Viêm là phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với chất gây kích ứng, chấn thương hoặc nhiễm trùng. Viêm cấp tính (ngắn hạn) thường không quá nguy hiểm nhưng nếu tình trạng này kéo dài (viêm mạn tính), nó có thể gây tổn thương cho cơ thể, thậm chí là làm tăng nguy cơ mắc nhiều tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm một số bệnh ung thư và bệnh tim. Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ viêm và thực phẩm là một trong số đó. Cụ thể, một số loại thực phẩm có tác dụng chống viêm trong khi một số loại khác có thể gây viêm hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng viêm. Do đó, việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh, cân bằng có thể giúp ngăn ngừa và cải thiện viêm nhiễm. Dưới đây là 7 loại thực phẩm có thể gây viêm mà bạn nên hạn chế tiêu thụ.
1. Thực phẩm có nhiều đường
Tiêu thụ các loại thực phẩm có nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ bị viêm hoặc làm tình trạng viêm trở nên trầm trọng hơn. Nguyên nhân là vì đường có thể kích thích sự phát triển của vi khuẩn và vi rút gây bệnh, đặc biệt là gây rối loạn khuẩn đường ruột – tình trạng mà các vi sinh vật có lợi ít hơn so với các vi sinh vật có khả năng gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều đường còn liên quan đến một số bệnh viêm nhiễm, bao gồm bệnh tim, béo phì và gan nhiễm mỡ.

2. Thức ăn nhanh
Ăn quá nhiều thức ăn nhanh có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, tiêu biểu nhất phải kể đến béo phì và viêm nhiễm. Nguyên nhân của việc này là do thức ăn nhanh thường chứa nhiều gia vị và các chất phụ gia.
Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều muối làm tăng sản xuất các protein gây viêm, chẳng hạn như yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF-α) và interleukin-6, (IL-6). Lượng muối cao cũng liên quan đến các tình trạng viêm như viêm khớp dạng thấp (RA) và có thể gây xơ vữa động mạch (mảng bám tích tụ trong động mạch), làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

3. Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn
Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, ví dụ như thịt xông khói và xúc xích, được được xếp vào nhóm thực phẩm có nguy cơ gây viêm cao. Thường xuyên tiêu thụ các loại thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể làm tăng khả năng mắc viêm mạn tính. Ví dụ, chế độ ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có liên quan đến các dấu hiệu viêm như protein phản ứng C (CRP) và protein gây viêm đại thực bào (MIP) ở những phụ nữ được coi là thừa cân hoặc béo phì. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn sẽ làm tăng nồng độ trimethylamine-N-oxide (TMAO) trong máu, một hợp chất do vi khuẩn đường ruột sản xuất có khả năng gây ra viêm và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

4. Thực phẩm chiên rán
Thực phẩm chiên rán, chẳng hạn như khoai tây chiên, thịt xông khói và gà rán, chứa nhiều AGE – hợp chất được tạo ra thông qua phản ứng giữa đường và protein hoặc chất béo. Chế độ ăn nhiều AGE góp phần làm tăng khả năng gây viêm và stress oxy hóa. Ngoài ra, AGE còn có liên quan đến quá trình lão hóa nhanh cũng như làm tăng nguy cơ mắc nhiều tình trạng sức khỏe do viêm như tiểu đường, bệnh tim và một số bệnh ung thư.

5. Thực phẩm có hàm lượng muối cao
Ăn các loại thực phẩm có hàm lượng muối cao hoặc thêm quá nhiều muối vào thức ăn có thể làm tăng nguy cơ gây viêm hoặc khiến tình trạng viêm trở nên trầm trọng hơn.
Một nghiên cứu cho thấy lượng muối cao có thể góp phần gây ra bệnh viêm ruột (IBD) – là bệnh lý viêm mãn tính ở ruột, bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng – và làm bệnh trở nên trầm trọng hơn. Nguyên nhân là vì muối ảnh hưởng tiêu cực đến vi khuẩn đường ruột, làm giảm mức độ vi khuẩn bảo vệ và làm tăng tình trạng viêm ở đường tiêu hóa.

6. Chất tạo ngọt nhân tạo
Một số chất tạo ngọt nhân tạo, như aspartame và sucralose, được cho là có thể làm tăng nguy cơ bị viêm. Cụ thể, một số thí nghiệm cho thấy tiêu thụ chất tạo ngọt nhân tạo (aspartame) có thể gây ra những thay đổi tiêu cực ở vi khuẩn đường ruột và thúc đẩy môi trường gây viêm trong đường tiêu hóa. Các nghiên cứu trên động vật cũng phát hiện sucralose có thể làm giảm vi khuẩn bifidobacteria có lợi và làm tăng vi khuẩn đường ruột gây viêm, dẫn đến tình trạng viêm ruột. Mặc dù các nghiên cứu trên người còn hạn chế nhưng đây cũng là những cảnh báo mà bạn cần lưu ý.

7. Rượu
Rượu là tác nhân hàng đầu gây viêm cho cơ thể. Cụ thể, rượu làm tổn thương các mô và kích hoạt sự hình thành các gốc tự do, dẫn đến tình trạng viêm. Uống rượu cũng làm tăng sản xuất các protein gây viêm như TNF-α. Khi uống rượu trong thời gian dài, nồng độ TNF-α tăng có thể gây tổn thương các cơ quan như gan và dẫn đến bệnh gan do rượu (ALD). Để ngăn ngừa và hạn chế tối đa tình trạng viêm, bạn nên ngừng sử dụng rượu hoặc chỉ uống với lượng vừa phải.

Dưới đây là 7 loại thực phẩm có thể gây viêm cực phổ biến. Để ngăn ngừa và cải thiện tình trạng viêm, bạn nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm trên. Điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể sức khỏe của bạn.
Bạn có thể xem các bài viết có liên quan tại đây:
- Tăng huyết áp tĩnh mạch là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- 10 loại thực phẩm cần tránh khi bạn bị viêm dạ dày
- 7 thực phẩm giúp tăng cường trao đổi chất mà bạn nên bổ sung vào chế độ ăn uống thường ngày
- 15 cách cải thiện sức khỏe đường ruột đơn giản, hiệu quả và an toàn mà bạn có thể thực hiện ngay tại nhà
- 10 loại thực phẩm gây ợ nóng mà bạn nên lưu ý
- 10+ thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch: Ngon – bổ – dễ tìm!
- 10+ loại thực phẩm tốt cho xương cực phổ biến và dễ tìm mà bạn có thể đưa vào thực đơn hằng ngày
- 10 loại thực phẩm giàu protein thực vật mà những người ăn chay không nên bỏ qua
- 10 thực phẩm có khả năng giảm nguy cơ ung thư mà bạn nên biết
- 16 mẹo giảm cân “lười biếng” không cần kiêng khem, càng ăn càng gầy!
Bài viết này còn chưa hoàn thiện nếu thiếu đi những ý kiến đóng góp của các bạn, hãy bình luận và chia sẻ để chúng ta cùng nhau hoàn thiện nhé.