Thị trường tiền điện tử tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư khi các sàn giao dịch lưu trữ lượng tiền kỹ thuật số của người dùng trị giá hàng tỷ đô la. Nhưng có một tình huống khủng khiếp mà bất cứ ai cũng sợ hãi khi nghĩ đến: điều gì sẽ xảy ra nếu sàn giao dịch tiền điện tử mà bạn đang gửi tiền đột nhiên gặp sự cố? Có cách nào để bảo vệ tiền của bạn hay không? Hãy cùng khám phá nhé.

Đó là kịch bản đáng sợ đối với bất kỳ ai đã đầu tư vào tiền điện tử. Điều gì sẽ xảy ra với số tiền điện tử nếu sàn giao dịch ngừng hoạt động? Liệu các nhà đầu tư có cơ hội lấy lại được tiền của mình không, hay chúng sẽ biến mất hoàn toàn?

Tại sao sàn giao dịch tiền điện tử có thể gặp sự cố?

Việc các sàn giao dịch tiền điện tử phá sản, mặc dù không ai muốn nhưng đã xảy ra không chỉ một lần trong những năm gần đây. Thường không chỉ một lý do duy nhất khiến sàn gặp sự cố, mà sự kết hợp của nhiều yếu tố có thể hạ gục ngay cả những sàn có tên tuổi lớn nhất.

Có nhiều nguyên nhân khiến các sàn tiền điện tử rơi vào cảnh phá sản (Ảnh: Internet)
Có nhiều nguyên nhân khiến các sàn tiền điện tử rơi vào cảnh phá sản (Ảnh: Internet)

Một trong những nguyên nhân quan trọng là quản lý rủi ro kém. Điều hành sàn giao dịch tiền điện tử vốn là một công việc kinh doanh đầy rủi ro, nhưng một số công ty còn mạo hiểm chấp nhận rủi ro nhiều hơn mức họ có thể kiểm soát. Ví dụ như sàn Mt. Gox vào năm 2014 đã không có biện pháp bảo vệ thích hợp để đối phó với các vấn đề bảo mật như hack và trộm cắp, dẫn đến mất hàng trăm triệu tiền của khách hàng khi bị tấn công.

Năm 2016, sàn giao dịch tiền điện tử Bitfinex có trụ sở tại Hồng Kông đã bị hack. Những kẻ tấn công đã khai thác các lỗ hổng trong hệ thống bảo mật của sàn để xâm nhập và lấy đi số Bitcoin trị giá khoảng 72 triệu USD. Sàn Bitfinex đã cố gắng duy trì hoạt động sau vụ hack này, đồng thời giải quyết hậu quả bằng cách buộc tất cả người dùng phải chia sẻ thiệt hại, khấu trừ 36% số dư tài khoản của họ.

Bên cạnh đó, một số sàn dùng tiền gửi của khách hàng để đầu tư vào các tài sản mờ ám mà không được kiểm toán rõ ràng, kết cục là bị lỗ hàng tỷ USD khi giá trị sụt giảm. Một ví dụ là sự sụp đổ của FTX: sàn crypto này đã đầu tư tiền gửi và tài sản của khách hàng vào các token tiền điện tử mang tính đầu cơ cũng như các khoản đầu tư mạo hiểm kém thanh khoản mà không có sự giám sát kỹ càng. Khi thị trường tiền điện tử sụp đổ trên quy mô lớn trong năm 2022, giá trị của nhiều khoản đầu tư đã giảm mạnh khiến FTX phải gánh khoản nợ khổng lồ và cuối cùng phải nộp đơn xin phá sản. Thậm chí hậu quả còn nghiêm trọng hơn do sự kết hợp tài sản giữa FTX và Alameda.

Vụ phá sản của FTX gây chấn động cả thế giới (Ảnh: Internet)
Vụ phá sản của FTX gây chấn động cả thế giới (Ảnh: Internet)

Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến các sàn tiền điện tử là hoạt động rút vốn hàng loạt của khách hàng. Trong giao dịch tiền điện tử, luôn có một phần trong tổng số dư của người dùng được lưu trong dự trữ thanh khoản, phần còn lại được đầu tư để tạo ra lợi nhuận. Như vậy có nghĩa là trong sàn không có sẵn 100% tiền gửi để người dùng rút toàn bộ ngay lập tức. Nếu sự hoảng loạn của thị trường gây ra tình trạng rút tiền hàng loạt, các sàn tiền điện tử sẽ nhanh chóng trở nên kém thanh khoản và mất khả năng thanh toán.

Điều này đã xảy ra với sàn Celsius trong năm 2022. Số lượng yêu cầu rút tiền tăng đột biến đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ của công ty và khiến Celcius không có đủ thanh khoản để thực hiện mọi yêu cầu. Làn sóng rút tiền này đã vượt quá mức cân đối kế toán của Celsius, buộc công ty phải tạm dừng hoạt động và nộp đơn xin phá sản.

Điều gì xảy ra khi một sàn giao dịch tiền điện tử sụp đổ?

Khi một sàn giao dịch lớn gặp sự cố có thể tạo ra hiệu ứng hỗn loạn và thiệt hại cho toàn bộ thị trường tiền điện tử trên thế giới, những người có gửi tiền vào sàn FTX, Voyager và Celcius chắc chắn đã hiểu điều này. Sau đây là những hệ quả có thể xảy ra.

Người dùng bị mất tiền

Người sở hữu tiền điện tử bị mất tiền khi sàn sụp đổ (Ảnh: Internet)
Người sở hữu tiền điện tử bị mất tiền khi sàn sụp đổ (Ảnh: Internet)

Tác động trực tiếp nhất là người dùng mất quyền truy cập vào một số hoặc tất cả các khoản tiền điện tử mà họ nắm giữ được lưu trữ trên sàn. Tùy từng trường hợp, khoản tiền gửi của khách hàng có thể rơi vào tình trạng không truy cập được hoặc có thể biến mất vĩnh viễn.

Lý do khiến tiền điện tử bị mất là vì chúng được giữ trong các tài khoản gộp nằm dưới sự kiểm soát của sàn giao dịch. Khi sàn tạm dừng hoạt động, người dùng không có cách nào lấy lại tiền của mình. Khác với tiền được giữ trong ngân hàng truyền thống, các khoản tiền điện tử không được bảo hiểm nên người dùng phải chấp nhận tổn thất không thể khắc phục được.

2. Nộp đơn xin phá sản

Khi một sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhận ra rằng họ đã mất khả năng thanh toán và không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính thì họ thường sẽ bắt đầu nộp hồ sơ pháp lý để phá sản. Mục đích của việc này là để ngăn chặn việc rút tiền của khách hàng và bắt đầu các thủ tục pháp lý chính thức.

Sàn giao dịch phải nộp các giấy tờ thủ tục theo quy định của luật lên tòa án phá sản, cho phép công ty tổ chức lại và cơ cấu lại hoạt động của mình dưới sự giám sát của tòa án. Một người được ủy thác độc lập sẽ được chỉ định giám sát vụ phá sản, nhiệm vụ là định giá tài sản và tính số nợ phải trả của sàn, thông báo cho các chủ nợ về thủ tục tố tụng, thu thập yêu cầu bồi thường từ các chủ tài khoản, kiểm tra các vấn đề tài chính của công ty và xây dựng kế hoạch trả nợ nếu có thể.

Thủ tục phá sản phải trải qua nhiều bước (Ảnh: Internet)
Thủ tục phá sản phải trải qua nhiều bước (Ảnh: Internet)

Tòa án ra lệnh ngay lập tức đình chỉ mọi hoạt động thu nợ hoặc hành động pháp lý chống lại sàn trong thời gian phá sản. Những người dùng – chủ tài khoản sẽ mất quyền truy cập vào số tiền của mình trong lúc vụ việc được tiến hành thông qua các phiên điều trần và đề xuất.

Cuối cùng, thẩm phán sẽ quyết định liệu sàn phải thanh lý hoàn toàn hay có thể tổ chức lại theo một bản kế hoạch trả nợ đã được xác nhận. Các chủ tài khoản phải nộp đơn yêu cầu bồi thường và chờ tòa giải quyết để lấy lại số tiền đã mất.

3. Kiện tụng và tòa án

Ngay sau khi sàn tiền điện tử nộp đơn xin phá sản, các chủ tài khoản và chủ nợ thường đệ đơn khởi kiện ra tòa để hy vọng lấy lại số tiền bị mất. Tòa án phá sản sẽ xử lý các khiếu nại này, quá trình có thể kéo dài nhiều năm với các thủ tục tố tụng nhằm xác định tình trạng tài sản, số tiền nợ và thứ tự trả nợ. Ví dụ, sàn Mt. Gox phá sản vào năm 2014 nhưng đến tháng 8/2023 vẫn chưa trả được nợ.

4. Điều tra và quy định

Khi một sàn giao dịch lớn ngừng hoạt động, các cơ quan chính phủ như Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai của Mỹ (CFTC) sẽ bắt đầu tìm hiểu xem công ty đó đã làm gì trước khi phá sản. Họ nghiên cứu các sổ sách của sàn, tìm các hoạt động mờ ám như gian lận, quản lý sai quỹ, vi phạm luật chứng khoán hoặc trình bày sai cho khách hàng. Họ có thể đưa ra hình phạt bằng tiền hoặc các hình thức khác nếu phát hiện bất kỳ sự vi phạm nào. Giám đốc điều hành của công ty có thể phải đối mặt với cáo buộc hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.

Có nhiều vấn đề cần xem xét liên quan tới phá sản (Ảnh: Internet)
Có nhiều vấn đề cần xem xét liên quan tới phá sản (Ảnh: Internet)

5. Hiệu ứng làn sóng trên thị trường tiền điện tử

Khi một sàn giao dịch tiền điện tử phá sản, đặc biệt nếu đó là sàn lớn, sẽ tạo ra những làn sóng thiệt hại trên toàn bộ thị trường. Niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng có thể khiến tiền điện tử bị mất giá.

Ví dụ: vụ phá sản của Celsius Network và FTX vào cuối năm 2022 đã góp phần khiến giá của Bitcoin giảm xuống dưới 17.000 USD vào tháng 11/2022, trong khi chỉ một năm trước đó dao động quanh mức 60.000 USD. Ngay cả những sàn giao dịch tập trung có nguồn lực mạnh như Coinbase và Binance cũng rơi vào tình trạng số lượng người dùng và khối lượng giao dịch giảm sau các vụ bê bối trên thị trường.

Ngoài ra, sự sụp đổ của sàn giao dịch có thể ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh tiền điện tử khác có liên quan với nó thông qua các khoản vay hoặc đầu tư. Ví dụ như sự sụp đổ của FTX đã khiến công ty thương mại liên kết Alameda Research cũng phá sản.

Người dùng có thể làm gì để tự bảo vệ mình?

Sự sụp đổ của các sàn giao dịch tiền điện tử lớn như FTX khiến nhiều người đầu tư tiền điện tử lo lắng. Không ai muốn một buổi sáng thức dậy và thấy sàn giao dịch mà họ tin tưởng giao phó tài sản đã biến mất, kéo theo cả tiền của họ. Vậy các nhà giao dịch và nhà đầu tư có thể làm gì để tránh bị thiệt hại nếu sàn gặp sự cố?

Đầu tiên hãy chọn đúng sàn. Hãy tìm hiẻu kỹ và chọn các sàn giao dịch tiền điện tử đáng tin cậy, có uy tín với hồ sơ vững chắc. Kiểm tra tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh của họ và tìm những bằng chứng cho thấy tiền của người dùng được bảo đảm an toàn. Các sàn giao dịch tiền điện tử đã trải qua kiểm toán tài chính được đánh giá tốt hơn về mặt pháp lý.

Ngoài ra, đừng dồn hết toàn bộ số tiền điện tử mà bạn nắm giữ vào một sàn duy nhất. Tốt hơn hết là bạn nên dàn trải tài sản của mình vào 2 hay 3 sàn có uy tín để giảm bớt rủi ro, vì nếu một sàn bị trục trặc thì các sàn khác có thể vẫn an toàn. Tương tự, đừng lưu trữ tất cả tiền điện tử hay token trên sàn giao dịch, thay vào đó bạn nên giữ một số tiền trong ví tiền điện tử của riêng bạn mà chỉ có bạn mới kiểm soát được các khóa riêng tư của chúng.

Nói về ví tiền điện tử, hãy sử dụng loại ví lạnh để giữ khóa riêng tư của bạn offline tránh xa những cuộc tấn công của hacker cũng như tránh rủi ro từ các sàn giao dịch không đáng tin cậy. Loại ví tiền điện tử phần cứng như Ledger và Trezor cung cấp kho lưu trữ lạnh rất tốt, nhưng cũng đừng quên giữ an toàn cho thiết bị dùng để truy cập ví.

Cuối cùng, hãy tìm hiểu và nắm rõ chính sách bảo hiểm của bất kỳ sàn giao dịch nào bạn sử dụng. Một số sàn lớn như Coinbase thực hiện các chính sách bảo hiểm tư nhân để bù đắp thiệt hại cho người dùng trong trường hợp xảy ra sự cố như bị hack hoặc phá sản. Biện pháp này cũng không đảm bảo chắc chắn 100% nhưng cung cấp cho bạn một lớp bảo vệ cần thiết.

Tóm lại

Sàn giao dịch tiền điện tử xảy ra sự cố có thể dẫn đến hậu quả thiệt hại nặng nề cho người dùng, tốn nhiều thời gian, thậm chí nhiều tháng và nhiều năm để tranh chấp pháp lý, chưa kể căng thẳng về mặt cảm xúc. Do đó bạn nên thận trọng khi lựa chọn nơi gửi tiền điện tử của mình và phân bổ đa dạng trên các sàn và ví, đó là biện pháp giúp bạn tránh được những thiệt hại thảm khốc trong tương lai.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

25 từ lóng về tiền điện tử bạn nên biết trước khi tham gia vào thị trường crypto

Nếu bạn là người mới làm quen với tiền điện tử thì có thể bạn đang cảm thấy hoang mang khi các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường sử dụng các thuật ngữ và từ lóng rất lạ. Ý nghĩa của các từ đó là gì? Hãy cùng khám phá nhé.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận