Bạn bất ngờ nhận được thư rác hay email spam quá nhiều? Điều này không chỉ gây khó chịu mà còn là dấu hiệu cho thấy bạn có nguy cơ mất an toàn bảo mật trên mạng. Địa chỉ email của bạn có thể là mục tiêu của những kẻ gửi thư rác hay thậm chí là hacker, do đó phải hiểu lý do khiến email spam tăng lên đột ngột và tìm cách giải quyết.

Email spam quá nhiều là dấu hiệu cảnh báo điều gì?

Hầu hết mọi người đều nhận được thư rác trong email sau thời gian sử dụng, nhưng lượng thư rác tăng đột ngột là dấu hiệu cảnh báo rằng những kẻ lừa đảo hay hacker đang muốn tấn công vào bạn, hay ít nhất là địa chỉ email của bạn đã nằm trong tay kẻ xấu.

Menu Spam chứa thư rác trong Gmail (Ảnh: Internet)
Menu Spam chứa thư rác trong Gmail (Ảnh: Internet)

Nếu bạn “may mắn” thì các email đó chỉ là thư rác gây khó chịu nhưng không nguy hiểm. Tuy nhiên những kẻ lừa đảo có thể gửi email spam cho bạn để ngụy trang các hoạt động của chúng như đánh cắp dữ liệu. Tóm lại bạn không nên bỏ qua sự gia tăng thư rác trong email của mình, phải tìm hiểu nguyên nhân và hành động ngay lập tức.

Tại sao bạn đột nhiên nhận được nhiều thư rác?

Hiểu được những lý do phổ biến nhất dẫn đến gia tăng đột ngột thư rác qua email sẽ giúp bạn phát hiện các vấn đề bảo mật có thể xảy ra, quan trọng hơn là bạn có thể ngăn chặn thư rác ngay từ đầu.

Địa chỉ email của bạn bị công khai trên mạng

Nếu địa chỉ email của bạn bị công khai trên mạng thì hacker hay bất kỳ ai khác cũng có thể tìm thấy địa chỉ đó. Các công cụ quét email có khả năng tìm kiếm các chuỗi ký tự giống với địa chỉ email bao gồm văn bản, ký hiệu @ và tên miền (ví dụ [email protected]). Vì vậy nếu địa chỉ email của bạn xuất hiện trên các trang web, tài khoản mạng xã hội hay bất kỳ nơi nào khác trên mạng thì mọi người có thể dễ dàng tìm thấy nó.

Lý do khiến bạn bị nhiều email spam (Ảnh: Internet)
Lý do khiến bạn bị nhiều email spam (Ảnh: Internet)

Những kẻ gửi thư rác có thể sử dụng địa chỉ này để spam đồng thời bán cho nhiều người khác.

Địa chỉ email của bạn bị rò rỉ

Khi bạn đăng ký nhiều dịch vụ trực tuyến thì khả năng bị lộ dữ liệu cũng cao hơn. Bạn có thể cho rằng các công ty công nghệ lớn đảm bảo an toàn dữ liệu tốt, nhưng trên thực tế họ cũng là mục tiêu lớn nhất của hacker và tội phạm mạng.

Trong hầu hết các vụ hack, địa chỉ email là dữ liệu đầu tiên bị rò rỉ và có khả năng email của bạn cũng nằm trong số đó. Rò rỉ địa chỉ email có thể gây hậu quả rất nguy hiểm, do đó bạn nên sử dụng các trang web như Have I Been Pwned để kiểm tra xem email của bạn có nằm trong bất kỳ vụ hack nào hay không.

Trang web Have I Been Pwned (Ảnh: Internet)
Trang web Have I Been Pwned (Ảnh: Internet)

Tài khoản của những người liên hệ với bạn đã bị hack

Khi hacker xâm nhập vào tài khoản email của người khác, chúng thường sử dụng tài khoản đó để gửi thư rác cho những người liên hệ, thậm chí lừa đảo. Điều này càng nguy hiểm hơn vì email có thể nằm trong hộp thư đến của bạn thay vì hộp thư spam vì chúng được gửi từ người có liên hệ với bạn. Do đó nếu bạn đột nhiên thấy email kỳ lạ từ những người mà bạn quen biết, ví dụ như mời gọi đầu tư hoặc chữa bệnh, thì rất có thể tài khoản của họ đã bị hack.

Email của bạn nằm trong danh sách tiếp thị

Hầu hết các công ty đều muốn gửi email cho những người đăng ký, khách hàng và khách hàng tiềm năng, vì vậy họ phải xây dựng danh sách tiếp thị qua email gồm những người muốn nhận email tiếp thị. Tuy nhiên việc này thường tốn nhiều thời gian và công sức, trong khi những kẻ gửi thư rác chỉ cần lập danh sách email gồm những người bất kỳ và bán cho những công ty không muốn tự làm việc đó.

Địa chỉ email của bạn bị các công ty bán cho người khác

Dữ liệu cá nhân của bạn có thể bị các công ty mua bán trái phép (Ảnh: Internet)
Dữ liệu cá nhân của bạn có thể bị các công ty mua bán trái phép (Ảnh: Internet)

Theo quy tắc, các công ty không được bán địa chỉ email của người dùng khi không có sự đồng ý. Nhưng trên thực tế hầu hết mọi người không hiểu rõ các điều khoản khi đăng ký các dịch vụ trực tuyến, hơn nữa nhiều công ty không hề quan tâm đến quy định, nhất là khi bán dữ liệu có thể kiếm được nhiều tiền.

Bạn đã tương tác với email spam trước đây

Gửi thư rác qua email là chiến thuật dựa trên số lượng lớn, thậm chí người gửi thường không quan tâm các tài khoản nhận spam có đang hoạt động hay không. Nhưng nếu bạn đã tương tác với email spam thì những kẻ gửi thư có thể sử dụng phần mềm để biết bạn có mở email đó và click vào nội dung trong đó hay không, kể cả nút hủy đăng ký. Bất kỳ tương tác nào của bạn cũng có thể cho biết rằng tài khoản của bạn đang hoạt động và có nguy cơ nhận thêm nhiều spam nữa.

Bạn đang bị “ném bom email”

“Ném bom email” là hành vi gửi thư dồn dập một cách có chủ ý nhằm lừa đảo. Nếu trước đây bạn đã từng tương tác với email spam thì những kẻ lừa đảo có thể coi bạn là mục tiêu dễ bị lừa. Như đã nêu, ném bom email cũng thường được sử dụng để che giấu hoạt động sai trái của kẻ lừa đảo.

Dù lý do là gì thì ném bom email là một dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng mà bạn không được bỏ qua. Đó không phải là những công ty bất chấp quy định để gửi email tiếp thị mà có thể là những kẻ lừa đảo thực sự muốn tấn công bạn.

Phải làm gì nếu phát hiện email spam tăng đột ngột?

Nếu bạn nhận được nhiều email spam đột ngột thì phải hành động ngay lập tức.

1. Bảo mật tài khoản email của bạn

Trước tiên, hãy bảo mật tài khoản email của bạn bằng cách đổi mật khẩu và kích hoạt các tính năng bảo mật bổ sung, ví dụ như xác thực hai yếu tố hoặc nhiều yếu tố.

Thiết lập xác thực 2 yếu tố qua SMS trong Instagram (Ảnh: Internet)
Thiết lập xác thực 2 yếu tố qua SMS trong Instagram (Ảnh: Internet)

2. Kiểm tra hoạt động đáng ngờ trên các tài khoản của bạn

Hãy kiểm tra các tài khoản quan trọng của bạn xem có hoạt động đáng ngờ hay không. Bắt đầu với tài khoản ngân hàng và các dịch vụ thanh toán, hãy tìm các giao dịch mà bạn không thực hiện. Tiếp theo hãy kiểm tra các email spam và tìm các email được gửi từ tài khoản mà bạn sở hữu.

Nếu bạn thấy email có vẻ bình thường thì đừng mở hoặc tương tác với nó mà hãy sử dụng thanh tìm kiếm trong ứng dụng email để tìm các thư khác có cùng người gửi, và cũng đừng mở bất kỳ thư nào. Đọc tiêu đề email để biết rõ nội dung của nó như hoạt động đăng nhập, thay đổi địa chỉ email, thay đổi mật khẩu, v.v. và phân tích thông tin người gửi để kiểm tra xem email có an toàn hay không.

Sau đó hãy đăng nhập trực tiếp vào tài khoản của bạn thông qua trang web hoặc ứng dụng chính thức (không nhấp vào link trong email để tránh link lừa đảo) và kiểm tra hoạt động đáng ngờ khớp với các email bạn đã nhận được.

3. Bảo mật mọi tài khoản có liên quan với hoạt động đáng ngờ

Nếu bất kỳ tài khoản nào của bạn bị xâm phạm thì hãy bảo mật chúng ngay lập tức. Trước tiên là đổi mật khẩu và xóa các thiết bị lạ đã đăng nhập tài khoản của bạn nếu có.

Đổi mật khẩu để bảo mật tài khoản (Ảnh: Internet)
Đổi mật khẩu để bảo mật tài khoản (Ảnh: Internet)

Nếu tài khoản của bạn bị lợi dụng cho hoạt động lừa đảo thì hãy thông báo ngay cho ngân hàng của bạn, họ có thể xử lý các giao dịch lừa đảo và chặn các giao dịch tương tự trong tương lai.

Cũng đừng quên kích hoạt các tính năng bảo mật bổ sung trên các tài khoản bị tấn công, ví dụ như xác thực hai yếu tố.

4. Không nên xóa hàng loạt email rác

Bạn rất muốn xóa hàng loạt email spam nhưng có thể vô tình xóa các email cảnh báo và các thư quan trọng khác, vì ném bom email có thể làm tăng khả năng các email bình thường bị đưa vào thư mục spam của bạn.

Hãy tập thói quen thường xuyên kiểm tra thư mục spam để phát hiện thư rác tăng đột ngột, đồng thời chú ý đến các thư rác đó vì chúng có thể chứa manh mối để xác định các tài khoản của bạn bị tấn công và cách giải quyết.

5. Sử dụng tính năng lọc thư rác tùy chỉnh

Tính năng lọc thư rác tùy chỉnh giúp bạn chuyển các email không mong muốn đến thư mục spam nhưng cũng có thể ngăn các email bình thường bị đưa vào đó. Nếu thư mục spam của bạn đột nhiên bị đầy, hãy tạo bộ lọc để đảm bảo email từ các nguồn quan trọng luôn được đưa vào hộp thư đến của bạn.

Tóm lại

Bạn thường không quan tâm đến thư mục spam và để nó tự động xóa thư rác, nhưng trên thực tế bạn phải theo dõi để phát hiện sự gia tăng thư rác đột ngột vì đó là một trong những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên cho thấy bạn có nguy cơ bị tấn công mạng.

Hãy tập thói quen thường xuyên kiểm tra thư mục spam, theo dõi số lượng thư rác nhận được và tính chất của chúng. Nếu lượng thư rác vừa phải, bạn có thể xóa bằng cách thủ công mỗi tuần một lần.

Mời bạn xem thêm các bài liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Cách đọc tin nhắn Instagram mà không hiện “seen”, bạn đã biết chưa?

Bạn muốn đọc tin nhắn người khác gửi cho mình trên Instagram mà không bị thông báo là “đã xem”? Mặc dù hiện tại Instagram không có sẵn tính năng để tắt thông báo này nhưng có một số cách khác để người gửi không biết bạn đã đọc tin nhắn. Hãy cùng khám phá nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận