Xi măng nhìn vô hại vậy mà cũng có thể gây bỏng? Nếu chẳng may bị dính phải loại bỏng này thì xử lý thế nào? Và quan trọng nhất là phòng ngừa ngay từ đầu ra sao? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá hiện tượng bỏng da do xi măng nhé!

Tại sao xi măng lại có thể gây bỏng?

Bỏng xi măng – đôi khi còn được gọi là bỏng bê tông – là loại bỏng có nguyên nhân do hóa chất trong xi măng. Hai từ “bê tông” và “xi măng” thường được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng thực ra đó là hai khái niệm khác nhau.

Xi măng và bê tông rất thường gặp trong đời sống hằng ngày (Ảnh: Internet).
Xi măng và bê tông rất thường gặp trong đời sống hằng ngày (Ảnh: Internet).

Xi măng là thành phần chiếm khoảng 10-15% khối lượng của bê tông. Bê tông là hỗn hợp gồm xi măng trộn với cát, sỏi và nước, hỗn hợp này sẽ cứng dần theo thời gian khi tiếp xúc với không khí.

Khi xi măng ướt tiếp xúc với da người, các hóa chất của nó sẽ phản ứng với các phân tử nước có trong da. Phản ứng này tạo ra các chất kiềm có thể phá vỡ mô da. Xi măng tiếp xúc với da càng lâu thì vết bỏng càng nghiêm trọng.

Khi pha nước vào bột xi măng, chất oxit canxi sẽ chuyển thành canxi hydroxit, đây là một chất kiềm làm tăng độ pH của xi măng. Độ pH tự nhiên của da trung bình là 4,7 (hơi axit). Các chất có độ pH quá cao hoặc quá thấp đều có thể gây bỏng hóa chất làm tổn thương làn da.

Xi măng khô gặp nước sẽ xảy ra phản ứng hóa học mạnh (Ảnh: Internet).
Xi măng khô gặp nước sẽ xảy ra phản ứng hóa học mạnh (Ảnh: Internet).

Hóa chất trong xi măng ướt phản ứng với mồ hôi và các phân tử nước trong da và tạo ra các ion kiềm có khả năng hòa tan protein và sợi collagen. Các ion này cũng phá vỡ phân tử chất béo và làm mất nước của tế bào.

Xi măng ướt tiếp xúc với da càng lâu thì phản ứng với các phân tử nước càng nhiều và vết bỏng càng trở nên tồi tệ hơn. Trong một nghiên cứu năm 2007, các nhà khoa học đã khảo sát nhiều trường hợp bị thương do bỏng xi măng tại Bệnh viện St James ở Dublin, Ireland trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến 2005. Họ phát hiện ra rằng thời gian tiếp xúc với xi măng trung bình của những người được đưa vào đơn vị bỏng của bệnh viện là 60 phút.

Một số tình huống có nguy cơ cao gây bỏng cao hơn. Loại bỏng này thường xảy ra khi xi măng bị kẹt trong quần áo, găng tay hoặc ủng, khi đó mọi người thường ít chú ý và phát hiện chậm trễ. Đồng hồ, nhẫn và đồ trang sức cũng là những đồ vật có thể làm xi măng bị kẹt lại.

Hãy cẩn thận khi làm việc với xi măng (Ảnh: Internet).
Hãy cẩn thận khi làm việc với xi măng (Ảnh: Internet).

Nhiều trường hợp bỏng xi măng đã được khoa học ghi nhận

Một nghiên cứu vào năm 2015 cho biết một người đàn ông 28 tuổi đã bị bỏng nặng sau khi quỳ gối trên xi măng suốt 3 giờ đồng hồ để sửa lại nền nhà. Theo báo cáo, hầu hết các vết bỏng xảy ra ở chân, đặc biệt là xung quanh đầu gối, mắt cá chân và bàn chân. Hầu hết các trường hợp bỏng xi măng tại các nước phát triển xảy ra ở công nhân xây dựng hoặc những người sử dụng xi măng tại nhà.

Vết bỏng do xi măng ở chân (Ảnh: Internet).
Vết bỏng do xi măng ở chân (Ảnh: Internet).

Tổ chức chống độc National Capital Poison Center của Mỹ nhấn mạnh 2 ca bệnh cần được chăm sóc y tế khẩn cấp sau khi tiếp xúc với xi măng. Trường hợp thứ nhất là một bé gái 2 tuổi đã tự đổ xi măng khô lên người. Bé có các triệu chứng ho, sặc và nôn ói, rất may là đã thuyên giảm khoảng 3 giờ sau khi đến phòng cấp cứu. Trường hợp thứ hai là một người đàn ông 57 tuổi bị bỏng sâu ở đầu gối sau khi quỳ xuống bê tông để làm việc.

Một nghiên cứu năm 2013 cho biết một người đàn ông 28 tuổi đã nhảy vào xe tải chứa xi măng và mất 3-4 tiếng sau mới được mọi người phát hiện. Anh ta qua đời sau 13 ngày nhập viện do suy đa tạng liên quan đến tổn thương bỏng, nuốt phải bê tông và các biến chứng khác.

Vết bỏng da do xi măng trông như thế nào?

Loại bỏng này thường không xuất hiện ngay khi cơ thể mới tiếp xúc với xi măng. Thậm chí nhiều trường hợp nạn nhân không nghĩ rằng xi măng là nguyên nhân gây bỏng, vì sự tiếp xúc có thể đã xảy ra trước đó vài giờ. Các vết bỏng thường xuất hiện chậm và nặng dần theo thời gian.

Bỏng do xi măng thường xuất hiện chậm (Ảnh: Internet).
Bỏng do xi măng thường xuất hiện chậm (Ảnh: Internet).

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đỏ da
  • Ngứa
  • Đau đớn
  • Da phồng rộp
  • Đóng vảy
  • Da bị khô

Xử lý vết bỏng xi măng như thế nào?

Sơ cứu

Ngay khi phát hiện thấy xi măng trên da, hãy cởi bỏ tất cả đồ trang sức, đồ bảo hộ và quần áo bị dính. Chải sạch xi măng ra khỏi da và rửa vết thương bằng nước ấm trong khoảng 20 phút. Sau khi rửa sạch hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế.

Biện pháp “chữa cháy” tạm thời tại nhà

Cơ quan Quản lý An toàn & Sức khỏe Nghề nghiệp của Mỹ khuyên rằng nên thoa giấm pha loãng hoặc các chất có tính axit khác như nước cam chanh để giúp trung hòa vết bỏng có tính kiềm và ngăn tổn thương nặng thêm. Tránh bôi các loại kem hoặc dung dịch dưỡng da trừ khi có lời khuyên của bác sĩ.

Rửa vết bỏng với nước sạch (Ảnh: Internet).
Rửa vết bỏng với nước sạch (Ảnh: Internet).

Điều trị y tế

Khi đến bệnh viện hoặc phòng khám, hãy nói với nhân viên y tế rằng bạn bị bỏng xi măng. Họ sẽ rửa sạch vết bỏng một lần nữa và băng vết thương lại, có thể cho bạn dùng thuốc kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Nếu vết bỏng sâu, diện tích lớn hoặc bỏng hoàn toàn một chi thì thường phải nhập viện. Các bác sĩ có thể thực hiện quy trình loại bỏ mô da chết và ghép da mới vào vết thương.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Trường hợp khẩn cấp y tế: Hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu vết bỏng lớn, khoảng 7-8 cm trở lên. Vết bỏng gây đau nhiều hoặc ở vùng mặt, bộ phận sinh dục, bàn tay hoặc bàn chân cũng cần được cấp cứu ngay.

Vết thương lớn hoặc ở vị trí nguy hiểm cần đến cơ sở y tế ngay (Ảnh: Internet).
Vết thương lớn hoặc ở vị trí nguy hiểm cần đến cơ sở y tế ngay (Ảnh: Internet).

Phòng ngừa bỏng xi măng như thế nào?

  • Sử dụng các trang thiết bị an toàn thích hợp như kính bảo hộ, găng tay, quần dài, áo dài tay và miếng đệm đầu gối khi làm việc với xi măng
  • Đi ủng không thấm nước đủ cao để bê tông không lọt vào ở phía trên, có thể nhét ống quần vào trong ủng hoặc dùng băng keo dán chúng lại với nhau để tạo lớp bảo vệ kín hoàn toàn
  • Đeo găng tay vừa vặn
  • Tránh đeo đồ trang sức và đồng hồ khi làm việc với xi măng
  • Loại bỏ bê tông bắn lên da ngay khi phát hiện thấy
  • Chú ý không để bê tông dính lên da khi thay quần áo sau khi làm việc
  • Tránh tiếp xúc không cần thiết với bê tông ướt
Trang bị bảo hộ kỹ càng khi làm việc với xi măng (Ảnh: Internet).
Trang bị bảo hộ kỹ càng khi làm việc với xi măng (Ảnh: Internet).

Tổng kết

Bỏng xi măng là hiện tượng tổn thương da do hóa chất trong xi măng ướt. Nếu bị xi măng dính trên da, hãy rửa sạch bằng nước và xà phòng có độ pH trung tính hoặc axit nhẹ ngay khi phát hiện. Bỏng thường khởi phát từ từ và càng để lâu thì càng trở nên nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng có thể nặng dần ngay cả sau khi đã rửa sạch xi măng trên da.

Cách phòng ngừa đơn giản và hiệu quả là trang bị đồ bảo hộ đầy đủ và cẩn thận khi làm việc với xi măng. Nếu bị bỏng phải sơ cứu đúng cách và đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

Rối loạn lo âu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị như thế nào?

Rối loạn lo âu là tình trạng sức khỏe tâm thần gây ra cảm giác hồi hộp và lo lắng dai dẳng hoặc tái diễn. Chúng có thể gây ra một loạt các triệu chứng thể chất, chẳng hạn như thở nhanh hoặc nông, đổ mồ hôi hoặc khó ngủ.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận