Ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất tịch liệu FA có tìm được chân mệnh thiên tử của đời mình, liệu những người đã có ai đó để yêu thương có bên nhau trọn đời? Cùng BlogAnChoi tìm hiểu lễ Thất tịch là gì và liệu ăn chè đậu đỏ vào ngày này phép màu có linh ứng không nha.
Lễ Thất tịch bắt nguồn từ đâu?
Ngày lễ Thất tịch theo văn hóa phương Đông được coi là ngày lễ tình yêu, tên tiếng Trung là 七夕节 được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch hằng năm.
Năm nay Thất tịch sẽ rơi vào 4/8/2022.
Tương truyền rằng, Chức Nữ là một nàng tiên bên bờ sông Thiên Hà, hàng ngày với tài dệt lụa khéo léo bậc nhất Thiên đình, nàng cùng 6 nàng tiên khác đã dùng những sợi tơ thần để dệt thành dải mây ngũ sắc tuyệt đẹp.
Dưới trần gian, tại một ngôi làng Ngưu Gia nằm ở phía tây Nam Dương có một chàng trai khôi ngô, tuấn tú và hiếu thảo nhưng không may cha mẹ mất sớm, chàng ở cùng với anh trai và chị dâu độc ác. Vào một ngày trời thu, chị dâu họ Mã chỉ cho Ngưu Lang chăn 9 con bò nhưng lại bắt khi về phải được 10 con.
Cậu chàng dắt trâu lên núi ăn cỏ, mình thì ngồi tựa vào gốc cây buồn rầu lo lắng làm sao để mang về được 10 con. Thế rồi trời không phụ lòng người, có một ông già râu tóc bạc phơ đến bên cậu hỏi chuyện rồi ông nói: “Nghe ta, ở núi Phục Ngưu có một con bò già đang ốm nặng, cháu hãy chăm sóc nó cho đến khi khỏi bệnh rồi dẫn nó về nhà“.
Bò già khỏi bệnh, Ngưu Lang vui mừng dắt cả 10 con bò về, thế nhưng bà chị dâu ác độc kia lại giở trò đuổi chàng đi và chỉ cho phép chàng dắt theo con bò già.
Một ngày nọ, Chức nữ cùng các nàng tiên trên trời xuống trần gian chơi đùa tắm dưới sông, dưới sự giúp đỡ của bò già, Ngưu Lang đã có cơ duyên được làm quen với Chức Nữ. Thế rồi, đôi nam thanh nữ tú đã nảy sinh tình cảm, Chức Nữ trở thành vợ của Ngưu Lang. Nàng đã dạy dân làng nuôi tằm dệt vải, dệt lên những tấm lụa mịn màng, bóng đẹp.
Tình cảm đậm sâu, đôi vợ chồng hạnh phúc đón chào 2 đứa con một trai một gái kháu khỉnh, dễ thương chào đời. Nhưng chuyện tốt đẹp chẳng kéo dài được mãi, bị Ngọc Hoàng Đại Đế và Vương Mẫu Nương Nương biết được việc này tức giận khôn cùng, phái ngay người xuống hạ giới bắt Chức Nữ về Thiên đình hỏi tội.
Phàm là người trần mắt thịt, Ngưu Lang không cách nào lên thiên đình được, bò già đã mách cho Ngưu Lang rằng khi nó chết đi, hãy dùng da của nó làm thành đôi giày, chàng có thể dùng nó để đi lên trời. Nghe lời bò thần, cuối cùng Ngưu Lang cũng bồng hai đứa con lên trời với nguyện ước được gặp người thương.
Nhưng đến khi chàng lên được cửa thiên đình, liền bị Vương mẫu lấy trâm vàng cài tóc vạch ra một đường hóa thành dòng sông Ngân hà sóng chảy cuồn cuộn ngăn cản gia đình đoàn tụ. Hai người chỉ biết nhìn nhau rơi nước mắt, dưới nhân gian hóa thành những giọt mưa âm ỉ mãi không thôi. Tương truyền rằng ngày 7/7 âm lịch mà trời đổ mưa nghĩa là Ngưu Lang và Chức nữ không được gặp nhau, đồng nghĩa với việc chuyện tình cảm của các cặp đôi dưới nhân gian cũng gặp trắc trở.
Cảm động trước tình cảm của chàng và nàng, hàng vạn con chim bay đến tạo thành cây cầu Thành Kiêu để Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Biết không thể ngăn cản được tình yêu chung thủy của họ, Vương Mẫu đành chịu và cho 2 người họ được gặp nhau vào mùng 7 tháng 7 âm lịch hàng năm.
Sau này, cứ đến ngày này, các cô gái lại rủ nhau nhìn trời ngắm sao, mong có thể bắt gặp cảnh gặp nhau chỉ một lần trong năm của hai người họ, và cầu mong ông trời se duyên cho mình tìm được ý trung nhân. Do vậy, Tết Thất Tịch đã hình thành.
Ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất tịch liệu có “thoát ế”?
Những năm gần đây, các bạn trẻ đang có trào lưu ăn chè đậu đỏ vào lễ Thất tịch để cầu tình duyên. Vậy thực hư ra sao, BlogAnChoi sẽ hé lộ sự thật bật ngửa ngay tại bài viết này.
Theo nhiều nguồn thông tin trên mạng, nhiều bạn trẻ tin rằng việc ăn chè đậu đỏ vào ngày lễ Thất tịch người cô đơn sẽ tìm được người thương, còn người đã có đôi có cặp sẽ bên nhau trọn đời. Nhưng thông tin ấy hoàn toàn sai lệch, thực chất loại đậu biểu trưng cho ngày Thất tịch bên Trung Quốc được gọi là “hồng đậu” hay “đậu tương tư”.
Loại đậu này có kích thước nhỏ xinh, màu đỏ thẫm bóng đẹp, và thon thon giống hình trái tim. Hơn nữa loại đậu này rất cứng và màu cực kỳ lâu phai. Chính vì thế hồng đậu hay đậu tương tư được xem như tín vật tình yêu, biểu trưng nỗi nhớ, chung thủy một lòng.
紅豆生南國,
春來發幾枝。
願君多采擷,
此物最相思。
Phiên âm:
Hồng đậu sinh nam quốc,
Xuân lai phát kỷ chi.
Nguyện quân đa thái biệt,
Thử vật tối tương tư.
Dịch nghĩa:
Hồng đậu mọc ở phương Nam,
Mùa xuân về lại trổ ra vài nhành mới.
Xin chàng hái nhiều một chút mà bỏ vào vạt áo,
Vì vật này chứa đựng bao nỗi tương tư.
Tương Tư (相思) – Vương Duy
Loại hạt này không hề ăn được mà thường được xâu thành chuỗi vòng đeo tay cầu may mắn và tình duyên. Ngoài ra ở một số tỉnh phía Nam Trung Hoa, người ta thường tặng đậu tương tư cho trẻ em với mong ước sự bình yên, xua đuổi tà khí.
Vậy nên đừng thắc mắc là ăn mấy mùa đậu đỏ rồi mà vẫn chưa có người yêu bạn nha kkk. Nhưng khoan hãy nói ăn chè đậu đỏ có người yêu là xạo, chè đậu đỏ rất tốt cho cơ thể đó nha, giúp da dẻ mịn màng, dáng dập thon gọn. Không nói đến tâm linh thì việc có làn da đẹp và dáng người thon thả cũng là điểm cộng giúp bạn cưa đổ “crush” rồi í.
Mùa Thất tịch đến rồi, BlogAnChoi thành tâm chúc bạn một ngày lễ Thất tịch an yên, chúc cho những ai còn độc thân sẽ sớm tìm được mảnh ghép còn lại, còn những ai đã có nhau thì hãy đi cùng nhau lâu thật lâu nhé.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết:
- 200+ Câu nói thả thính khiến Crush của bạn điêu đứng, tan chảy vì bạn
- 7 món quà sinh nhật tặng bạn gái ý nghĩa và độc đáo nhất
Cuối cùng thì cảm ơn bạn đã đọc bài viết của BlogAnChoi, đừng quên thường xuyên ghé thăm BlogAnChoi để đọc thêm nhiều bài viết thú vị nhé.