Cô đơn luôn bị lầm tưởng là điều xấu cần né tránh, nhưng có thật là như vậy? Đọc tiếp bài viết dưới đây để cùng BlogAnChoi tìm hiểu tại sao “sợ cô đơn” mới là căn nguyên của đau khổ nhé.
- Tác hại không ngờ của “bệnh cô đơn”
- Lợi ích của sự cô đơn
- Cô đơn dạy bạn tính kiên nhẫn
- Cô đơn để trân trọng và lắng nghe người khác
- Cô đơn để thấy thời gian không bị giới hạn đến thế
- Cô đơn giúp bạn nhận ra giá trị bản thân
- Thế nào là “sợ cô đơn”?
- Tại sao lại nói sợ cô đơn còn nguy hiểm hơn cô đơn?
- Ở bên người khác làm xao lãng chính mình
- Sợ cô đơn khiến bạn thèm khát sự công nhận
- Sợ cô đơn tước đi những nhu cầu chính đáng của bạn
- Tổng kết
Tác hại không ngờ của “bệnh cô đơn”
Mặc dù việc ở một mình là không sai và cần thiết, nhưng nó vẫn ẩn chứa nguy cơ gây hại về sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Các nghiên cứu cho thấy sự cô đơn và cô lập xã hội có thể tăng 29% nguy cơ mắc các bệnh tim và 32% nguy cơ đột quỵ do phản ứng “chiến-hay-chạy” (figh-or-flight response) diễn ra quá thường xuyên. Dù bạn có tin hay không thì trên thực tế, cô đơn là “sát thủ” ngang bằng hoặc thậm chí còn nguy hiểm cho sức khỏe hơn cả béo phì hay hút thuốc lá (TS.BS. Lê Thanh Hải).
Người trẻ và người già là 2 thế hệ trải qua cảm giác cô đơn nhiều nhất. Trong khi đã có nhiều nghiên cứu về sự cô đơn của người cao tuổi, thì nỗi cô đơn ở thế hệ trẻ vẫn còn được đánh giá thấp hay chưa được chú ý nhiều.
Mặc dù thế hệ trẻ có khả năng sử dụng công nghệ tốt hơn để tiếp cận các mối quan hệ, nhưng không phải lúc nào cũng mở rộng những mối quan hệ đó. Điều này lí giải cho thực trạng ngày càng có nhiều người trẻ cô đơn, dẫn đến trầm cảm, tự sát và lạm dụng chất kích thích trong xã hội hiện đại và nhất là trong đại dịch COVID-19 hiện nay.
Bạn có biết một trong những nguyên nhân dẫn đến nỗi đau khổ của con người là sự ngộ nhận rằng mình đã hiểu hết tất cả? Sự cô đơn giam giữ chúng ta trong sự ấm cúng tầm thường, rồi bạn dần nhận ra mình không còn tò mò về thế giới xung quanh, không còn liều lĩnh khám phá vạn vật, hay thậm chí chẳng thể vứt bỏ lòng kiêu hãnh và mở lời bắt chuyện với một người lạ. Dừng học hỏi là điều tệ hại nhất có thể xảy ra nếu bạn sống trong nỗi cô đơn quá lâu!
Lợi ích của sự cô đơn
Vấn đề nào cũng có 2 mặt và cô đơn cũng vậy. Chúng ta thường cổ vũ cho lối sống toàn cầu hóa, khiến những người thích ở một mình cảm thấy thất bại vì không kết nối, giao lưu gặp gỡ bè bạn. Tuy nhiên những ai đang tìm mọi cách để vượt ra khỏi sự cô đơn thì không việc gì bạn phải làm vậy cả!
Cô đơn dạy bạn tính kiên nhẫn
Bài học về sự cô đơn, không sớm thì muộn, rồi ai cũng sẽ phải học. Cô đơn nhắc nhở rằng chúng ta luôn có sự lựa chọn và vì thế cần phải kiên nhẫn hơn, không nên bị xao động bởi những thói vui ngắn hạn. Phần thưởng xứng đáng nhất luôn dành cho những ai biết chờ đợi.
Cô đơn để trân trọng và lắng nghe người khác
Mỗi con người trước tiên là những cá thể độc lập cho dù bản năng có được thiết kế sống trong bầy đàn. Chẳng có ai biết tôn trọng người khác khi còn chưa tôn trọng chính mình, thế nên một khi đã trải qua hết những ức chế khi ở một mình, bạn sẽ rèn luyện được khả năng tôn trọng sự khác biệt của người khác.
Ngoài ra, hãy để ý sau khi đã tận hưởng không gian của riêng mình, có phải bạn thích lắng nghe hơn là chỉ nói về bản thân mình không? Hiểu được bản thân mình đặc biệt thế nào đối với chính mình và mọi người xung quanh, một cách tự nhiên bạn sẽ không cố gắng nói nhiều về bản thân vì sợ người khác không biết hay hiểu lầm nữa.
Cô đơn để thấy thời gian không bị giới hạn đến thế
Dành thời gian với quá nhiều mối quan hệ không chỉ gây cạn năng lượng mà còn cạn thời gian, khiến bạn luôn trong trạng thái vội vã. “Thời gian không chờ đợi ai”, “rồi bạn sẽ không kịp hoàn thành mọi thứ trước thời hạn đâu” chỉ là những lời vô nghĩa khi bạn chưa tách mình ra khỏi xã hội, cho mình một khoảng không riêng. Hãy chậm lại một chút và nhớ rằng: thời gian dành cho bản thân không bao giờ là khoảng thời gian hoang phí.
Cô đơn giúp bạn nhận ra giá trị bản thân
Của cải vật chất, bạn bè, tình yêu, rồi hôn nhân,… bạn chỉ được coi là thành công khi sở hữu những giá trị đến từ bên ngoài. Đây rõ ràng là một ý niệm sai lầm mà truyền thông và xã hội gián tiếp tiêm nhiễm vào đầu chúng ta bởi có phải là kể cả khi ở trong một mối quan hệ thì bạn vẫn cảm thấy cô đơn?
Thành công không đến từ việc được người khác công nhận và yêu mến, mà đến từ sự biết đủ rằng bạn đã và đang cống hiến những giá trị tích cực cho xã hội. Người bạn tuyệt vời nhất mà bạn có chính là bản thân mình, nhưng bạn không nhận ra điều đó vì quá bận rộn để trở thành người bạn tốt nhất của người khác.
Cho mình khoảng lặng là cách hữu hiệu và duy nhất để bạn có thể suy ngẫm về giá trị bản thân. Nếu không có khoảng lặng này, giá trị của một con người không thể tồn tại vì nó phải liên tục biến chuyển sao cho phù hợp với “con mắt” của người khác, tạo ra một xã hội toàn là những bản sao của nhau.
Thế nào là “sợ cô đơn”?
Chúng ta đều biết cô đơn buồn như thế nào. Đó là vào những ngày lễ, ngày cuối tuần buồn chán không biết đi chơi cùng ai, là căn phòng trống mỗi khi ta trở về nhà, là cảm giác sức sáng tạo bị hạn chế mà không cách nào xử lí được.
Bài viết này không chỉ đề cập đến những người luôn có nhu cầu giao tiếp xã hội do sợ cô đơn, mà còn cho những ai tuy ở một mình trong thời gian dài nhưng thường xuyên bị ám ảnh bởi cảm giác xấu hổ, tội lỗi khi sống trong cô đơn.
Khi suy nghĩ về việc nên ở lại hay bước ra khỏi một nơi an toàn (có thể là nhà ở hoặc trong một mối quan hệ) trở nên ám ảnh và khiến bạn liên tục nghĩ đến kết cục của sự cô đơn, không dám đối diện với quyết định của mình, thì chính là lúc bạn phải thừa nhận rằng: “Mình đang sợ cô đơn.”
Tại sao lại nói sợ cô đơn còn nguy hiểm hơn cô đơn?
Ở bên người khác làm xao lãng chính mình
“Thà đi với ai đó còn hơn là ở nhà một mình” có phải là một suy nghĩ quen thuộc nhen nhóm trong đầu bạn? Các mối quan hệ có thể vô tình khiến ta chạy trốn khỏi việc tìm hiểu sâu về bản thân mình, rằng mình thật sự là ai.
Những người sợ cô đơn nghĩ rằng mình luôn cần có bạn đồng hành, do đó thường bộp chộp tìm hiểu hết người này đến người khác để rồi không thể hiểu nổi chính bản thân mình. Sự có mặt liên tục của mọi người xung quanh làm cho bạn quên đi một điều: tâm hồn bên trong cũng là một người bạn quan trọng hơn bất kỳ ai mà bạn từng gặp trên đời. Hơn bao giờ hết, những khoảnh khắc buồn đau là lúc bạn cần ở với chính bạn thay vì tìm đến lời khuyên hay sự an ủi của người khác, vì bạn mới là người hiểu mình nhất.
Sợ cô đơn khiến bạn thèm khát sự công nhận
Ai mà chẳng thích được khen và được chấp nhận. Nhưng nếu mục tiêu phấn đấu trong cuộc đời bạn là tìm kiếm sự công nhận thì cuối cùng bạn càng ít yêu thương bản thân mình hơn, bởi thay vì sở hữu tiêu chuẩn cho riêng mình thì bạn lại cố gắng thực hiện những tiêu chuẩn của xã hội.
Tiêu chuẩn là những điều luật, khái niệm và ý tưởng mà con người đặt ra để có được cảm giác an toàn, và hãy nhớ rằng con người có tâm lí bầy đàn với mong muốn mình thuộc về một nhóm người nào đó có tư tưởng chung. Mạng xã hội là một ví dụ rõ ràng trong trường hợp này, đó là nơi mọi người phóng đại những tiêu chuẩn về cái đẹp và tìm kiếm sự công nhận của người khác. Điều này giải thích tại sao những người có tâm lí bất ổn, sợ cô đơn, thường dành rất nhiều thời gian trên mạng xã hội.
Bạn hãy nhớ rằng, cơ thể con người được sinh ra là để sống một cách trọn vẹn, chúng ta không phải là sản phẩm hay món đồ cho sự tiêu thụ của bất kỳ ai!
Sợ cô đơn tước đi những nhu cầu chính đáng của bạn
Mâu thuẫn, thất vọng, thiếu thốn đều không được giải quyết nếu bạn cố quên đi. Trong thâm tâm bạn biết vẫn là không thể, dòng cảm xúc bị dồn nén trong thời gian dài mà không được giải phóng ra rồi sẽ đến lúc “tức nước vỡ bờ”. Nhưng dù thế nào đi nữa, bạn vẫn chấp nhận gạt bỏ nhu cầu bản thân vì sợ phải ăn tối một mình, sợ không có ai đi cùng trong các bữa tiệc,…
Dành thời gian ở cùng một người “không phù hợp lắm” hẳn là chuyện bình thường trong thế giới có quá nhiều sự khác biệt. Nhưng hãy tưởng tượng những khoảnh khắc mà đáng ra mang đến niềm vui và lãng mạn lại trở nên gượng gạo và tẻ nhạt do bạn và người ấy không có sự đồng điệu, liệu bạn có cảm thấy cuộc sống thật là vô vị và buồn chán không? Liệu bạn có tự trách mình vì đã hạ thấp giá trị bản thân?
Tổng kết
Cô đơn chẳng có gì xấu cả, nó chỉ trở nên hại nhiều hơn lợi khi nỗi sợ cô đơn khiến bạn tự cô lập và ở mãi trong vùng an toàn của chính mình. Nếu bạn muốn một chút yên bình và tĩnh lặng thì hãy cứ tận hưởng không gian của riêng bạn, bình thường hóa nỗi cô đơn và đừng trách bản thân bất cứ điều gì.
Khi đã thoải mái hơn rồi, mình mong bạn mở lòng và kết nối nhiều hơn vì không ai là đơn độc trên thế giới này. Những khuyết điểm mà bạn nghĩ về bản thân không thể được kiểm chứng nếu không có sự quan sát và đánh giá của người khác. Đừng tự giới hạn khả năng của mình mà hãy để bản thân dần khắc phục và phát triển, bạn nhé?
Một vài bài viết hữu ích liên quan bạn có thể tham khảo: