Bạn thường xuyên thức đêm để học bài, uống cà phê để tỉnh táo và đọc đi đọc lại các ghi chú trên lớp, nhưng bạn lại cảm thấy mệt mỏi mà vẫn không thuộc bài? Thực ra phương pháp học quan trọng hơn thời gian học, tức là chất lượng hơn số lượng. Đọc đi đọc lại các ghi chép trên lớp không phải là cách học hiệu quả. Vậy phương pháp học tập tốt nhất là gì? Làm thế nào chúng ta có thể học tập hiệu quả hơn?

Nghiên cứu về phương pháp học tập

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ cho chúng ta đi đúng hướng. John Dunlosky, Katherine A. Rawson, Elizabeth J. Marsh, Mitchell J. Nathan, Daniel T. Willingham đã công bố những phát hiện của họ về hiệu quả của 10 phương pháp học tập trong bài báo “Cải thiện việc học của học sinh bằng các kỹ thuật học tập hiệu quả: Những hướng đi đầy hứa hẹn từ nhận thức và tâm lý giáo dục.”

Phương pháp học quan trọng hơn thời gian học (Ảnh: Internet)
Phương pháp học quan trọng hơn thời gian học (Ảnh: Internet)

Nghiên cứu này phân tích mức độ hiệu quả của 10 kỹ thuật học tập khác nhau tùy thuộc vào người thực hiện việc học, tài liệu cần thiết và tính đặc thù của nhiệm vụ học tập. Nói tóm lại, các nhà nghiên cứu tạo ra một bức tranh toàn cảnh về kỹ thuật học tập nào hiệu quả nhất vào khi nào, tại sao và cho ai. Chúng ta hãy xem các phương pháp học tập đó là gì.

2 phương pháp học tập có hiệu quả cao

1. Kiểm tra thường xuyên

Đây là bài kiểm tra có độ rủi ro thấp hoặc không có, do người hướng dẫn thực hiện để kiểm tra mức độ thành thạo của người học. Đây không phải là đánh giá tổng kết mang tính chất cao như bài kiểm tra cuối kỳ, mà là đánh giá trong quá trình để xem học sinh đã học được gì.

Kiểm tra thường xuyên (Ảnh: Internet)
Kiểm tra thường xuyên (Ảnh: Internet)

Kiểm tra đóng vai trò quan trọng trong giảng dạy vì đó là cách nhanh chóng để giáo viên tìm ra học sinh đã học được gì. Lợi ích nữa là nó chứng minh cho học sinh thấy những gì họ biết và không biết, giúp điều chỉnh kế hoạch học tập một cách đơn giản và hiệu quả, nhờ đó học sinh có thể dành nhiều thời gian hơn để ôn tập những gì mình chưa biết thay vì tập trung vào những gì mình đã biết.

Trong nghiên cứu, những người tham gia đã ghi nhớ thông tin 80% khi thực hành kiểm tra so với 36% khi xem lại tài liệu. Đó là sự cải thiện đáng kể về hiệu quả, vì vậy việc kiểm tra thực hành đứng hàng đầu trong các phương pháp học tập.

2. Nghỉ giải lao

Cách xếp lịch các buổi học là rất quan trọng. Trong nghiên cứu, một số người tham gia 6 kỳ học liên tục trong khi một nhóm khác có một ngày nghỉ sau mỗi kỳ và nhóm cuối cùng có một tháng nghỉ sau mỗi kỳ. Nhóm học liên tục đã nhớ được nhiều thông tin hơn trong giai đoạn đầu (sau kỳ thứ 2 và 3). Nhưng đến cuối cùng, những người có khoảng nghỉ đã nhớ được nhiều thông tin hơn (sau kỳ thứ 6).

Vì vậy, nếu bạn thực sự muốn học điều gì đó và lưu trữ nó vào trí nhớ dài hạn, hãy dành cho bản thân một chút thời gian để tiêu hóa thông tin giữa các buổi học. Một nghiên cứu khác cho thấy mọi người có thể nhớ lại 47% thông tin khi học cách quãng so với 37% khi học liên tục.

Nghỉ giải lao để học tốt hơn (Ảnh: Internet)
Nghỉ giải lao để học tốt hơn (Ảnh: Internet)

Hãy lên lịch các buổi học của bạn cho phù hợp, dành ít nhất 24 giờ để nghỉ giữa các buổi học. Việc nhớ lại ngay lập tức có thể bị ảnh hưởng, nhưng cuối cùng bạn sẽ nhớ được nhiều hơn so với khi học liên tục.

Các phương pháp học tập hiệu quả trung bình

3. Hỏi kỹ chi tiết

Những đứa trẻ thường hỏi “Tại sao?” Hóa ra đây cũng là phương pháp học tập hữu ích đối với chúng ta – hỏi kỹ chi tiết. Chìa khóa của việc này là “yêu cầu người học đưa ra lời giải thích cho một sự thật được nêu rõ ràng”. Nói cách khác, buộc chúng ta phải trả lời cho câu hỏi “tại sao?”

Trong nghiên cứu, những người tham gia được chia thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên được học các sự việc một cách trực tiếp, nhóm thứ hai đọc lời giải thích cho từng sự việc và nhóm thứ ba là nhóm hỏi kỹ chi tiết. Sau đó họ được yêu cầu giải thích tại sao mỗi sự việc lại như vậy. Nhóm hỏi kỹ chi tiết có độ chính xác 72%, trong khi hai nhóm còn lại chính xác 37%.

Việc hỏi kỹ chi tiết dường như có hiệu quả vì nó kích hoạt sơ đồ tư duy của mọi người, giúp mọi người xác định thông tin mới trong phạm vi những gì họ đã biết. Đó có thể là lý do khiến việc hỏi kỹ chi tiết có hiệu quả hơn đối với những người biết nhiều hơn về một chủ đề nhất định. Họ có thể giải thích rõ hơn lý do tại sao lại như vậy và bổ sung thông tin mới vào kho kiến thức phong phú của mình.

Hỏi chi tiết để học tốt hơn (Ảnh: Internet)
Hỏi chi tiết để học tốt hơn (Ảnh: Internet)

4. Tự giải thích

Tự giải thích là khi người học được yêu cầu giải thích nguyên tắc đằng sau điều gì đó mà họ đang học. Việc giải thích cách thức hoạt động của một thứ gì đó sẽ giúp họ chuyển nguyên tắc đó sang các vấn đề trong tương lai.

Trong nghiên cứu, những người tham gia được chia thành 3 nhóm. Một nhóm được giải thích ngắn gọn về những vấn đề khó trước khi cố gắng giải các câu hỏi thực hành. Một nhóm khác được yêu cầu giải thích cách giải quyết vấn đề của họ khi họ trả lời các câu hỏi, nhóm cuối cùng trả lời tất cả các câu hỏi và sau đó giải thích cách họ suy nghĩ để đưa ra câu trả lời. Kết quả: 2 nhóm được yêu cầu giải thích vượt trội hơn nhóm còn lại khi được yêu cầu làm bài kiểm tra tương tự.

5. Đan xen kiến thức

Đan xen là khi bạn lặp lại một kiến thức cũ vào một bài học mới. Ví dụ: nếu bạn đang học cách tìm thể tích hình tam giác, bạn có thể kết hợp một câu hỏi từ bài học trước về thể tích hình vuông. Kết hợp cái cũ vào cái mới, điều này tạo ra hiệu ứng tích lũy trong học tập và giúp bạn tìm ra mối liên hệ giữa các bài học khác nhau.

Trong nghiên cứu, đan xen không giúp mọi người có kết quả tốt hơn so với thực hành riêng biệt (các bài học tách biệt với nhau). Tuy nhiên khi học sinh được yêu cầu làm bài kiểm tra một tuần sau đó để giải quyết các vấn đề mới có liên quan, thì những người học đan xen thực hiện tốt hơn 43% so với những người học riêng biệt.

Kết hợp kiến thức cũ vào các bài học mới có thể giúp bạn đạt được mức độ hiểu biết cao hơn về sự phức tạp và mối liên hệ giữa các kiến thức. Điều này có thể giúp bạn giải quyết vấn đề tốt hơn trong tương lai và chuyển những gì bạn đang học sang các lĩnh vực khác.

Các phương pháp học tập ít hiệu quả

6. Tóm tắt

Việc tóm tắt tài liệu – rút ra những điểm chính – chỉ hiệu quả khi phần tóm tắt của bạn chính xác và nổi bật. Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc tóm tắt thông tin giúp học sinh ghi nhớ thông tin, nhưng việc áp dụng hoặc chuyển giao thông tin đó lại không hiệu quả.

7. Đánh dấu làm nổi bật

Làm nổi bật thông tin không giúp bạn học nó tốt hơn. Nghiên cứu cho thấy rằng việc đánh dấu tuy dễ thực hiện nhưng không giúp bạn nhớ kiến thức.

Phương pháp đánh dấu không hiệu quả như bạn nghĩ (Ảnh: Internet)
Phương pháp đánh dấu không hiệu quả như bạn nghĩ (Ảnh: Internet)

8. Ghi nhớ bằng từ viết tắt

Đây là khi bạn tạo ra những từ viết tắt để ghi nhớ một tập hợp ý tưởng. Vấn đề là cách này không hiệu quả. Phải mất rất nhiều thời gian và năng lượng để nghĩ ra và ghi nhớ chúng, và bạn chỉ có thể học được một số điều nhất định bằng cách này.

Nhưng điều đặc biệt là một số nghiên cứu cho thấy việc học thuộc lòng đôi khi lại tốt hơn để ghi nhớ lâu dài. Vì vậy bạn không nên phụ thuộc quá nhiều vào cách nhớ bằng từ khóa.

9. Sử dụng hình ảnh để học văn bản

Đây là khi bạn hình dung trong đầu hoặc vẽ tranh trong khi đọc văn bản. Việc hình dung trong đầu khi đọc chữ có thể giúp ích cho khả năng hiểu trong thời gian ngắn (nhưng vẽ tranh thật thì không). Tuy nhiên cách này không giúp ích được trong các tình huống học tập khác.

10. Đọc lại nhiều lần

Đây là phương pháp mà chúng ta thường xuyên sử dụng ở trường lớp, là cách học phổ biến nhất nhưng cũng là một trong những cách kém hiệu quả nhất.

Khả năng ghi nhớ và học tập cải thiện đáng kể sau khi đọc lại một lần, nhưng sau đó bị chững lại. Đọc nhiều hơn 2 lần không ảnh hưởng nhiều đến mức độ hiểu, vì vậy bạn có thể đọc lại 1 hoặc 2 lần nhưng sau đó hãy dành thời gian để thực hiện những phương pháp học tập khác hiệu quả hơn.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

200+ cap về tình bạn hay, hài hước, ý nghĩa để chúng ta mãi bên nhau bạn nhé!

300+ cap về tình bạn hay, stt về tình bạn hài hước hay những câu nói về tình bạn ý nghĩa để dành tặng cho những người bạn thân thiết nhất của bạn, cảm ơn họ đã luôn bên bạn bất kể vui buồn, sướng khổ.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận