Influencer marketing là một hình thức tiếp thị truyền thông xã hội thông qua những người có kiến thức chuyên môn hoặc ảnh hưởng trong xã hội. Mô hình này được dự báo có thể trở thành công cụ tiếp thị hiệu quả nhất trong năm 2023. Việc nắm bắt xu hướng và điều chỉnh chiến lược phù hợp sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp xây dựng chiến dịch truyền thông hiệu quả. Dưới đây là dự đoán của Rafael Schwarz, giám đốc điều hành của TERRITORY Influence, về xu hướng influencer marketing trong năm tới.
- 1. Chuyển hướng sang nano- và micro-influencers
- 2. Video sẽ là tương lai của tiếp thị nội dung
- 3. Đánh giá dựa trên KPIs thay vì những con số “phù phiếm”
- 4. Nội dung do người dùng tạo (User-generated content)
- 5. Xu hướng hợp tác lâu dài với những người có tầm ảnh hưởng
- 6. Thách thức dành cho những nhà sáng tạo nội dung
- 7. Các nhà sáng tạo nội dung sẽ có toàn quyền kiểm soát
1. Chuyển hướng sang nano- và micro-influencers
Năm 2023 hứa hẹn là một năm “ăn nên làm ra” của những người có tầm ảnh hưởng ở quy mô vừa và nhỏ. Schwarz cho rằng lợi thế của các nano hay micro-influencer là họ có lượng khán giả rất trung thành, và vì vậy họ khả năng kết nối với cộng đồng cao hơn những nhà sáng tạo nội dung lớn.
Người tiêu dùng nói chung có khả năng tin tưởng họ về chuyên môn, đánh giá sản phẩm và đề xuất dịch vụ của họ. Hợp tác với những nhà sáng tạo nội dung này là một cách tuyệt vời để doanh nghiệp tiếp cận khách hàng mục tiêu, nâng cao nhận thức và tăng doanh số bán hàng.
2. Video sẽ là tương lai của tiếp thị nội dung
Với việc các nền tảng truyền thông xã hội ưu tiên và tung ra các tính năng mới như short video hay livestream, video có thể trở thành một trong những loại nội dung chiếm ưu thế nhất vào năm 2023.
Tất nhiên nội dung video cũng phải thú vị, hấp dẫn và có tính tương tác, đồng thời cung cấp thông tin theo cách giải trí để thu hút sự chú ý của người xem. Với cơ sở người dùng của TikTok được dự đoán sẽ tăng lên, các nhà quảng cáo nên chớp lấy cơ hội tiếp cận đối tượng trẻ tuổi, đặc biệt là bằng các định dạng video ngắn.
Ngoài các video thương hiệu được sản xuất chuyên nghiệp, nội dung video do người dùng sáng tạo (UGVC) có thể phát triển mạnh vào năm 2023.
3. Đánh giá dựa trên KPIs thay vì những con số “phù phiếm”
Hiện nay, các influencer thường đưa ra mức giá dựa trên số lượng người theo dõi hay số lần hiển thị nội dung quảng cáo. Tuy nhiên, những tiêu chí này sẽ dần bị thay thế bởi các chỉ số đo lường chất lượng (chẳng hạn như mức độ tương tác, tỷ lệ nhấp và chuyển đổi).
Thay đổi này là hoàn toàn dễ hiểu bởi doanh nghiệp sẽ cần phải dựa vào con số cụ thể để đánh giá hiệu quả của chiến dịch tiếp thị đối với công việc kinh doanh, thay vì những số liệu thiên về cảm tính như trước.
Schwarz tin rằng chất lượng nội dung và sự liên kết của nhà sáng tạo với giá trị thương hiệu sẽ được ưu tiên. Trong tương lai, các nhãn hàng sẽ có xu hướng tìm kiếm những influencer có gắn kết mạnh mẽ với cộng đồng, có kiến thức trong lĩnh vực của họ và có khả năng tạo ra nội dung có tầm ảnh hưởng.
4. Nội dung do người dùng tạo (User-generated content)
UGC là những thông tin hoặc nội dung được người dùng/khách hàng tạo ra, vì vậy những nội dung như thế này thường có độ tin cậy cao và đem lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp hoặc thương hiệu.
Nội dung do người dùng tạo có thể tiếp tục phát triển vào năm 2023, với việc các thương hiệu ưu tiên UGC để xây dựng niềm tin khách hàng và tăng cường chuyển đổi. Schwarz tin rằng xếp hạng và đánh giá, video TikTok và hướng dẫn trên YouTube sẽ là một trong những loại nội dung phổ biến nhất vào năm 2023.
Ngoài ra, các thương hiệu có thể khám phá việc tái sử dụng UGC như một phần trong chiến lược truyền thông xã hội của họ. Ví dụ: họ có thể giới thiệu UGC trong quảng cáo ngoại tuyến, trên các trang web thương hiệu hoặc trong các chiến dịch email.
5. Xu hướng hợp tác lâu dài với những người có tầm ảnh hưởng
Thay vì thay đổi liên tục nhiều nhà sáng tạo nội dung để tiếp cận tới nhiều nhóm khách hàng, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng tìm kiếm một vài “gương mặt vàng” để gửi gắm niềm tin.
Sự hợp tác lâu dài với những người có ảnh hưởng có thể giúp các thương hiệu tạo ra nội dung đáng tin cậy hơn và có tác động tích cực tới thương hiệu. Bản thân các influencer khi tiếp tục sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của đối tác, họ sẽ hiểu rõ hơn về thương hiệu. Điều đó cho phép họ truyền tải thông điệp của thương hiệu tới cộng đồng một cách hiệu quả hơn.
Do đó, những người có sức ảnh hưởng hoàn toàn có thể trở thành đại sứ thương hiệu thực sự và giúp các công ty có được thông tin hữu ích để phát triển sản phẩm mới hoặc truyền thông tiếp thị.
6. Thách thức dành cho những nhà sáng tạo nội dung
Cùng với việc các doanh nghiệp đòi hỏi các influencer phải cam kết nhiều hơn thông qua KPIs, thì bản thân những nhà sáng tạo nội dung cũng sẽ phải đổi mới cách làm để khuyến khích khán giả tương tác nhiều hơn với thương hiệu.
Những nội dung chất lượng cao, được đầu tư và mang thông điệp tích cực được kỳ vọng sẽ thay thế dần những content “bẩn”, câu like, câu view…
7. Các nhà sáng tạo nội dung sẽ có toàn quyền kiểm soát
Một xu hướng mới mà Schwarz mong đợi sẽ xuất hiện vào năm 2023 là tận dụng những người có tầm ảnh hưởng như những người kể chuyện, bằng cách trao cho họ toàn quyền kiểm soát sáng tạo để tạo nội dung và truyền thông thương hiệu.
Với chuyên môn và sự hiểu biết của họ về các nền tảng xã hội và khán giả, những influencer có thể được coi là giám đốc sáng tạo và nhà điều hành sản xuất. Một số công ty thậm chí đã bắt đầu chính thức tuyển dụng những ngôi sao có ảnh hưởng trên MXH như một phần của đội ngũ lãnh đạo tiếp thị; giống như cách mà Kate Moss trở thành giám đốc sáng tạo của Diet Coke.
Theo Forbes
Xem thêm những nội dung liên quan:
- “BTS Marketing ” – Nghệ thuật marketing khéo léo từ dàn K-pop xứ Hàn
- Review sách Marketing 5.0 – Cuốn sách bắt kịp xu hướng
Đừng quên theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!