Nếu vài chục năm trước, bệnh ung thư chỉ phổ biến trên những bộ phim Hàn Quốc thì hiện nay, nó hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết trong cuộc sống hàng ngày. Mặc dù các nghiên cứu chỉ ra độ tuổi có nguy cơ mắc ung thư cao nhất là những người trên 65 tuổi, nhưng không có nghĩa các độ tuổi khác sẽ không “bị” ung thư ghé thăm.
Với sự phát triển của y học cũng như truyền thông, các thông tin về căn bệnh này ngày càng được phổ cập rộng rãi, đầy đủ. Nhưng thực tế thì đại bộ phận chúng ta, khi nhắc đến bệnh ung thư sẽ nghĩ ngay đến những dạng thường gặp như ung thư gan, ung thư phổi, dạ dày, ung thư máu, ung thư tuyến giáp… Tuy nhiên, ung thư có trên 100 loại khác nhau và nó có thể xuất hiện ở bất kỳ loại tế bào nào của cơ thể.
Sau đây là một số dạng ung thư hiếm gặp, có thể bạn chưa nghe tên bao giờ, nhưng chúng có tồn tại và chúng ta không nên chủ quan trước các dấu hiệu bất thường trên cơ thể.
Ung thư lưỡi
Đây là một dạng bệnh ung thư có dấu hiệu đáng chú ý nhất là các vết loét trên lưỡi gây đau và không lành lại. Nếu bạn bắt gặp tình trạng này kéo dài thì không nên chủ quan và phải đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Các triệu chứng khác đi kèm có thể bao gồm:
- Đau hàm hoặc đau họng.
- Cảm giác vướng mắc ở vùng họng, đau khi nuốt.
- Xuất hiện các mảng đỏ hoặc trắng ở lưỡi.
- Mất cảm giác ở khoang miệng.
- Có cảm giác cứng lưỡi, cứng hàm.
- Chảy máu lưỡi.
Ở giai đoạn sớm của bệnh có thể chưa xuất hiện triệu chứng, hoặc có các triệu chứng dễ nhầm với bệnh khác, thậm chí là triệu chứng của một dạng ung thư khác, vậy nên nếu cảm thấy có dấu hiệu bất thường kéo dài, chúng ta không nên chủ quan bỏ qua.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư lưỡi:
- Hút thuốc lá.
- Uống nhiều rượu.
- Chế độ ăn ít rau xanh, hoa quả, dùng nhiều thực phẩm chế biến sẵn.
- Tiền sử gia đình có người mắc ung thư lưỡi hoặc ung thư vùng miệng.
- Vệ sinh răng miệng kém…
Để phòng ngừa ung thư lưỡi, chúng ta nên điều chỉnh hành vi, tạo lối sống lành mạnh. Bỏ thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, ăn uống đủ chất, cân bằng dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, chăm sóc vệ sinh cá nhân… Ngoài ra, tiêm phòng HPV và quan hệ tình dục an toàn, dùng màng chắn nếu quan hệ bằng miệng cũng là cách để bảo vệ bản thân trước căn bệnh này.
Ung thư miệng hầu
Ung thư miệng hầu cũng là một dạng ung thư phát triển trên lưỡi. Tuy nhiên, nếu ung thư lưỡi nằm ở phần phía trước lưỡi thì ung thư miệng hầu lại nằm ở phần gốc lưỡi. Vì cũng xuất hiện trên vùng lưỡi nên ung thư miệng hầu có những triệu chứng giống ung thư lưỡi như :
- Đau lưỡi
- Khó nuốt, có cảm giác vướng ở họng.
- Xuất hiện các mảng đỏ hoặc trắng trên lưỡi.
- Các vết loét không lành.
Ngoài ra còn có thêm một số triệu chứng như: khàn giọng, đau cổ , đau tai, sưng đau phần miệng hầu, xuất hiện những khối bất thường trong vùng miệng…
Những người có nguy cơ cao mắc ung thư dạng này cũng là những người thường xuyên hút thuốc lá, uống nhiều rượu, lười vệ sinh răng miệng… Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao này, khi thấy có những biểu hiện, triệu chứng bất thường kéo dài hãy đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
Ung thư ở chân
Đây cũng là dạng ung thư mà không nhiều người cho rằng sẽ mắc phải. Khi có những dấu hiệu bất thường như nốt ruồi ở chân to lên hay đơn giản là cảm giác đau nhức ở chân kéo dài không do va chạm… cũng có thể là triệu chứng cho một dạng ung thư nào đó. Có thể là ung thư xương, ung thư da, ung thư mạch máu hoặc dây thần kinh.
Ung thư tuyến nước bọt
Triệu chứng:
- Cảm giác tê bì một bên mặt.
- Khó khăn khi há miệng to hoặc cử động miệng.
- Khó nuốt.
- Đau ở phần tuyến nước bọt, xuất hiện khối sưng ở gần tuyến nước bọt.
Nguyên nhân của dạng ung thư này đến nay chưa được tìm ra, nhưng một số đối tượng có nguy cơ cao mắc phải ung thư tuyến nước bọt là những người hút thuốc lá, người cao tuổi, người thường tiếp xúc với chất độc (chì, cao su…), người nhiễm HIV hay virus Epstein Barr.
Để phòng ngừa dạng ung thư này, chúng ta nên có thói quen sinh hoạt, ăn uống lành mạnh: thường xuyên vệ sinh răng miệng mỗi ngày, súc miệng bằng nước muối ấm sau khi ăn, không hút thuốc lá và dùng các đồ uống có cồn/caffeine, hạn chế ăn thực phẩm khô…
Ung thư mắt
Dù đây là dạng ung thư có tỉ lệ mắc là 0,0006% (6 phần triệu) và số người mắc chủ yếu tập trung ở Mỹ nhưng cũng không thể xem thường bởi “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Một số triệu chứng của ung thư mắt như sau:
- Hai bên mắt phát triển không đồng đều, sắc tố không đều.
- Xuất hiện điểm trắng bất thường ở bên trong đồng tử mắt khi chiếu sáng trực tiếp vào mắt.
- Vùng mí mắt cảm giác nổi cộm.
- Thị lực giảm sút, đau nhức mắt.
Như đã nói, tuy tỉ lệ mắc ung thư mắt là cực kỳ hiếm gặp nhưng chúng ta cũng luôn cần tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh cho mắt:
- Luôn mang kính chắn tia UV hoặc đội mũ, nón bảo vệ mắt khi hoạt động ngoài trời.
- Tập luyện thể thao đều đặn, ăn uống đủ chất, cân bằng.
- Giữ cho tâm lý không bị căng thẳng mệt mỏi kéo dài. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tham gia các hoạt động giải trí lành mạnh.
Trên đây là một vài dạng ung thư hiếm gặp ở thời điểm hiện tại, nhưng không vì thế mà chúng ta cho rằng nó sẽ không xảy ra với bản thân mình hay người thân. Những áp lực của đời sống cộng với lối sống gấp gáp trong sinh hoạt, ăn uống có thể là tiền đề cho những căn bệnh không ngờ đến. Đặc biệt, có những dạng ung thư chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh hoặc những triệu chứng dễ gây nhầm với bệnh lý khác hoặc triệu chứng sớm không rõ ràng có thể khiến chúng ta chủ quan. Vì thế, phòng bệnh luôn là “liều thuốc” ban đầu tốt nhất cho sức khỏe, bạn đừng quên nhé!
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- 11 nguyên tắc để phòng tránh ung thư ngay từ bây giờ
- 9 biểu hiện của bệnh ung thư da không nên xem thường
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!