Bạn thường xuyên nghĩ về quá khứ, hay ước gì có thể quay ngược thời gian để sống như lúc trước? Tận hưởng chuyến đi xuôi theo dòng ký ức trong cảm xúc lẫn lộn buồn vui, bạn có biết sự hoài niệm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần con người chúng ta không?

Sự hoài niệm ra đời như thế nào? Hiện tượng nostalgia là gì?

Thuật ngữ “nostalgia” xuất hiện lần đầu tiên năm 1688, được đặt tên bởi sinh viên y khoa, sau này là bác sĩ, người Thụy Sĩ – Johnnes Hofer. Trong quá trình làm luận văn, Hofer nhận thấy quân đội Thụy Sĩ chiến đấu ở vùng đồng bằng châu Âu có những cảm xúc phiền muộn và lo lắng vì nhớ nhà, và ông đặt tên cho nỗi đau ấy là “nostalgia”.

Khi lần đầu được định nghĩa bởi bác sĩ Hofer, hoài niệm bị xem là một dấu hiệu bệnh lý đi kèm với những triệu chứng như phiền não, nhớ nhà khôn nguôi, khóc lóc và lo lắng, nhịp tim không đều, chán ăn và mất ngủ, thậm chí là cảm giác ngột ngạt và trầm cảm.

Bác sĩ Scheuchzer, sống và làm việc cùng thời với Hofer cũng có chung quan điểm với ông. Tuy nhiên Scheuchzer lại cho rằng hoài niệm không xuất phát từ sự mất cân bằng bên trong, mà là tình trạng bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Khi quân đội Thụy Sĩ di chuyển trong cuộc chiến, do sự chênh lệch lớn trong áp suất khí quyển dẫn đến áp suất trong cơ thể thay đổi quá mức, máu dẫn từ tim đến não và tạo ra cảm xúc đau khổ được quan sát thấy.

Cảm giác hoài niệm của các binh sĩ xa nhà (Ảnh: Internet)
Cảm giác hoài niệm của các binh sĩ xa nhà (Ảnh: Internet)

Nhiều thế kỉ trước, các bác sĩ kiên quyết khẳng định hoài niệm là một trạng thái sức khỏe kém cần điều trị với các phương pháp bao gồm dùng đỉa, nhũ tương thôi miên, thuốc phiện, hay cho về nhà. Hoài niệm ngày nay không còn được xem như một chứng rối loạn nữa, nhưng vẫn thường xuyên là đề tài được quan tâm nghiên cứu về cơ chế và phân loại, cũng như ảnh hưởng của nó đến nhân khẩu học.

Tại sao con người tìm về quá khứ?

Thế giới hiện nay bị xáo trộn với những cuộc khủng hoảng và dịch bệnh, tâm trí bạn bằng một cách tự nhiên trôi dạt về những kỷ niệm đẹp để tự trấn an và xoa dịu tinh thần. Ví dụ như việc tự gợi nhớ mình rằng “ồ, đó từng là thứ mình thích” hay “đó chính là tôi vào năm ấy”, cốt lõi vẫn là để bạn nhận ra điều mình đang làm dở hoặc điều cần thực hiện ngay bây giờ và trong tương lai.

Rất dễ để thấy sự hoài niệm được kết hợp vào các ấn phẩm truyền thông như âm nhạc, phim ảnh, thời trang,… Bên cạnh đó, nhờ vào mạng xã hội cùng các phương tiện truyền phát trực tiếp như Netflix và Spotify mà “quá khứ” luôn nằm gọn trong tầm tay ta.

Mạng xã hội giúp chúng ta dễ dàng hoài niệm hơn (Ảnh: Internet)
Mạng xã hội giúp chúng ta dễ dàng hoài niệm hơn (Ảnh: Internet)

Phần lớn mọi người thường nhớ về những kỷ niệm thời tuổi teen, thời điểm mà những sở thích, tính cách, tình bạn dần được hình thành và phát triển. Bên cạnh đó bạn cũng sẽ thường hay nhớ về những thời khắc trải qua một thay đổi lớn nào đó trong cuộc đời, chẳng hạn như công việc đầu tiên và được thăng chức, chuyển nhà, đám cưới, những chuyến du lịch, tìm được sở thích mới,…

Những ký ức như vậy xuất hiện trong tâm trí như một cách nhắc nhở rằng bạn vẫn là con người đó bởi dù mong muốn và hạnh phúc khi được thay đổi theo thời gian nhưng sâu trong tâm hồn bạn vẫn cần một cảm giác ổn định cốt lõi về chính bản thân mình.

Sự hoài niệm không đơn thuần chỉ là một chuyến đi vui vẻ theo dòng ký ức. Trên thực tế, suy ngẫm về những kỷ niệm thường chứa đựng cảm xúc đan xen giữa tích cực và tiêu cực, xây dựng thành một câu chuyện ngọt bùi lẫn đắng cay khi mà bên cạnh sự hạnh phúc của lòng biết ơn và hy vọng là nỗi buồn của khát khao, mất mát.

Lợi ích về mặt tâm lý của sự hoài niệm

Vừa giúp xoa dịu những cảm xúc tiêu cực, vừa truyền động lực để con người đứng lên hành động để thay đổi hay cải thiện tình hình, sự hoài niệm được ứng dụng như một nguồn tài nguyên về nhiều mặt và có ý nghĩa rất lớn cho sức khỏe của con người.

Bằng những thử nghiệm và nghiên cứu sử dụng các công cụ hiện đại của khoa học hành vi, thực tế cho thấy sự hoài niệm không khiến con người trở nên khổ sở, mà khi con người cảm thấy khó khăn sẽ nhớ nhung về quá khứ. Trên thực tế, hoài niệm không khiến con người níu kéo quá khứ, mà ngược lại là một nguồn cảm hứng cho cuộc sống hiện tại và tương lai.

Cải thiện lòng tự trọng

Hoài niệm giúp cải thiện lòng tự trọng (Ảnh: Internet)
Hoài niệm giúp cải thiện lòng tự trọng (Ảnh: Internet)

Khi hoài niệm về những câu chuyện trong quá khứ, bạn đồng thời tăng sự tự tin cho chính bản thân mình trong hiện tại. Trong một cuộc phỏng vấn với Hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ, tiến sĩ Krystine Batcho – giáo sư tâm lý học tại ĐH LeMoyne ở Syracuse, New York khẳng định: “Sự hoài niệm là một trải nghiệm cảm xúc thống nhất” nhằm giúp hợp nhất ý thức và danh tính của chúng ta theo thời gian để cho chúng ta biết người mà mình muốn trở thành trong tương lai (hay còn gọi self-continuity nghĩa là duy trì bản sắc cá nhân).

Bằng sự củng cố bản sắc của chính mình và ý thức về bản thân, chúng ta có thể thấu hiểu bản thân một cách rõ ràng hơn, từ đó tăng cường sự tự tin và cuối cùng là lòng tự trọng cũng được nâng cao.

Tăng cường sự gắn kết xã hội

Mặc dù bản thân chúng ta là nhân vật chính trong ký ức hoài niệm, nhưng chắc chắn vẫn có những người thân thuộc và gần gũi xuất hiện trong câu chuyện đó. Chính vì thế mà sự hoài niệm mang đến cho chúng ta tính kết nối và cảm giác thuộc về.

Hoài niệm giúp gắn kết với mọi người (Ảnh: Internet)
Hoài niệm giúp gắn kết với mọi người (Ảnh: Internet)

Một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên tạp chí Memory, Routledge đã chỉ ra rằng hoài niệm làm cho mọi người cảm thấy được yêu thương và quý trọng, giúp thúc đẩy nhận thức xã hội về sự hỗ trợ giữa người với người. Nhờ đó, chúng ta có thể dễ dàng vun đắp các mối quan hệ ý nghĩa và sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Tăng cường sự lạc quan

Nhớ về những khoảnh khắc mà bạn đặc biệt trân trọng và lưu luyến là cách bạn chứng minh rằng “tôi đang sống một cuộc đời đẹp cùng những kỷ niệm đẹp”. Vì thế nên “tôi cần phải sống tốt và có những khoảnh khắc đẹp như vậy trong tương lai.”

Hoài niệm giúp tăng cường sự lạc quan (Ảnh: Internet)
Hoài niệm giúp tăng cường sự lạc quan (Ảnh: Internet)

Tiến sĩ Krystine Batcho cũng cho rằng, việc ngăn chặn chu kỳ của nỗi cô đơn có liên quan đến việc nhìn lại quá khứ để tìm kiếm sự tự tin và khích lệ. Trong nghiên cứu năm 2012, Routledge đã kết luận rằng những người thường xuyên hoài niệm có khả năng đối phó tốt hơn với sự lo lắng về cái chết.

Tiến sĩ và nhà tâm lý học Erica Herper tại ĐH Surrey – Anh Quốc, đã phát hiện xu hướng hoài niệm tăng cao ở những người trẻ tuổi. “Nỗi nhớ giúp chúng ta đối phó với quá trình chuyển đổi”, chẳng hạn như việc những người trẻ rời xa bố mẹ và bắt đầu cuộc sống riêng của họ.

Sự hoài niệm giúp bạn thông tuệ

Khi cuộc sống ngày càng trở nên không chắc chắn và khó đoán khiến bạn mông lung không biết chọn ngã rẽ nào, hoài niệm mang đến những manh mối để đưa ra quyết định dễ dàng hơn. Tập trung vào hiện tại không phải là trạng thái tinh thần mạnh mẽ nhất, mà còn có sự hoài niệm – tập trung vào quá khứ.

Vì những lợi ích nói trên, khi tâm trí bạn trở về với những kỷ niệm ấp ủ trong quá khứ, có lẽ tốt nhất bạn nên cho phép mình trải nghiệm cảm giác “buồn vui lẫn lộn” này. Lưu ý đừng so sánh kỷ niệm trong quá khứ của bạn với cuộc sống hiện tại vì sự hoài niệm sai cách như vậy có nguy cơ phá hỏng những lợi ích tâm lý đã đề cập ở trên.

Tác hại của hoài niệm

“There is no greater sorrow than to recall a happy time when miserable.” – Dante Alighieri

(Tạm dịch: “Không có nỗi buồn nào lớn hơn là nhớ lại khoảng thời gian hạnh phúc khi đang đau khổ.”) Những tác động của sự hoài niệm càng được khuyếch đại vào những ngày người ta cảm thấy cô đơn.

Khi xuất hiện những cảm xúc mà chúng ta muốn tránh xa, chẳng hạn như cô đơn, cơ thể tự động kích hoạt những cảm xúc tích cực để phục hồi chức năng cân bằng tâm lý nội tại. Đắm chìm và tôn vinh khoảnh khắc nào đó trong quá khứ, hoài niệm vừa có hại cho con người hiện tại của chúng ta, vừa lý tưởng hóa và bỏ qua những mặt trái tiêu cực của quá khứ. Khi liên tục nghĩ về quá khứ, làm sao bạn có thể tập trung xử lí vấn đề ở hiện tại và tương lai?

Hoài niệm nhưng đừng mắc kẹt trong quá khứ (Ảnh: Internet)
Hoài niệm nhưng đừng mắc kẹt trong quá khứ (Ảnh: Internet)

Hoài niệm cũng như là một gia vị cảm xúc tạo hương vị cho món ăn tinh thần. Để có một món ăn cân bằng hoàn hảo, bạn cần sử dụng đúng liều lượng vào đúng thời điểm. Ngược lại, quá nhiều gia vị không cần thiết và sai thời điểm sẽ khiến món ăn không thể ăn được hay thậm chí là độc hại. Vậy đâu là ranh giới giữa sự hồi tưởng tích cực và sự mắc kẹt trong quá khứ?

Sự khác biệt giữa nỗi nhớ có ích và có hại nằm ở việc chối bỏ hiện tại nhằm mục đích phục hồi lại ký ức trong quá khứ, quá trình này hầu như xảy ra một cách vô thức. Việc lạm dụng sự hoài niệm như một cách điều tiết cảm xúc phần lớn sẽ phản tác dụng. Ở cấp độ cá nhân, chúng ta có thể chủ động nâng cao nhận thức về bản thân để đối phó với những mặt trái của dạng cảm xúc này một cách lành mạnh hơn.

Làm cho vô thức trở nên có ý thức là không thể. Khắc phục mặt tối và khai thác sức mạnh của thích nghi với tình trạng cảm xúc đòi hỏi bạn phải đối mặt với những thành kiến và niềm tin của chính mình, là sự xấu hổ, tổn thương và khao khát.

Xem lại các album ảnh cũ, kết nối với bạn bè đã lâu không gặp mặt hay xem lại các bộ phim thập nên 90 vào cuối tuần có thể hữu ích, nhưng bạn vẫn rất nên tự hỏi bản thân mình những câu hỏi sau để tận dụng sự hoài niệm một cách lành mạnh, tránh lạm dụng dẫn đến những tác hại tiêu cực:

  • Tôi đang cố tái tạo trạng thái cảm xúc nào khi đắm chìm trong hoài niệm quá khứ?
  • Điều này giúp ích gì cho tôi ở hiện tại?
  • Tôi có đang trốn tránh cảm xúc tiêu cực không? Có cách nào để tôi nhận diện và chấp nhận cảm xúc của mình không?

Ứng dụng của nostalgia

Ứng dụng của hoài niệm trong marketing

Thực tế sự hoài niệm khiến mọi người sẵn sàng chi tiền nhiều hơn, và dĩ nhiên các công ty tiếp thị đã nhanh chóng nắm bắt hành vi tiêu dùng ấy trước cả khi những nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu về chủ đề này. Như đề cập ở trên, hoài niệm khiến cho con người cảm thấy mình có một nơi để thuộc về, và chính cảm giác được hỗ trợ và nâng đỡ ấy giảm đi ham muốn cũng như sự phụ thuộc vào tiền bạc của chúng ta.

Hoài niệm khiến chúng ta dễ chi tiêu nhiều hơn (Ảnh: Internet)
Hoài niệm khiến chúng ta dễ chi tiêu nhiều hơn (Ảnh: Internet)

Trong bài báo “Nostalgia Weakens the Desire for Money” (“Sự hoài niệm làm suy giảm ham muốn tiền bạc”), Lasaleta cùng các tác giả khác phát hiện rằng con người có xu hướng coi tiền bạc và mối quan hệ xã hội là 2 thứ có thể thay thế cho nhau. Một khi cảm giác gắn kết xã hội được nuôi dưỡng thì ham muốn tiền bạc sẽ giảm đi, đồng thời chúng ta có xu hướng ít tiết kiệm tiền và sẵn sàng tiêu tiền hơn.

Nhiều chiến dịch quảng cáo đã thành công rực rỡ bằng cách sử dụng một thủ thuật đơn giản là kết hợp một thứ cũ với một thứ mới. Điển hình là quảng cáo smartphone Motorola Razr năm 2019 mang đến cú lột xác ngoạn mục cho phiên bản cũ năm 2004. Nhấn mạnh phần nắp gập và kích thước nhỏ của “huyền thoại” đã qua, Motorola gây tiếng vang lớn khi giới thiệu dòng Razr mới đầy cải tiến, được biến tấu và pha trộn mượt mà với dòng Android thế hệ mới.

Quảng cáo trò chơi điện tử Nintendo – Two Brothers – kể lại câu chuyện về hai anh em cùng chung sở thích chơi game Nintendo bỗng phải cách xa vì bất đồng thuở nhỏ. Trưởng thành và rời xa người thân thuở thơ ấu, Nintento mang lại cảm giác hoài niệm trong đoạn quảng cáo nhằm nhắc nhở người xem về niềm vui và sự đầm ấm khi chơi game cùng anh chị em trong gia đình.

Biết đến hiệu ứng tâm lý “nostalgia”, bạn sẽ dễ suy nghĩ lại và không để cảm xúc hoài niệm lấn át quyết định mua sắm của bản thân. Tốt hơn hết, hãy dành chút thời gian và xem xét lại khả năng mua hàng của mình để xem liệu đó có phải là khoản mà bạn thực sự muốn mua hay không.

Sự hoài niệm truyền cảm hứng sáng tạo cho các tổ chức, công ty

Tận dụng sự hoài niệm là một cách tư duy “outside-the-box”. Một nơi làm việc khuyến khích nhân viên chia sẻ kỷ niệm và tạo những kỷ niệm mới với đồng nghiệp của họ chính là nguồn cung cấp sức mạnh sáng tạo dồi dào. Khi được cộng đồng trong công ty hỗ trợ, mọi người sẽ thoải mái chấp nhận rủi ro và dám tự tin khám phá nhiều ý tưởng mới.

Hoài niệm giúp kích thích tính sáng tạo (Ảnh: Internet)
Hoài niệm giúp kích thích tính sáng tạo (Ảnh: Internet)

Ứng dụng của hoài niệm trong quản lí nhân sự

Một loạt nghiên cứu cho thấy rằng khi được khai thác đúng cách, sự hoài niệm giúp nhân viên tìm thấy ý nghĩa trong công việc, điều này đặc biệt hữu ích cho những người đang gặp tình trạng bị kiệt sức khi làm việc.

Sự hoài niệm khiến mọi người mong muốn thực hiện nhiệm vụ cùng những người khác, tăng sự đồng cảm, cam kết và các hành vi xã hội mang tính thiện nguyện trong đội nhóm. Nhờ đó, công việc trở nên ý nghĩa hơn và tỉ lệ nghỉ việc được giảm đáng kể.

Phát triển các nghi thức truyền thống xã hội của tổ chức là một khoản đầu tư trong tương lai nhằm kết nối nhân viên với kỷ niệm ở tổ chức ngay từ đầu. Ngoài ra, tổ chức câu lạc bộ, những đêm vui chơi và ăn tối, chiếu phim hàng tháng cũng cho nhân viên có cơ hội hình thành kỷ niệm với công ty. Khi công ty trải qua những thay đổi lớn, nhiều xung đột, những kỷ niệm gắn bó được dịp “trỗi dậy” và phần nào làm dịu đi cảm xúc tiêu cực giữa các cá nhân.

Ứng dụng của hoài niệm trong quản lí nhân sự (Ảnh: Internet)
Ứng dụng của hoài niệm trong quản lí nhân sự (Ảnh: Internet)

Các nhà quản lý nên tìm kiếm cách khơi gợi nỗi hoài niệm phù hợp nhất với môi trường và văn hóa của công ty, tổ chức. Điều này có ý nghĩa quan trọng cho tư duy và động lực cần thiết để nhân viên làm việc hiệu quả, hướng đến mục tiêu của cá nhân và tổ chức trong tương lai.

Một vài bài viết hữu ích liên quan bạn có thể tham khảo:

Hy vọng qua bài viết trên, BlogAnChoi đã đem lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích về sự hoài niệm – một hiện tượng tâm lý phức tạp của con người chúng ta. Đừng quên theo dõi BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích bạn nhé!

Xem thêm

200+ cap đăng story hay, ấn tượng, hút tương tác nhất bạn nên thử

Bạn đang tìm cho mình những chiếc cap đăng story hay để bày tỏ cảm xúc của mình? Bài viết này sẽ chia sẻ đến bạn 200+ cap đăng story ngắn lên Instagram, Facebook,... Mời bạn tham khảo!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận