Hệ thống nội tiết được tạo thành từ các tuyến sản xuất hormone (chất truyền tin hóa học), tất cả đều có chức năng khác nhau trong cơ thể. Rối loạn nội tiết xảy ra khi hệ thống nội tiết của bạn sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone, đôi khi là do cơ thể không phản ứng đúng với hormone. Tại Hoa Kỳ, khoảng 5% người lớn mắc chứng rối loạn nội tiết. Trong đó, bệnh tiểu đường là loại phổ biến nhất. Tùy thuộc vào bộ phận nào của hệ thống nội tiết bị ảnh hưởng mà rối loạn nội tiết sẽ có các triệu chứng, phương pháp điều trị và tiên lượng dài hạn khác nhau.

Các loại rối loạn nội tiết

Có nhiều loại rối loạn nội tiết, bao gồm:

  • Rối loạn chuyển hóa: Những rối loạn này liên quan đến cách cơ thể bạn tạo ra hoặc phản ứng với insulin, một loại hormone do tuyến tụy sản xuất giúp các tế bào sử dụng glucose để tạo năng lượng. Ví dụ gồm có bệnh tiểu đường loại 1, bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tiểu đường thai kỳ.
  • Rối loạn tuyến giáp: Hormone tuyến giáp tác động đến cách cơ thể bạn sử dụng năng lượng, có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, hơi thở và tiêu hóa. Ví dụ về rối loạn tuyến giáp bao gồm cường giáp và suy giáp.
  • Rối loạn tuyến thượng thận: Tuyến thượng thận nằm trên mỗi quả thận. Chúng tạo ra hormone gây căng thẳng và một số hormone sinh dục. Ví dụ về rối loạn tuyến thượng thận bao gồm bệnh Addison và hội chứng Cushing.
  • Rối loạn tuyến yên: Tuyến yên trong não giúp kiểm soát sự phát triển của cơ thể và ảnh hưởng đến hoạt động của các tuyến nội tiết khác. Ví dụ về các rối loạn tuyến yên bao gồm bệnh lùn và bệnh to đầu chi (bệnh khổng lồ).
  • Rối loạn hormone sinh dục: Buồng trứng và tinh hoàn là một phần của hệ thống nội tiết. Chúng tạo ra các hormone giúp cơ quan sinh sản của bạn phát triển. Ví dụ về các rối loạn hormone sinh dục bao gồm dậy thì sớm và hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
  • Rối loạn tuyến cận giáp: Tuyến cận giáp tạo ra các hormone giúp cân bằng canxi và phốt pho, hai khoáng chất chính trong máu của bạn. Ví dụ về các rối loạn này bao gồm cường cận giáp và suy cận giáp.
rối loạn nội tiết
Có nhiều loại rối loạn nội tiết (Ảnh: Internet)

Triệu chứng của loại rối loạn nội tiết

Vì hormone liên quan đến hầu hết các hoạt động của cơ thể nên việc mất cân bằng hormone có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn. Nhiều rối loạn nội tiết gây ra tình trạng mệt mỏi và thay đổi tâm trạng, thế nhưng, tùy thuộc vào từng loại rối loạn mà các triệu chứng cũng có thể sẽ khác nhau. Một số triệu chứng có thể kể đến gồm:

Loại rối loạn nội tiếtTriệu chứng
Rối loạn chuyển hóaMệt mỏi, lượng đường trong máu cao hoặc thấp hơn bình thường, tăng hoặc giảm cân, đói hoặc khát quá mức
Rối loạn tuyến giápMệt mỏi, tăng hoặc giảm cân, yếu cơ, da khô, cảm thấy lạnh, nhịp tim nhanh hoặc chậm bất thường, thay đổi tâm trạng, khó ngủ, tiêu chảy hoặc táo bón
Rối loạn tuyến thượng thậnMệt mỏi; thay đổi tâm trạng; huyết áp cao hoặc thấp; thay đổi sức khỏe làn da; thay đổi chu kỳ kinh nguyệt; các vấn đề về dạ dày như táo bón, tiêu chảy, buồn nôn và nôn,…
Rối loạn tuyến yênMệt mỏi, suy nhược, thay đổi cân nặng, huyết áp thấp, vấn đề tình dục, cơ thể phát triển nhanh, đau khớp, tăng lông trên cơ thể
Rối loạn hormone sinh dụcDậy thì muộn hoặc sớm hơn bình thường, cơ thể phát triển chậm hoặc nhanh bất thường, mô vú sưng, các vấn đề về khả năng sinh sản
Rối loạn tuyến cận giápMệt mỏi, đau xương, sỏi thận, buồn tiểu nhiều, ngứa ran ở tay và chân, chuột rút cơ, da và móng tay khô, co giật, các vấn đề về răng

Nguyên nhân gây ra rối loạn nội tiết là gì?

Rối loạn nội tiết xảy ra khi tuyến nội tiết sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone. Tình trạng này cũng có thể xảy ra khi cơ thể bạn không thể phản ứng đủ tốt với hormone. Ví dụ, một số người mắc bệnh tiểu đường loại 2 là do cơ thể họ không sử dụng insulin đúng cách dù insulin được sản xuất đủ.

Khối u, rối loạn tự miễn và nhiễm trùng cũng có thể dẫn đến rối loạn nội tiết.

Rối loạn nội tiết xảy ra khi tuyến nội tiết sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone, cơ thể bạn không thể phản ứng đủ tốt với hormone
Rối loạn nội tiết xảy ra khi tuyến nội tiết sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone, cơ thể bạn không thể phản ứng đủ tốt với hormone, rối loạn tự miễn hay nhiễm trùng,… (Ảnh: Internet)

Các yếu tố nguy cơ

Một số người có nguy cơ mắc các rối loạn nội tiết cao hơn dựa trên các yếu tố như:

  • Tiền sử gia đình: Bạn có thể có nhiều khả năng mắc bệnh nếu có người thân bị rối loạn nội tiết.
  • Di truyền: Một số rối loạn nội tiết có thể được di truyền (truyền qua gia đình).
  • Độ tuổi: Các rối loạn nội tiết khác nhau sẽ phổ biến ở những độ tuổi khác nhau. Ví dụ, bệnh tiểu đường loại 1 phổ biến hơn ở trẻ em và người trẻ tuổi nhưng bệnh tiểu đường loại 2 phổ biến hơn sau 45 tuổi.
  • Giới tính: Một số bệnh nội tiết có liên quan đến giới tính sinh học của bạn, bao gồm rối loạn hormone sinh dục, bệnh tuyến giáp và cường cận giáp.
  • Tiếp xúc với hóa chất: Một số chuyên gia tin rằng việc tiếp xúc nhiều lần với một số hóa chất nhất định có thể ảnh hưởng đến hormone của cơ thể bạn theo thời gian.
  • Các tình trạng sức khỏe khác: Những người mắc các tình trạng sức khỏe mãn tính như béo phì hoặc tăng huyết áp (huyết áp cao) có nhiều khả năng mắc một số rối loạn nội tiết nhất định, chẳng hạn như bệnh tuyến giáp hoặc tiểu đường.

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ chẩn đoán từng loại rối loạn nội tiết khác nhau vì các xét nghiệm khác nhau cho thấy các dấu hiệu của các rối loạn khác nhau. Ngoài tiền sử bệnh án và khám sức khỏe, các xét nghiệm mà bác sĩ có thể sử dụng để chẩn đoán rối loạn nội tiết bao gồm:

  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm di truyền
  • Phân tích nước tiểu
  • Các xét nghiệm hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT)
chẩn đoán rối loạn nội tiết
Có nhiều cách để chẩn đoán rối loạn nội tiết (Ảnh: Internet)

Phương pháp điều trị rối loạn nội tiết

Có nhiều phương pháp điều trị cho các rối loạn nội tiết. Một số rối loạn có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật trong khi những rối loạn khác cần phải điều trị liên tục bằng thuốc hoặc thay đổi lối sống. Mỗi phương án điều trị đều nhằm mục đích giúp cơ thể hoạt động gần với mức bình thường nhất có thể.

Thuốc

Thuốc theo toa có thể giúp nhiều người kiểm soát các rối loạn nội tiết của họ. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà thuốc cũng sẽ có sự khác biệt.

Một số ví dụ cho điều này có thể kể đến việc tiêm insulin và metformin giúp duy trì lượng đường trong máu. Bác sĩ cũng có thể đề nghị dùng thuốc nội tiết tố để giúp tăng hoặc giảm sản xuất các loại hormone khác nhau.

Phẫu thuật

Bác sĩ phẫu thuật có thể cắt bỏ các tuyến không hoạt động bình thường hoặc có khối u. Phẫu thuật thường được sử dụng cho một số rối loạn nội tiết như các vấn đề về tuyến thượng thận, tuyến yên, tuyến cận giáp và tuyến giáp.

Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống có thể giúp cải thiện các triệu chứng của nhiều rối loạn nội tiết. Phương pháp này bao gồm tập thể dục thường xuyên, ăn uống cân bằng và bổ dưỡng, không hút thuốc hoặc uống rượu. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể cần dùng thuốc hoặc phẫu thuật để ngăn ngừa việc rối loạn nội tiết gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Các tình trạng liên quan

Nếu bạn bị rối loạn nội tiết, một số vấn đề về sức khỏe có khả năng xảy ra cao hơn, bao gồm:

  • Huyết áp cao: Một số rối loạn nội tiết có thể gây ra huyết áp cao.
  • Các vấn đề về khả năng sinh sản: Một số rối loạn nội tiết có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình rụng trứng, kinh nguyệt, chất lượng hoặc khả năng sản xuất tinh trùng. Điều này có thể khiến việc mang thai trở nên khó khăn hơn.
  • Các tình trạng thần kinh: Hệ thống nội tiết liên quan đến hệ thần kinh và kiểm soát nhiều nhiệm vụ hàng ngày của cơ thể bạn. Những người mắc các rối loạn nội tiết có nhiều khả năng bị đau đầu, thay đổi thị lực, đau hoặc yếu cơ.
Rối loạn nội tiết
Rối loạn nội tiết có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe khác (Ảnh: Internet)

Sống chung với rối loạn nội tiết

Các rối loạn nội tiết có thể gây nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng đối với một số người, đặc biệt là nếu không được điều trị. Các rối loạn nội tiết không được điều trị cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, sức khỏe tim mạch kém, trầm cảm và một số bệnh ung thư.

Hầu hết các rối loạn nội tiết đều có thể điều trị được, nhiều người chỉ gặp số ít triệu chứng hoặc biến chứng. Điều quan trọng là rối loạn nội tiết phải được điều trị và bạn nên làm việc với bác sĩ chăm sóc sức khỏe để giúp kiểm soát bệnh.

Câu hỏi thường gặp

Rối loạn nội tiết ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần như thế nào?

Những người mắc chứng rối loạn nội tiết có thể gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, hưng cảm và rối loạn ăn uống. Sự mất cân bằng hormone có thể góp phần gây ra những thay đổi về sức khỏe tâm thần này.

Đôi khi, những tác động liên quan đến chứng rối loạn nội tiết như tăng cân và vô sinh cũng có thể góp phần gây ra những thay đổi về sức khỏe tâm thần.

Bạn có thể mắc nhiều chứng rối loạn nội tiết không?

Có thể mắc nhiều hơn một chứng rối loạn nội tiết. Ví dụ, những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có nhiều khả năng gặp vấn đề về tuyến giáp hơn những người không mắc bệnh tiểu đường.

Một tình trạng hiếm gặp được gọi là đa u nội tiết (MEN) cũng tồn tại, khiến khối u phát triển ở hai hoặc nhiều tuyến.

Rối loạn nội tiết có thể hồi phục được không?

Hầu hết các chứng rối loạn nội tiết đều không thể hồi phục được, nhưng một số ít thì có thể. Một số loại có thể chữa khỏi bằng cách phẫu thuật để cắt bỏ tuyến không hoạt động như mong đợi hoặc có khối u. Bệnh tiểu đường loại 2 đôi khi có thể được chữa khỏi bằng sự kết hợp đúng đắn giữa phương pháp điều trị và thay đổi lối sống.

Nguồn dịch: What To Know About Endocrine Disorders (Sarah Bradley) – Health

Bạn có thể quan tâm:

Xem thêm

6 thói quen âm thầm tàn phá xương khớp mà nhiều người hay mắc phải

Có thể bạn không biết, ngoài quá trình thoái hóa xương khớp tự nhiên làm chúng ta đau nhức và khó chịu thì có nhiều lý do phát sinh do chính chúng ta tác động làm hại xương khớp. 6 thói quen âm thầm tàn phá xương khớp nhiều người hay mắc ngay sau đây sẽ khiến bạn phải ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận