Trong số các bệnh da liễu thì vảy nến là bệnh rất thường gặp, thậm chí ngành y tế ở Mỹ đã dành ra tháng 8 hằng năm là Tháng Nhận thức về Bệnh vảy nến. Nhưng bạn đã thực sự hiểu về căn bệnh này chưa? Còn những điều lầm tưởng nào mà bạn vẫn tin là thật? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!

Vảy nến là một bệnh của da có nguyên nhân do tự miễn, tức rối loạn khiến hệ miễn dịch tự tấn công các tế bào của chính cơ thể. Biểu hiện chủ yếu của bệnh là các mảng vảy bong tróc xuất hiện trên da, thường ở đầu gối, da đầu, khuỷu tay và lưng. Các mảng này có màu đỏ trên nền da sáng xung quanh và có thể màu tím hoặc đỏ bầm trên vùng da sẫm màu.

Bệnh vảy nến làm cho da bị dày và tróc ra từng mảng (Ảnh: Internet).
Bệnh vảy nến làm cho da bị dày và tróc ra từng mảng (Ảnh: Internet).

Rất khó xác định chính xác tỷ lệ mắc bệnh vảy nến trên toàn cầu. Một nghiên cứu vào năm 2020 đã phát hiện tỷ lệ này có thể dao động từ 0,14% ở khu vực Đông Á cho đến 1,99% ở Australia. Các nghiên cứu khác lại đưa ra tỷ lệ cao hơn nhiều, chẳng hạn như 11,4% ở Na Uy.

Ngoài tác hại gây mất thẩm mỹ nặng nề, bệnh vảy nến còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe chung và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một số người thậm chí phải chịu sự kỳ thị từ xã hội, do đó để giúp họ hòa nhập cuộc sống thì điều cần thiết là phải thay đổi những quan niệm sai lầm đã tồn tại từ lâu về căn bệnh này.

Những thông tin dưới đây được cung cấp bởi hai chuyên gia hàng đầu về bệnh vảy nến. Đầu tiên là David Chandler, giám đốc điều hành của Liên minh Bệnh vảy nến và Viêm khớp vảy nến ở Vương quốc Anh. Người thứ hai là Dominic Urmston, giám đốc truyền thông và vận động bệnh nhân tại Hiệp hội Bệnh vảy nến, cũng ở Anh.

1. Bệnh vảy nến rất dễ lây nếu đụng chạm vào người bệnh?

Rất nhiều người vẫn tin rằng bệnh vảy nến có thể lây giống như bệnh ghẻ (Ảnh: Internet).
Rất nhiều người vẫn tin rằng bệnh vảy nến có thể lây giống như bệnh ghẻ (Ảnh: Internet).

Có thể bạn đã từng nghe điều này nhiều lần, và có vẻ cũng rất hợp lý đối với các bệnh về da, nhưng thực ra nó lại hoàn toàn sai lầm. Chuyên gia Chandler giải thích: “Bạn không thể bị lây bệnh vảy nến. Đó là một tình trạng tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch phản ứng không phù hợp và tạo ra quá nhiều tế bào da”.

Để nhấn mạnh thêm vấn đề này, chuyên gia Urmston nói rằng: “Nó không thể lây truyền khi tiếp xúc giữa người với người hoặc khi tiếp xúc dịch cơ thể – ví dụ khi hôn nhau hoặc dùng chung đồ ăn thức uống. Nó cũng không thể lây cho những người khác ở các khu vực công cộng tiếp xúc gần, chẳng hạn như ở hồ bơi hoặc trong phòng tắm hơi.”

2. Bệnh vảy nến chỉ là hiện tượng da bị khô?

Có phải vảy nến chỉ giống như khô da bình thường? (Ảnh: Internet).
Có phải vảy nến chỉ giống như khô da bình thường? (Ảnh: Internet).

“Không, nó còn hơn thế nữa,” chuyên gia Chandler nói. Trong bệnh này, “cấu trúc da bị thay mới nhanh hơn nhiều – chu kỳ thay da thông thường là khoảng 28 ngày một lần, nhưng đối với bệnh vảy nến có thể ngắn từ 4–5 ngày”.

Do quá trình quay vòng ngắn như vậy nên các tế bào da chưa kịp trưởng thành, khiến chúng đóng thành vảy dày và không thể rụng đi như bình thường. Ngoài ra chuyên gia Chandler cũng cho biết thêm, “các mạch máu cũng thay đổi và di chuyển lên gần bề mặt hơn, khiến các khu vực này nếu bị trầy xước sẽ chảy máu, trở nên rất đỏ và đau.”

Chuyên gia Urmston cho biết: “Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh vảy nến có thể khiến da nứt nẻ và chảy máu, khiến người bệnh suy nhược. Bệnh vảy nến trên bàn tay hoặc bàn chân có thể khiến các hoạt động hằng ngày trở nên khó khăn, còn bệnh vảy nến trên các vùng như bẹn hoặc mông có thể khiến ngay cả khi ngồi xuống hoặc đi vệ sinh cũng bị đau.”

Vảy nến có thể xuất hiện ở nhiều vùng da khác nhau trên khắp cơ thể (Ảnh: Internet).
Vảy nến có thể xuất hiện ở nhiều vùng da khác nhau trên khắp cơ thể (Ảnh: Internet).

3. Bệnh vẩy nến ở tất cả mọi trường hợp đều giống nhau?

Nhiều người nghĩ đơn giản rằng “vẩy nến là vẩy nến”, thế thôi. Tuy nhiên thực tế lại có nhiều dạng bệnh rất phức tạp, như chuyên gia Chandler giải thích: “Loại phổ biến nhất là bệnh vảy nến thể mảng lớn với các vảy trắng bạc dày đặc trưng.” Ngoài ra còn có một số dạng khác bao gồm:

  • Vảy nến ruột: Đây là dạng phát ban lan rộng mà đôi khi còn được gọi là “vẩy nến giọt” vì các mảng vẩy có hình giọt nước.
  • Vảy nến thể ngược: Loại này chỉ hình thành ở những vùng da có tiếp xúc với các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như nách, bẹn hoặc vùng dưới vú.
  • Vảy nến thể da: Đây là dạng không phổ biến, biểu hiện phát ban bong tróc có màu đỏ trên nền da trắng và bao phủ phần lớn cơ thể.
  • Vảy nến thể mủ: Ở dạng này sẽ xuất hiện các mụn nước có mủ, thường gặp nhất là ở bàn tay và bàn chân.
Bệnh vảy nến có nhiều thể khác nhau (Ảnh: Internet).
Bệnh vảy nến có nhiều thể khác nhau (Ảnh: Internet).

4. Nguyên nhân gây bệnh vảy nến là do vệ sinh kém?

Chuyên gia Urmston khẳng định: “Sự xuất hiện của bệnh vảy nến không có nghĩa là chuyện vệ sinh của người đó kém.”

Mặc dù là bệnh da liễu nhưng vảy nến không bắt nguồn từ vệ sinh kém (Ảnh: Internet).
Mặc dù là bệnh da liễu nhưng vảy nến không bắt nguồn từ vệ sinh kém (Ảnh: Internet).

Chuyên gia Chandler cũng đồng tình: “Trên thực tế, những người mắc bệnh vảy nến có xu hướng cẩn thận trong việc tự chăm sóc bản thân, vì da của họ rất đau và bong tróc nên cần được chăm sóc liên tục.”

Ông cũng giải thích rằng những người bị bệnh vảy nến thường phải dùng thuốc điều trị hai lần mỗi ngày, tức là họ sẽ dành rất nhiều thời gian để chăm sóc da, đặc biệt là các khu vực như da đầu, bởi vì nếu bỏ sót thì tình trạng da sẽ nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn và rất khó kiểm soát.

5. Bác sĩ có thể chữa khỏi bệnh vảy nến?

Đây cũng là một sai lầm, vì hiện tại không có cách nào chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này. Tuy nhiên chuyên gia Chandler nói rằng: “Có rất nhiều phương pháp điều trị có thể giúp làm giảm triệu chứng của bệnh vảy nến, tùy thuộc vào mức độ bị ảnh hưởng của bệnh nhân.”

Kem bôi là một trong những phương pháp điều trị vảy nến (Ảnh: Internet).
Kem bôi là một trong những phương pháp điều trị vảy nến (Ảnh: Internet).

Các phương pháp hiện nay bao gồm nhiều loại kem bôi da cho đến thuốc mỡ, bọt và gel. Ngoài ra còn có liệu pháp ánh sáng (tia cực tím) và các loại thuốc dạng viên uống và thuốc tiêm. Tất cả các phương pháp này đều có ưu điểm và nhược điểm khác nhau phù hợp với từng người bệnh.

Vì vảy nến là một tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời nên người bệnh thường phải gặp bác sĩ thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch điều trị theo thời gian. Hầu hết thường bắt đầu bằng các loại thuốc bôi tại chỗ (kem, thuốc mỡ và gel) với công thức phối hợp khác nhau dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bệnh nặng hơn hoặc các thuốc tại chỗ không hiệu quả, bác sĩ da liễu có thể đưa ra các lựa chọn điều trị khác, chẳng hạn như liệu pháp ánh sáng UV, thuốc uống hoặc tiêm.

Mặc dù chưa có cách chữa trị dứt điểm vảy nến nhưng các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tìm hiểu thêm về căn bệnh này, và như chuyên gia Chandler lưu ý, những hiểu biết mới hiện nay có thể giúp tìm ra cách chữa trong tương lai.

Dù sao thì, như chuyên gia Urmston cho biết, điều quan trọng là bệnh vảy nến có thể được kiểm soát tốt, đồng thời các bác sĩ có thể đưa ra nhiều lựa chọn điều trị để giảm nhẹ triệu chứng.

6. Bệnh vảy nến chỉ ảnh hưởng đến da?

Các bệnh tự miễn như vảy nến có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau (Ảnh: Internet).
Các bệnh tự miễn như vảy nến có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau (Ảnh: Internet).

Triệu chứng trên da là đáng chú ý nhất, nhưng bệnh vảy nến không chỉ dừng lại ở đó. Ước tính có khoảng 6–42% người bệnh cũng mắc phải bệnh viêm khớp vảy nến, một dạng viêm khớp mà chuyên gia Urmston mô tả là “thường ảnh hưởng đến đầu gối hoặc các khớp ở bàn tay và bàn chân, cũng như các khu vực mà gân liên kết với xương, chẳng hạn như gót chân và lưng dưới”.

Ngoài những ảnh hưởng về thể chất, bệnh vẩy nến cũng có thể tác động đến tâm lý. Những người mắc bệnh vẩy nến dễ bị lo lắng, trầm cảm, thiếu tự tin về bản thân, tất cả những điều đó đều có thể ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống hằng ngày.

7. Bệnh vảy nến chỉ gặp ở người lớn?

Chuyên gia Chandler giải thích: “Mặc dù thường thấy nhất ở người lớn – bệnh vảy nến thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên và kéo dài suốt đời – nhưng nó có thể xuất hiện ở trẻ em và hiếm khi xảy ra ở trẻ sơ sinh.”

Còn theo chuyên gia Urmston, dường như có hai độ tuổi dễ khởi phát bệnh này nhất: từ cuối thanh thiếu niên đến đầu 30 và trong khoảng 50 đến 60 tuổi.

Người trẻ cũng có thể mắc bệnh vảy nến (Ảnh: Internet).
Người trẻ cũng có thể mắc bệnh vảy nến (Ảnh: Internet).

8. Bệnh vảy nến cũng giống như bệnh chàm?

Mặc dù các triệu chứng chính của hai bệnh này trông khá giống nhau, nhưng bản chất lại hoàn toàn khác nhau.

Chuyên gia Chandler giải thích: “Bệnh chàm thường dựa trên phản ứng dị ứng, còn vảy nến thì không.” Ngoài ra bệnh chàm “phổ biến hơn ở trẻ nhỏ và có thể biến mất theo thời gian”. Ngược lại, vảy nến ít phổ biến hơn ở trẻ em và thường trở thành tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời.

Chàm và vảy nến có nhiều điểm khác nhau (Ảnh: Internet).
Chàm và vảy nến có nhiều điểm khác nhau (Ảnh: Internet).

Hai bệnh này cũng ảnh hưởng đến các vùng khác nhau của cơ thể, chuyên gia Urmston cho biết. “Bệnh chàm có xu hướng xuất hiện ở mặt trong của khuỷu tay và đầu gối (khoeo chân), trong khi bệnh vảy nến xuất hiện thường xuyên hơn ở mặt ngoài khuỷu tay và đầu gối, cũng như trên da đầu.”

Nhìn chung, các cơ chế dẫn đến hai bệnh này cũng khác nhau. Vảy nến là một tình trạng tự miễn, trong khi bệnh chàm có thể liên quan đến di truyền, môi trường và các yếu tố khác. Tuy vậy có một số bằng chứng gợi ý rằng bệnh chàm cũng có thể do tự miễn.

Điều quan trọng là bất kỳ bệnh nào cũng phải được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế có trình độ để bắt đầu lộ trình điều trị phù hợp nhất càng sớm càng tốt, ngăn bệnh tiến triển nặng hơn.

9. Thay đổi chế độ ăn uống có thể chữa khỏi bệnh vảy nến?

Người bị vảy nến có cần ăn kiêng đặc biệt hay không? (Ảnh: Internet).
Người bị vảy nến có cần ăn kiêng đặc biệt hay không? (Ảnh: Internet).

Chuyên gia Chandler nói: “Không có bằng chứng cho thấy một chế độ ăn uống cụ thể nào đó có thể chữa khỏi bệnh vảy nến”. Nhiều người tưởng rằng thay đổi trong chế độ ăn giúp cải thiện tình trạng da, nhưng vì bản chất của vảy nến là tăng giảm từng đợt nên điều đó có thể chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi.

Tuy vậy, ông cũng lưu ý rằng “tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, giảm cân và tập thể dục thường xuyên là những lời khuyên hữu ích nên làm theo để có được sức khỏe tổng thể.”

Chuyên gia Urmston cũng đồng tình, cho biết tại thời điểm này chưa có bằng chứng để khẳng định bất kỳ sự thay đổi cụ thể nào trong chế độ ăn giúp cải thiện triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên “các yếu tố như béo phì, rượu và thuốc lá có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh vảy nến, vì vậy lối sống lành mạnh, bao gồm tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng có thể giúp ích trong việc kiểm soát vảy nến.”

Tổng kết

Bệnh vảy nến hiện nay chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể điều trị để giảm nhẹ triệu chứng. Nếu nghi ngờ mình bị bệnh này thì bạn nên đến gặp bác sĩ để chẩn đoán chính xác và bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt.

Giống như với tất cả các vấn đề sức khỏe khác, các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu phương pháp giúp kiểm soát vảy nến hiệu quả hơn. Có thể một ngày nào đó trong tương lai chúng ta sẽ tìm ra cách chữa dứt điểm căn bệnh này.

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

COVID-19 lại có thêm "nhân vật mới" - Biến thể C.1.2 và Mu là gì, và chúng ta có nên lo lắng không?

Trong lúc đại dịch COVID-19 đang căng thẳng do biến thể Delta thì các biến thể mới vẫn liên tục xuất hiện. "Nhân vật" mới nhất đang khiến các nhà khoa học phải đặc biệt chú ý là biến thể C.1.2 và biến thể Mu. Vậy chúng có nguy hiểm hơn Delta hay không? Liệu vaccine có còn hiệu quả?
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận