Sau khi bị dẫn độ trở về Mỹ vào ngày hôm qua, Sam Bankman-Fried hiện đã được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 250 triệu USD sau phiên điều trần vào thứ Năm tại tòa án liên bang New York, nơi anh ta đang phải đối mặt với các cáo buộc hình sự nghiêm trọng về sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX của mình.
Sam Bank-Fried được tại ngoại và 2 đồng phạm đều đã nhận tội
Ngay khi trở về Mỹ, nhà sáng lập của FTX là Sam Bankman-Fried đã được yêu cầu giao nộp hộ chiếu của mình, ngoài ra anh ta cũng bị theo dõi và phải ở trong nhà của cha mẹ mình.
Để không phải ngồi tù trong thời gian chờ điều tra và xét xử, Bankman-Fried đã phải nộp số tiền bảo lãnh lên tới 250 triệu USD – “số tiền bảo lãnh lớn nhất từ trước tới nay”, thẩm phán Gabriel Gorenstein cho biết.
Sam Bankman-Fried trước đây đã từng nói trong các cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông vào tháng trước rằng anh ta chỉ có khoảng 100.000 USD trong tài khoản của mình vào thời điểm đó. Và vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi anh ta không đủ tiền để “mua tự do” cho chính mình, dù chỉ là sự tự do tạm thời.
Số tiền bảo lãnh lớn như vậy không nhất thiết phải được thanh toán ngay, nhưng chúng cần phải được bảo đảm theo một cách nào đó để đảm bảo rằng bị cáo sẽ không vi phạm các điều khoản quản chế. Trong trường hợp này, nhà của cha mẹ Bankman-Fried ở Palo Alto cung cấp một khoản bảo đảm như vậy, cùng với các loại tài sản thế chấp có giá trị khác thuộc về những người không có tên trong hồ sơ vụ án.
Giá trị của ngôi nhà được đề cập không nhất thiết phải tương quan với giá trị của số tiền bảo lãnh – vai trò của nó chỉ là đảm bảo rằng bị cáo sẽ tuân thủ các điều kiện trả tự do của mình.
“Những khoản tiền này thường chỉ là những con số – đôi khi các bị cáo sẽ ký trái phiếu với số tiền lên tới hàng trăm nghìn đô la khi mọi người đều biết rằng họ không có một xu nào đứng tên,” Andrey Spektor, một cựu công tố viên liên bang ở Brooklyn cho hay.
Đại diện của Bankman-Fried hiện vẫn từ chối bình luận về phiên điều trần tại ngoại.
Các đồng phạm của Bankman-Fried bao gồm bạn gái cũ, cũng là cựu Giám đốc điều hành của Alameda, Caroline Ellison, và người đồng sáng lập FTX, Gary Wang, cũng đã được tại ngoại sau khi thừa nhận vai trò của họ trong vụ sụp đổ của FTX.
Cả hai người này đều được yêu cầu nộp khoản tiền 250.000 đô la – số tiền nhỏ hơn nhiều so với số tiền áp dụng cho Bankman-Fried – và thường được yêu cầu không di chuyển ra khỏi nước Mỹ.
Các bị cáo có thể phải đối mặt với án tù lên tới hàng trăm năm
Các tài liệu tòa án mới Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai cáo buộc rằng Caroline Ellison đã thao túng giá của FTT, một mã thông báo nội bộ được FTX sử dụng, do đó thổi phồng giá trị của Alameda Research và gây hiểu lầm cho các nhà đầu tư.
Theo hồ sơ dân sự, Gary Wang đã tạo ra phần mềm giúp chuyển tiền của khách hàng FTX sang Alameda, phần mềm mà Ellison đã chiếm đoạt cho hoạt động giao dịch của Alameda. Các hồ sơ cáo buộc Ellison và Wang biết rằng các tuyên bố công khai của Bankman-Fried về tình trạng tài chính, quản lý rủi ro của FTX và việc tách khỏi Alameda là “sai sự thật và gây hiểu lầm.”
Những đoạn code của Gary Wang được cho là có vai trò chủ chốt trong quá trình sụp đổ của FTX. Còn bản thân Ellison hiện phải đối mặt với bảy tội danh có tổng mức án tù tối đa là 110 năm, bao gồm âm mưu thực hiện hành vi gian lận chuyển khoản, gian lận chứng khoán và gian lận hàng hóa. Cô ta cũng phải đối mặt với cáo buộc âm mưu thực hiện hành vi rửa tiền.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- 7 gợi ý giúp doanh nghiệp triển khai chiến dịch influencer marketing hiệu quả năm 2023
- Chuyên gia dự báo Bitcoin có thể mất tới 18% giá trị và suy thoái kéo dài
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!