Đầu tháng 01/2020, khi du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc trở về nước đón tết Nguyên đán, cũng là lúc đại dịch COVID-19 bùng nổ. Từ đó đến tháng 9/2021, đã gần 21 tháng, với hơn 600 ngày trôi qua, nhưng du học sinh vẫn chưa biết đến khi nào sẽ được quay trở lại trường. Với tình hình dịch bệnh ở hai nước đang có những biến chuyển tốt, du học sinh Việt Nam mong mỏi sớm đến ngày được trở lại Trung Quốc để học tập.
Du học sinh Việt Nam và kỳ nghỉ Tết Canh Tý lịch sử
Đầu năm 2020 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Trung Quốc nô nức về nước đón Tết Canh Tý, khi về mọi người đều mang rất ít trang phục và đồ dùng học tập, vì nghĩ rằng hết thời gian nghỉ Tết sẽ lại quay trở lại trường.
Giữa tháng 01/2020, ở Trung Quốc dịch bắt đầu lây từ người sang người; tháng 3/2020, Tổ chức y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Rất nhanh sau đó dịch lây lan mạnh ra khắp thế giới, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi sự tàn phá của COVID-19. Ngay sau khi dịch bùng phát, các quốc gia liền đóng cửa biên giới, cấm xuất nhập cảnh để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh từ ngoài lãnh thổ.
Du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc cũng vì lý do đó nên sau khi hết kỳ nghỉ Tết đã không thể quay trở lại trường. Từ tháng 01/2020 đến tháng 9/2021, gần 2 năm trôi qua nhưng du học sinh vẫn ngày ngày mong mỏi thông tin nhập cảnh từ chính phủ hai nước. Hơn 600 ngày đã đi qua, nhưng du học sinh chưa nhận được bất kỳ một thông báo nào từ chính phủ 2 nước.
Nguyễn Minh Hồng (Quảng Ninh), du học sinh năm 3 ngành Hán Ngữ, Đại học Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc), cho biết gần 2 năm qua chính phủ Trung Quốc và Việt Nam không đưa ra thông báo nào liên quan đến việc học tập của du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc, điều này khiến cho nhiều du học sinh cảm thấy đang bị bỏ rơi.
Lý Viết Trung (Lạng Sơn), nghiên cứu sinh Tiến sĩ năm 2, ngành Dân tộc học, Đại học Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc), cho biết anh đã rất chờ đợi tin tức từ chính phủ, dù chỉ là dự kiến và kế hoạch như trong 3 đến 6 tháng tới, để anh có thể sắp xếp công việc phù hợp.
Du học online tồn tại rất nhiều bất cập
Du học là đi học ở một quốc gia khác, nhằm nâng cao kiến thức chuyên ngành và trình độ ngoại ngữ, phục vụ nhu cầu nâng cấp bản thân. Thế nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mà du học sinh nói chung và du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc nói riêng đã phải du học online qua màn ảnh nhỏ.
Nguyễn Thảo Mây, du học sinh năm nhất, ngành Giáo dục Hán ngữ Quốc tế, Đại học Sư phạm Triết Giang (Trung Quốc) cho biết việc nhập học online đối với sinh viên năm nhất khá phức tạp, nhất là với những người chưa giỏi ngoại ngữ. Khó khăn bắt đầu ngay từ khi nhận giấy báo trúng tuyển, sau đó là việc báo danh online, nộp giấy tờ, sắp xếp lịch học và giao tiếp với giảng viên, bạn bè…
Thực tế trong bối cảnh dịch bệnh không thể quay lại trường, học online là cần thiết để việc học không bị chậm so với chương trình học. Tuy nhiên những bất cập của việc học online vẫn rất lớn, như đường truyền Internet trục trặc, không có môi trường giao tiếp với thầy cô và bạn bè, đặc biệt với những ngành học đặc thù không thể học online.
Phạm Thảo, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Kinh tế và Thương mại Quốc tế cho biết do là sinh viên quốc tế nên việc truy cập vào các trang tài liệu của Trung Quốc rất khó khăn, điều này tác động rất xấu đến chất lượng học tập và nghiên cứu.
Ngoài ra Cao Nhung Hồng, du học sinh Thạc sĩ, ngành Giáo dục Hán ngữ Quốc tế, Đại học Sư phạm Hồ Nam (Trung Quốc) còn chia sẻ rằng do không thể gặp trực tiếp giáo viên hướng dẫn nên việc thực hiện luận văn tốt nghiệp rất khó khăn.
Riêng với những ngành học đòi hỏi thực hành, thực tế như Y khoa, Hóa học, Vật lý, Kỹ thuật, thì việc học online gần như không thể. Lương Minh Tuấn, du học sinh Đại học năm 3, ngành Y khoa, Đại học Y Thượng Hải (Trung Quốc), cho biết là đã phải bảo lưu 3 kỳ vì đặc thù ngành học không thể học online, thêm kỳ 1 năm học 2021-2022 này nữa thì sẽ là 4 kỳ liên tiếp phải bảo lưu.
Đã có những du học sinh do không thể cân bằng được việc học và kiếm tiền trang trải cuộc sống, nên đã phải bỏ học. Đặc biệt là những du học sinh diện học bổng Khổng Tử, họ xin học bổng 1 năm tiếng với mong muốn được sang Trung Quốc để trau dồi ngoại ngữ.
Trung Quốc tạm dừng cấp học bổng khiến du học sinh gặp nhiều khó khăn
Từ đầu năm 2020, sau khi du học sinh không thể quay trở lại Trung Quốc học tập thì các trường đại học cũng tạm dừng phát học bổng. Chính sách tạm dừng học bổng giữa các trường không thống nhất, một số trường không nói rõ sau khi du học sinh quay trở lại trường có được cấp bù học bổng hay không, khiến nhiều du học sinh vô cùng lo lắng.
Việc các trường dừng cấp học bổng đã ảnh hưởng tồi tệ đến việc học tập của sinh viên, vì cùng một lúc họ phải vừa học online vừa kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhất là với những du học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Lý Viết Trung cho biết khi sang Trung Quốc học anh đã tạm dừng hợp đồng với cơ quan, nên trong quá trình học online anh đã đi làm thêm nhiều việc để trang trải cuộc sống. Hơn nữa việc học tiến sĩ bắt buộc nghiên cứu sinh phải tiến hành điều tra thực địa để làm luận án, để có tiền khảo sát Trung đã phải vay mượn tiền, tuy nhiên do hạn chế về kinh phí nên quá trình thực hiện luận án rất khó khăn.
Nhiều du học sinh đi du học khi đã có gia đình, vì không có học bổng, phải lo trang trải cuộc sống nên vô cùng vất vả. Hứa Hùng Mạnh, du học sinh Thạc sĩ năm hai, ngành Quản lý hành chính, Đại học Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc), cho biết do chưa thế quay trở lại trường nên từ giữa năm 2020 anh đã phải xin cơ quan cho đi làm lại, vì vậy thời gian dành cho việc học rất eo hẹp.
Tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc và niềm mong mỏi ngày trở lại trường của du học sinh
Nước ta hiện nay mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, tuy nhiên với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước nên tình hình dịch bệnh ở nhiều tỉnh thành đang được kiểm soát tốt, phần lớn lưu học sinh đã được tiêm vắc xin. Về phía Trung Quốc tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, tính đến giữa tháng 9/2021 đã tiêm được gần 2,3 tỉ liều vắc-xin, sắp đạt hoàn thành mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Với tình hình dịch bệnh ở 2 nước, đặc biệt là ở Trung Quốc đang có những chuyến biến tích cực, du học sinh mong mỏi chính phủ hai nước có chính sách để sớm được quay trở lại Trung Quốc học tập và nghiên cứu. Đồng thời du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc cũng mong chính phủ hai nước quan tâm nhiều hơn nữa đến việc cấp phát học bổng, có chính sách hỗ trợ để du học sinh có thể vượt qua được những tháng ngày khó khăn này.
- Bạn có thể tìm mua giáo trình Hán ngữ tại đây nhé.
- Bạn có thể mua vở tập viết chữ Hán tại đây nhé.
- Bạn có thể tìm mua bút viết chữ Hán tại đây.
Xem video về hành trang đi du học Trung Quốc tại đây:
Các bạn có thể theo dõi những bài viết cùng chủ đề khác của BlogAnChoi:
- Du học và những điều có thể bạn chưa biết
- Thư nhập học của đại học Trung Quốc: Có cần đẹp đến vậy không?
- 6 kênh YouTube của du học sinh đáng xem nếu bạn có dự định đi du học