Chắc hẳn bạn đã nghe nói nhiều về tăng huyết áp – căn bệnh được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì tác hại khủng khiếp đối với sức khỏe. Nhưng bạn có biết rằng huyết áp thấp cũng nguy hiểm và cần phát hiện điều trị kịp thời? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!

Một số người có chỉ số huyết áp thấp một cách tự nhiên trong suốt cuộc đời của mình. Nhưng với những người khác, khi huyết áp vốn ở mức bình thường hoặc cao đột ngột hạ xuống quá thấp thì đó có thể là vấn đề đáng lo ngại.

Huyết áp là một trong những chỉ số quan trọng về sức khỏe cần được theo dõi thường xuyên (Ảnh: Internet).
Huyết áp là một trong những chỉ số quan trọng về sức khỏe cần được theo dõi thường xuyên (Ảnh: Internet).

Huyết áp thấp – hay hạ huyết áp – có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe ổn định và ít nguy cơ mắc bệnh tim, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Đôi khi huyết áp thấp thường trực hoặc huyết áp giảm đột ngột có thể dẫn đến các triệu chứng đáng lo ngại và thậm chí là các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Huyết áp thấp là như thế nào?

Kết quả đo huyết áp gồm hai con số: huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm thu là số lớn hơn, được viết đầu tiên trong kết quả đo, nó cho biết áp suất trong động mạch khi tim co bóp để bơm máu đi. Huyết áp tâm trương là số nhỏ hơn đứng phía sau, cho biết mức áp suất trong động mạch khi tim giãn ra để chứa máu về.

Nếu huyết áp của bạn là 120/80 mmHg (milimet thủy ngân) hoặc thấp hơn, thì được coi là bình thường. Nhìn chung nếu chỉ số huyết áp dưới 90/60 mm Hg sẽ bị coi là thấp một cách bất thường và được gọi là huyết áp thấp.

Một số người thường xuyên có huyết áp trong phạm vi “bất thường” đó nhưng lại không có triệu chứng gì và cũng không cần điều trị. Tuy nhiên trong những trường hợp nghiêm trọng, hạ huyết áp có thể dẫn đến giảm cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho não và các cơ quan thiết yếu khác, cuối cùng có thể dẫn đến sốc và đe dọa tính mạng.

Huyết áp dưới 90/60 mmHg được coi là thấp bất thường (Ảnh: Internet).
Huyết áp dưới 90/60 mmHg được coi là thấp bất thường (Ảnh: Internet).

Bất cứ ai cũng có thể bị hạ huyết áp, nhưng một số nhóm người nhất định có nhiều khả năng gặp tình trạng này hơn, và cũng có nhiều dạng khác nhau. Ví dụ như hạ huyết áp thế đứng (hay hạ huyết áp tư thế) xảy ra khi bạn đang ngồi hoặc nằm mà đột ngột đứng dậy, thường gặp ở người cao tuổi.

Theo giải thích của Willie Lawrence, bác sĩ tim mạch can thiệp và là người phát ngôn của Hiệp hội Tim Mỹ (AHA), thông thường “cơ thể của bạn có một số cơ chế bù trừ nhất định để ngăn huyết áp giảm khi bạn đứng lên.” Hạ huyết áp thế đứng xảy ra khi những cơ chế đó không hoạt động tốt. Cơ thể bị mất nước hoặc mất máu cũng có thể gây ra hạ huyết áp thế đứng.

Các triệu chứng của huyết áp thấp là gì?

Hầu hết các bác sĩ không coi hạ huyết áp là một vấn đề nghiêm trọng trừ khi nó xuất hiện kèm với các dấu hiệu và triệu chứng nhất định như:

  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Ngất xỉu
  • Mệt mỏi
  • Tâm trí khó tập trung
  • Nhìn mờ
  • Buồn nôn
  • Da đổ mồ hôi, tái nhợt
  • Khó thở

Theo AHA, không có tiêu chuẩn cụ thể nào quy định mức huyết áp hằng ngày bao nhiêu thì được coi là quá thấp. Tuy nhiên khi huyết áp hạ thấp kèm theo bất kỳ triệu chứng nguy hiểm nào nêu trên thì đó là lúc bạn cần tìm đến sự chăm sóc y tế.

Huyết áp thấp có thể xảy ra trong những tình huống nào?

Một số người có huyết áp thấp tự nhiên mà không hề do yếu tố nào gây ra. Nhưng đối với những người đang có huyết áp bình thường hoặc cao thì một đợt hạ huyết áp có thể xảy ra trong những điều kiện sau:

  • Đột ngột chuyển sang tư thế đứng thẳng sau khi nằm nghỉ trên giường trong thời gian dài
  • Phụ nữ mang thai
  • Mất nhiều máu hoặc mất nước
  • Đang dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị bệnh tim, thuốc điều trị bệnh Parkinson, thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc điều trị rối loạn cương dương
  • Có vấn đề về tim, chẳng hạn như nhịp tim chậm, các vấn đề về van tim, nhồi máu cơ tim hoặc suy tim
  • Có vấn đề về nội tiết, chẳng hạn như suy giáp, bệnh tuyến cận giáp, bệnh Addison (rối loạn tuyến thượng thận), hạ đường huyết, bệnh tiểu đường
  • Nhiễm trùng nặng đã xâm nhập vào máu (nhiễm trùng huyết)
  • Sốc phản vệ, tức tình trạng phản ứng dị ứng dữ dội đe dọa tính mạng
  • Một số rối loạn thần kinh
  • Thiếu hụt chất dinh dưỡng, chẳng hạn như vitamin B12, sắt và axit folic
Một số bệnh tim mạch có thể gây huyết áp thấp (Ảnh: Internet).
Một số bệnh tim mạch có thể gây huyết áp thấp (Ảnh: Internet).

Hạ huyết áp tư thế

Đây là tình trạng huyết áp giảm đột ngột khi bạn chuyển từ tư thế ngồi hoặc nằm sang tư thế đứng.

Khi chúng ta đứng, trọng lực làm cho máu bị đọng lại ở chân. Bình thường cơ thể sẽ bù trừ bằng cách tăng nhịp tim và co các mạch máu, đảm bảo có đủ máu để cung cấp lên não. Nhưng ở những người bị hạ huyết áp thế đứng, cơ chế bù trừ này không hoạt động tốt làm cho huyết áp giảm dẫn đến chóng mặt, choáng váng, mắt mờ và thậm chí ngất xỉu.

Hoa mắt chóng mặt khi vừa đứng dậy là biểu hiện của hạ huyết áp tư thế (Ảnh: Internet).
Hoa mắt chóng mặt khi vừa đứng dậy là biểu hiện của hạ huyết áp tư thế (Ảnh: Internet).

Có nhiều yếu tố gây ra hiện tượng hạ huyết áp thế đứng, chẳng hạn như cơ thể bị mất nước, nằm lâu trên giường, mang thai, bệnh tiểu đường, các vấn đề về tim, bỏng, nhiệt độ quá cao, giãn tĩnh mạch lớn và các rối loạn thần kinh.

Một số loại thuốc cũng có thể gây hạ huyết áp thế đứng, đặc biệt là các thuốc dùng để điều trị tăng huyết áp như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế beta, thuốc chẹn kênh canxi và thuốc ức chế men chuyển. Ngoài ra còn có thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị bệnh Parkinson và thuốc chữa rối loạn chức năng cương dương cũng có thể là nguyên nhân.

Hạ huyết áp tư thế đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi, nhưng cũng có thể gặp ở người trẻ tuổi khỏe mạnh nếu đứng lên đột ngột sau khi ngồi khoanh chân hoặc ngồi xổm trong thời gian dài. Khi cơ thể thích nghi với sự thay đổi tư thế, bạn có thể bị chóng mặt và choáng váng trong một khoảnh khắc, đó là hiện tượng mà chúng ta hay gọi là “nổ đom đóm mắt” khi vừa thức dậy.

Hạ huyết áp sau ăn

Đúng như tên gọi của nó, đây là hiện tượng hạ huyết áp xảy ra từ một đến hai giờ sau khi ăn và chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi.

Sau khi chúng ta ăn xong, máu sẽ được dồn về hệ tiêu hóa. Thông thường cơ thể sẽ tăng nhịp tim và co thắt mạch máu ở những cơ quan khác để giúp duy trì huyết áp bình thường. Nhưng ở một số người cơ chế này lại không diễn ra hiệu quả, dẫn đến hạ huyết áp và có thể chóng mặt, ngất xỉu.

Nghe có vẻ khá lạ nhưng hiện tượng này không phải hiếm gặp (Ảnh: Internet).
Nghe có vẻ khá lạ nhưng hiện tượng này không phải hiếm gặp (Ảnh: Internet).

Hạ huyết áp sau ăn thường ảnh hưởng đến những người bị tăng huyết áp hoặc rối loạn hệ thần kinh thực vật như bệnh Parkinson. Các biện pháp có thể giảm bớt triệu chứng là chia nhỏ bữa ăn, dùng thực phẩm ít carbohydrate, uống nhiều nước và tránh uống rượu.

Hạ huyết áp qua trung gian thần kinh

Đây là chứng rối loạn gây tụt huyết áp sau khi đứng trong thời gian dài, chủ yếu ảnh hưởng đến người trẻ và trẻ em. Nguyên nhân có thể là do bất thường trong quá trình truyền thông tin giữa tim và não, hoặc các tình huống gây cảm xúc tiêu cực cũng có thể dẫn đến hiện tượng này.

Huyết áp thấp do tổn thương hệ thần kinh

Hệ thần kinh hoạt động không hiệu quả làm cho huyết áp dao động bất thường (Ảnh: Internet).
Hệ thần kinh hoạt động không hiệu quả làm cho huyết áp dao động bất thường (Ảnh: Internet).

Còn được gọi là hội chứng Shy-Drager, chứng rối loạn hiếm gặp này có nhiều biểu hiện giống với bệnh Parkinson, gây tổn thương ngày càng nghiêm trọng cho hệ thần kinh thực vật – tức hệ thống kiểm soát các chức năng không tự chủ như huyết áp, nhịp tim, hô hấp và tiêu hóa. Rối loạn này cũng có thể gây hạ huyết áp tư thế.

Hạ huyết áp nghiêm trọng

Đây là trường hợp hạ huyết áp có liên quan đến sốc. Sốc là tình trạng cấp cứu xảy ra khi các cơ quan của cơ thể không nhận được máu và oxy cần thiết để hoạt động bình thường. Tụt huyết áp nghiêm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Chấn thương nặng có thể gây mất nhiều máu và sốc, tụt huyết áp (Ảnh: Internet).
Chấn thương nặng có thể gây mất nhiều máu và sốc, tụt huyết áp (Ảnh: Internet).

Một số loại thuốc có thể gây hạ huyết áp

  • Thuốc lợi tiểu như furosemide và hydrochlorothiazide
  • Thuốc chẹn alpha (như prazosin) và thuốc chẹn beta (như atenolol, propranolol) trong điều trị các bệnh tim mạch
  • Thuốc điều trị bệnh Parkinson, chẳng hạn như pramipexole hoặc những thuốc có chứa levodopa
  • Một số loại thuốc chống trầm cảm, bao gồm doxepin và imipramine
  • Thuốc điều trị rối loạn cương dương, bao gồm sildenafil (Viagra) hoặc tadalafil, đặc biệt khi dùng chung với thuốc nitroglycerin điều trị bệnh tim mạch

Mệt mỏi thường xuyên có phải là dấu hiệu huyết áp thấp không?

Huyết áp thấp có thể gây ra cảm giác mệt mỏi rã rời và thiếu năng lượng. Các nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên quan giữa huyết áp thấp và hội chứng mệt mỏi mãn tính – tình trạng đặc trưng bởi sự mệt mỏi, đau đớn và những bất thường về giấc ngủ thường trở nên tồi tệ hơn khi gắng sức.

Mệt mỏi kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm (Ảnh: Internet).
Mệt mỏi kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm (Ảnh: Internet).

Không có cách nào để điều trị loại mệt mỏi này, nhưng các bác sĩ có thể giúp người bệnh giải quyết các nguyên nhân cơ bản, chẳng hạn như rối loạn giấc ngủ hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần. Thay đổi chế độ ăn uống và vận động thể lực phù hợp cũng có thể giúp điều trị huyết áp thấp.

Khi nào cần tìm đến bác sĩ để khám huyết áp thấp?

Nếu huyết áp của bạn luôn ở mức thấp và không có bất kỳ triệu chứng nguy hiểm nào kèm theo thì thường không cần lo ngại. Tương tự, nếu bạn có một lần đo huyết áp tại nhà thấp bất thường mà không có triệu chứng nào kèm theo thì có thể không cần đến gặp bác sĩ. Huyết áp dao động tăng giảm theo thời gian là điều bình thường, và cơ thể của chúng ta có cách để nâng huyết áp trở lại.

Hãy đo huyết áp thường xuyên để biết chỉ số bình thường của mình là bao nhiêu (Ảnh: Internet).
Hãy đo huyết áp thường xuyên để biết chỉ số bình thường của mình là bao nhiêu (Ảnh: Internet).

Tuy nhiên theo bác sĩ Lawrence, “khi bạn cảm thấy có một vấn đề tái diễn hoặc không có cách giải thích rõ ràng cho những gì đã xảy ra,” thì đó là lúc cần tìm đến cơ sở y tế.

Nếu bạn phát hiện huyết áp của mình giảm đột ngột và có các triệu chứng như đã nêu, hãy tìm đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt. Các bác sĩ có thể đánh giá tình hình của bạn và loại trừ các vấn đề tiềm ẩn, chẳng hạn như xuất huyết nội, nhiễm trùng nặng hoặc phản ứng dị ứng.

Điều trị huyết áp thấp như thế nào?

Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra huyết áp thấp là gì. Các bước hành động tức thời để kiểm soát tình hình bao gồm:

  • Cho người bệnh nằm và kê chân cao hơn tim
  • Uống nước
  • Tránh các tác nhân gây hạ huyết áp như đứng lâu, mất nước

Sau khi đánh giá, bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên cho người bệnh như:

  • Tránh uống rượu
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống
  • Điều chỉnh các loại thuốc đang dùng
  • Dùng thuốc làm tăng huyết áp, chẳng hạn như fludrocortisone và midodrine
  • Mang loại tất đặc biệt vào chân

Những người đã rơi vào tình trạng sốc liên quan đến hạ huyết áp sẽ phải được điều trị cấp cứu để khôi phục lưu lượng máu đến các cơ quan và nâng huyết áp trở lại bình thường.

Điều quan trọng là phải xác định xem huyết áp thấp là vấn đề nguyên phát hay thứ phát. Hạ huyết áp nguyên phát có nghĩa là phản xạ điều chỉnh huyết áp của cơ thể không hoạt động như bình thường, còn thứ phát có nghĩa là huyết áp thấp do một vấn đề khác gây ra như mất nước hoặc tác dụng của một số loại thuốc.

Xác định đúng nguyên nhân gây huyết áp thấp sẽ giúp điều trị hiệu quả hơn (Ảnh: Internet).
Xác định đúng nguyên nhân gây huyết áp thấp sẽ giúp điều trị hiệu quả hơn (Ảnh: Internet).

Tổng kết

Đối với hầu hết mọi người, hạ huyết áp thường do một nguyên nhân nào đó có thể xác định dễ dàng, hoặc chỉ là một vấn đề mãn tính không có nguyên nhân nhưng có thể khắc phục bằng những biện pháp đơn giản. Đó là lý do tại sao bạn nên đi khám bác sĩ để được thăm khám và điều trị phù hợp.

Lời khuyên cho tất cả chúng ta là hãy theo dõi chỉ số huyết áp của mình ngay cả khi không có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, để biết được chỉ số bình thường của mình là bao nhiêu. Khi đã theo dõi huyết áp thường xuyên, hãy nói chuyện với bác sĩ để xem phạm vi huyết áp mục tiêu như thế nào là phù hợp nhất với bạn.

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

Viêm da do thực vật là gì? Có nguy hiểm cho làn da hay không?

Viêm da có thể do nhiều tác nhân gây ra, và chúng ta đều chẳng xa lạ gì với chứng bệnh này nữa. Nhưng bạn đã biết đến viêm da do thực vật chưa? Vì sao một số loại rau quả vốn có lợi cho sức khỏe lại có thể gây viêm da? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận