếm gặp và cực kỳ nguy hiểm nếu không được hiểu đúng và phát hiện kịp thời. Hãy lan tỏa những kiến thức hữu ích để góp phần xóa đi những quan niệm sai lầm bạn nhé!
Mời bạn đọc tiếp những bài viết thú vị khác của BlogAnChoi:
- Khi nào cần nhổ răng khôn? Và cần lưu ý những gì nếu đã quyết định nhổ?
- Đồ chơi slime có thể gây ra những tác hại gì cho sức khỏe?
- Các tư thế ngồi trên sàn nhà giúp giảm bớt tác hại của thói quen ngồi nhiều như thế nào?
- Người bị hen suyễn có thể chơi thể thao hay không? Và nếu có thì nên chơi những môn nào?
- Stress có thể làm hại tim mạch ghê gớm đến thế nào?
Chúc bạn luôn nhận được những thông tin bổ ích và hấp dẫn tại BlogAnChoi nhé!