Trong số các loại vi khuẩn gây bệnh cho con người thì E. coli có lẽ là một trong những cái tên nổi tiếng nhất. Vi khuẩn này rất dễ lây lan và có thể gây hại cho nhiều cơ quan khác nhau, thậm chí tạo thành những đợt dịch lớn. Vậy hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu những sự thật mà tất cả chúng ta đều nên biết về vi khuẩn E. coli nhé!
- 1. Có nhiều chủng E. coli khác nhau, và không phải tất cả đều xấu
- 2. Có nhiều nguồn chứa vi khuẩn E. coli xung quanh chúng ta
- 3. Các triệu chứng nhiễm khuẩn E. coli là gì?
- 4. Chẩn đoán nhiễm khuẩn E. coli như thế nào?
- 5. Đa số trường hợp nhiễm khuẩn E. coli thường kéo dài không quá một tuần và tự khỏi
- 6. Nhiễm khuẩn E. coli có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, nhưng tỷ lệ rất thấp
- 7. E. coli có thể gây bệnh cho các cơ quan khác ngoài hệ tiêu hóa
- 8. Điều trị nhiễm khuẩn E. coli như thế nào?
- 9. Phòng ngừa nhiễm khuẩn E. coli như thế nào?
1. Có nhiều chủng E. coli khác nhau, và không phải tất cả đều xấu
E. coli là viết tắt của Escherichia coli, là một nhóm vi khuẩn phổ biến và đa dạng được tìm thấy trong thực phẩm, môi trường tự nhiên và trong ruột của con người. Mặc dù thường bị gắn với tiếng xấu, nhưng sự thật là hầu hết các chủng E. coli đều vô hại, thậm chí một số chủng có vai trò rất cần thiết để duy trì sức khỏe tốt cho hệ tiêu hóa của chúng ta, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC).
Hiện nay các nhà nghiên cứu đã xác định được hàng trăm chủng vi khuẩn E.coli khác nhau. Các động vật máu nóng trong trạng thái khỏe mạnh bình thường – bao gồm cả con người – đều chứa E. coli trong ruột của mình. Hầu hết các vi khuẩn này đều vô hại hoặc thậm chí có lợi, vì chúng giúp hệ tiêu hóa của chúng ta phân giải thức ăn.
Theo một bài báo năm 2015 trên eLife, vi khuẩn E. coli có thể tạo ra vitamin K và vitamin B12, đồng thời duy trì môi trường sống thuận lợi cho các vi khuẩn có lợi khác trong đường ruột của con người.
Nhưng lý do khiến cho chúng ta thường có suy nghĩ tiêu cực về vi khuẩn này là vì một số chủng E. coli có khả năng gây bệnh rất nghiêm trọng, chẳng hạn như nhiễm trùng tiêu hóa gây tiêu chảy, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh đường hô hấp, viêm phổi, v.v.
Hai loại E. coli phổ biến gây bệnh tiêu chảy là E. coli sinh độc tố Shiga (STEC) và E. coli sinh độc tố ruột (ETEC). Một chủng cụ thể được gọi là E. coli O157 gây ra sự bùng phát của bệnh nhiễm trùng STEC nghiêm trọng ở Mỹ, trong khi đó ETEC là nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy trên khắp thế giới và là tácnhân hàng đầu gây ra tình trạng “bệnh tiêu chảy của khách du lịch”.
Vì vậy khi bạn nghe nói rằng có những người bị bệnh do E. coli thì đó là do các chủng vi khuẩn có khả năng tạo ra độc tố gây hại cho cơ thể.
2. Có nhiều nguồn chứa vi khuẩn E. coli xung quanh chúng ta
Nhiễm trùng sẽ xảy ra khi bạn nuốt phải thứ gì đó có chứa chủng vi khuẩn E. coli gây bệnh, thường xuất phát từ phân của người đã bị bệnh trước đó được thải ra môi trường. Những chất bẩn rất nhỏ có thể không bị phát hiện trong quá trình chế biến thực phẩm, trong đó các loại thịt chưa nấu chín là nguồn lây nhiễm phổ biến, nhưng vi khuẩn cũng có thể tồn tại trên tay người, trong thực vật và trong nước.
E. coli có thể lây truyền thông qua thực phẩm bị nhiễm bẩn và không được rửa sạch đúng cách. Khi động vật tiêu hóa thức ăn và thải phân, vi khuẩn có thể ra ngoài môi trường và lây nhiễm cho các vật chủ mới. Khi một con vật bị giết mổ, vi khuẩn cũng có thể nhiễm vào thịt và lây sang người.
Một người bị nhiễm khuẩn E. coli đường tiêu hóa có thể lây truyền cho người khác qua tiếp xúc, chẳng hạn như khi tay của họ bị dính vi khuẩn mà không rửa sạch. E. coli liên quan đến đường tiêu hóa thường lây truyền sang người theo một trong những cách sau:
- Ăn thịt chưa chín hoặc bất kỳ thực phẩm nào bị nhiễm chéo với thịt sống
- Thức ăn bị dính nước bẩn, chẳng hạn như trái cây và rau có thể bị nhiễm E.coli từ nguồn nước thải của khu vực nuôi gia súc gần đó, đặc biệt rau xanh rất dễ bị nhiễm khuẩn.
- Thực phẩm không được rửa sạch trước khi ăn
- Không rửa tay sạch trước và sau khi tiếp xúc với thức ăn và sau khi đi vệ sinh
Ngoài những nơi chế biến thực phẩm, E. coli cũng có thể được tìm thấy trong các môi trường như trang trại, ao hồ và bể bơi. Do đó có những trường hợp nhiễm vi khuẩn E. coli qua đường tiêu hóa mà không liên quan đến thực phẩm, chẳng hạn như:
- Không rửa tay sau khi đi tiếp xúc với động vật. Nếu bạn chạm vào động vật hoặc môi trường sống của chúng bị nhiễm vi khuẩn rồi sau đó chạm vào miệng thì E. coli có thể được truyền sang.
- Không rửa tay trước khi chạm vào đồ chơi cho trẻ nhỏ, những thứ mà trẻ rất hay cho vào miệng.
- Nuốt nước trong hồ bơi hoặc các nguồn nước khác có nhiễm vi khuẩn E. coli.
3. Các triệu chứng nhiễm khuẩn E. coli là gì?
Thông thường sẽ mất từ 3 đến 4 ngày sau khi tiếp xúc với mầm bệnh mới xuất hiện các triệu chứng, mặc dù một số trường hợp có thể xuất hiện chỉ một ngày sau khi tiếp xúc, hoặc đôi khi có thể mất đến 10 ngày sau khi ăn hoặc uống thứ gì đó có chứa vi khuẩn.
Độc tố của E. coli phá hủy lớp niêm mạc ruột non, dẫn đến các triệu chứng thường gặp như:
- Tiêu chảy nhiều nước, có thể rất nặng và kèm máu
- Buồn nôn
- Mất nước do tiêu chảy
- Đau bụng dữ dội
- Mệt mỏi
- Người bệnh đôi khi cảm thấy muốn đại tiện nhưng không thể đi được
- Các triệu chứng ít phổ biến hơn bao gồm nôn ói và sốt nhẹ dưới 38,5 độ C
Tuy nhiên cần lưu ý rằng bạn có thể đã bị nhiễm vi khuẩn E. coli khi chưa nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào. Trên thực tế, hầu hết những người bị nhiễm chủng E. coli sinh độc tố Shiga – dạng bệnh nhiễm E. coli đường tiêu hóa phổ biến nhất – chỉ xuất hiện các triệu chứng từ 3 đến 4 ngày sau khi ăn phải thực phẩm có chứa vi khuẩn.
4. Chẩn đoán nhiễm khuẩn E. coli như thế nào?
Đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của người bệnh. Sau đó, để khẳng định tình trạng nhiễm trùng do E. coli, bác sĩ có thể lấy mẫu phân của người bệnh và gửi đến phòng xét nghiệm để xác định chủng E. coli cụ thể.
5. Đa số trường hợp nhiễm khuẩn E. coli thường kéo dài không quá một tuần và tự khỏi
Theo thống kê tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 265.000 người ở nước này bị nhiễm khuẩn E.coli, tức là gần 1% dân số, và trong đó rất hiếm trường hợp nghiêm trọng. Tuy vậy những người bị nhiễm vẫn có thể lây lan vi khuẩn trong vòng vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau khi đã khỏi bệnh, và trẻ nhỏ thường mang vi khuẩn trong cơ thể lâu hơn người lớn.
Hầu hết những người trưởng thành khỏe mạnh có thể hồi phục hoàn toàn sau khoảng một tuần mà không cần bất kỳ sự can thiệp y tế nào. Tình trạng tiêu chảy thường tự khỏi trong vòng 1 đến 8 ngày ở 85% những người bị nhiễm bệnh.
Tuy nhiên nếu bạn bị tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày hoặc nếu tiêu chảy kèm theo sốt cao, có máu trong phân, giảm lượng nước tiểu hoặc nôn ói nhiều thì hãy tìm đến các cơ sở y tế để được điều trị phù hợp.
6. Nhiễm khuẩn E. coli có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, nhưng tỷ lệ rất thấp
Cứ khoảng 50 người bị bệnh do E. coli thì có một người bị bệnh nặng, xuất hiện một tình trạng gọi là hội chứng tăng urê huyết tán huyết (viết tắt là HUS) có thể dẫn đến suy thận, đối tượng dễ mắc nhất là trẻ nhỏ và người già.
Khi xảy ra HUS, độc tố của E. coli phá hủy các tế bào hồng cầu gây ra hiện tượng gọi là tán huyết. Các tế bào hồng cầu bị hủy hoại tạo thành cục máu đông và có thể làm tắc nghẽn hệ thống lọc của thận, dẫn đến suy thận đe dọa tính mạng.
HUS xảy ra ở khoảng 5% đến 10% những người nhiễm E. coli sinh độc tố Shiga. Nhìn chung biến chứng này thường xuất hiện khoảng 7 ngày sau khi các triệu chứng nhiễm khuẩn E. coli khởi phát lần đầu tiên và khi tiêu chảy đã bắt đầu giảm dần.
Các triệu chứng của HUS bao gồm:
- Giảm lượng nước tiểu
- Mệt mỏi rã rời
- Da ở vùng má bị mất màu
- Xuất hiện các vết bầm nhỏ trên cơ thể, không rõ nguyên nhân
- Sưng ở mặt, bàn tay, bàn chân hoặc thân mình
- Mất màu niêm mạc ở mặt trong của mí mắt dưới
Những người bị nhiễm trùng E. coli nghiêm trọng (tức là tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày, kèm theo sốt cao, phân có máu hoặc nôn ói dữ dội) hoặc nhiễm trùng đã tiến triển thành HUS cần được nhập viện và được chăm sóc hỗ trợ, chẳng hạn như truyền dịch qua đường tĩnh mạch, truyền máu, hoặc chạy thận nhân tạo.
Hầu hết những người mắc HUS sẽ bình phục trong vòng vài tuần, nhưng một số trường hợp bị tổn thương thận vĩnh viễn hoặc thậm chí tử vong.
7. E. coli có thể gây bệnh cho các cơ quan khác ngoài hệ tiêu hóa
E. coli thường liên quan đến nhiễm trùng đường tiêu hóa và gây ra các đợt bùng phát ngộ độc thực phẩm, nhưng bên cạnh đó vi khuẩn này cũng có thể gây bệnh cho các cơ quan khác của cơ thể.
Nhiều trường hợp nhiễm khuẩn E.coli ảnh hưởng đến các cơ quan ngoài hệ tiêu hóa xảy ra ở những người thể trạng suy nhược, chẳng hạn như bệnh nhân trong cơ sở chăm sóc sức khỏe. Vi khuẩn E. coli có thể nhiễm vào tuyến tiền liệt, túi mật và nhiễm trùng huyết. Nhiễm trùng cũng có thể bắt nguồn từ vết thương, vết loét do tì đè, viêm ruột thừa hoặc viêm túi thừa. Nhiễm khuẩn E.coli cũng có thể dẫn đến viêm phổi và viêm màng não ở trẻ sơ sinh.
Đặc biệt, E. coli gây ra hơn 85% tổng số ca nhiễm trùng tiểu và là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ. Trong điều kiện bình thường E. coli cư trú vô hại trong ruột, nhưng khi vi khuẩn từ phân di chuyển đến lỗ mở của đường tiết niệu và xâm nhập vào bàng quang thì có thể dẫn đến nhiễm trùng tiểu.
Nhiễm trùng tiểu do E. coli có thể được điều trị dễ dàng và hầu hết các trường hợp không gây ra bất kỳ tổn thương lâu dài nào nếu được phát hiện và điều trị sớm.
8. Điều trị nhiễm khuẩn E. coli như thế nào?
Thuốc kháng sinh có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả đối với các bệnh nhiễm trùng E. coli không phải ở hệ tiêu hóa, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhưng hiện nay không có khuyến cáo điều trị bằng thuốc cụ thể cho trường hợp nhiễm STEC.
Trên thực tế, không nên sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị STEC vì có ít bằng chứng cho thấy điều đó có hiệu quả, mà trái lại, việc dùng thuốc kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng HUS do tăng sản xuất độc tố Shiga.
Những người đang bị nhiễm trùng STEC cũng nên tránh dùng thuốc trị tiêu chảy như Imodium (loperamide), vì chúng làm hệ tiêu hóa hoạt động chậm lại, ngăn cơ thể thải độc tố ra ngoài. Ngoài ra những loại thuốc không cần kê đơn này cũng có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện HUS.
Thay vì dùng các loại thuốc trên, người bệnh được khuyên nên áp dụng các biện pháp hỗ trợ như bù nước cho cơ thể và nghỉ ngơi. Dưới đây là một số điều bạn có thể tự làm tại nhà để giúp cơ thể phục hồi, theo trung tâm y tế Mayo Clinic:
- Uống nhiều nước và uống từng ngụm nhỏ để tránh bị nôn
- Không nên dùng nước ép trái cây, caffeine và rượu
- Tránh các thức ăn cay, bơ sữa, thức ăn béo và nhiều chất xơ, vì chúng có thể làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn
Trong trường hợp triệu chứng diễn biến nặng, người bệnh cần được cấp cứu và chăm sóc tại bệnh viện để bù dịch qua đường tĩnh mạch.
9. Phòng ngừa nhiễm khuẩn E. coli như thế nào?
Mặc dù hiện nay không có vắc xin phòng ngừa bệnh do vi khuẩn E. coli, nhưng bạn có thể thực hiện các bước đơn giản sau đây để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn:
Rửa tay
Luôn rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh, thay tã và chạm vào động vật (ở nhà hoặc những nơi khác như trang trại, sở thú). Cũng đừng quên rửa tay sạch trước khi chế biến thực phẩm và trước khi ăn uống.
Để tiêu diệt vi khuẩn E.coli, bạn nên rửa tay kỹ trong ít nhất 20 giây. Không nhất thiết phải dùng nước nóng để tiêu diệt vi khuẩn gây hại, có thể dùng nước ở bất kỳ nhiệt độ nào cũng được, nhưng điều quan trọng là phải rửa sạch tất cả các vị trí như mu bàn tay, cổ tay, kẽ ngón tay và cả bên dưới móng tay nữa. Sau khi tay khô, hãy dùng khăn sạch để đóng vòi nước.
Lưu ý rằng sử dụng các dung dịch rửa tay sẽ không mang lại kết quả tốt như rửa tay bằng nước xà phòng. Trên thực tế, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không chấp thuận việc sử dụng bất kỳ loại dung dịch rửa tay nào để ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn E. coli.
Sử dụng thực phẩm sạch
Vi khuẩn E.coli không những có thể tồn tại trong tủ lạnh và ngăn đá, mà chúng còn có thể sinh sôi ở nhiệt độ thấp tới 6 độ C. Nếu đi ăn ở nhà hàng, bạn nên cẩn thận với các món chưa được nấu chín hoàn toàn, chẳng hạn như thịt bò tái còn màu hồng.
Còn nếu tự nấu ăn tại nhà thì bạn có thể thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng đường ruột do E. coli:
- Nấu chín kỹ các loại thịt, đặc biệt là thịt bò. Đảm bảo thịt được nấu ở nhiệt độ ít nhất là 70 độ C, có thể dùng nhiệt kế để đo chính xác. Không nên chỉ dựa vào màu sắc của thịt, vì đó không phải lúc nào cũng là dấu hiệu đáng tin cậy để đánh giá độ chín.
- Rửa sạch tất cả trái cây và rau quả, kể cả những loại có vỏ dày. Ví dụ: khi cắt vào một quả dưa hấu, bạn có thể kéo theo vi khuẩn E. coli từ trên bề mặt vỏ vào bên trong.
- Tránh lây nhiễm chéo. Để riêng các loại thịt sống tách biệt với các thực phẩm khác, sử dụng thớt và dao khác nhau khi chế biến. Luôn rửa sạch tay, các dụng cụ, đồ đựng, thớt và mặt bếp sau khi tiếp xúc với thịt sống.
- Không dùng các nguồn nước chưa được khử trùng, tránh dùng các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng và nước trái cây chưa tiệt trùng.
Các biện pháp khác
- Đảm bảo vệ sinh khi bơi: Cho dù bạn bơi trong hồ, ao hay bể bơi thì hãy tránh nuốt phải nước ở đó.
- Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh do nhiễm khuẩn E.coli.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- 10 sự thật về vi khuẩn Salmonella – Thủ phạm gây ngộ độc thực phẩm rất thường gặp!
- Viêm da do thực vật là gì? có nguy hiểm cho làn da hay không?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!