Facebook có phải là nền tảng mạng xã hội tự do mà bạn có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn? Thực ra có một số hành vi vi phạm có thể khiến tài khoản của bạn bị khóa, thậm chí nặng nhất là cấm vĩnh viễn. Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!
Khi nói đến việc xóa tài khoản thì Facebook không “nổi tiếng” bằng Twitter. Tuy vậy vẫn có một số hành vi khiến bạn có thể bị cấm vĩnh viễn chứ không chỉ là tin nhắn cảnh cáo thông thường.
Để tránh rơi vào hoàn cảnh “bỗng dưng bị cấm”, chúng ta hãy cùng khám phá các điều khoản và quy định của Facebook, những giới hạn mà họ đặt ra cho người dùng, và xem qua vài ví dụ về những tài khoản mà Facebook đã “kick” ra khỏi nền tảng của họ vì hành vi nào đó.
Quy định của Facebook về các lệnh cấm vĩnh viễn
Không giống như các trang mạng xã hội khác, Facebook không liệt kê nhiều hành vi vi phạm dẫn đến lệnh cấm vĩnh viễn. Đối với họ, yếu tố quan trọng để xem xét là sự tái phạm thay vì mức độ nghiêm trọng của hành vi. Do đó, về lý thuyết, bất kỳ vi phạm nào của người dùng lặp đi lặp lại thường xuyên đều có thể dẫn đến bị khóa tài khoản.
Tuy vậy chỉ có một vài hành vi dẫn đến lệnh cấm hoàn toàn, và Facebook lại lỏng lẻo một cách đáng ngạc nhiên đối với một số hoạt động đã được công nhận là bất hợp pháp. Ví dụ: việc bán các “hàng hóa được quản lý” như súng và cần sa không được phép diễn ra trên Thị trường (Marketplace) của Facebook, nhưng họ lại không liệt kê đó là hành vi vi phạm có thể bị cấm.
Facebook thường gắn cờ hoặc xóa nội dung đối với từng bài đăng thay vì xóa bỏ hoàn toàn một tài khoản nào đó. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ.
1. Lạm dụng các công cụ và dữ liệu
Điều khoản dịch vụ của Facebook đưa ra 3 trường hợp vi phạm bị cấm. Đầu tiên là một nhóm các hành vi mà phần sau của bài viết này sẽ xem xét chi tiết hơn. Mục thứ hai và thứ ba cụ thể hơn, liên quan đến việc lạm dụng các công cụ và dữ liệu của Facebook.
Điều khoản dịch vụ thông thường này cấm truy cập và sử dụng các khu vực của trang web được cho là dành riêng cho các nhà phát triển. Nó cũng cấm sử dụng các công cụ trang web công cộng để gây hại một cách có chủ ý, chẳng hạn như lợi dụng Facebook để phát tán virus và phần mềm độc hại.
2. Đe dọa sự an toàn công cộng
Một trong những trường hợp hiếm hoi mà Facebook nói rằng họ sẽ vô hiệu hóa tài khoản là do “nguy cơ thực sự gây tổn hại về thể chất hoặc các mối đe dọa trực tiếp đến an toàn công cộng”. Facebook cũng xóa các tài khoản “tuyên bố truyền bá bạo lực hoặc có tham gia hành vi bạo lực”.
Đây là lý do dẫn đến việc cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bị Facebook cấm vô thời hạn sau một cuộc bạo động tại Điện Capitol của Mỹ vào tháng 1 năm 2021.
3. Có liên quan với các nhóm bạo lực
Facebook đã đưa ra quy định về những nội dung có hại và gây đe dọa ở mức độ liên quan vào tháng 10 năm 2020 khi xóa các tài khoản liên quan đến nhóm âm mưu QAnon, ngay cả khi các tài khoản cá nhân không có nội dung bạo lực. Nhóm âm mưu này đã gây ra nhiều vụ bạo lực kể từ năm 2016.
Facebook cũng cấm nhóm nhạc Trapt vì các bài đăng liên quan đến nhóm thù hận Proud Boys. Tổ chức chính trị cực đoan này đã tham gia vào các vụ bạo lực trên đường phố ở Mỹ và Canada kể từ năm 2016.
Facebook cũng có quyền vô hiệu hóa tài khoản nếu những tài khoản đó gây rủi ro pháp lý cho họ. Hơn thế nữa, Facebook tỏ ra cứng rắn hơn so với các nền tảng truyền thông xã hội khác về việc hợp tác với các tổ chức thực thi pháp luật và các tổ chức để xử lý những nội dung kiểu như vậy.
4. Xâm phạm tính bảo mật của các tài khoản khác
Một trong số ít những vi phạm có thể bị cấm mà Facebook liệt kê là “xâm phạm tính bảo mật của các tài khoản khác và dịch vụ của chúng tôi”. Hành vi xâm phạm bảo mật đối với các dịch vụ của Facebook có vẻ giống với phần mềm độc hại và tội lạm dụng đã được đề cập trong điều khoản dịch vụ. Tuy nhiên khái niệm xâm phạm bảo mật của các tài khoản khác lại liên quan tới doxxing.
Doxxing là hành vi phát tán thông tin nhạy cảm trong thế giới thực của người dùng mạng xã hội, có thể bao gồm địa chỉ nhà riêng hoặc cơ quan, số điện thoại cá nhân hoặc vị trí thực tế trong thời gian thực của họ. Hành động này thường được thực hiện với mục đích gây tổn hại cho người đó.
5. Thông tin sai lệch
Hướng dẫn chính thức của Facebook nói rằng Facebook không xóa bỏ thông tin sai lệch, thay vào đó họ chọn cách gắn nhãn thông tin đó để có thể đóng góp vào các cuộc đối thoại mà không gây hiểu lầm cho người khác. Tuy vậy một số chủ tài khoản bị khóa lại nói rằng họ bị phạt vì lý do mà Facebook gọi là “tin giả”.
Trong một số trường hợp, Facebook xác định rằng tin tức sai sự thật cũng có hại cho sức khỏe cá nhân hoặc cộng đồng – ví dụ như khi họ xóa tài khoản của nhà lý thuyết âm mưu David Icke vì ông đã tuyên bố rằng Internet 5G gây ra COVID-19. Facebook cũng nói rằng Icke đã “nhiều lần vi phạm” các chính sách.
Hãy tham gia Facebook một cách văn minh!
Thường thì Facebook sẽ không gây khó dễ cho người dùng, miễn là bạn không lạm dụng nền tảng này để gây hại cho người khác. Tuy nhiên vẫn có một số vấn đề mà họ buộc phải đặt ra giới hạn. Dù vậy, nếu không vi phạm các điều khoản kể trên thì chẳng có lý do gì để bạn bị Facebook cấm cả.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- File PDF bị khóa bằng mật khẩu? Hãy dùng ngay 6 công cụ mở khóa hữu ích này!
- Tự bói bài Tarot mọi lúc mọi nơi với 5 ứng dụng cực hay trên Android này!
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!
Bữa mình cũng bị xác minh tài khoản 3-4 lần gì đó ấy, hình như do mình lạm dụng công cụ và dữ liệu quá nhiều… mà share link này kia hình như cũng bị xác minh lại tài khoản luôn đó nhé!