Ăn nhiều đường sẽ gây bệnh tiểu đường? Người bị tiểu đường có cần chế độ ăn đặc biệt gì không, và vì sao họ cần tiêm ngừa cúm? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu những sự thật về bệnh tiểu đường tưởng như đơn giản mà thực ra không phải ai cũng biết nhé!

1. Thừa cân béo phì sẽ dẫn tới tiểu đường?

Thừa cân là một yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc tiểu đường tuýp 2, nhưng có nhiều yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng, chẳng hạn như tuổi, chủng tộc, tiền sử gia đình và mức độ vận động thể chất.

Một vài yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường (Ảnh: Internet).
Một vài yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường (Ảnh: Internet).

Trên thực tế có nhiều bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có cân nặng nằm trong giới hạn bình thường. Và điều đặc biệt là thừa cân không có mối liên quan với tiểu đường tuýp 1.

2. Uống nước ngọt có gây tiểu đường không?

Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng uống nước ngọt có liên quan với tiểu đường tuýp 2. Hiệp hội Tiểu đường Mỹ khuyến cáo mọi người nên tránh những đồ uống có đường và thay bằng nước thường bất cứ khi nào có thể để phòng tránh tiểu đường tuýp 2. Tính trung bình, một lon nước ngọt thông thường (thể tích khoảng 350ml) có chứa khoảng 150 calo và 40 gram đường, tương đương với 10 thìa cà phê.

Uống nhiều nước ngọt làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường (Ảnh: Internet).
Uống nhiều nước ngọt làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường (Ảnh: Internet).

3. Người bị tiểu đường có cần ăn các loại thực phẩm đặc biệt không?

Điều này là không cần thiết. Trên thực tế những sản phẩm được dán nhãn “tốt cho người tiểu đường” vẫn có thể làm tăng mức đường huyết, chưa kể giá bán thường cao hơn thực phẩm thông thường.

Thực phẩm tự nhiên vẫn là lựa chọn tốt nhất với tất cả mọi người (Ảnh: Internet).
Thực phẩm tự nhiên vẫn là lựa chọn tốt nhất với tất cả mọi người (Ảnh: Internet).

Chế độ ăn lành mạnh cho người bị tiểu đường về cơ bản không khác biệt so với chế độ ăn lành mạnh dành cho tất cả mọi người. Có rất nhiều cách khác nhau để lên kế hoạch cho một bữa ăn phù hợp với bệnh tiểu đường, nhưng nhìn chung nên chọn các loại rau ít tinh bột, hạn chế cho thêm đường, không dùng các loại ngũ cốc đã qua chế biến mà thay bằng ngũ cốc nguyên hạt, và ưu tiên các thực phẩm tươi sống toàn phần thay vì những thực phẩm đã chế biến sẵn.

4. Người bị tiểu đường có cần loại bỏ hoàn toàn các loại tinh bột ra khỏi chế độ ăn không?

Mặc dù một số người áp dụng chế độ ăn hoàn toàn không có tinh bột, nhưng thực ra không có bằng chứng nào cho thấy đó là điều bắt buộc.

Người bị tiểu đường vẫn có thể ăn các loại tinh bột lành mạnh (Ảnh: Internet).
Người bị tiểu đường vẫn có thể ăn các loại tinh bột lành mạnh (Ảnh: Internet).

Các nghiên cứu hiện nay đều chỉ ra rằng việc kết hợp cân bằng các thực phẩm chứa bột đường, protein và chất béo với lượng hợp lý trong chế độ ăn có thể giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả. Người bị tiểu đường có thể trao đổi với bác sĩ để được tư vấn chế độ ăn phù hợp nhất.

5. Người bị tiểu đường có thể ăn bánh kẹo ngọt hay không?

Các loại đồ ngọt vẫn có thể dùng được đối với bệnh nhân tiểu đường, nhưng chỉ ăn một lượng rất ít và dành cho những dịp đặc biệt chứ không thường xuyên.

Người bị tiểu đường nên hạn chế các loại bánh kẹo ngọt (Ảnh: Internet).
Người bị tiểu đường nên hạn chế các loại bánh kẹo ngọt (Ảnh: Internet).

Điều quan trọng là cần duy trì chế độ ăn hằng ngày hợp lý và lành mạnh, còn bánh kẹo chỉ là món “ăn chơi” lâu lâu mới dùng một ít thôi.

6. Bệnh tiểu đường có lây không?

Không. Mặc dù còn nhiều vấn đề chưa được hiểu rõ về nguyên nhân và cơ chế gây nên bệnh tiểu đường, nhưng hiện nay chúng ta có thể khẳng định rằng tiểu đường không phải là bệnh truyền nhiễm và không thể lây như cảm cúm được.

7. Có phải người bị tiểu đường dễ bị ốm vặt hơn người bình thường không?

Các bệnh nhân tiểu đường thường được khuyên nên tiêm ngừa đầy đủ, nhưng không phải vì họ dễ mắc bệnh hơn, mà là vì bất kỳ bệnh nào khi mắc phải cũng có thể làm cho tình trạng tiểu đường trở nên khó kiểm soát.

Bệnh nhân tiểu đường nên tiêm ngừa đầy đủ (Ảnh: Internet).
Bệnh nhân tiểu đường nên tiêm ngừa đầy đủ (Ảnh: Internet).

Thực tế đã cho thấy những người bị tiểu đường khi mắc thêm bệnh khác (như cúm chẳng hạn) sẽ có khả năng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nhiều hơn.

8. Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 được bác sĩ yêu cầu tiêm insulin chứng tỏ họ đã không kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình?

Không hẳn. Đối với hầu hết các trường hợp, tiểu đường tuýp 2 là một bệnh diễn tiến nặng dần theo thời gian. Đầu tiên các tế bào của cơ thể bị mất khả năng sử dụng insulin – hormone có tác dụng đưa các phân tử đường glucose từ máu vào trong tế bào – làm cho lượng đường trong máu tăng cao.

Thuốc trị tiểu đường gồm 2 loại: thuốc uống và insulin dạng tiêm (Ảnh: Internet).
Thuốc trị tiểu đường gồm 2 loại: thuốc uống và insulin dạng tiêm (Ảnh: Internet).

Khi mới được chẩn đoán, bệnh nhân thường có thể kiểm soát mức đường huyết của mình bằng cách kết hợp chế độ ăn hợp lý, vận động thể lực và dùng các loại thuốc uống. Đa số thuốc trị tiểu đường hiện nay có cơ chế là kích thích tuyến tụy tiết insulin, tăng cường tác dụng của insulin, hoặc thải bớt đường ra khỏi cơ thể.

Nhưng theo thời gian, lượng insulin tự nhiên của cơ thể ngày càng ít đi dù bệnh nhân đã tuân thủ điều trị, và cuối cùng thuốc uống sẽ không đủ khả năng kiểm soát đường huyết nữa. Khi đó bệnh nhân buộc phải tiêm insulin ngoại sinh để thay thế cho insulin của cơ thể.

9. Bị bệnh tiểu đường là do ăn nhiều đường?

Bất kỳ chế độ ăn nào chứa nhiều năng lượng – dù đó là đường hay bất kỳ loại thực phẩm nào khác – đều làm tăng cân, và tăng cân là một yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc tiểu đường tuýp 2.

10. Nguyên nhân gây tiểu đường là do cơ thể không tạo ra đủ insulin?

Đa số những người bị tiểu đường tuýp 2 có lượng insulin bình thường ở thời điểm mới phát hiện bệnh, nhưng các tế bào lại không sử dụng được insulin này và khiến tụy phải tăng cường sản xuất insulin hơn nữa và đến một lúc nào đó sẽ cạn kiệt.

11. Người bị tiểu đường không thể vận động thể chất thoải mái như người bình thường?

Tập thể dục rất có lợi cho người bị tiểu đường (Ảnh: Internet).
Tập thể dục rất có lợi cho người bị tiểu đường (Ảnh: Internet).

Thực ra vận động thể lực là một trong những yếu tố then chốt để kiểm soát đường huyết, giúp cơ bắp sử dụng được glucose mà không phụ thuộc vào insulin và giúp các tế bào trong cơ thể sử dụng insulin tốt hơn. Người bị tiểu đường nên thảo luận với bác sĩ để thiết kế một chương trình tập luyện phù hợp với bản thân.

12. Người bị tiểu đường không cần phải thử đường huyết thường xuyên vì có thể tự cảm nhận được?

Không thể dựa vào cảm giác của bản thân để biết được mức đường huyết tăng cao hay hạ thấp. Bản thân những triệu chứng của tiểu đường rất mơ hồ và dễ bị nhầm với nhiều vấn đề khác, do đó thử đường huyết là cách chính xác nhất để theo dõi tình trạng bệnh của mình.

Bạn có thể tìm mua các loại máy đo đường huyết tại nhà ở đây nhé.

13. Vì sao bệnh nhân tiểu đường cần được khám mắt và khám bàn chân định kỳ?

Tiểu đường không được kiểm soát tốt có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho các cơ quan tưởng như “chẳng liên quan” gì, bao gồm tổn thương thị lực, bệnh thận, loét và nhiễm trùng chân, bệnh tim, đột quỵ…

Tiểu đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm (Ảnh: Internet).
Tiểu đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm (Ảnh: Internet).

Do đó bên cạnh việc tuân thủ điều trị để kiểm soát đường huyết, người bệnh cũng cần được khám mắt, khám bàn chân và một số xét nghiệm khác để phát hiện sớm các biến chứng nguy hiểm nếu có.

Trên đây là những lưu ý bạn cần nhớ về bệnh tiểu đường, vấn đề ngày càng phổ biến và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được hiểu đúng và khắc phục kịp thời. Hãy lan tỏa những kiến thức hữu ích để cuộc sống luôn khỏe mạnh và tươi vui bạn nhé!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

5 cách đi bộ có thể cải thiện sức khỏe tim mạch của bạn

Đi bộ là một bài tập tuyệt vời đáng ngạc nhiên cho sức khỏe tim mạch của bạn. Bất kể mức độ thể chất của bạn, bạn luôn có thể bắt đầu bằng việc đi dạo. Khi làm như vậy, bạn sẽ khiến chân tay cử động, bơm máu và lưu thông oxy.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Mộc Chi

Bà nội mình cũng bị tiểu đường, phải ăn mì gạo trắng thay cơm rất khổ. Cám ơn tác giả đã chia sẻ