Người đầu tiên dẫn tôi đến hiệu sách, là bố tôi. Đến giờ thì cả bố và tôi chẳng còn nhớ được đó là nhà sách nào. Trong kí ức tôi giờ chỉ đọng lại, cuốn sách đầu tiên tôi chọn mua là một cuốn sách về thiên văn học. Cuốn sách đầu tiên bố chọn mua cho tôi là cuốn truyện “Không gia đình” của nhà văn Hector Malot. Khi đã lớn hơn, tôi vẫn giữ thói quen thích đi đến những nhà sách. Đôi khi chẳng cần có mục đích mua một cuốn gì, đơn giản tôi yêu thích không gian, yêu thích cảm giác đứng giữa những kệ sách, giữa những cuốn sách mà thôi.

Đêm qua tôi có một giấc mơ, rất lộn xộn, giống như đa phần những giấc mơ khác, không đầu không cuối

Khi tỉnh giấc, dù cố gắng nhớ lại nhưng tôi vẫn không chắp nối được những điều thấy trong mơ lại với nhau thành một câu chuyện liền mạch. Điều rõ nhất là tôi đang đi tìm một cuốn vở cũ, trong đó có ghi một bài giảng văn. Những chi tiết sau đó mơ hồ, rời rạc. Tôi thấy mình đi vào một hiệu sách, lần tìm từng quyển, từng quyển trên những kệ dài, nhưng đến cuối cùng, khi đã thức dậy, tôi cũng không tìm thấy cuốn vở tôi cần.

Giống như đa số những giấc mơ vô thức đến trong giấc ngủ, nó chỉ là những hình ảnh lộn xộn, thoáng qua rất nhanh. Chẳng hề là điềm báo, chẳng hề cần giải nghĩa. Nhưng lạ thay, điều vẫn đọng lại trong tâm trí tôi ngay cả khi đã tỉnh táo, không phải là quyển vở mà tôi đi tìm, mà là hình ảnh những kệ sách, những cuốn sách bàn tay tôi đã lướt chạm tới. Dường như, đó là những cuốn sách đã từ rất lâu rồi vẫn nằm trên kệ sách của tôi, ở đời thực.

Trong giấc mơ, tay tôi lướt tìm những cuốn sách (Ảnh: Internet).
Trong giấc mơ, tay tôi lướt tìm những cuốn sách (Ảnh: Internet).

Trẻ con bây giờ, như Tôm Tép cháu tôi, chúng nó được cầm sách trên tay từ rất sớm. Ngay khi chưa biết đọc, chúng nó đã có những cuốn sách truyện dạy phân biệt các đồ vật, con thú đơn giản để vừa chơi, vừa học. Thậm chí, chúng nó còn được học qua những cuốn sách điện tử rất hiện đại. Tôi nhớ có lần đưa chúng nó đi nhà sách, chúng nó chẳng mấy hào hứng với những cuốn sách truyện “con nít”, vì rằng “ở máy tính ở nhà có đầy”. Ấy thế mà, với tôi, nhà sách luôn là thiên đường. Cũng là vì ngày còn bé, “thời đại” của tôi chẳng thể có những thứ “xịn sò” như lũ trẻ con bây giờ.

Nhưng ngày đó cũng vui mà, mỗi thời mỗi khác.

Những kệ sách giấu mình trong giấc mơ

Người đầu tiên dẫn tôi đến hiệu sách, là bố tôi. Đến giờ thì cả bố và tôi chẳng còn nhớ được đó là nhà sách nào. Trong kí ức tôi giờ chỉ đọng lại, cuốn sách đầu tiên tôi chọn mua là một cuốn sách về thiên văn học. Cuốn sách đầu tiên bố chọn mua cho tôi là cuốn truyện “Không gia đình” của nhà văn Hector Malot. Tôi nghĩ bố tôi cũng không có suy nghĩ sâu xa gì khi mua cho tôi cuốn truyện đó, nhưng chắc chắn, đó là viên gạch đầu tiên xây nên cho tôi sở thích đọc và mua sách, cho đến tận bây giờ.

Hồi bé, tôi rất thích đọc về thiên văn học. Nó là một thế giới đầy kì bí. Hồi đó, dù ở thành phố, tôi vẫn có thể nhìn thấy những vì sao, nhìn thấy trăng tròn, trăng khuyết. Đặc biệt là những lúc mất điện buổi tối, khoảng sân tập thể trong khu nhà tôi được ánh trăng soi rọi, lũ trẻ con vẫn tha hồ nghịch ngợm, chạy nhảy, đuổi nhau.

Tôi nhớ, trăng ngày đó sáng lắm, trong lắm. Bầu trời đêm cũng có rất nhiều những vì sao.

Dưới bầu trời đêm đầy sao là một thế giới cổ tích giữa đời thực (Ảnh: Internet).
Dưới bầu trời đêm đầy sao là một thế giới cổ tích giữa đời thực (Ảnh: Internet).

Bầu trời đêm trên thành phố trong mắt đứa trẻ con là tôi, đã đẹp như vậy. Nhưng khi về quê, tôi mới biết, mặt trăng và những vì sao thật ra còn lung linh, huyền ảo hơn thế rất rất nhiều. So với khoảng sân tập thể thì nhìn ngắm bầu trời đêm trên cánh đồng giống như là một thế giới khác, bao la, rộng lớn vô cùng. Cái cảm giác thích thú, choáng ngợp khi ngước mắt lên là vô vàn những vì sao lấp lánh, dày đặc, cảm giác đó tôi sẽ nhớ mãi, sẽ nhớ mãi. Đó thực sự là một thế giới cổ tích giữa đời thực.

Riêng điều này, tôi chắc chắn “sướng” hơn hai thằng cháu của mình!

Những ngày đi học phổ thông, nhà sách chính là “khu vui chơi giải trí” đúng nghĩa với tôi. Tôi nhớ những năm tháng học cấp 2, cứ chiều thứ 7 được tan học sớm, lũ bọn tôi sẽ đạp xe đến nhà sách Tiền Phong trên đường Nguyễn Thái Học. Ở đó có bao la là sách, truyện, đồ dùng học tập, đồ lưu niệm, băng đĩa, tranh ảnh… Tất nhiên chúng tôi chẳng có tiền mua, nhưng cái thú khi được túm năm, tụm ba chỉ trỏ, cầm nắm những món đồ, lén lút “coi cọp” những quyển sách truyện mới tinh, thơm phức… thì không gì là sánh nổi.

Lê la các hiệu sách là thói quen yêu thích của tôi (Ảnh: Internet).
Lê la các hiệu sách là thói quen yêu thích của tôi (Ảnh: Internet).

Khi đã lớn hơn, tôi vẫn giữ thói quen thích đi đến những nhà sách. Đôi khi chẳng cần có mục đích mua một cuốn gì, đơn giản tôi yêu thích không gian, yêu thích cảm giác đứng giữa những kệ sách, giữa những cuốn sách mà thôi. Chính vì thế, tôi cũng luôn dành sự “thiên vị” hơn cho những cuốn sách giấy, thay vì những file đọc điện tử.

Mỗi cuốn sách khi mua về, tôi đều ghi ngày tháng ở trang sách đầu tiên. Đôi khi bắt gặp những dòng chữ, câu chuyện tâm đắc, hoặc gợi cho tôi về một điều gì đó đặc biệt, tôi thường viết ra lề sách những suy nghĩ của mình. Vậy nên những cuốn sách tôi thích nhất, lại chính là những cuốn sách mà người khác “khó đọc” nhất, vì đâu đâu cũng chi chít những con chữ tôi thêm vào.

Trong những chuyến đi Hội An một mình, hành lý của tôi luôn có những cuốn sách. Tôi dành gần như toàn bộ thời gian chỉ ngồi trong quán cafe và đọc.

Thư thái. Tự do. Yên bình.

Giấc mơ hôm qua, cũng giống những dòng tôi viết bây giờ, cũng chỉ là một chút lan man, lãng đãng…

Cho một ngày mưa ngâu tháng 8.

Xem thêm

250+ câu thơ thả thính hay, "cưa đổ" ngay mọi crush khó tính!

Mỗi ngày một câu thơ thả thính, đảm bảo hạ gục mọi crush khó tính nhất. Bạn không tin ư? Lưu ngay những câu thơ thả thính hay nhất, chất nhất của BlogAnChoi về làm thử xem năm sau có người yêu không nào?
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận