Chảy máu chân răng, hay còn gọi là chảy máu nướu, là triệu chứng phổ biến nhất của các bệnh về nướu, nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe khác. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu về vấn đề này nhé!

Nguyên nhân gây chảy máu chân răng là gì?

Chảy máu chân răng là triệu chứng rất thường gặp ở răng miệng (Ảnh: Internet).
Chảy máu chân răng là triệu chứng rất thường gặp ở răng miệng (Ảnh: Internet).

Các vấn đề về chăm sóc răng miệng là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng này, bao gồm:

  • Đánh răng quá mạnh hoặc đeo răng giả không vừa, phục hình răng bị lỗi
  • Viêm nướu và viêm nha chu làm cho nướu trở nên nhạy cảm và dễ bị chảy máu
  • Mới bắt đầu dùng chỉ nha khoa và nướu chưa quen với việc này

Chảy máu chân răng thường xuyên cũng có thể là triệu chứng của các vấn đề nghiêm trọng khác, bao gồm:

  • Dùng một số loại thuốc như thuốc chống đông máu
  • Viêm nướu do mang thai
  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh bạch cầu (ung thư máu), thiếu tiểu cầu
  • Thiếu vitamin

Viêm nướu

Hầu hết các trường hợp viêm nướu có nguyên nhân là do mảng bám tồn tại ở trên đường viền nướu quá lâu. Thành phần của mảng bám bao gồm các mảnh vụn thức ăn thừa và vi khuẩn sống trong khoang miệng của chúng ta.

Sự khác biệt dễ nhận thấy khi nướu bị viêm (Ảnh: Internet).
Sự khác biệt dễ nhận thấy khi nướu bị viêm (Ảnh: Internet).

Mảng bám có thể tích tụ trên đường viền nướu nếu bạn không chải răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách. Nếu mảng bám không được loại bỏ, nó có thể cứng lại tạo thành cao răng (còn gọi là vôi răng) làm dễ chảy máu nướu và gây ra viêm nướu.

Các triệu chứng của viêm nướu bao gồm nướu bị sưng, chảy máu, đau xung quanh nướu và trong khoang miệng nói chung.

Viêm nha chu

Viêm nướu tiến triển nặng sẽ dẫn tới viêm nha chu (Ảnh: Internet).
Viêm nướu tiến triển nặng sẽ dẫn tới viêm nha chu (Ảnh: Internet).

Bệnh nha chu là một nhóm các vấn đề có thể xuất hiện khi viêm nướu không được điều trị và tiến triển nặng hơn, có thể bao gồm nhiễm trùng ở nướu, xương hàm và các mô nâng đỡ có vai trò liên kết răng với nướu.

Viêm nha chu có thể gây hôi miệng, có mùi vị khó chịu trong miệng, răng bị lệch khi cắn và nướu đỏ, sưng, mềm. Nếu tình trạng này diễn tiến nghiêm trọng có thể khiến răng bị lung lay hoặc rụng hẳn ra.

Bệnh tiểu đường

Nướu bị chảy máu hoặc sưng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2. Bệnh này làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, do đó dễ mắc các vấn đề về nhiễm trùng như bệnh ở nướu răng. Lượng đường trong máu cao khi bị tiểu đường cũng khiến vết thương khó lành hơn, góp phần làm cho bệnh càng trở nên trầm trọng.

Bệnh bạch cầu, thiếu tiểu cầu

Chảy máu chân răng có thể là dấu hiệu của bệnh bạch cầu – một dạng ung thư máu. Các tiểu cầu trong máu đóng vai trò quan trọng đối với quá trình cầm máu. Khi bị bệnh bạch cầu, số lượng tiểu cầu có thể giảm rất thấp dẫn đến khó cầm máu ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể, bao gồm cả nướu răng.

Thiếu tiểu cầu có thể gây xuất huyết dạng chấm trên da (Ảnh: Internet).
Thiếu tiểu cầu có thể gây xuất huyết dạng chấm trên da (Ảnh: Internet).

Rối loạn đông máu

Nếu bạn bị chảy máu chân răng hoặc chảy máu kéo dài khi bị một vết cắt nhỏ thì đó có thể là dấu hiệu của các rối loạn như bệnh ưa chảy máu hoặc bệnh von Willebrand. Những bệnh này xuất hiện khi các yếu tố đông máu bị thiếu hụt khiến cơ thể dễ bị chảy máu ở nhiều vị trí khác nhau.

Rối loạn đông máu cũng có thể do dùng thuốc có tác dụng chống đông máu (còn gọi là thuốc làm loãng máu). Các thuốc thuộc nhóm này bao gồm warfarin, aspirin và heparin.

Thiếu vitamin

Sự thiếu hụt vitamin C và vitamin K cũng có thể khiến nướu răng dễ bị chảy máu. Vitamin C giúp các mô phát triển và chữa lành vết thương, tăng cường sự vững chắc cho xương và răng. Nếu cơ thể bị thiếu vitamin C, bạn có thể cảm thấy yếu người và khó chịu, nếu để lâu có thể bị sưng nướu và chảy máu chân răng.

Vitamin C có vai trò quan trọng đối với các vết thương trên cơ thể (Ảnh: Internet).
Vitamin C có vai trò quan trọng đối với các vết thương trên cơ thể (Ảnh: Internet).

Vitamin K là dưỡng chất cần thiết để cơ thể tổng hợp nên các yếu tố đông máu và cũng tốt cho xương. Nếu bạn không nạp đủ vitamin K từ chế độ ăn uống hoặc cơ thể không hấp thụ tốt thì có thể xuất hiện các vấn đề về chảy máu.

Bác sĩ sẽ kiểm tra hàm lượng vitamin C và K nếu bạn bị chảy máu nướu răng mà không phải do thiếu chăm sóc răng miệng. Hãy tuân theo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo cơ thể luôn nhận được các loại vitamin cần thiết giúp tăng cường sức khỏe.

  • Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: các loại trái cây họ cam quýt, bông cải xanh, dâu tây, cà chua, khoai tây, ớt chuông, v.v.
  • Thực phẩm giàu vitamin K bao gồm: cải xoong, cải xoăn, rau chân vịt, rau xà lách, mù tạt xanh, đậu nành, dầu hạt cải, dầu ô liu, v.v.

Các nguyên nhân khác gây chảy máu chân răng

Những người đeo răng giả đôi khi cũng có thể bị chảy máu nướu, thường xảy ra khi răng giả áp vào nướu quá chặt. Nếu bạn cảm thấy răng giả hoặc các dụng cụ răng miệng khác là nguyên nhân gây chảy máu chân răng thì hãy đến gặp nha sĩ để được tư vấn và có thể cần phải lấy khuôn răng mới để làm lại các dụng cụ nha khoa vừa vặn hơn.

Mang thai cũng là một trong những nguyên nhân gây chảy máu nướu. Sự thay đổi nội tiết tố xảy ra trong thời kỳ mang thai có thể khiến nướu nhạy cảm hơn.

Các biện pháp tại nhà để giảm chảy máu chân răng

1. Dùng gạc để cầm máu

Cũng như khi bị chảy máu ở bất kỳ vị trí nào khác trên cơ thể, bạn có thể cầm máu tức thì bằng cách dùng miếng gạc sạch và ẩm ấn lên vùng nướu đang chảy máu, ấn nhẹ nhàng và giữ cho đến khi máu ngừng chảy. Những người bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh lý khác có thể khó cầm máu hơn.

Bạn có thể đặt mua gạc cầm máu tại đây

Dùng gạc là cách đơn giản và nhanh chóng để cầm máu (Ảnh: Internet).
Dùng gạc là cách đơn giản và nhanh chóng để cầm máu (Ảnh: Internet).

2. Chườm đá

Bạn có thể dùng túi chườm lạnh, bọc nước đá nhỏ hoặc một viên đá lạnh áp vào vùng nướu bị chảy máu để chống sưng tấy và cầm máu tạm thời. Chườm đá đặc biệt có ích khi bạn muốn làm dịu các vết thương nhẹ ở miệng gây sưng tấy, chẳng hạn như vết cắt hay trầy xước. Cách này cũng có thể giúp giảm đau và sưng do viêm lợi. Bạn có thể đặt mua túi chườm đá tại đây.

Mỗi lần chườm đá nên kéo dài trong 10 phút rồi nghỉ 10 phút. Nếu bạn thấy nướu vẫn tiếp tục chảy máu thì hãy tìm đến bác sĩ ngay.

3. Dùng nước súc miệng

Nước súc miệng kháng khuẩn vừa giúp điều trị vừa ngăn ngừa chảy máu chân răng, nhờ tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và giảm viêm để làm dịu vùng nướu bị sưng đau và chảy máu.

Nên dùng nước súc miệng hằng ngày để bảo vệ sức khỏe răng miệng (Ảnh: Internet).
Nên dùng nước súc miệng hằng ngày để bảo vệ sức khỏe răng miệng (Ảnh: Internet).

Nước súc miệng cũng có thể điều trị và ngăn ngừa viêm nướu, một nguyên nhân thường gặp gây chảy máu nướu. Các thành phần hoạt tính phổ biến trong nước súc miệng bao gồm chlorohexidine và hydrogen peroxide.

Nên mua sẵn nước súc miệng để dùng khi bị chảy máu chân răng bất ngờ. Bạn có thể tìm mua nước súc miệng kháng khuẩn tại đây.

4. Súc miệng bằng nước muối ấm

Nước muối có thể giúp làm giảm lượng vi khuẩn và đẩy nhanh thời gian chữa lành vết thương. Theo Hiệp hội Nha khoa Mỹ (ADA), mọi người có thể tự làm nước muối súc miệng tạo nhà bằng cách pha nửa thìa cà phê muối vào khoảng 240 ml nước ấm.

Súc miệng bằng nước muối là thói quen của nhiều người (Ảnh: Internet).
Súc miệng bằng nước muối là thói quen của nhiều người (Ảnh: Internet).

Bạn nên đảo nước muối khắp trong khoang miệng để làm sạch và sau đó nhổ ra ngoài, lặp lại vài lần trong một ngày hoặc theo hướng dẫn của nha sĩ.

5. Đắp bột nghệ

Nghệ có tác dụng kháng khuẩn và kháng viêm tự nhiên. Đắp hỗn hợp bột nghệ lên nướu có thể cải thiện các triệu chứng của viêm nướu và chảy máu chân răng. Tuy nhiên hiện tại không có bằng chứng khoa học đáng tin cậy nào nói rằng nghệ có tác dụng đối với bệnh về nướu hoặc chảy máu chân răng.

Bột nghệ có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe (Ảnh: Internet).
Bột nghệ có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe (Ảnh: Internet).

Một nghiên cứu quy mô nhỏ đã so sánh tác dụng của curcumin, thành phần hoạt tính trong nghệ, với tác dụng của chlorhexidine trong việc vệ sinh răng miệng. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy tác dụng chống viêm tương đương nhau ở những người sử dụng hai chất này trong 10 phút mỗi ngày, hai lần một ngày.

Củ nghệ có màu vàng, nhưng nó sẽ không làm ố màu răng nếu bạn rửa sạch sau khi dùng xong. Một số người sử dụng nghệ như một chất làm trắng răng, đặc biệt là khi kết hợp với baking soda. Tuy nhiên hiện nay không có bằng chứng về hiệu quả của phương pháp này.

6. Sử dụng bàn chải đánh răng phù hợp

Nếu bạn cảm thấy nướu của mình nhạy cảm thì nên chọn bàn chải đánh răng được dán nhãn là “siêu mềm” hoặc “dành cho răng nhạy cảm”. Bàn chải đánh răng loại cứng có thể làm tổn thương nướu. Bạn có thể mua bàn chải đánh răng siêu mềm tại đây.

Lông bàn chải siêu mềm giúp chăm sóc răng nhẹ nhàng hơn (Ảnh: Internet).
Lông bàn chải siêu mềm giúp chăm sóc răng nhẹ nhàng hơn (Ảnh: Internet).

ADA khuyến cáo mọi người nên sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm trong 2 phút và hai lần một ngày, cả bàn chải thông thường và bàn chải chạy điện đều hiệu quả. Ngoài ra cũng đừng quên thay bàn chải sau 3 đến 4 tháng, hoặc sớm hơn nếu lông bàn chải đã bị sờn.

Bạn có thể sử dụng bàn chải đánh răng chạy điện, phần đầu của chúng được thiết kế đặc biệt để giúp chải sạch đường viền nướu dễ dàng hơn so với bàn chải thông thường. Mua bàn chải đánh răng chạy điện tại đây nhé.

7. Dùng chỉ nha khoa hằng ngày, nhưng phải nhẹ nhàng

Chỉ nha khoa là công cụ chăm sóc răng miệng rất hữu ích (Ảnh: Internet).
Chỉ nha khoa là công cụ chăm sóc răng miệng rất hữu ích (Ảnh: Internet).

Khi mới bắt đầu tập thói quen dùng chỉ nha khoa, bạn có thể bị chảy máu do nướu chưa quen với sự kích thích này. Nhưng chỉ sau vài ngày sử dụng đúng cách và đều đặn, máu sẽ ngừng chảy. Dùng chỉ nha khoa thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của nướu và sẽ làm giảm chảy máu chân răng theo thời gian.

8. Không hút thuốc lá

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về nướu. Hút thuốc lá gây hại cho hệ miễn dịch, làm suy giảm khả năng chống lại vi khuẩn bám vào nướu răng một cách tự nhiên. Khi nướu đã bị tổn thương, hút thuốc sẽ khiến vết thương khó lành hơn.

Thuốc lá cực kỳ có hại đối với răng miệng (Ảnh: Internet).
Thuốc lá cực kỳ có hại đối với răng miệng (Ảnh: Internet).

Bỏ thuốc lá có lợi cho toàn bộ cơ thể và cải thiện đáng kể sức khỏe răng miệng. Những người đang hút thuốc thường nhận thấy tình trạng răng miệng tốt lên nhanh chóng sau khi ngừng hút.

9. Tránh các thực phẩm chế biến sẵn và có đường

Thường xuyên ăn các thực phẩm đã qua chế biến, giàu tinh bột như bánh mì trắng, bánh ngọt, bánh quy và khoai tây chiên có thể góp phần gây viêm nướu và chảy máu chân răng. Thực phẩm giàu tinh bột có thể dính vào răng và nướu, sau đó phân hủy thành đường và dẫn đến viêm nướu, chảy máu và nguy cơ sâu răng.

10. Ăn rau nhiều hơn

Các loại rau có độ giòn như cần tây và cà rốt có thể giúp làm sạch răng, loại bỏ mảng bám thức ăn thừa sau bữa ăn. Ngoài ra chúng cũng chứa rất ít đường và carbs, vì vậy không gây sâu răng hoặc các vấn đề về nướu.

Ăn rau luôn có lợi cho cơ thể (Ảnh: Internet).
Ăn rau luôn có lợi cho cơ thể (Ảnh: Internet).

Các loại rau xanh như cải xoăn, rau diếp và rau bina là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng tuyệt vời, bao gồm cả vitamin K là chất cần thiết cho quá trình đông máu.

Khi nào cần đến gặp nha sĩ?

Bạn nên đến gặp nha sĩ nếu nhận thấy những thay đổi ở răng, nướu hoặc miệng của mình. Chảy máu chân răng không thường xuyên thường không phải là trường hợp khẩn cấp, nhưng nếu tình trạng này lặp lại nhiều lần thì hãy đến gặp bác sĩ ngay.

Tình trạng đau, đỏ hoặc chảy máu nướu tái diễn thường xuyên là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Nếu các vấn đề này vẫn xuất hiện dù bạn đã thực hiện vệ sinh răng miệng tốt thì nha sĩ có thể kiểm tra xem bạn có đang mắc bệnh về nướu giai đoạn đầu hoặc các vấn đề khác hay không.

Khám nha khoa giúp phát hiện sớm các vấn đề về răng miệng (Ảnh: Internet).
Khám nha khoa giúp phát hiện sớm các vấn đề về răng miệng (Ảnh: Internet).

Khám răng thường xuyên có thể giúp phát hiện bệnh răng miệng ngay từ giai đoạn đầu, ngăn chúng tiến triển nghiêm trọng hơn. Bệnh của nướu nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng và mất răng. Nha sĩ cũng có thể chăm sóc sức khỏe răng miệng tổng thể cho bạn và phát hiện các vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như giai đoạn đầu của ung thư miệng.

Điều trị chảy máu chân răng như thế nào?

Nha sĩ sẽ khám xem bạn có bị các bệnh về răng miệng hay không và hướng dẫn bạn vệ sinh đúng cách. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa có thể giúp loại bỏ mảng bám trên đường viền nướu, giảm nguy cơ xuất hiện bệnh nha chu.

Nha sĩ có thể giúp điều trị các bệnh về nướu, đặc biệt là ở giai đoạn sớm. Nếu chảy máu chân răng do bệnh tiểu đường thì người bệnh sẽ được hướng dẫn cách kiểm soát lượng đường trong máu, áp dụng lối sống lành mạnh và khám sức khỏe thường xuyên.

Hãy đến nha sĩ để được chăm sóc răng miệng toàn diện (Ảnh: Internet).
Hãy đến nha sĩ để được chăm sóc răng miệng toàn diện (Ảnh: Internet).

Nếu nguyên nhân là do rối loạn đông máu, bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng thuốc và các phương pháp điều trị khác nếu cần thiết.

Phòng ngừa chảy máu chân răng như thế nào?

Vệ sinh răng miệng tốt là bước đầu tiên để kiểm soát chảy máu chân răng. Tốt nhất là nên đến gặp nha sĩ hai lần mỗi năm để làm sạch răng một cách toàn diện và chuyên nghiệp. Cách tốt nhất để tránh chảy máu chân răng là duy trì lối sống lành mạnh, ngăn ngừa các bệnh gây nên tình trạng này bằng cách:

  • Tập thói quen chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt: đánh răng hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần.
  • Thay bàn chải đánh răng 3 đến 4 tháng một lần.
  • Khám răng định kỳ để làm sạch răng miệng và lấy cao răng.
  • Khám tổng quát để kiểm tra các vấn đề sức khỏe có thể góp phần ảnh hưởng tới nướu, chẳng hạn như bệnh tiểu đường.
  • Không hút thuốc lá, nếu đang hút thì hãy cố gắng bỏ.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh gồm nhiều trái cây tươi và rau quả, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm có thêm đường.

Tổng kết

Chảy máu chân răng là triệu chứng phổ biến của các vấn đề về răng miệng, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý toàn thân khác. Hãy đến gặp nha sĩ ngay khi bạn cảm thấy nướu của mình dễ bị chảy máu một cách bất thường.

Trong hầu hết các trường hợp nhẹ, mọi người có thể tự khắc phục chảy máu chân răng hiệu quả bằng các biện pháp tại nhà. Cũng có thể ngăn ngừa chảy máu tái diễn bằng cách thực hành vệ sinh răng miệng tốt và giải quyết nguyên nhân nếu có. Nếu chảy máu kéo dài hoặc quá nhiều thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

Hói đầu và tóc bạc sớm có thể là yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch - và nguy cơ rất cao!

Nếu bạn thấy mình bị rụng tóc, hói đầu và tóc bạc sớm thì hãy cẩn thận: đó không chỉ là vấn đề của tóc và da đầu mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Điều đặc biệt là mối liên quan giữa chúng rất rõ ràng, thậm chí có thể ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận