Facebook đã có kế hoạch tự đổi tên mình, quyết định cuối cùng có thể được công bố tại Hội nghị Kết nối thường niên của công ty vào ngày 28/10 sắp tới đây hoặc sớm hơn. Nhưng lý do nào khiến họ làm vậy, và cư dân mạng đã gợi ý cho Facebook đổi tên mới là gì?
Theo trang tin The Verge, việc đổi tên đối với Facebook không chỉ là thay đổi thương hiệu mà còn phản ánh tham vọng ngày càng lớn của gã khổng lồ công nghệ này khi họ tập trung vào một “chiến trường” mới: metaverse. Tên của các ứng dụng và dịch vụ mạng xã hội có thể vẫn giữ nguyên, nhưng công ty mẹ có thể không còn là “Facebook” nữa.
Facebook đã công bố kế hoạch đầu tư 50 triệu USD của mình nhằm tạo ra một metaverse “có trách nhiệm”, đồng thời cũng cho biết sẽ tuyển thêm gần 10.000 nhân viên mới ở châu Âu để hiện thực hóa tham vọng này.
Kế hoạch đổi tên của Facebook là như thế nào?
Trang The Verge là nguồn tin đầu tiên nói về kế hoạch này. Giống như Google hiện là công ty con của Alphabet, sắp tới đây chúng ta cũng có thể thấy một công ty mới lớn hơn chứa cả Facebook, WhatsApp, Instagram và một vài thương hiệu khác đang hoạt động hiện nay.
Việc đổi tên của Facebook là để phù hợp với quá trình tập trung xây dựng metaverse, điều mà Mark Zuckerberg cho rằng sớm muộn gì cũng thở thành hiện thực. Facebook hiện cũng đang sở hữu nền tảng chơi game thực tế ảo Oculus tất nhiên không muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua xây dựng metaverse.
Kế hoạch này cũng cho thấy Facebook muốn được mọi người biết đến nhiều hơn chứ không chỉ là một mạng xã hội, nhất là trong thời điểm hiện nay với rất nhiều vụ tai tiếng nặng nề mà họ đang phải hứng chịu. Trong khi nhiều công ty trước đây đổi tên hoặc đổi thương hiệu để mở rộng dịch vụ, thì nhiều người cho rằng động thái của Facebook là một cách để “đánh lạc hướng” dư luận tránh khỏi những scandal hiện tại.
Facebook cũng đang bị xem xét lại ở hầu hết các nước, bao gồm cả “quê nhà” là Mỹ. Nhưng họ còn có những tham vọng lớn hơn liên quan đến metaverse.
Metaverse là gì?
Ý tưởng này dựa trên tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đình đám Snow Crash của Neal Stephenson xuất bản năm 1992, trong đó cụm từ metaverse lần đầu tiên được sử dụng. Bối cảnh của nó là một thế giới suy tàn, chính phủ các nước yếu thế hơn so với các tập đoàn tư nhân và phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải của thế giới hiện đại như công nghệ thực tế ảo, tiền điện tử, v.v. Cuốn tiểu thuyết này luôn được coi như “lý tưởng” của các nhà lãnh đạo giới công nghệ ở Thung lũng Silicon.
Ý tưởng về metaverse cũng đã xuất hiện trong các tác phẩm như Ready Player One của Ernest Cline (tiểu thuyết năm 2011, sau đó chuyển thể thành phim năm 2018), và cả loạt phim kinh điển Ma trận (The Matrix).
Có nhiều cách hiểu khác nhau về metaverse, nhưng đơn giản nhất thì đó là một thế giới ảo tồn tại song song với thế giới thật của chúng ta, trong đó người dùng cũng có tên tuổi, tài sản và tính cách riêng giống như ngoài đời thật.
Còn nếu hiểu theo cách phức tạp thì metaverse được cho là thế giới “hậu Internet”, một nền tảng máy tính phi tập trung tồn tại liên tục và sống động như thật. Đó là một nền kinh tế hoàn toàn kỹ thuật số, nhưng theo như hầu hết các chuyên gia về công nghệ thì metaverse cũng ảnh hưởng rất lớn đến thế giới thực.
Khả năng tương tác chính là chìa khóa thành công của metaverse, nhưng không chỉ dừng lại ở việc đeo thiết bị thực tế ảo (VR) để chơi game, mà còn tiếp nối vô tận với các hoạt động khác.
Theo định nghĩa riêng của Facebook, metaverse sẽ cho phép người dùng đi chơi với những người không ở trong cùng một không gian thực. “Bạn sẽ có thể đi chơi với bạn bè, làm việc, vui chơi, học hỏi, mua sắm, sáng tạo, v.v. Không nhất thiết phải dành nhiều thời gian online, mà là làm cho khoảng thời gian online của bạn có ý nghĩa hơn”.
Với độ phức tạp như vậy, metaverse không phải là trò chơi của riêng một công ty, và Facebook cũng không phải là cái tên duy nhất có tham vọng này. Epic Games là hãng đứng sau tựa game Fortnite cũng có kế hoạch lớn cho metaverse, và bản thân Fortnite đã có nhiều yếu tố phù hợp với khái niệm này như các sự kiện trực tiếp hay đơn vị tiền tệ của riêng nó, v.v.
Facebook cũng thừa nhận rằng metaverse sẽ chưa trở thành hiện thực trong một sớm một chiều, và nhiều sản phẩm sẽ “chỉ được thực hiện đầy đủ trong 10-15 năm tới”.
Tên mới của Facebook theo cư dân mạng đề xuất là gì?
Trong khi người phát ngôn của công ty không đưa ra bình luận gì về các suy đoán thì rất nhiều dân mạng đã lan truyền các meme và joke gợi ý tên mới cho Facebook, chẳng hạn như thêm “The” để trở về tên ban đầu của nó là “TheFacebook”.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Facebook muốn tạo ra “siêu vũ trụ” – Tại sao nhiều người lại lo lắng?
- Tại sao nhiều người hiện nay muốn bỏ Facebook?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!