Từ khóa “thương hiệu cá nhân”, hay “xây dựng thương hiệu cá nhân” vốn rất quen thuộc với chúng ta bởi nó đã xuất hiện trên quá nhiều bài báo. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cá nhân trong môi trường công sở lại ít được nhắc đến, vì vậy đây vẫn là nội dung khá xa lạ. Ngay bây giờ, các bạn hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu về chủ đề này nhé!
Thương hiệu cá nhân của bạn bắt nguồn từ đâu?
Dù bạn có để tâm người khác nói gì về mình hay không nhưng tiếng tăm của bạn chính là một phần thương hiệu cá nhân của bạn ở nơi làm việc. Phần còn lại phụ thuộc vào những hành động mà bạn cố ý phô bày cho đồng nghiệp thấy. Ví dụ, bản chất bạn là người luôn đúng giờ và có tác phong chuyên nghiệp, vì vậy nhiều đồng nghiệp thậm chí có cả sếp đều tôn trọng bạn. Tuy nhiên, bạn không muốn mình chỉ chăm chăm vào công việc mà xa cách các mối quan hệ, do đó bạn luôn thể hiện sự cởi mở và hòa đồng với mọi người trong công ty. Và thế là, ngoài danh hiệu “nhân viên nghiêm chỉnh”, bạn còn xây dựng cho bản thân một thương hiệu khác nữa là “đồng nghiệp thân thiện”.
Thương hiệu cá nhân giống như một thứ vũ khí giúp bạn trở nên nổi bật trong cuộc chiến cạnh tranh. Vì vậy, bạn nên có ý thức xây dựng thương hiệu cá nhân ngay từ bây giờ. Nếu không, chắc chắn bạn sẽ bị bỏ lại phía sau và bị lỡ mất nhiều lợi ích. Hãy cùng xem lại ví dụ ở đoạn đầu tiên, bạn sẽ hiểu rõ hơn về mặt lợi ích mà BlogAnChoi vừa đề cập.
Đầu tiên, nếu bạn là một nhân viên có tác phong chuyên nghiệp thì có thể sếp sẽ cân nhắc bạn vào vị trí thư ký của các quản lý cấp cao. Điều này chẳng phải sẽ đem lại lợi ích về mặt thu nhập cho bạn hay sao? Thứ hai, nếu bạn là người thân thiện thì chắc hẳn bạn có thể kết giao với nhiều người và học hỏi nhiều điều từ họ.
Làm thế nào để xây dựng thương hiệu cá nhân?
Để tìm ra câu trả lời, bạn hãy suy nghĩ về 2 câu hỏi nhỏ sau đây:
- Bạn muốn nổi bật như thế nào trong công ty?
- Sự nổi bật đó sẽ mang lại lợi ích gì cho bạn và cho công ty?
Một khi bạn biết được câu trả lời cho hai câu hỏi trên là bạn đã bắt đầu ý thức được việc xây dựng thương hiệu cá nhân rồi đấy! Bởi vì hiểu về bản thân là chìa khóa hiệu quả cho việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Một khi bạn nhận thức được mình là ai, mình thực sự muốn gì và cách bạn sẽ nổi bật trong công ty như thế nào, những điều này có nghĩa là bạn đã sẵn sàng cho việc xây dựng thương hiệu cá nhân.
Xin lưu ý, việc xây dựng thương hiệu cá nhân không chỉ là trau dồi năng lực chuyên môn, mà còn thể hiện ở cách bạn marketing bản thân và thể hiện điều đó ra ngoài như thế nào. Bên cạnh khả năng làm việc, hình ảnh bên ngoài của bạn thông qua tác phong, cách ứng xử, thời trang… sẽ tạo nên ấn tượng của người khác đối với bạn.
Nếu bạn chưa tìm được lĩnh vực nào mà mình thật sự giỏi đến mức nổi bật, thì hãy chịu khó tìm hiểu xem có điều gì mình cần phải học hỏi thêm để công việc diễn ra được suôn sẻ hơn, có điều gì mình có thể làm vào ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua. Khi đó, thương hiệu “con ong chăm chỉ” sẽ rơi vào tay bạn. Một nhân viên có chí tiến thủ và chịu khó học hỏi như thế, có công ty nào mà lại không trân quý?
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Vì sao Jin (BTS) không được miễn nghĩa vụ quân sự?
- Gợi ý một số kênh podcast nên nghe giúp bạn học hỏi thêm nhiều điều bổ ích
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!