Buổi sáng bạn thức dậy và đột nhiên thấy mắt mình bị đỏ, nóng và đau? Rất có thể bạn đã bị viêm kết mạc, hay còn gọi là mắt đỏ. Vậy làm cách nào để giải quyết tình trạng này nhanh chóng? Có thể tự chữa mắt đỏ tại nhà hay không, và khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Thuốc nhỏ mắt và rửa bằng nước lạnh có thể giúp hỗ trợ điều trị viêm kết mạc do nguyên nhân virus và dị ứng, nhưng nếu mắt bị nhiễm trùng do vi khuẩn thì phải dùng kháng sinh do bác sĩ kê đơn. Dưới đây là giải thích những phương pháp tại nhà có thể giúp giảm bớt mắt đỏ và những phương pháp sai lầm mà bạn nên tránh.

Mắt đỏ là tình trạng rất thường gặp (Ảnh: Internet)
Mắt đỏ là tình trạng rất thường gặp (Ảnh: Internet)

Có thể tự chữa mắt đỏ tại nhà không?

Mắt đỏ thường tự khỏi khi có thời gian nghỉ ngơi, nhưng các biện pháp đơn giản tại nhà cũng có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng khiến bạn khó chịu. Các nguyên nhân khác nhau gây ra mắt đỏ sẽ đáp ứng với cách điều trị khác nhau, vì vậy những biện pháp này cũng có thể giúp bạn biết mình đang mắc phải nguyên nhân gì.

Mắt đỏ có thể do các chất gây dị ứng như phấn hoa và cỏ khô gây ra, hoặc có thể do virus, vi khuẩn gây ra. Mắt đỏ do virus thường đi kèm với các triệu chứng cảm lạnh như nghẹt mũi hay sổ mũi, trong khi mắt đỏ do vi khuẩn thường xảy ra khi có bụi bẩn hoặc vật lạ rơi vào mắt, cũng có thể tay bạn bị bẩn và dụi mắt, hoặc bạn tiếp xúc với người đã mắc bệnh này và sau đó bạn chạm tay vào mặt mình.

Nếu mắt đỏ liên quan đến dị ứng, nó sẽ giảm bớt khi bạn không còn tiếp xúc với chất gây dị ứng nữa. Nhưng nếu nguyên nhân do virus thì phải đợi cho đến khi hệ thống miễn dịch của bạn có thể chống lại virus, trong thời gian đó hãy cố gắng giảm nhẹ các triệu chứng và tránh lây lan bệnh cho người khác. Nhiễm trùng do vi khuẩn có thể được giải quyết nhanh với sự trợ giúp của kháng sinh, nhưng phải có đơn thuốc của bác sĩ.

Có nhiều nguyên nhân gây mắt đỏ (Ảnh: Internet)
Có nhiều nguyên nhân gây mắt đỏ (Ảnh: Internet)

Hầu hết mọi người cho rằng mắt đỏ là do vi khuẩn, nhưng trên thực tế nguyên nhân phổ biến nhất là do virus.

Các biện pháp tại nhà khi bị mắt đỏ bao gồm:

  • Dùng thuốc nhỏ mắt dưỡng ẩm hay nước mắt nhân tạo.
  • Chườm lạnh
  • Các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn

Ngoài ra bạn nên tránh lây mắt đỏ bằng cách:

  • Thay và giặt vỏ gối, ga trải giường hàng ngày
  • Tránh dùng tay chạm vào mặt và mắt
  • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi chạm vào mặt và mắt
  • Làm sạch hoặc vứt bỏ khăn tay sau khi sử dụng
  • Vứt bỏ kính áp tròng mà bạn đang đeo khi bị nhiễm trùng và không đeo kính áp tròng cho đến khi khỏi hoàn toàn.
  • Vứt bỏ hoặc làm sạch cọ mascara và cọ trang điểm bằng xà phòng và nước để tránh tái nhiễm

Nếu có bất kỳ mối lo ngại nào, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và xác định nguyên nhân gây mắt đỏ, giúp giảm nguy cơ lây lan và điều trị hiệu quả hơn.

Các biện pháp giảm nhẹ mắt đỏ tại nhà

Bạn có thể giảm nhẹ các triệu chứng hoặc tác dụng phụ của mắt đỏ cho đến khi khỏi hoàn toàn. Những phương pháp này có thể giúp giảm đau hiệu quả bất kể bạn bị mắt đỏ do nguyên nhân nào.

Chườm lạnh

Chườm lạnh cho mắt (Ảnh: Internet)
Chườm lạnh cho mắt (Ảnh: Internet)

Mắt đỏ có thể gây viêm và kích ứng quanh vùng mắt bị tổn thương. Chườm lạnh có thể giúp giảm viêm và làm dịu các triệu chứng liên quan.

Bạn có thể chườm lạnh bằng cách ngâm một chiếc khăn nhỏ hoặc khăn giấy vào nước lạnh, vắt kiệt nước rồi đắp lên mắt bị đau. Nếu chỉ một bên mắt của bạn bị đỏ thì chỉ chườm mắt đó và chỉ chườm lạnh một lần để không lây sang mắt bình thường và tránh nguy cơ tái nhiễm. Nếu cả hai mắt của bạn đều bị đỏ, hãy dùng 2 khăn riêng để chườm cho 2 mắt.

Thuốc nhỏ mắt

Dùng thuốc nhỏ mắt không kê đơn (Ảnh: Internet)
Dùng thuốc nhỏ mắt không kê đơn (Ảnh: Internet)

Dưỡng ẩm cho mắt bằng nước mắt nhân tạo không kê đơn (OTC) hoặc nước muối sinh lý là một giải pháp tốt. Cảm giác khó chịu ở mắt có thể là do mắt bị khô, hoặc có thể là do môi trường, chẳng hạn như bụi từ hệ thống sưởi/làm mát trong nhà. Cung cấp đủ nước cho mắt có thể giúp làm dịu mắt.

Nếu mắt đỏ của bạn là do dị ứng thì thuốc nhỏ mắt kháng histamine OTC cũng có thể hữu ích.

Rửa bằng nước mát

Rửa bằng nước bình thường hoặc mát cũng có thể giúp làm dịu mắt và làm sạch bụi bẩn hoặc các vật lạ ảnh hưởng đến khả năng nhìn của bạn hoặc khiến bạn khó mở mắt. Các chuyên gia khuyên rằng nếu bạn bị ngứa mắt thì hãy tránh xa các nguồn nhiệt vì hơi nóng làm cho cơn ngứa trở nên tồi tệ hơn. Bạn nên dùng nước mát để rửa mắt khi bị ngứa.

Thuốc uống không kê đơn

Nếu mắt bạn bị viêm thì các loại thuốc chứa acetaminophen (như Tylenol®) hoặc ibuprofen có thể hiệu quả để giảm đau và khó chịu. Đối với nguyên nhân dị ứng, các loại thuốc như Zyrtec® có thể hữu ích.

Những cách chữa mắt đỏ sai lầm bạn nên tránh

Một số người trên mạng quảng cáo những biện pháp chứa mắt đỏ tại nhà nhưng lại không có hiệu quả, thậm chí gây tổn thương nặng hơn. Những biện pháp đó chưa được khoa học chứng minh là có thể giúp giảm viêm kết mạc, thậm chí trong một số trường hợp có thể gây nhiễm trùng nặng hơn.

Nhìn chung, các chuyên gia khuyên bạn không nên đắp hay bôi bất cứ thứ gì lên mắt nếu không có hướng dẫn của bác sĩ. Điều này áp dụng cho mắt đỏ cũng như các bệnh khác liên quan đến mắt.

Những cách chữa sai lầm cần tránh bao gồm:

Dùng sữa mẹ

Có thể bạn đã từng nghe nhiều người nói rằng nhỏ sữa mẹ vào mắt có lợi vì sữa có kháng thể. Một nghiên cứu năm 2021 cũng cho thấy một giọt sữa mẹ có thể là phương pháp điều trị hiệu quả cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bú sữa mẹ bị chảy nước mắt. Nhưng các nghiên cứu khác cho thấy nó không có hiệu quả đối với hầu hết các nguyên nhân phổ biến gây mắt đỏ. Không có nghiên cứu thống kê nào chứng minh rằng sữa mẹ có thể điều trị hiệu quả mắt đỏ ở người lớn. Thậm chí cách này có thể làm cho các triệu chứng ở mắt trở nên tồi tệ hơn vì nó có thể đưa vi khuẩn vào mắt và gây nhiễm trùng nặng hơn.

Rửa mắt bằng nước tiểu

Dựa theo dân gian hoặc nghe trên mạng, một số người đã rửa mắt bằng nước tiểu để điều trị các tình trạng như mắt đỏ. Vi khuẩn luôn có trong nước tiểu, vì vậy cách này có thể gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng khác do vi khuẩn xâm nhập vào mắt. Nó cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khó chịu mà bạn đang gặp phải. Nếu bạn muốn rửa mắt thì nước sạch và mát là tốt nhất.

Visine và các loại thuốc nhỏ mắt khác

Các loại thuốc nhỏ mắt được dán nhãn là “nước mắt nhân tạo” rất tốt nếu bạn bị mắt đỏ, nhưng bạn nên tránh xa các loại thuốc nhỏ mắt “giảm đỏ”, như Visine®. Trong một số trường hợp, các loại thuốc này có thể khiến triệu chứng mắt đỏ trở nên trầm trọng hơn và mắt bị đau ngứa nhiều hơn bình thường.

Thảo mộc và thực phẩm

Không tự ý đắp thuốc lên mắt (Ảnh: Internet)
Không tự ý đắp thuốc lên mắt (Ảnh: Internet)

Những thứ này có thể chứa nhiều vi trùng và không được chứng minh về mặt khoa học để điều trị mắt đỏ. Nếu không có hướng dẫn của bác sĩ thì không được dùng các loại thảo mộc và thực phẩm bôi lên mắt dù chỉ với lượng nhỏ, vì có thể gây kích ứng nhiều hơn.

Mất bao lâu để mắt đỏ tự khỏi?

Nếu bạn áp dụng các biện pháp chữa mắt đỏ tại nhà trên đây để làm dịu các triệu chứng thì cũng không thể chữa khỏi hoàn toàn chỉ sau một đêm. Mắt đỏ do dị ứng có thể biến mất nhanh chóng nếu được điều trị bằng thuốc kháng histamine và các biện pháp chăm sóc thích hợp khác. Nhưng mắt đỏ do vi khuẩn và virus sẽ không khỏi nhanh như vậy.

Mắt đỏ do vi khuẩn sẽ trở nên trầm trọng hơn theo thời gian nếu không dùng thuốc kháng sinh. Với virus, thời gian hồi phục tùy thuộc vào tình trạng nhiễm virus của bạn diễn biến như thế nào, ví dụ như cảm lạnh. Các triệu chứng cảm lạnh thường kéo dài khoảng 2 tuần, mặc dù mắt đỏ do virus thường biến mất sau 5 đến 7 ngày. Nếu dùng thuốc kháng sinh thì mắt đỏ do vi khuẩn cũng hồi phục sau khoảng 5 đến 7 ngày.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Đối với mắt đỏ do virus, bạn không thể làm gì để nhanh khỏi ngoài việc chờ đợi. Nhưng có những trường hợp nên đến gặp bác sĩ, ví dụ như mắt đỏ do vi khuẩn sẽ trở nên trầm trọng hơn theo thời gian nếu không dùng kháng sinh. Triệu chứng do vi khuẩn thường là mắt bị đỏ và viêm, đồng thời có thể bị sưng mí mắt, bị chảy dịch đặc, màu hơi vàng hoặc hơi xanh và có ghèn, thường không tự cải thiện trong vài ngày.

Mắt đỏ do virus cũng có thể trở thành mắt đỏ do vi khuẩn bất cứ lúc nào. Nếu bạn đưa vật lạ hoặc bụi bẩn vào mắt có thể gây nhiễm trùng do vi khuẩn”

Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu mắt đỏ kéo dài hơn 1 tuần hoặc xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Chất dịch màu xanh lá cây hoặc màu vàng chảy ra từ mắt
  • Đau mắt
  • Khả năng nhìn bị ảnh hưởng như nhìn mờ, nhìn đôi hoặc mất thị lực
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Nhức mỏi cơ thể
  • Phát ban trên da

Đặc biệt, những thay đổi về thị lực là lý do quan trọng để đến gặp bác sĩ ngay lập tức vì đó có thể là triệu chứng của một vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như đột quỵ hay khối u não.

Đôi khi, mắt đỏ ở trẻ em cũng có thể là triệu chứng của bệnh sởi, vì vậy nên đến gặp bác sĩ ngay nếu trẻ chưa được tiêm phòng.

Tổng kết

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trên đây và bạn lo lắng về nguyên nhân của chúng hoặc cách xử lý tốt nhất thì hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được điều trị thích hợp. Hãy luôn chú ý đến sức khỏe của mắt và không dựa hoàn toàn vào các biện pháp điều trị tại nhà. Hãy tìm lời khuyên từ các chuyên gia y tế bất cứ khi nào cảm thấy lo ngại.

Nguồn tham khảo: Cleveland Clinic

Mời bạn xem thêm các bài liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

11 dấu hiệu sớm của chứng sa sút trí tuệ cần chú ý phát hiện ngay

Sa sút trí tuệ là một khái niệm rộng bao gồm các tình trạng sức khỏe có thể làm giảm khả năng trí nhớ, xử lý thông tin và nói của một người. Các dấu hiệu ban đầu của sa sút trí tuệ thường là hay quên và khó sử dụng từ ngữ khi nói chuyện. Mặc dù các ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận