Chắc hẳn bạn đã từng trải qua cảm giác bụng bỗng nhiên “kêu réo” giữa một cuộc họp yên tĩnh hay lớp học im lặng. Tiếng “ùng ục”, “ọc ọc” phát ra từ bụng đôi khi khiến bạn lúng túng, nhưng bạn có biết những âm thanh đó thực chất là gì và liệu chúng có đáng lo ngại? Hiện tượng này có tên khoa học là borborygmi (còn gọi là sôi bụng) và nó xảy ra khi khí, chất lỏng hoặc thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa. Trong môi trường ruột rỗng, những chuyển động này tạo nên âm thanh vọng lại mà chúng ta nghe thấy từ bên ngoài. Mặc dù đa phần đây là hiện tượng bình thường nhưng nếu đi kèm với những dấu hiệu khác, tiếng sôi bụng có thể là cảnh báo của một vấn đề tiêu hóa nào đó. Vậy, nguyên nhân gây sôi bụng là gì và làm sao để kiểm soát nó? Cùng tìm hiểu nhé!
- Sôi bụng là gì?
- Nguyên nhân gây sôi bụng
- Đói
- Quá trình tiêu hóa
- Nuốt không khí
- Thực phẩm và đồ uống sinh khí
- Không dung nạp lactose
- Tâm lý căng thẳng và lo âu
- Cách giảm sôi bụng
- Ăn đều đặn
- Ghi nhật ký ăn uống
- Điều chỉnh cách ăn uống
- Tránh thực phẩm sinh nhiều khí
- Uống đủ nước
- Kiểm soát căng thẳng
- Tăng cường vận động
- Khi nào sôi bụng là dấu hiệu đáng lo ngại?
- Các bệnh lý liên quan có thể gây sôi bụng
- Bệnh viêm ruột (IBD)
- Không dung nạp thực phẩm
- Viêm dạ dày ruột
- Chảy máu đường tiêu hóa
- Bệnh celiac
- Tắc ruột
- Giải đáp một số câu hỏi thường gặp
Sôi bụng là gì?
Âm thanh phát ra từ bụng hay dạ dày, thường được mô tả là “sôi bụng”, thực chất là kết quả của các chuyển động trong hệ tiêu hóa. Khi thức ăn, chất lỏng và khí di chuyển qua dạ dày và ruột, chúng tạo ra những âm thanh “ùng ục” hay “ọc ọc”. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường và là dấu hiệu cho thấy hệ tiêu hóa đang hoạt động.

Tuy nhiên, nếu tiếng kêu trở nên to bất thường, xuất hiện thường xuyên và đi kèm với các dấu hiệu như đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng hoặc thay đổi thói quen đại tiện, rất có thể bạn đang gặp phải một tình trạng y tế cần được kiểm tra kỹ lưỡng.
Nguyên nhân gây sôi bụng
Đói
Khi bạn đói, cơ thể sẽ tiết ra ghrelin – một loại hormone thông báo cho não rằng đã đến lúc nạp năng lượng. Hormone này kích thích các cơ tiêu hóa co bóp và thúc đẩy dạ dày tiết dịch tiêu hóa, sẵn sàng “tiếp đón” thức ăn. Trong trạng thái trống rỗng, các chuyển động này không được làm dịu bởi thức ăn nên tạo ra âm thanh rõ ràng và dễ nhận biết hơn.
Quá trình tiêu hóa
Ngay sau khi bạn ăn, dạ dày và ruột bắt đầu làm việc để phân hủy thức ăn. Các cơ trong đường tiêu hóa liên tục co bóp để đẩy thức ăn qua hệ thống và hấp thụ chất dinh dưỡng. Khi khí và chất lỏng cùng di chuyển qua những vùng rỗng hoặc co thắt, tiếng “ọc ọc” tự nhiên xuất hiện như một phần của quá trình tiêu hóa.
Nuốt không khí
Những thói quen tưởng chừng vô hại như ăn quá nhanh, vừa ăn vừa nói, uống bằng ống hút, nhai kẹo cao su, hút thuốc,…đều khiến bạn vô tình nuốt không khí vào bụng. Lượng khí này, khi di chuyển qua dạ dày và ruột, có thể tạo ra tiếng động giống như sôi bụng.
Thực phẩm và đồ uống sinh khí
Một số loại thực phẩm dễ tạo khí trong đường ruột hơn những loại khác, chẳng hạn như:
- Đậu
- Đồ uống có gas (nước ngọt, bia,…)
- Rau họ cải (cải xanh, cải bắp,…)
- Thực phẩm giàu chất xơ
- Các sản phẩm từ sữa
- Chất tạo ngọt nhân tạo (sorbitol, xylitol,…)
Những thực phẩm này có thể khiến khí tích tụ nhiều hơn trong hệ tiêu hóa, dẫn đến âm thanh “ồn ào” từ bên trong bụng.
Không dung nạp lactose
Người không dung nạp lactose (một loại đường trong sữa) sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu hóa các sản phẩm từ sữa. Khi lactose không được phân giải ở ruột non, nó chuyển xuống ruột già và bị vi khuẩn lên men, sinh ra khí. Kết quả là đầy hơi, đau bụng và tất nhiên, tiếng sôi bụng cũng sẽ to hơn bình thường.
Tâm lý căng thẳng và lo âu
Căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn tác động mạnh đến hệ tiêu hóa. Khi bạn lo lắng, cơ thể sẽ thay đổi cách co bóp của ruột, làm cho bụng trở nên nhạy cảm hơn. Tình trạng này có thể gây ra tiếng động trong bụng ngay cả khi bạn không ăn gì.

Cách giảm sôi bụng
Mặc dù sôi bụng là một phần bình thường trong hoạt động của hệ tiêu hóa nhưng nếu bạn cảm thấy khó chịu hoặc muốn kiểm soát nó tốt hơn, những mẹo sau đây có thể giúp ích:
Ăn đều đặn
Không để bụng trống quá lâu là một trong những cách đơn giản nhất để hạn chế sôi bụng. Hãy chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để duy trì hoạt động tiêu hóa ổn định.
Ghi nhật ký ăn uống
Theo dõi thực đơn hàng ngày cùng các phản ứng tiêu hóa sau bữa ăn sẽ giúp bạn phát hiện những loại thực phẩm gây ra hiện tượng sôi bụng. Khi đã nhận diện được “thủ phạm”, bạn có thể điều chỉnh chế độ ăn phù hợp hơn.
Điều chỉnh cách ăn uống
Những thói quen đơn giản như ăn chậm, nhai kỹ, tránh nói chuyện khi ăn. hạn chế nuốt không khí khi nhai kẹo cao su hay dùng ống hút,…sẽ giúp giảm lượng khí thừa trong bụng, từ đó hạn chế tiếng kêu khó chịu.
Tránh thực phẩm sinh nhiều khí
Nếu bạn nhận thấy bụng mình thường xuyên kêu sau khi ăn các loại rau họ cải, đậu hoặc đồ uống có gas, hãy thử giảm lượng tiêu thụ. Đồng thời, hãy chú ý tới các chất tạo ngọt nhân tạo – chúng cũng là nguyên nhân khiến bụng dễ “ồn ào”.
Uống đủ nước
Bổ sung đủ nước không chỉ tốt cho toàn bộ cơ thể mà còn giúp quá trình tiêu hóa diễn ra trơn tru hơn, giảm nguy cơ đầy hơi và giảm sôi bụng.
Kiểm soát căng thẳng
Thực hành các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, thiền định, yoga hoặc đơn giản là tham gia các hoạt động yêu thích có thể giúp làm dịu hệ tiêu hóa và giảm thiểu ảnh hưởng của stress lên dạ dày.
Tăng cường vận động
Đi bộ nhẹ nhàng sau bữa ăn hoặc thay đổi tư thế ngồi cũng có thể giúp hạn chế tình trạng tích khí và giảm tiếng sôi bụng.

Khi nào sôi bụng là dấu hiệu đáng lo ngại?
Phần lớn trường hợp, sôi dụng chỉ là phản ứng tự nhiên và không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu bạn gặp tình trạng sôi bụng đi kèm với các dấu hiệu sau, hãy nhanh chóng tham khảo ý kiến bác sĩ:
- Đau bụng dữ dội hoặc kéo dài
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài
- Buồn nôn, nôn
- Có máu trong phân
- Không thể xì hơi hoặc cảm thấy chướng bụng nặng nề

Các bệnh lý liên quan có thể gây sôi bụng
Bệnh viêm ruột (IBD)
Bệnh Crohn và viêm loét đại tràng là hai dạng phổ biến của IBD. Những bệnh này gây viêm đường tiêu hóa và thường dẫn đến đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, sụt cân và sôi bụng liên tục.
Không dung nạp thực phẩm
Không chỉ lactose, mà cả gluten và một số carbohydrate khó tiêu hóa khác cũng có thể gây đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng, thay đổi thói quen đi tiêu và cả sôi bụng.
Viêm dạ dày ruột
Nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng có thể làm ruột bị viêm, gây tiêu chảy, sốt, đau bụng và sôi bụng.
Chảy máu đường tiêu hóa
Những tổn thương trong đường tiêu hóa như loét, nhiễm trùng, viêm ruột hoặc ung thư có thể dẫn đến chảy máu, làm thay đổi hoạt động của ruột và phát ra âm thanh bất thường.
Bệnh celiac
Đây là một bệnh tự miễn, trong đó gluten gây tổn thương ruột non. Người mắc bệnh celiac thường gặp khó khăn trong tiêu hóa và hấp thụ, dẫn đến đầy hơi, tiêu chảy và bụng “ồn ào”.
Tắc ruột
Tình trạng nguy hiểm này ngăn cản thức ăn và chất lỏng lưu thông, gây sưng, đau dữ dội và tiếng ruột bất thường. Đây là trường hợp khẩn cấp và cần can thiệp y tế ngay.
Giải đáp một số câu hỏi thường gặp
Có nên lo lắng khi bụng thường xuyên kêu?
Không nhất thiết. Hầu hết các trường hợp là bình thường. Tuy nhiên, nếu tiếng kêu đi kèm đau, tiêu chảy kéo dài, sụt cân hoặc thay đổi thói quen đi tiêu, bạn nên đi khám.
Tại sao bụng tôi kêu khi không đói?
Âm thanh có thể do khí, chất lỏng hoặc thức ăn còn trong ruột. Một số loại thực phẩm, hoặc tình trạng như không dung nạp lactose cũng khiến bụng kêu mà không liên quan đến cơn đói.
Có cách nào làm giảm tiếng kêu khi ở nơi yên tĩnh không?
Thay đổi tư thế, đứng dậy, đi lại nhẹ nhàng hoặc ấn nhẹ vào vùng bụng có thể giúp làm dịu âm thanh.
Nếu bụng tôi kêu cả ngày thì sao?
Nếu chỉ là tiếng kêu đơn thuần, bạn không cần quá lo. Nhưng nếu có kèm triệu chứng khác như đầy hơi, tiêu chảy hay đau bụng, bạn nên khám để xác định nguyên nhân.
Bạn có thể quan tâm:
Bạn có thể đóng góp ý kiến của mình về bài viết bằng cách để lại comment phía dưới nhé.