Đặc điểm chung của tiền điện tử là giá trị lên xuống liên tục. Chỉ có một số ít đồng tiền được gắn với một tài sản thật ngoài đời tránh được biến động giá, còn lại hầu hết đều tăng giảm giá thường xuyên. Tuy nhiên có những cách làm cho giá của tiền điện tử tăng lên theo ý muốn, một trong số đó được gọi là “đốt”. Vậy “đốt tiền điện tử” là gì và có ảnh hưởng đến giá trị của chúng như thế nào?

Đốt tiền điện tử là gì?

“Đốt tiền” là khi một lượng tiền bị hủy bỏ hoàn toàn khỏi hệ thống lưu thông, không còn mua, bán hay tiêu dùng được nữa. Bất kỳ loại tiền điện tử nào cũng có thể bị đốt như vậy, dù cho nguồn cung hay giá trị của nó nhiều hay ít đến đâu.

Đốt tiền điện tử là hủy bỏ hoàn toàn một lượng tiền nào đó (Ảnh: Internet).
Đốt tiền điện tử là hủy bỏ hoàn toàn một lượng tiền nào đó (Ảnh: Internet).

Vậy hoạt động đốt tiền điện tử được thực hiện bằng cách nào?

Khi một đồng coin (hoặc một phần nhỏ của nó) bị đốt cháy, tức là nó được chuyển vào một ví không sử dụng được và vĩnh viễn bị loại bỏ khỏi lưu thông. Không ai có thể mua, bán hay làm bất cứ việc gì với nó. Nơi “an nghỉ” của lượng tiền bị đốt được gọi là “địa chỉ đốt” hoặc “địa chỉ ăn” và khóa của địa chỉ đó được giấu kín để không ai truy cập vào được. Việc đốt tiền điện tử là không thể đảo ngược, một đi không trở lại.

Bất kỳ đồng tiền điện tử nào cũng có thể bị đốt, nhưng hầu hết mọi người đều muốn giữ, bán hoặc khóa (stake) lượng coin của mình chứ không loại bỏ hoàn toàn. Thực tế, những người đốt tiền điện tử chủ yếu là các nhà phát triển đã tạo ra chúng và hành động này thường được thực hiện hàng loạt. Một số dự án tiền điện tử nổi tiếng đã đốt cháy một lượng lớn coin, trong đó có Binance và Bitcoin Cash.

Đốt tiền điện tử là chuyện rất phổ biến (Ảnh: Internet).
Đốt tiền điện tử là chuyện rất phổ biến (Ảnh: Internet).

Đốt tiền điện tử cũng có thể do các “thợ đào tiền”, chính là những người “đào” ra tiền điện tử để đưa vào lưu thông lúc ban đầu. Điều này là do quá trình đốt cũng liên quan đến cơ chế Proof of Burn (PoB), tức là những người đào tiền cố ý đốt tiền để có khả năng đào thêm nhiều hơn nữa. Càng đốt nhiều coin thì khả năng khai thác coin càng hiệu quả.

Đó là lý do nhiều dự án blockchain tự cài đặt những đợt đốt tiền điện tử diễn ra định kỳ mỗi tháng hoặc mỗi năm. PoB cũng là một dạng cơ chế đồng thuận giống như Proof of StakeProof of Work, giúp giảm bớt tác hại của tiền điện tử đối với môi trường.

Như vậy việc đốt tiền điện tử được thực hiện không phải vì giá trị của đồng tiền quá thấp. Một số đồng có giá trị cao nhưng vẫn có thể bị đốt để đem lại lợi ích lớn hơn.

Đốt tiền điện tử vì mục đích gì?

Một đặc điểm của tiền điện tử rất khó kiểm soát là lạm phát, số lượng tăng cao rất nhanh và giảm giá mạnh làm cho thị trường biến động dữ dội. Việc đốt tiền điện tử có thể giúp kiềm chế hiện tượng này.

Tiền điện tử rất dễ bị lạm phát (Ảnh: Internet).
Tiền điện tử rất dễ bị lạm phát (Ảnh: Internet).

Hơn nữa, đốt tiền điện tử có thể làm giá trị của nó tăng lên. Đó là do quan hệ cung – cầu: khi số lượng tiền lưu hành ít mà nhu cầu nhiều thì giá của nó sẽ tăng lên. Đó là lý do các nhà phát triển thường tự đốt đồng tiền của họ với lượng lớn.

Bitcoin Cash là một ví dụ cho thấy đốt tiền điện tử có thể ảnh hưởng đến giá của nó như thế nào. Vào tháng 4/2018, một người đào tiền thuộc nhóm Antpool tiết lộ rằng trong số Bitcoin mà họ khai thác được, có khoảng 12% sẽ được gửi đến các “địa chỉ đốt”. Điều này giúp cho Bitcoin Cash tăng giá.

Dưới đây là một số ví dụ về các đồng tiền điện tử nổi tiếng đã thực hiện việc đốt tiền thường xuyên.

1. Binance

Binance không chỉ là sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, mà nó cũng tự tạo ra đồng tiền của riêng mình là Binance Coin (BNB). Đồng BNB đã được chú ý rất nhiều trong vài năm qua và hiện đang là một trong những đồng coin có giá cao nhất và được giao dịch nhiều nhất.

Logo của đồng BNB (Ảnh: Internet).
Logo của đồng BNB (Ảnh: Internet).

Các nhà phát triển của BNB thực hiện việc đốt tiền định kỳ mỗi quý bằng cơ chế Auto-Burn (tự động đốt) kể từ năm 2017. Kết quả cuối cùng sẽ là hủy bỏ một nửa tổng số BNB đang lưu hành, tức là khoảng 100 triệu đồng BNB, nhằm giữ cho giá của nó không bị giảm quá sâu.

Cơ chế này được thiết kế để tự điều chỉnh số coin bị đốt, tránh việc đốt quá nhiều hoặc đốt không đủ. Lần đốt thứ 19 của BNB đã diễn ra vào tháng 4/2022, tiêu hủy 1.839.786,26 đồng BNB (trị giá hơn 500 triệu USD). Thoạt nhìn thì điều này rất “dại dột” vì giá trị của nó quá lớn, nhưng điều đó là cần thiết để kiểm soát lạm phát của BNB và sau đó còn giúp nó tăng giá.

Trong khi đó một số đồng tiền điện tử có nguồn cung hạn chế nên không cần phải đốt, ví dụ như Bitcoin có số lượng giới hạn là 21 triệu đồng. Hiện nay đã có tới 90% trong số đó được khai thác và lưu hành nên giá Bitcoin trong tương lai được dự đoán sẽ tăng vì nguồn cung giảm so với nhu cầu.

2. Shiba Inu Coin

Biểu tượng của đồng Shiba Inu Coin (Ảnh: Internet).
Biểu tượng của đồng Shiba Inu Coin (Ảnh: Internet).

Vào năm 2021, người đồng sáng lập đồng Ethereum là Vitalik Buterin đã được những người sáng lập Shiba Inu Coin (SHIB) gửi tặng 50% tổng số lượng lưu hành của đồng tiền này. Nhưng điều bất ngờ hơn nữa là Buterin đã quyết định đốt 90% số coin đó, tức là khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng SHIB trị giá khoảng 7 tỷ USD vào thời điểm đó. Còn lại 10% số coin được dùng làm từ thiện.

Buterin nói rằng anh ta làm như vậy là để bản thân mình không trở thành người nắm quyền chi phối SHIB, tức là không phải vì mục tiêu tài chính như để làm tăng giá đồng SHIB.

3. Terra

Vào tháng 5/2022, hai đồng tiền điện tử LUNA và UST của Terra Labs lao dốc kinh hoàng do mất sự cân bằng ổn định giá giữa hai đồng tiền, khiến nhiều người bị thiệt hại và bắt đầu đề nghị đốt tiền LUNA số lượng lớn nhằm cố gắng giúp nó phục hồi.

Hai đồng tiền LUNA và UST (Ảnh: Internet).
Hai đồng tiền LUNA và UST (Ảnh: Internet).

Về lý thuyết thì điều này cũng có vẻ hợp lý, nhưng người sáng lập Terra là Do Kwon không đồng ý. Dù vậy rất nhiều người nắm giữ Terra đã tự đốt tiền điện tử của mình, và cuối cùng Kwon đã buộc phải chấp nhận, công khai địa chỉ đốt LUNA trên Twitter cho tất cả mọi người đều biết, nhưng vẫn cảnh báo rằng việc đốt sẽ không có tác dụng. Rốt cuộc ai đúng? Chỉ có thời gian mới trả lời được.

4. Ethereum

Bắt đầu từ tháng 8/2021 đồng tiền điện tử Ethereum đã bị đốt một lượng lớn, tính đến nay đã đạt tổng giá trị tới hàng tỷ USD. Có nhiều lý do khiến các nhà phát triển của ETH làm như vậy. Thứ nhất là nhằm giảm phần thưởng dành cho những người đào coin, vì một số người đã tìm cách lợi dụng hệ thống để kiếm thêm nhiều phần thưởng.

Thứ hai, ETH bị đốt để ổn định phí giao dịch Ethereum. Ngoài ra, vì ETH không bị giới hạn về tổng nguồn cung (mà chỉ có giới hạn 18 triệu đồng ETH mỗi năm) nên việc đốt tiền sẽ ngăn tình trạng cung nhiều hơn cầu dẫn đến giảm giá.

Tổng kết: Đốt tiền điện tử là một chiến lược hiệu quả nhưng cũng có rủi ro

Giống như toàn bộ lĩnh vực tiền điện tử nói chung, việc điều khiển giá của đồng tiền bằng cách đốt luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh tác dụng kiềm chế lạm phát và ổn định thị trường, việc đốt tiền với ý đồ tăng giá có thể gây hại cho hệ sinh thái của chính nó nếu thực hiện sai thời điểm.

Đốt tiền điện tử cũng có thể là một cách để tặng thưởng hoặc thu hút các nhà đầu tư, vì khi đồng tiền tăng giá sẽ khuyến khích nhiều người lao vào đầu tư hơn, làm tăng nhu cầu và đẩy giá lên cao hơn nữa.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Muốn giàu có, đừng để thẻ tín dụng làm chủ mình mà phải ngược lại

Nếu bạn vẫn đang khổ sở tìm đường "sống sót" sau khi dùng hết tiền lương trong 1 tháng để trả nợ trong 1 ngày, thì hãy đọc ngay bài viết này về cách sử dụng thẻ tín dụng để quản lý tài chính cá nhân, bạn nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận