Có phải dị ứng chỉ gặp ở trẻ em? Hay nó sẽ theo bạn đến suốt đời và không có cách nào chữa được? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu sự thật nhé!

Dị ứng là phản ứng miễn dịch bất thường quá mức của cơ thể, được kích hoạt bởi một chất nhất định nào đó được gọi là dị nguyên. Các triệu chứng dị ứng thường bao gồm ngứa ở da và mắt, thở khò khè và hắt hơi.

Thực phẩm là tác nhân gây dị ứng thường gặp (Ảnh: Internet).
Thực phẩm là tác nhân gây dị ứng thường gặp (Ảnh: Internet).

Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), có tới 60 triệu người ở Mỹ bị dị ứng mỗi năm. Còn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 20% ​​dân số thế giới mắc tình trạng này.

Tuy dị ứng phổ biến là vậy nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về nó và vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm được lan truyền rộng rãi. Hãy cùng tìm hiểu xem sự thật là như thế nào nhé!

1. Dị ứng chỉ xuất hiện ở trẻ em?

Nhiều người tin rằng khi đã bước vào tuổi trưởng thành thì sẽ không bị dị ứng nữa. Nhưng thật đáng tiếc, điều này là không đúng sự thật.

Dị ứng thường bắt đầu xuất hiện từ khi còn nhỏ, nhưng người lớn vẫn có thể bị (Ảnh: Internet).
Dị ứng thường bắt đầu xuất hiện từ khi còn nhỏ, nhưng người lớn vẫn có thể bị (Ảnh: Internet).

Ví dụ như một nghiên cứu đã khảo sát tỷ lệ dị ứng thực phẩm ở 40.443 người trưởng thành ở Mỹ. Tại thời điểm khảo sát có 10,8% số người tham gia bị dị ứng thực phẩm, và các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khoảng một nửa trong số họ đã mắc phải tình trạng dị ứng với một loại thực phẩm nào đó trong độ tuổi trưởng thành.

2. Không có phương pháp nào điều trị được dị ứng?

Nhìn chung, cách tốt nhất để giảm thiểu các phản ứng dị ứng là tránh tiếp xúc với các tác nhân kích thích, cho dù là một loại thực phẩm cụ thể hay một loài động vật nào đó. Hiện nay chưa có phương pháp nào chữa khỏi hoàn toàn dị ứng.

Dị ứng gây ra rất nhiều phiền toái cho cuộc sống (Ảnh: Internet).
Dị ứng gây ra rất nhiều phiền toái cho cuộc sống (Ảnh: Internet).

Tuy nhiên một số phương pháp điều trị có thể làm giảm các triệu chứng một cách hiệu quả. Ví dụ như thuốc thông mũi có thể cải thiện tình trạng dị ứng ở mũi, ngoài ra thuốc kháng histamine và thuốc xịt mũi steroid cũng có thể giúp ích.

Một phương pháp mới đang được nghiên cứu là liệu pháp miễn dịch cũng có thể giúp điều trị dị ứng hiệu quả. Liệu pháp miễn dịch được thực hiện bằng cách tăng dần liều lượng của chất gây dị ứng, tức dị nguyên. Sự tiếp xúc với dị nguyên ngày càng nhiều khiến cho hệ thống miễn dịch trở nên ít nhạy cảm hơn với nó (có thể bằng cách tạo ra các kháng thể), từ đó làm giảm các triệu chứng dị ứng khi gặp phải chất đó trong tương lai.

3. Dị ứng thực phẩm và không dung nạp thực phẩm là giống nhau?

Đây là hai hiện tượng khác nhau hoàn toàn (Ảnh: Internet).
Đây là hai hiện tượng khác nhau hoàn toàn (Ảnh: Internet).

Sự thật là: dị ứng thực phẩm và không dung nạp thực phẩm là hai tình trạng khác nhau. Dị ứng được thúc đẩy bởi hệ miễn dịch của cơ thể, thường liên quan đến hoạt động của một loại kháng thể chuyên biệt gọi là immunoglobulin E (IgE).

Trong quá trình đáp ứng miễn dịch này, IgE sẽ liên kết với các thụ thể trên các tế bào bạch cầu. Các tế bào này sau đó tạo ra histamine và các hợp chất khác, làm xuất hiện các triệu chứng dị ứng rất nhanh ngay sau khi tiếp xúc với dị nguyên.

Trái lại, chứng không dung nạp thực phẩm không liên quan gì đến hệ miễn dịch và các triệu chứng sẽ mất nhiều thời gian hơn để xuất hiện. Một điểm khác biệt nữa là: không dung nạp thực phẩm không đe dọa đến tính mạng, nhưng một vài trường hợp dị ứng nghiêm trọng thì có thể dẫn đến điều đó.

4. Dị ứng sẽ tồn tại suốt đời?

Phải chăng những người bị dị ứng từ nhỏ sẽ sống chung với tình trạng đó suốt đời? (Ảnh: Internet).
Phải chăng những người bị dị ứng từ nhỏ sẽ sống chung với tình trạng đó suốt đời? (Ảnh: Internet).

Rất may vì điều này không đúng. Mặc dù một số trường hợp dị ứng có thể tồn tại suốt đời, nhưng có những trường hợp khác lại biến mất theo tuổi tác.

Dị ứng có giảm bớt theo thời gian hay không có thể còn tùy thuộc vào chất gây dị ứng là gì. Một bản đánh giá về dị ứng thực phẩm cho biết: hầu hết trẻ em đều hết dị ứng với sữa, trứng, đậu nành và lúa mì khi lớn lên, nhưng dị ứng với đậu phộng, hạt cây, cá và các loại hải sản có vỏ thường kéo dài suốt đời.

5. Dị ứng cũng giống như cảm lạnh thông thường?

Mặc dù cảm lạnh và dị ứng có thể có một số triệu chứng giống nhau, chẳng hạn như nghẹt mũi và chảy nước mắt, nhưng về bản chất chúng lại hoàn toàn khác nhau. Các triệu chứng của cảm lạnh là do phản ứng miễn dịch với virus, trong khi dị ứng là phản ứng miễn dịch với chất gây dị ứng.

Dị ứng và cảm lạnh có thể biểu hiện giống nhau, nhưng thực ra lại rất khác biệt (Ảnh: Internet).
Dị ứng và cảm lạnh có thể biểu hiện giống nhau, nhưng thực ra lại rất khác biệt (Ảnh: Internet).

Một điểm khác biệt quan trọng nữa là cảm lạnh thường chỉ kéo dài khoảng 1-2 tuần, trong khi dị ứng có thể tồn tại suốt đời.

6. Chó mèo lông ngắn sẽ không gây dị ứng?

Điều này không đúng. Mặc dù đối với một số người thì có những giống chó mèo nào đó có thể ít gây dị ứng hơn, nhưng đó không phải là quy luật rõ ràng với tất cả mọi người. Thực ra hiện tượng dị ứng không chỉ do lông của động vật gây nên, mà còn do các tế bào da chết, nước bọt và nước tiểu của chúng.

Dị ứng với chó mèo cũng không phải hiếm gặp (Ảnh: Internet).
Dị ứng với chó mèo cũng không phải hiếm gặp (Ảnh: Internet).

Ngoài ra, theo Viện Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Mỹ (AAAAI) giải thích, lông của thú cưng có thể dính phấn hoa, bào tử nấm mốc và các chất gây dị ứng khác từ môi trường bên ngoài. Do đó không có loài chó hoặc mèo nào thực sự “ít gây dị ứng” – tình trạng dị ứng với chó mèo không liên quan đến độ dài của lông hay số lượng lông của chúng bị rụng ra.

7. Tiếp xúc thường xuyên với động vật sẽ giúp làm giảm dị ứng?

Có thể chữa dị ứng theo kiểu "lấy độc trị độc" không? (Ảnh: Internet).
Có thể chữa dị ứng theo kiểu “lấy độc trị độc” không? (Ảnh: Internet).

Có một giả thuyết phổ biến rằng nếu bạn bị dị ứng với động vật thì chỉ cần tiếp xúc nhiều với loài động vật đó, tình trạng dị ứng sẽ từ từ được cải thiện. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Thậm chí ngược lại: có những người dần dần bị dị ứng với vật nuôi của mình theo thời gian.

Theo các chuyên gia giải thích, khi hệ miễn dịch đã nhạy cảm với chất gây dị ứng nào đó – chẳng hạn như một con thú cưng – thì cơ thể vẫn bị dị ứng nếu tiếp xúc với dị nguyên đó thật nhiều. Các phương pháp tiếp xúc với dị nguyên để giảm dị ứng – như liệu pháp miễn dịch và giải mẫn cảm – chỉ hiệu quả khi có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và khi tiếp xúc với dị nguyên ở liều thấp và tăng dần.

Tuy nhiên một điểm đáng chú ý là tiếp xúc với vật nuôi từ sớm có thể làm giảm khả năng xuất hiện dị ứng ngay từ đầu. Nói cách khác, nếu thú cưng được nuôi trong nhà từ khi trẻ còn nhỏ thì sau này trẻ sẽ ít có nguy cơ bị dị ứng với những con vật đó.

Trẻ nhỏ tiếp xúc với động vật từ sớm sẽ ít có nguy cơ dị ứng sau này (Ảnh: Internet).
Trẻ nhỏ tiếp xúc với động vật từ sớm sẽ ít có nguy cơ dị ứng sau này (Ảnh: Internet).

8. Dị ứng không nghiêm trọng?

Đối với nhiều người thì dị ứng chỉ gây khó chịu và bất tiện mà không có mối nguy hiểm nào. Tuy nhiên đối với một số người khác, phản ứng dị ứng có thể xảy ra dữ dội và lên đến đỉnh điểm là sốc phản vệ.

Sốc phản vệ là tình huống cấp cứu nghiêm trọng, trong một số trường hợp có thể đe dọa tính mạng. Khi xảy ra sốc phản vệ, một lượng lớn histamine được các tế bào giải phóng trong cơ thể gây ra phản ứng viêm. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Khó thở, thở khò khè
  • Đau bụng và co thắt, tiêu chảy
  • Sưng phù bàn chân, bàn tay, môi, mắt và đôi khi cả bộ phận sinh dục
  • Tinh thần kích động hoặc mất ý thức

Ngay cả những kiểu dị ứng được coi là tương đối nhẹ, chẳng hạn như dị ứng theo mùa, cũng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Dị ứng phấn hoa (còn gọi là sốt cỏ khô) có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ và do đó gây buồn ngủ vào ban ngày. Điều này có thể khiến bạn khó tập trung hơn trong công việc, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn tại nơi làm việc.

Một nghiên cứu năm 2012 đã tìm hiểu tác động của sốt cỏ khô đối với “chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe” của 616 người tham gia. Kết quả cho thấy sốt cỏ khô “làm giảm năng suất làm việc ở mức độ nhiều hơn” so với bệnh tăng huyết áp và tiểu đường tuýp 2.

Dị ứng có thể gây ảnh hưởng rất khó chịu cho những người mắc phải nó (Ảnh: Internet).
Dị ứng có thể gây ảnh hưởng rất khó chịu cho những người mắc phải nó (Ảnh: Internet).

Một nghiên cứu khác từ năm 2009 đã tìm hiểu tác động rộng hơn của dị ứng theo mùa, kết luận rằng sốt cỏ khô “có tác động tiêu cực đáng kể đến chức năng tình dục và có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ và mệt mỏi.”

9. Dị ứng phấn hoa là do phấn hoa gây ra?

Thật ngạc nhiên là điều này không hoàn toàn đúng. Dị ứng phấn hoa, còn gọi là sốt cỏ khô hay viêm mũi dị ứng, đúng là do các hạt phấn trong không khí gây ra.

Có phải phấn hoa nào cũng gây dị ứng? (Ảnh: Internet).
Có phải phấn hoa nào cũng gây dị ứng? (Ảnh: Internet).

Nhưng các loại hoa mà chúng ta thường thấy lại tạo ra hạt phấn có kích thước khá lớn và dính, không dễ dàng bay trong không khí – chúng đã tiến hóa để thu hút ong bướm và dính phấn hoa lên cơ thể của côn trùng để thụ phấn chứ không phải là phát tán vào không khí.

Nguyên nhân chính gây ra sốt cỏ khô là những hạt phấn nhẹ hơn, chủ yếu từ các loại cỏ dại.

Tổng kết

Dị ứng là vấn đề rất phổ biến ở khắp mọi nơi, và biểu hiện của nó thay đổi rất đa dạng từ tương đối nhẹ đến đe dọa tính mạng. Có thể chính vì sự phổ biến và đa dạng này mà có rất nhiều điều lầm tưởng về dị ứng. Nhưng xét cho cùng thì vẫn còn không ít câu hỏi chưa có lời giải đáp, chẳng hạn như tại sao hệ miễn dịch của con người lại phản ứng với đậu phộng hoặc hải sản?

Mặc dù hiện nay chưa có cách chữa khỏi dị ứng hoàn toàn, nhưng các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tìm hiểu và khám phá. Có thể trong tương lai chúng ta sẽ tìm ra cách để giảm bớt ảnh hưởng của dị ứng đối với những người không may mắc phải nó!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

8 điều bạn cần biết về viêm ruột thừa - Nguyên nhân cần nghĩ tới khi bị đau bụng cấp tính!

Viêm ruột thừa đau ở chỗ nào trên bụng? Có phải phẫu thuật là cách duy nhất để làm hết đau ruột thừa? Và sau khi cắt có để lại hậu quả gì về lâu dài hay không? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu những sự thật về căn bệnh cực kỳ phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận