Sức khỏe đường ruột rất quan trọng, ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe thể chất và cả tinh thần. Đường ruột khỏe mạnh không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa mà còn hỗ trợ tăng cường miễn dịch và cải thiện sức khỏe não bộ. Dưới đây là 15 cách cải thiện sức khỏe đường ruột đơn giản, hiệu quả và an toàn mà bạn có thể thực hiện ngay tại nhà!
- 1. Ăn nhiều thực phẩm lên men
- 2. Ăn nhiều chất xơ
- 3. Uống đủ nước
- 4. Hạn chế tiêu thụ thức ăn nhiều đường
- 5. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn
- 6. Hạn chế tiêu thụ rượu bia
- 7. Nhai kỹ thức ăn
- 8. Ăn đa dạng các loại thức ăn
- 9. Tập thể dục thường xuyên
- 10. Ngủ đủ giấc
- 11. Quản lý căng thẳng
- 12. Bỏ thuốc lá
- 13. Không lạm dụng thuốc kháng sinh
- 14. Hạn chế thực phẩm chiên rán và nhiều chất béo
- 15. Cẩn thận khi sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
1. Ăn nhiều thực phẩm lên men
Bổ sung thực phẩm lên men như sữa chua, kefir, dưa chua, kim chi, miso, tempeh, kombucha,…vào chế độ ăn hàng ngày có thể giúp cải thiện sức khỏe đường ruột. Nguyên nhân là vì các loại thực phẩm lên men này chứa rất nhiều lợi khuẩn có thể giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, từ đó hỗ trợ cải thiện tiêu hóa và giữ cho hệ đường ruột luôn khỏe mạnh.

2. Ăn nhiều chất xơ
Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và chức năng đường ruột. Tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ có thể giúp thúc đẩy quá trình tiêu hoá, duy trì nhu động ruột ổn định, ngăn ngừa táo bón đồng thời cải thiện sức khỏe đường ruột nhờ hỗ trợ nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong đường ruột.

3. Uống đủ nước
Nước đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể và việc uống đủ nước cũng mang đến nhiều lợi ích đối sức khỏe đường ruột. Cụ thể, nước giúp mọi thứ chuyển động trơn tru hơn trong đường tiêu hóa, hỗ trợ loại bỏ chất thải nhanh chóng, ngăn ngừa táo bón, hạn chế vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiêu hóa và hỗ trợ bảo vệ niêm mạc ruột.

4. Hạn chế tiêu thụ thức ăn nhiều đường
Sức khỏe đường ruột có liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống và việc tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt có thể gây hại cho đường ruột của bạn. Nguyên nhân là vì việc thường xuyên tiêu thụ các loại thực phẩm có nhiều đường có thể kích thích sự phát triển của vi khuẩn và nấm có hại, khiến lợi khuẩn trong đường ruột giảm, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Do đó, để duy trì sức khỏe đường ruột, bạn nên hạn chế tiêu thụ những thực phẩm chứa nhiều đường nhé!

5. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn có thể xem là kẻ thù không đội trời chung của ruột. Nguyên nhân là vì các loại thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều gia vị, chất phụ gia và chất bảo quản,… Những chất này có thể phá vỡ hệ vi sinh vật đường ruột và dẫn đến tình trạng viêm. Chính vì thế, để duy trì hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh, bạn nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn.

6. Hạn chế tiêu thụ rượu bia
Hạn chế tiêu thụ rượu bia là việc rất cần thiết để bảo vệ hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Khi bạn uống nhiều rượu bia, hệ vi sinh đường ruột có thể bị mất cân bằng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe đường ruột. Ngoài ra, cồn trong bia rượu còn kích thích niêm mạc ruột, làm tăng tốc độ co bóp của cơ trực tràng, tăng acid trong dạ dày,…gây cảm giác khó chịu, buồn nôn, tiêu chảy, viêm loét dạ dày, thậm chí là có thể gây viêm đại tràng mạn tính.

7. Nhai kỹ thức ăn
Thói quen nhai kỹ thức ăn rất có ích đối với sức khỏe đường ruột. Nhai kỹ có thể giúp thức ăn được nghiền nát thành nhiều mảnh nhỏ, làm giảm áp lực cho dạ dày và ruột. Ngoài ra, việc nhai kỹ thức ăn cũng giúp hấp thụ nhanh chóng chất dinh dưỡng, hạn chế tình trạng khó tiêu, đầy hơi.

8. Ăn đa dạng các loại thức ăn
Việc ăn đa dạng các loại thức ăn không chỉ phục vụ sở thích và khẩu vị của bạn mà còn tham gia vào quá trình cải thiện sức khỏe đường ruột. Nguyên nhân là vì chế độ ăn đa dạng có thể giúp hệ vi sinh trong đường ruột trở nên đa dạng hơn. Điều này rất có ích đối với sức khỏe hệ tiêu hóa nói chung và sức khỏe đường ruột nói riêng.

9. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên là một trong những cách hiệu quả để cải thiện sức khỏe đường ruột. Tập thể dục thường xuyên thúc đẩy nhu động ruột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru và ngăn ngừa táo bón. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy tập thể dục thường xuyên có thể giúp hệ vi sinh vật đường ruột trở nên đa dạng hơn.

10. Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm có thể giúp duy trì, cải thiện sức khỏe đường ruột. Lý do cho việc này là khi bạn có một chất ngủ chất lượng, lợi khuẩn trong đường ruột sẽ được phát triển tốt hơn. Ngược lại, ngủ không đủ giấc sẽ làm gián đoạn hệ vi sinh vật đường ruột, khiến hệ tiêu hóa của bạn khó hoạt động hơn.

11. Quản lý căng thẳng
Bạn có biết căng thẳng cũng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa – bao gồm cả sức khỏe đường ruột? Cụ thể, khi tình trạng căng thẳng kéo dài, cơ thể sẽ giải phóng nhiều hormone và một số trong đó có thể phá vỡ sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột. Để cải thiện căng thẳng, bạn có thể thực hành thiền, yoga hoặc tập luyện thể thao,…

12. Bỏ thuốc lá
Thuốc lá không chỉ gây hại cho phổi mà nó còn tàn phá đường ruột của bạn! Hút thuốc lá có thể phá vỡ sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột, gây ra chứng trào ngược axit dạ dày, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn H. Pylori và loét dạ dày, chảy máu và đau ruột non,… Nghiêm trọng hơn, thuốc lá còn làm tăng khả năng ung thư dạ dày, ung thư ruột và ung thư trực tràng. Để bảo vệ đường ruột nói riêng và sức khỏe tổng thể, bạn nên ngừng hút thuốc và tránh xa những nơi có khói thuốc lá.

13. Không lạm dụng thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh có thể là “đồng minh” nhưng cũng có thể trở thành “kẻ thù” của cơ thể khi bị lạm dụng. Nguyên nhân là vì thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt mọi vi khuẩn, từ vi khuẩn gây hại đến vi khuẩn có lợi. Điều này có thể khiến hệ vi sinh đường ruột bị hỗn loạn. Tốt nhất, chỉ sử dụng kháng sinh khi cần thiết (theo yêu cầu của bác sĩ), sau đó dùng men vi sinh để tái tạo hệ sinh thái mong manh trong đường ruột.

14. Hạn chế thực phẩm chiên rán và nhiều chất béo
Ăn nhiều thực phẩm chiên rán và giàu chất béo có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với đường ruột. Cụ thể, những thực phẩm này thường khó tiêu hóa và có thể dẫn đến tình trạng viêm. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ và thay bằng các chất béo lành mạnh từ dầu oliu, quả bơ, cá béo, các loại hạt,…đường ruột của bạn sẽ được bảo vệ tốt hơn.

15. Cẩn thận khi sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc chống viêm không steroid (như ibuprofen) có thể gây kích ứng niêm mạc ruột của bạn. Sử dụng quá nhiều những loại thuốc này có thể dẫn đến loét và một loạt các vấn đề về ruột khác. Để duy trì sức khỏe đường ruột, bạn nên tuân thủ liều lượng khuyến cáo, tránh dùng chúng nhiều ngày liên tiếp và lựa chọn các phương pháp thay thế khác an toàn hơn khi có thể.

Bạn có thể quan tâm:
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình. Hãy để lại một lời nhắn cho mình để mình biết bạn đã ghé thăm và có cảm nhận gì về nó nhé!