Mỗi dạng chuyển động mắt đều được cơ thế thiết kế để phù hợp với từng hoàn cảnh và mục đích khác nhau. Trong bài viết này, cùng BlogAnChoi tìm hiểu tại sao bạn thường nhìn lên trên khi suy nghĩ nhé.

Ngôn ngữ cơ thể (body language) chắc không còn là một khái niệm xa lạ, nhưng một trong số đó là ngôn ngữ mắt, lại được ít người hiểu rõ về những đặc điểm của nó. Điều này có thể do mắt là cửa sổ tâm hồn chứa đựng quá nhiều điều phức tạp mà không mấy ai có thể hiểu hết?

Phản ứng chuyển động mắt theo một hướng cụ thể tuy chưa được khoa học khẳng định dứt khoát về nguyên nhân, nhưng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nó dựa trên một số cơ sở vật lý nhất định. Vậy thì việc bạn “lăn” mắt lên trên những lúc tập trung cao độ để xử lí hoặc suy nghĩ về một vấn đề nào đó, là do đâu?

Hạn chế sự phân tâm

Tâm trí con người dễ bị phân tâm bởi các sự vật xung quanh, vì thế chúng ta thường nhìn lên trên để hạn chế những ý nghĩ không liên quan nảy ra và làm gián đoán việc tập trung suy nghĩ về một vấn đề cụ thể nào đó. Việc né tránh các yếu tố bên ngoài để chuyển hướng sự chú ý vào suy nghĩ bên trong sẽ giúp ta tăng cường trí tưởng tượng, óc sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề.

Nhìn lên trên khi suy nghĩ giúp loại bỏ các tác nhân gây mất tập trung (Nguồn: Internet).
Nhìn lên trên khi suy nghĩ giúp loại bỏ các tác nhân gây mất tập trung (Nguồn: Internet).

Vậy nên ngược lại, chúng ta thường không nhìn lên trên khi đang ở nơi tối và không có các yếu tố gây phân tâm, cũng như khi đang thực hiện những hoạt động không cần nhiều tư duy suy nghĩ như nói chuyện, xem phim, tập thể thao,…

Đi sâu vào tiềm thức

Trong khi “ý thức” là cảm nhận về các sự vật, sự việc đang diễn ra một cách chủ động và hiện hữu, thì tiềm thức lại là những thông tin, kiến thức, trí nhớ mà bạn sở hữu trong não bộ của mình nhưng không nhận biết rõ ràng. Tiềm thức ảnh hưởng rất lớn đến ý thức bởi bạn có thể sử dụng chúng bất kỳ lúc nào để trao đổi thông tin với ý thức.

Bạn có biết lúc nào bộ não hoạt động nhưng mắt lại đang nghỉ ngơi không? Là lúc chúng ta mơ. Thực tế khi nhìn lên trên, mắt tuy vẫn mở nhưng không được sử dụng với mục đích nhìn, não thậm chí còn không hề để ý bất cứ một thứ gì mà mắt đang nhìn. Nếu mắt có biểu hiện nhìn lên trên thì thực ra nó đang cố gắng phục vụ cho mục đích suy nghĩ!

Chuyển suy nghĩ ý thức sang tiềm thức bằng cách nhìn lên trên (Nguồn: Internet).
Chuyển suy nghĩ ý thức sang tiềm thức bằng cách nhìn lên trên (Nguồn: Internet).

Nghệ sĩ Paul Gauguin đã từng đề cập đến sự cần thiết của việc tự tách mình khỏi thực tế bên ngoài để nâng cao trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo trong câu nói nổi tiếng: “I shut my eyes in order to see” – “Tôi nhắm mắt lại để nhìn thấy”. Nhắm mắt lại (hoặc nhìn vào vật không chuyển động) là hoàn toàn tương tự như việc đảo mắt lên trên để tách rời suy nghĩ của mình khỏi thế giới ý thức để đi sâu vào thế giới tiềm thức.

Các nhà tâm lý học thần kinh đã giải thích hiện tượng này bằng thủ pháp lập trình thần kinh ngôn ngữ NLP (Neuro-Linguistic Programming). Phương pháp này lý giải rằng quán tính của chuyển động mắt thường tuân theo sự tiếp cận của não đến tiềm thức. Trong đó, mắt hướng nhìn lên trên thường gắn với hành động gợi nhớ hoặc tưởng tượng về một điều gì đó chưa từng thấy hoặc đã chứng kiến.

Khi phải trả lời cho câu hỏi nào đó, phần lớn mọi người sẽ đưa mắt theo một hướng nhất định. Ví dụ nếu một ai đó nhìn lên bên trái, nghĩa là người đó đang cố nhớ hoặc gợi lại một hình ảnh trong quá khứ. Ngược lại khi nhìn lên trên bên phải, hẳn là người đó đang khai thác trí tưởng tượng của họ hoặc đang nói dối. Điều thú vị nhất là phương pháp NLP hoàn toàn tương ứng khi chúng ta đảo ngược quy luật đối với những người thuận tay trái.

Chuyển động mắt theo phương pháp lập trình thần kinh ngôn ngữ NLP (Nguồn: Internet).
Chuyển động mắt theo phương pháp lập trình thần kinh ngôn ngữ NLP (Nguồn: Internet).

Biểu đồ trên mô tả các dấu hiệu của mắt khi phải suy nghĩ về một vấn đề cụ thể dựa theo nghiên cứu NLP. Lưu ý biểu đồ này chỉ giới thiệu các chuyển động mắt, trên thực tế nếu bạn quan sát, mắt có thể cùng lúc chuyển động với phần đầu. Bên cạnh đó, các chuyển động mắt thường là ánh nhìn lướt rất nhanh, hiếm khi có ai đó giữ mắt họ ở một vị trí cố định thật lâu đến mức bạn có thể dễ dàng nhận ra.

Nắm bắt các chuyển động mắt NLP có thể giúp bạn “đọc vị” bất kỳ ai. Vậy nên hãy luyện tập phương pháp này bằng cách xem nhiều chương trình truyền hình thực tế hoặc để ý hơn khi trò chuyện với những người xung quanh.

Tăng cường sóng não alpha

Khoa học đã chỉ ra rằng nhìn lên trên là phản ứng tự động (bản năng) của cơ thể nhằm cố gắng tìm lại những thông tin đang bị ẩn hoặc lạc mất, hoặc đang cần khai thác trí tưởng tượng và sáng tạo. Giống như nhắm mắt, khi chuyển động mắt ngước lên trên sẽ giúp não tạo ra sóng alpha (loại sóng có liên kết sinh lý với mắt) nhiều hơn so với bình thường. Sóng alpha là nền tảng trung gian giữa thức và ngủ, và là cầu nối với tiềm thức, được cho là “mở lối” cho hình ảnh sống động và sáng tạo, tư duy sáng suốt và sâu sắc.

Sóng alpha còn được biết đến là loại sóng xuất hiện nhiều ở các tu sĩ, thiền sư, bởi nó chỉ được sản sinh khi não bộ con người ở trong trạng thái “dòng chảy” (flow). Đó là trạng thái mà con người thực hiện một hành động với sự tập trung năng lượng tối đa, niềm hăng say trọn vẹn và tận hưởng quá trình đó.

Nhắm mắt hoặc đưa mắt lên trên làm tăng sóng não alpha có lợi cho tư duy sáng tạo (Nguồn: Internet).
Nhắm mắt hoặc đưa mắt lên trên làm tăng sóng não alpha có lợi cho tư duy sáng tạo (Nguồn: Internet).

Năm 1966, hai nhà thần kinh học Nhật Bản là Kasamatsu và Hirai đã đến một thiền viện ở vùng núi với ý định sử dụng thiết bị quét não để tìm hiểu điều gì xảy ra trong não của các nhà sư. Sau khi nhờ sư phụ ở tu viện xếp hạng các môn đồ theo cấp độ tinh thần, họ tiến hành đo điện não đồ của các nhà sư khi đang nghỉ ngơi.

Kết quả cho thấy: nhà sư càng cao cấp thì càng tạo ra nhiều sóng alpha, và loại sóng alpha này liên kết chặt chẽ với cảm giác yên bình bên trong của họ. Chính sự ổn định, yên bình về mặt cảm xúc này là tác nhân quan trọng giúp nâng cao năng suất và sức sáng tạo của bạn.

Sóng alpha xuất hiện ở trạng thái thư giãn nhưng vẫn minh mẫn (Nguồn: Internet).
Sóng alpha xuất hiện ở trạng thái thư giãn nhưng vẫn minh mẫn (Nguồn: Internet).

Như vậy, nhờ việc nhìn lên trên khi suy nghĩ về một vấn đề nào đó mà chúng ta đã “vô tình” tăng cường sóng alpha trong não bộ của mình để dễ dàng đắm chìm trong dòng suy nghĩ, từ đó đưa ra những giải pháp tốt hơn. Đó là bởi não chỉ có thể tập trung suy nghĩ khi nó được ở trong trạng thái thoải mái và thư giãn.

Một vài bài viết hữu ích liên quan bạn có thể tham khảo:

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu được lí do tại sao chúng ta thường nhìn lên trên khi tập trung suy nghĩ. Hãy chấm điểm cho bài viết này và cho mình biết bạn nghĩ gì ở phần bình luận bên dưới nhé!

Xem thêm

Đậu phụ lông là gì? Món đặc sản “kỳ dị” của ẩm thực Trung Quốc

Đậu phụ lông nghe có vẻ hơi kỳ dị, nhưng món ăn này lại được coi là đặc sản của Trung Quốc. Hãy cùng khám phá những điều thú vị về đậu phụ lông và cách làm ra món ăn độc đáo này nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận