Những câu truyện cổ tích Việt Nam kinh điển đã đồng hành cùng bao thế hệ, góp phần giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn, tính cách mỗi đứa trẻ. Các bố mẹ hãy tham khảo bộ truyện cổ tích Việt Nam mới nhất dưới đây để kể chuyện cho con, giáo dục con trẻ tốt hơn nhé.

Truyện cổ tích Việt Nam: Sự tích chim cánh cụt

20+ truyện cổ tích Việt Nam hay, nhân văn, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ truyện cổ tích truyện cổ tích cho bé truyện cổ tích hay nhất truyện cổ tích kinh điển truyện cổ tích mới truyện cổ tích Việt Nam
Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất 2024 nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)

Ngày xửa ngày xưa, cánh của loài chim cánh cụt dài lắm, nó bay xa như chim én và mạnh mẽ như đại bàng. Nhưng rồi trong một lần dạo chơi cảnh sông hồ, cánh cụt quen và kết bạn với loài ngan (vịt xiêm). Ngan chẳng những có tật xấu lắm lời nhiều chuyện mà lại còn có ngoại hình chẳng đẹp đẽ gì, đôi cánh của nó ngắn cũn cởn, lông thưa như cổ gà chọi và da dẻ có mùi hôi.

Chim cánh cụt thương cảm bạn bởi những khiếm khuyết ấy, nên nó hết lòng yêu thương bạn. Nhưng ngược lại, Ngan chơi với chim cánh cụt vì có ý đồ xấu: nó ham muốn đôi cánh dài, khỏe và óng mượt của bạn.

Sau một thời gian thân thiết, ngan vờ vịt khóc lóc tỉ tê, than thân trách phận, nó ước gì có thể bay được nó sẽ sát cánh bên bạn suốt đời. Một hôm Ngan bảo cánh cụt ngủ một giấc thật sâu rồi Ngan nhổ lấy nửa bộ lông cánh của chim cánh cụt mà dùng.

Khi tỉnh dậy, chim cánh cụt kinh hoàng kêu lên một tiếng thảm thiết khi thấy đôi cánh của nó không còn nữa, tên bạn xấu xa gian ác kia đã nhổ mất bộ lông đẹp đẽ của nó và bỏ trốn mất rồi!

Quá đau khổ chim cánh cụt mất hết niềm tin yêu vào cuộc đời. Nó lầm lũi đi về phương Bắc, định vùi thân chết trong giá băng. Thần băng giá hiện ra hỏi: “Làm sao con lại buồn như thế?”

Cánh cụt kể lại đầu đuôi câu chuyện cho thần nghe. Nghe xong thần hỏi Cánh cụt: “Con hãy cho ta biết: Đôi cánh ngoài việc dùng để bay, nó có ích lợi gì khác không?”.

Chim cánh cụtnghĩ mãi không ra, nó im lặng lắc đầu. Thần lại hỏi: “Vậy, đôi cánh là phương tiện để di chuyển. Nhưng sao cánh đã bị cụt mà con vẫn có thể tới được nơi đây?”.

Chim đáp: “Dạ, vì con còn đôi chân”. Thần nói: “Vậy, đôi cánh không phải là phương tiện di chuyển di nhất, có đúng không?”.

Chim gật đầu và bỗng dưng nó cảm thấy có điều gì đó thú vị. thần lại hỏi: “Trên đời còn nhiều loài khác, chúng không có cánh, không có cả chân nhưng tại sao chúng vẫn di chuyển được?”.

Lần này chim cánh cụt đã nhận ra ý nghĩa của cuộc sống, nó reo lên: “ Chúng có những cách riêng của chúng, con sẽ tìm được cách riêng của mình!”.

Nhưng rồi nó lại chợt buồn hiu: “Nhưng con không muốn quay lại chốn cũ, mà cũng không thể sống được ở đây!”.

Thần cười lớn, băng hà lay động , khói lạnh mịt mờ: “Xứ sở của ta toàn là núi băng, nhưng không có nơi này địa cầu sẽ bị tận diệt. Ở đâu cũng có sự sống, nếu con biết vươn lên và cố gắng thì ở đâu cũng có thể sống và phát triển được. Con hãy cứ thử cố gắng đi nhé”. Nói xong thần băng giá biến mất.

Chim cánh cụt nghe theo lời sống tốt đẹp hơn. Nó sống thoải mái trên bờ, bơi lội còn nhanh hơn cả những loài sống dưới nước, lấy biển cả làm không gian. Nó yêu các bạn hiền hào tốt bụng ở nơi đây và yêu xứ sở băng giá ấy mãi đến bây giờ.

Còn chuyện về con ngan dối trá kia ra sao? Nó cũng chẳng bay được, thỉnh thoảng chỉ cất cánh bay lên ngang nóc nhà rồi lại rơi bịch xuống. điều đáng xấu hổ cho nó là từ khi lấy cắp bộ lông cánh của chim cánh cụt, nó bị muôn thú chê cười và xa lánh.

Truyện cổ tích: Sự tích con cóc

Ngày xưa, trong nhà nọ có hai chị em, mỗi người một tính nết. Người chị xinh đẹp, tham lam và lười nhác. Người em bị què tay, nhưng rất siêng năng làm lụng.

Người chị cậy khoẻ, cậy xinh, sáng trưa chiều tối chỉ luẩn quẩn nào gương nào lược. Chơi bời vô độ nên chẳng bao lâu người chị đã gầy khô hơn que củi mặt mũi héo tóp như một xác chết.

Người em mang tật: Tay phải co quắp từ thuở lọt lòng, mọi việc như cầm dao, cầm cầy, bốc cơm ăn cũng nhờ ở bàn tay bên trái. Quanh năm chỉ có một bộ váy áo chăn rách như tổ đỉa. Một hôm nọ, trời làm lũ lụt lớn, nước ngập hết làng, cây cỏ lúa, ngô hết chỗ cắm chân, người em bèn ngồi ôm lấy chóp núi đá, kêu trời gọi đất.

Mệt quá, người em ngủ thiếp đi ba ngày bảy đêm liền, thấy em ngủ lặng, người chị ngỡ là em đã chết, bèn cưỡi bè chuối chèo đi, bỏ mặc em trên chóp núi. Người em mở mắt choàng dậy thì nước vẫn chưa rút. Ðợi khi mặt trời đến người em liền kêu to:

– Ơi, ông trời!

Ông trời dừng lại hỏi:

– Cháu muốn gì?

Người em nói:

– Ông cứu lấy chị cháu, chị cháu bị nước lũ nhận chìm mất rồi. Ông cứu được, cháu muốn chị ấy lấy được ông Mặt Trời làm chồng.

Người chị được Tiên ông ban cho một người chồng là dòng họ nhà Cóc tía.

Ông mặt trời cười bảo:

– Chị cháu đến nhà tiên ông rồi. Cháu hãy gieo hạt này ở chóp đá của cháu thì cháu muốn cái gì cũng được cái ấy.

Nói xong, ông Mặt Trời lại lặn đi. Cũng lúc ấy người chị chèo bè chuối đến gõ cửa nhà Tiên ông, bè chuối dạt lên sân thì người chị hò hét:

– Cho tôi gặp chàng tiên đẹp nhất!

Tiên ông nhìn ra thấy có người con gái lạ, lại đòi gặp tiên, liền mời vào nhà. Người chị nói luôn:

– Tôi không lấy ông đâu, ông già và xấu quá, cho tôi lấy chàng tiên đẹp nhất.

Tiên ông gật đầu bảo:

– Ừ!

Nói rồi, Tiên ông khoát tay một cái, lập tức từ trong nhà có một chàng trai đi ra, nắm lấy tay người chị. Chàng trai là dòng họ của Cóc tía, cho nên tiên ông đặt tên chàng là chàng Cóc tía. Từ đấy, vợ chồng người chị sống cuộc sống sung sướng trong cảnh tiên.

Người em gieo cái hạt của ông mặt trời cho vào kẽ đá, nàng lấy bàn tay trái của mình vơ rêu lá, giật cả vạt áo mình phủ cho hạt được nguyên lành. Chẳng bao lâu từ kẽ đá vươn ra một cây bầu, quả to như cái sọt.

Người em được ông mặt trời ban cho một hạt mầm, từ đó nàng gieo thành các núi bầu rộng lớn.

Nàng lăn bầu xếp ra rìa núi. Núi bầu cứ nối nhau, nối nhau mọc ra, vùng nước lũ cứ thu hẹp dần nhường chỗ cho bầu ở. Một ngày kia, người tiên thấy có nhiều núi nhỏ lên chật cả gầm trời.

Vợ chồng Cóc Tía nhìn xuống thì thấy người con gái cầm dao bằng tay trái cứ quần quật bổ bầu ra chia cho mọi người. Người chị nhận ra kẻ ngồi với núi bầu là đứa em của mình, lòng ghen ghét lại nổi lên. Mụ liền kéo tay chồng bảo:

– Cái con què đó còn sống, nó có nhiều bầu kia kìa.

Chàng Cóc Tía chưa kịp hỏi thêm đầu đuôi ra sao thì mụ đã nắm tay chồng bảo nhảy ào xuống các chỏm núi bầu. Nhảy khỏi nhà trời, vợ chồng hắn hiện nguyên hình một đôi Cóc Tía. Ðôi vợ chồng Cóc Tía ngồi chồm chỗm trên một quả bầu. Người em hỏi:

– Cóc muốn gì?

Cóc nói:

– Ta muốn nhận mày là em gái.

Người em lắc đầu:

– Chị ta lên trời lâu rồi.

Cóc bảo:

– Tao là chị đây, còn đây là anh rể của mày.

Vợ chồng người chỉ vị ghen ghét mà biến thành Cóc tía xuống gặp người em.

Người em ngồi nghe Cóc Tía vợ kể lại chuyện cũ gặp lũ to, chèo bè chuối lên trời ra sao… Nghe mãi rồi tin lời Cóc là phải. Người em liền nhận anh chị và cho ở chung trên ngọn núi cùng chăm nom dây bầu với mình. Khi ấy, ông Mặt trời đi qua, dừng lại nói với người em:

– Anh chị đã về với cháu đấy.

Người em nói:

– Vâng.

Ông mặt trời bảo:

– Bây giờ ta cho cháu một người chồng, cháu hãy bổ quả bầu xấu nhất ra thì gặp chồng.

Người em cùng chồng giúp đỡ dân làng gieo hạt bầu.

Người em liền bổ quả bầu vặn vẹo xấu xí, vỏ bầu tách ra thì có một chàng trai khôi ngô, tuấn tú hiện ra nhận là chồng của người em, Hai vợ chồng người em lại lấy quả bầu xếp bậc xuống thấp dần. Họ xếp quả bầu đến đâu thì mực nước lui xuống đến đó. Ðồng ruộng làng mạc lại hiện về như xưa. Bà con làng xóm trở về làm ăn sinh sống yên ấm.

Cũng từ đấy vợ chồng Cóc Tía được người em đưa xuống cùng ăn ở, làm lụng với dân bản. Người chị không còn ghen ghét với em gái như xưa nữa.

Truyện cổ tích Việt Nam: Nói dối như Cuội

Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất 2024 nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)
Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất 2024 nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)

Ngày xưa có một anh chàng trẻ tuổi tên là Cuội. Từ thuở nhỏ, Cuội mồ côi cả cha lẫn mẹ phải đi ở với chú thím. Hắn ta là tay láu lỉnh, đặc biệt về môn lừa người thì rất thành thạo. Một lão trọc phú ở trong miền nghe tiếng đồn về Cuội tỏ vẻ không tin. Một hôm, hắn cho người gọi Cuội đến và bảo:

– Nghe nói mày lừa người giỏi lắm. Bây giờ tao ngồi ở đây, đố mày lừa tao cho tao ra ngoài cổng thì tao lập tức thưởng cho mày năm quan. Đấy có mọi người làm chứng đấy!

Cuội ta gãi đầu gãi tai đáp:

– Ông ngồi ở đây, lại có đề phòng sẵn thì làm sao mà lừa ông ra ngoài kia được. Nếu ông ra đứng ngoài cổng tôi mới có cách lừa được ông vào nhà.

Nghe nói thế, lão trọc phú chạy ra cổng. Nhưng khi đến nơi, Cuội đã vỗ tay reo:

– Đấy tôi đã lừa được ông ra cổng rồi!

Trọc phú bị tẽn vì thua cuộc đành phải y ước đem tiền cho Cuội.

Nhà chú thím Cuội có nuôi một con lợn béo. Một hôm nhân lúc mọi người đi vắng cả, Cuội gọi người hàng thịt đến nhà bán rẻ con lợn đó lấy tiền tiêu. Cuội chỉ dặn người ấy giấu kín cho mình và xin lại cái đuôi lợn sống. Hắn đã tìm ra được một mưu để nuốt trôi con lợn. Hắn đào một cái lỗ nhỏ ở đám đất gần chuồng lợn, cắm cái đuôi vào đó rồi nện đất rất chặt. Chờ lúc người thím đi làm về, hắn làm vẻ mặt hốt hoảng, nói:

– Thím ơi! Thật là số không may. Ông gì ấy ông bắt mất lợn nhà ta. Nó xuống âm phủ mất rồi.

Rồi Cuội dắt thím ra chuồng lợn, nói tiếp:

– Nó đã xuống cả hai chân sau rồi, chỉ còn cái đuôi, bây giờ thím hãy giữ lấy cái đuôi đừng cho nó xuống mà cũng đừng giật mạnh kẻo đứt mất là hỏng việc. Cháu sẽ lấy thuổng đào đất xung quanh, may chi bắt nó trở về.

Người thím nghe nói tưởng ông gì bắt lợn thật, vừa lo sợ vừa tiếc của, giục Cuội làm nhanh. Cuội lẳng lặng lấy thuổng đào đất. Đất bở ra cái đuôi không kéo tự nhiên rời khỏi mặt đất. Thấy thế hắn la to lên:

– Thôi! Thế là lợn xuống âm phủ mất rồi. Còn làm ăn gì được nữa.

Một hôm, Cuội cùng chú đi chợ. Cuội xách một cái thúng không. Đột nhiên. Cuội chạy lên trước bỏ quá chú một quãng rồi lấy thúng úp một bãi cứt trâu ở dọc đường. Khi người chú vừa đến nơi, Cuội khư khư giữ chịt lấy thúng, bảo:

– May quá! Cháu vừa úp được một con chim ngói to lắm! Nhưng nếu bây giờ thò tay vào bắt thì nó trượt mắt. Vậy chú mau mau về lấy tay lưới giăng chung quanh để bắt cho chắc. Con này mà đánh chén thì tuyệt!

Người chú vốn có máu tham, nghe hắn nói thế tưởng thật, vội vã trở về nhà lấy lưới đến giăng bốn bên thúng rất cẩn thận. Mọi người xúm lại xem rất đông. Nhưng khi Cuội giở thúng ra, ai nấy đều phì cười vì chỉ thấy một bãi cứt trâu, chả có chim đâu cả. Riêng người chú bị Cuội đánh lừa, giận thâm gan tím ruột, bèn không đi chợ nữa, dắt Cuội về đánh cho một trận thừa sống thiếu chết.

Một hôm khác, Cuội cùng chú đang cuốc cỏ ngoài đồng. Trời nắng như thiêu như đốt. Khát quá, người chú bảo hắn về nhà lấy nước mang ra. Vừa đến nhà, Cuội đã làm vẻ hốt hoảng, nước mắt giàn giụa, miệng mếu nói không ra tiếng:

– Khốn khổ lắm thím ơi! Chú bị trâu húc lòi ruột gan ra một đống. Hiện đã tắt thở, còn nằm trên cồn…

Người thím nghe nói chỉ còn biết kêu trời khóc đất rồi bươn bả ra đồng, vừa đi vừa ôm mặt than khóc rất thảm thiết. Cuội ta lại lẻn theo đường tắt, ba chân bốn cẳng chạy ra đồng. Sắp đến nơi, hắn cũng làm bộ đau đớn, bảo chú:

– Chú ơi! Trời hại ta. Thím ở nhà không biết leo trèo thế nào bị ngã từ trên gác xuống, chết tím cả mặt, không một ai biết cả.

Người chú nghe nói, tưởng thật, đấm ngực kêu trời rồi chạy về kêu khóc suốt cả dọc đường. Đến khi hai vợ chồng đâm sầm vào nhau mới biết là thằng cháu ác nghiệt đánh lừa. Hai vợ chồng tức giận điên cuồng bèn đan một cái rọ bỏ Cuội vào rồi một mình chồng vác ra sông định vứt xuống nước.

Đến bờ sông, cuội ta cầu khẩn:

– Cháu có tội với chú thím, chú thím bắt chết cũng đáng. Có điều ở dương gian cháu nói láo kiếm ăn được là nhờ có một quyển sách nói láo bấy lâu nay vẫn gác trên sàn bếp. Nay chú làm ơn nghĩ đến chút tình máu mủ về lấy giùm quyển sách đó đặng cháu mang theo xuống âm phủ kiếm ăn

Nghe hắn nói có vẻ thảm thiết, người chú tưởng thật, nghĩ bụng, tay hắn mình đã trói, rọ lại buộc chặt không thể trốn đi đằng nào được, bèn tất tả chạy về lấy sách.

Đang ngồi co ro trong rọ bỗng trông thấy một thằng hủi đi qua, Cuội gọi giật lại:

– Này hủi ơi! Tao trước cũng sưng da thối thịt như mày, nhưng trời run rủi cho tao ngồi vào đây, thế rồi tao được người ta đưa xuống nước chạy chữa, rồi lại khiêng lên, bây giờ lành hẳn cả rồi. Mày cứ mở cho tao ra mà xem.

Hủi tưởng thật, mở rọ cho Cuội ra, tấm tắc khen phép chữa mầu nhiệm rồi mừng rỡ nói:

– May cho tôi quá! Thế anh cho tôi ngồi vào đây rồi anh buộc hộ cho tôi với. Có mấy quan tiền xin được nhân thể tôi biếu anh.

Được tự do, Cuội chờ cho hủi vào, buộc rọ lại cẩn thận rồi cầm tiền đi thẳng.

Lại nói chuyện người chú về nhà tìm mãi trên sàn bếp chẳng thấy gì cả, mớt biết là mình lại bị lừa lần nữa, giận quá, hầm hầm trở ra, chẳng nói chẳng rằng đạp rọ lăn xuống sông. Thế là hủi ta mất tích.

Cuội theo dọc sông đến một cái cầu, nhân trời nóng nực mới cởi áo xuống tắm. Mấy quan tiền của hủi cho, hắn sợ để trên bờ có người lấy mất nên mang cả xuống sông. Một ông quan cưỡi ngựa đi qua trên cầu, thoáng thấy có thằng bé lặn ngụp dưới nước, một tay giơ lên cao có cầm cái gì giống như là quan tiền. Quan động lòng tham, dừng ngựa lại hỏi.

– Bé kia, mày làm gì ở dưới đó?

Cuội làm bộ tìm tòi, nói với quan:

– Tôi mang đi cho cha tôi một thỏi vàng, một thỏi bạc và mấy quan tiền, lúc đứng chơi ở cầu không may lỡ lay đánh rơi xuống mất cả. Nay tôi lặn lội tìm chỉ được có mấy quan tiền mà thôi. Giờ tôi mà về, cha tôi thì đánh chết.

Nói đoạn. Cuội hu hu khóc. Ông quan bèn xuống ngựa, cởi quần áo bảo Cuội:

– Mày bước lên mau đi, để tao còn xuống tắm. Cút mau!

Ý của hắn là muốn một mình mò tìm, tìm được thì giấu đi một chỗ để số vàng bạc ấy về tay hắn hưởng. Vừa nói hắn vừa lội xuống nước.

Cuội bước lên bờ vội lấy ngay quần áo của viên quan ra mặc.

Quan hỏi:

– Mày làm gì thế.

Cuội đáp:

– Tôi rét quá, nhờ áo ông mặc đỡ một tý cho ấm.

– Thế tên mày là gì? Quê quán Ở đâu?

– Tôi họ Bái, tên Dưng, ở Bông lông xã, Ba la huyện.

Mặc xong, Cuội chờ lúc quan lặn xuống nước, lên ngựa phi nước đại. Viên quan lặn tìm mấy lần không thấy gì cả, nhìn lên bờ thì đã mất cả ngựa lẫn áo quần. Biết là bị thằng bé đánh lừa, hắn vừa tức giận vừa hoảng hốt. Cuối cùng hắn dùng mấy cái đồ rách của Cuội bỏ lại, che tạm hạ bộ để chạy đi tìm Cuội. Gặp ai hắn cũng hỏi: – “Có thấy tên Bái Dưng vừa chạy qua đây không?” Nghe hỏi thế mọi người chỉ tủm tỉm cười. Mãi đến khi gặp một người đàn bà, người này đồ hắn là một tên vô lại chọc ghẹo mình, mới quay lại mắng cho một trận. Hắn biết là dại, đành phải im mồm, rồi sau đó nuốt giận lần về nhà.

Lại nói chuyện Cuội phi ngựa về nhà chú thím. Cả hai vợ chồng, nhất là người chồng rất lày làm ngạc nhiên không hiểu tại sao mình đã xô nó xuống sông hai năm rõ mười, thế mà bây giờ nó lại trở về được mà lại ăn mặc đàng hoàng như kia. Hỏi thì Cuội tươi cười đáp:

– Cháu xuống dưới ấy gặp được tất cả mọi người: ông, bà, cha, mẹ, nội ngoại đầy đủ. Cha mẹ cháu giàu có lớn lắm. Nhưng cháu nhớ chú thím quá nên chọn lấy một bộ quần áo, một con ngựa và ít quan tiền trở lên trên này.

Rồi Cuội lại nói thêm:

– Ông bà vẫn nhớ chú thím lắm đấy và có dặn cháu mời chú thím xuống chơi!

Hai vợ chồng người chú nghe nói mừng quá, hỏi Cuội:

– Chúng tao xuống có được không? Cuội trả lời:

– Có khó gì đâu, chú thím cứ làm rọ y như lúc cháu xuống. Nhưng cháu thì không vác nổi đâu, phải mang ra bờ sông, chui vào rọ rồi cháu sẽ lăn xuống thôi!

Người chú vội vàng đan hai chiếc rọ đem ra bờ sông. Đoạn người chú chui vào một chiếc bảo nó buộc chặt lại, vứt xuống. Thấy tăm nước sủi lên sùng sục, Cuội vỗ tay reo:

– A ha! Chú đang lấy đấy!

Nghe nói thế người thím giục Cuội rối rít:

– Cháu cho thím xuống ngay đi!

Người thím lại chui vào rọ để cho Cuội vứt luôn xuống sông. Thế là từ đó Cuội thừa hưởng cơ nghiệp của chú thím để lại.

Nhưng Cuội ăn chơi loang toàng chả mấy chốc đã bán hết gia tư điền sản. Hắn muốn đi chơi một phen cho thật xa, bèn sắm sửa lương thực rồi một hôm bỏ nhà ra đi.

Cuội đến một vùng rừng núi trùng điệp. Ở đây có rất nhiều voi, Cuội bèn nghĩ kế bắt cho được một con. Hắn ta đào một cái hố rất rộng và rất sâu ở chỗ voi hay qua lại. Trên miệng hố có bắc tre nứa lát phên và ghép cỏ rất khéo. Quả nhiên sau đó ba hôm có một con voi bị sa hố đầu chúc xuống dưới, đít chổng lên trời, không cựa quậy được. Cuội dùng đất lấp voi lại chỉ chừa có cái lỗ đít. Và khoét đít voi thành một cái lỗ lớn hơn, rồi cứ để yên tại đó, chỉ thỉnh thoảng đến trông chừng. Hắn bụng bảo dạ: – “Rồi ta sẽ có một con voi biết bay, đi chu du thiên hạ!”.

Sau khi voi chết, quạ và diều ngửi thấy mùi thịt liền rủ nhau tới ăn. Chúng nó chui qua lỗ đít tiến sâu vào thân con voi để rỉa lân thịt ở trong đó. Trước còn năm con mười con, sau dần dần có hàng trăm con ngày ngày chui vào chén thịt và lòng rất thỏa thích. Cuội ta chờ đến lúc thịt voi đã gần kiệt, rình khi chim chóc chui vào khá nhiều: mới thình lình đút nút đít voi lại.

Thế rồi Cuội đào đất lên cho cái xác da voi nằm ngay ngắn. Hắn cưỡi lên lưng, dùng gậy đánh nhẹ ở dưới bụng voi. Tự nhiên bầy chim ở trong cái xác da voi bay vụt cả lên, mang cái xác da voi và Cuội lên trời.

Cái xác da voi hay giữa không trung qua những núi dài sông rộng làm cho Cuội nhìn không chán mắt. Cuội cứ để cho bay mãi suốt ngày. Cuối cùng nhìn thấy một kinh thành rộng lớn, trong đó nhà ngói san sát, người qua lại đông không biết bao nhiêu mà kể.

Cuội muốn xuống xem thử cho biết. Hắn vỗ mấy cái trên lưng voi, chim chóc thấy động phía trên thì sợ hãi xếp cánh không bay nữa. Cái xác da voi từ từ hạ xuống. Nó rơi xuống trúng giữa sân rồng có các quan đang làm lễ bái mạng.

Nhà vua và tất cả triều thần thấy có một người cưỡi voi từ trên trời xuống thì kinh hãi bội phần, vội vàng sụp xuống lạy Cuội như tế sao. Họ đón Cuội như đón một vị thần vừa giáng hạ. Nhà vua thân đưa Cuội vào nội điện và không dám ngồi ngang hàng.

Cuội sung sướng hưởng những cỗ bàn lễ vật của mọi người đem dâng. Khi nghe Cuội nói đến sự màu nhiệm của con vật, nhà vua cất tiếng run run hỏi:

– “Ngài có thể cho quả nhân cưỡi lên voi đi ngắm cảnh gấm vóc trong thiên hạ được chăng?”

Cuội đáp: – “Được lắm, nhưng cần phải làm hai việc: một là nhà vua phải thay đổi áo quần cho tôi, vì con vật nó hay lạ hơi người, hai là khi ra giữa biển phải nhớ mở cái nút đằng sau cho nó uống nước”.

Không một ai ngăn cản được lòng ham muốn của nhà vua. Cuối cùng cái xác da voi đưa vua lên không trung. Ra giữa biển, vua nhớ tới lời Cuội dặn, mở nút đằng đít để cho voi giải khát. Lũ quạ và diều mấy lâu bị giam cầm, nay thấy có chỗ hở lục tục bay ra tất cả. Cái xác da voi rơi xuống biển và chả mấy chốc nhà vua đã lọt vào bụng cá. Còn Cuội mặc áo hoàng bào lên làm vua nước ấy…

Truyện cổ tích cây tre trăm đốt

Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất 2024 nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)
Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất 2024 nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)

Ngày xửa ngày xưa, ở vùng nọ có một người nông phu rất nghèo khó, vì vậy nên anh ta không còn cách nào khác là phải đến ở cho nhà một phú ông vô cùng giàu có. Nhưng tính tình của phú ông này lại rất keo kiệt. Lão có rất nhiều mánh khóe để đối phó với những kẻ ở người ăn của nhà mình, hòng bòn công của họ mà bản thân lại không cần phải trả thêm bất cứ khoản tiền nào nữa.

Lão có cô con gái cũng chưa gả chồng. Khi thấy anh đầy tớ nhà mình tuổi cũng đã khá lớn, lại cũng chưa cưới vợ thì lão ta lập tức nghĩ ra được một chiêu rất hay. Lão liền giả vờ giả vịt nói với anh đầy tới là:

– Cứ cố gắng mà làm việc con ạ! Sau này lão sẽ đem con gái lão gả cho mày.

Bởi bản tính quá thật thà, khi anh chàng nghe được những lời đường mật, dụ dỗ của phú ông thì tưởng thật, cũng dần nuôi hy vọng được làm rể của phú ông.

Kể từ ngày đó trở đi thì anh chàng đổ sức để làm việc mà không quản mệt nhọc, vất cả. Khi trời con chưa sáng thì anh đã đang bì bõm lội ở ngoài đồng xa, đến khi trời đã khuya mù mịt mà anh vẫn còn trần lực ra xay lúa rồi giã gạo, lại còn kéo trục và bện thừng nữa… làm việc luôn chân luôn tay. Tất cả những công to việc lớn mà phú ông giao cho, dù có phải chịu mệt nhọc hay khó khăn thì anh chàng cũng chẳng bao giờ từ chối cả.

Khi phú ông trông thấy mưu kế của mình hiệu quả thì vô cùng mừng rỡ. Còn đứa con gái bảo bối của lão á? Đời nào mà lão lại chịu gả nó cho hạng người nghèo khố rách áo ôm, đi làm thuê làm mướn cho người như anh chứ. Một người giàu có nổi tiếng ở làng bên mới đem trầu cau và sính lễ tới dạm ngõ hỏi cưới con gái của lão cho con của hắn. Và lão cùng đã đồng ý gả rồi.

Nhưng vì để giấu anh chàng đầy tớ nhà mình nên lão yêu cầu tất cả mọi người ở trong nhà đều phải giữ im lặng về chuyện này. Còn anh chàng đầy tớ, tất nhiên là anh chẳng hề biết gì, cũng chẳng nghi ngờ lời hứa ngon ngọt của chủ nhà, vẫn cứ đinh ninh rằng phú ông nói thật, vì thế vẫn cứ quần quần mà bán mạng làm việc cho lão ta, ký thác hy vọng của mình vào lão chủ xấu xa.

Thời gian cũng vẫn cứ thế mà trôi qua, rồi thì ngày định cưới của cô con gái phú ông cuối cùng cũng đã tới. Ngày ấy ở trong nhà của phú ông, mọi người tất bật chạy qua chạy lại bày biện bàn ghế, rồi lại đi giết gà mổ lợn. Vì để tránh anh đầy tới nhà mình nảy sinh nghi ngờ lại kéo ra lắm chuyện lôi thôi ảnh hưởng đến lễ cưới của con gái mình, lão phú ông liền cho gọi anh chàng tới và nói rằng:

– Thời gian ở nhà ta con đã làm việc tốt lắm, khiến lão vô cùng ưng ý đấy. Ngày hôm nay thì lão cũng đã cho người sửa soạn đầy đủ hết cỗ bàn rồi. Nhưng mà nếu con muốn cưới con gái lão thì cũng phải có gì đấy làm sính lễ thì mới coi được chứ. Ta cũng chẳng đòi con phải có tiền bạc hay ruộng vườn.

Bây giờ con cứ đi lên trên rừng kia, kiếm lấy cây tre nào có đủ trăm đốt thì đem chặt rồi mang về đây, thì lão sẽ coi đó là sính lễ rồi cho các con làm lễ thành hôn với nhau luôn. Nếu mà con không kiếm được thì lão đem con gái gả cho người ta đấy!

Anh chàng đầy tớ nghe phú ông nói một thôi một hồi thì cũng ngẩn người ra, phải một lúc sau thì anh mới hoàn hồn, vội vàng đem theo rựa mà cắm cúi lên rừng. Khi lên đến rừng, anh chàng cố tình tìm tới những bụi tre nào cao nhất, sau đó lách vào bằng được để chặt.

Tuy nhiên thì cứ mỗi khi một cây tre bị đốn ngã là nỗi thất vọng của anh lại càng nhân lên. Những cây tre nhìn như cao ngất ngưởng là vậy đấy nhưng mà chẳng có cây nào đủ một trăm đốt cả, nhiều lắm thì cũng chỉ khoảng bốn mươi đốt mà thôi.

Mặc dù vậy nhưng anh vẫn chẳng nản lòng. Cây này không được anh lại đi tìm cây khác, anh còn tìm đến những nơi vô cùng hiểm hóc, ở đó có những bụi tre già, dù cho có bị những gai tre cào rách áo, cào toạc da thì anh vẫn chẳng chút bận tâm đến. Anh cứ thế tìm kiếm với hy vọng tìm được một cây tre có đủ một trăm đốt tre mang về để làm sính lễ dâng cho bố vợ tương lai của mình.

Với niềm hy vọng lớn lao trong lòng, anh cứ giơ cao rựa của mình mà chặt. Tuy nhiên dù anh có chặt bao nhiêu, dù có bao nhiêu cây tre đổ xuống thì đếm đi đếm lại cũng chẳng có cây nào đủ được một trăm đốt cả. Sức cũng đã kiệt, anh mệt mỏi và buồn rầu, quá chán nản nên anh đem con rựa trên tay quẳng luôn xuống dưới đất rồi tức tưởi ngồi khóc một mình.

Tiếng khóc nức nở của anh làm vang động núi rừng. Khi tiếng khóc của anh đến tai của Bụt thì Bụt lập tức xuất hiện trước mặt anh mà hỏi rằng:

– Con là ai? Tại sao con lại ngồi khóc ở nơi này?

Anh chàng cố gạt hết nước mắt trên mặt mà thành thật kể lại cho Bụt nghe đầu đuôi câu chuyện. Khi nghe xong, Bụt liền bảo anh:

– Con hãy nín khóc đi. Bây giờ con hãy đi chặt đủ một trăm dốt tre rồi mang lại đây.

Nghe lời Bụt nói, anh chàng lập tức đi chặt đủ một trăm dốt tre rồi mang về chỗ Bụt đang đứng. Nhưng mà mang về rồi thì anh lại tiếp tục khóc than. Bụt hỏi:

– Tại sao con lại khóc?

Anh chàng buồn bã đáp:

– Phú ông yêu cầu con phải chặt cho được một cây tre có đủ một trăm đốt tre, chứ không phải là chặt được một trăm đốt tre đâu!

Bụt cười hiền lành, nhẹ giọng an ủi, sau đó thì bảo anh chàng để một trăm đốt tre rời thành một hàng ngay ngắ n rồi bảo hô:

– Khắc nhập! Khắc nhập!

Vâng lời Bụt, anh chàng cũng hô lớn thì lập tức có phép màu xuất hiện, khi anh vừa dứt lời thì một trăm đốt tre rời đột nhiên chắp lại với nhau hệt như là chúng vốn là một cây vậy.

Khi đã có được cây tre trăm đốt như đúng yêu cầu của phú ông thì anh chàng vô cùng mừng rỡ, vội vàng vác cây tre mang về. Tuy nhiên thì dù anh có dùng sức bao nhiêu thì cũng không cách nào vác cây tre lên mà mang về nhà được. Anh cứ loay hoay mất một lúc lâu, sau cùng thì bất lực, anh lại để tre xuống mà khóc than. Nghe tiếng khóc của anh, Bụt lại hiện lên và hỏi:

– Con làm sao lại khóc rồi?

Anh chán nản thưa:

– Vì cây tre này dài quá, con không thể đưa nó về được.

Bụt cười lại dạy anh câu thần chú khác:

– Khắc xuất! Khắc xuất!

Khi anh chàng vừa hô xong thì phép màu cũng lại xuất hiện, cây tre ấy lại lập tức rời nhau ra thành một trăm đốt tre như ban đầu. Anh chàng mừng quá, cảm ơn Bụt rối rít, sau đó thì anh cột tre thành hai bó to rồi quảy lên vai đem ra khỏi khu rừng.

Lúc anh chàng nông phu vừa về tới cửa nhà phú ông thì cũng là lúc mà hai họ đương cỗ bàn vô cùng linh đình, cũng là lúc mà cô dâu và chú rể chuẩn bị bước ra ngoài để làm lễ cưới.

Anh chàng cũng chẳng thể hiện cảm xúc gì, chỉ lẳng lặng gọi phú ông tới để nhận sính lễ. Khi nhìn thấy những đốt tre rời rạc thì phú ông lập tức quát lớn:

– Tao đã bảo mày đi chặt lấy một cây tre có trăm đốt, chứ ai bảo mày đi chặt một trăm đốt tre về làm gì! Đúng là đồ ngớ ngẩn!

Dù lão phú ông quát vậy nhưng anh cũng chẳng nói chẳng rằng gì, chỉ hô lên liên tục:

– Khắc nhập! Khắc nhập!

Những đốt tre cứ lần lượt rời khỏi bó rồi chắp lại với nhau trở thành một cây tre cao ngất. Phú ông trông thấy, vừa ngạc nhiên, vừa bực mình, lão liền chạy ngay tới định phá cho những đốt tre phải rời nhau ra.

Tuy nhiên thì tiếng hô “khắc nhập” của anh nông phu có phép màu không dừng lại, khiến cho cả thân người của lão phú ông cũng bị dính liền luôn vào thân cây tre, nhìn như là một đốt nối thêm vào cây vậy.

Thấy mình bị dính vào với cây, phú ông lập tức kêu la ầm ỹ. Tiếng kêu la oai oái của lão khiến cho cả hai họ đều vô cùng hốt hoảng mà chạy hết ra ngoài.

Chàng rể chính là người đầu tiên tiến tới định bụng sẽ gỡ hộ bố vợ mình, nhưng là anh nông phu lại hô “khắc nhập” khiến cho hắn cũng dính luôn vào cây tre, đội cả phú ông lên trên đầu. Tiếp theo là ông thông gia, vốn định chạy lại gỡ con trai của mình ra nhưng cũng lại bị dính luôn vào đấy.

Sau đó thì hai bên họ nhà trai và họ nhà gái cứ nối tiếp nhau xông vào, định là gỡ nhưng lại thành ra bị dính chặt vào cây tre. Mọi người đều đã sợ đến mức mặt cũng xanh mét lại rồi, nhưng mà anh nông phu kia thì vẫn rất thản nhiên đứng ở một góc sân chờ câu trả lời của phú ông.

Sau cùng thì phú ông cũng phải mở miệng van lạy anh hết lời, xin anh thả mọi người ra và cũng hứa sẽ gả con gái mình cho anh đúng như những gì lão đã hứa trước đây. Đến lúc bấy giờ thì anh nông phu mới hô:

– Khắc xuất! Khắc xuất!

Ngay lập tức, cả phú ông cùng với mọi người đều được thoát khỏi cây tre kia. Sau đó thì họ nhà trai cùng với chàng rể của nhà mình phải ra về tay không. Còn anh chàng nông phu thì lại đúng như ước nguyện được cưới con gái phú ông làm vợ.

Truyện cổ tích: Hoàng tử và nàng Ếch

Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất 2024 nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)
Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất 2024 nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)

Ngày xửa ngày xưa, ở một đất nước xa xôi nọ, có một cặp vợ chồng già có tới bảy người con. Các cô con gái đều xinh đẹp, duy chỉ có cô thứ bảy lại là một con ếch.

Cha mẹ cho cô út ở một gian phòng nhỏ và chăm sóc như những người con khác. Nàng Ếch cũng nói được tiếng người, và cùng lớn lên với các chị của mình.

Một hôm, trong hoàng cung nhà vua mở hội kén vợ cho hoàng tử. Theo phong tục từ xưa để lại, tất cả những cô gái chưa có chồng tại xứ sở này đều được mời đến hoàng cung hai ngày để dự tiệc. Cô nào lọt vào mắt xanh của hoàng tử thì sẽ được chọn làm vợ.

Trên cả đất nước, các cô gái nô nức chuẩn bị đi dự tiệc tại triều đình. Sáu cô con gái của vợ chồng già nọ cũng sắm sửa bộ hành đi dự hội. Nàng Ếch cũng muốn đi nên thẽ thọt hỏi các chị mình:

– Các chị có thể cho em theo cùng được không?

Nhưng các cô chị đã không đồng ý. Họ nói với nhau:

– Nếu để con ếch đi theo thì thật là xấu mặt! Thiên hạ sẽ cười vào mặt chúng ta mất

Thế rồi họ diện những bộ quần áo đẹp nhất và lên đường. Nàng Ếch nghe các chị nói vậy cũng không lấy làm buồn phiền. Chờ các chị đi khỏi, Ếch lặng lẽ đi theo.

Dọc đường, nàng chui vào một bụi rậm, trút bỏ bộ da ếch, lập tức biến thành một cô gái đẹp tuyệt vời. Rồi nàng vội vã đến hoàng cung.

Hoàng cung được trang hoàng lộng lẫy, mọi người vui vẻ dự tiệc nhưng ai cũng rất chú ý đến vị hoàng tử đẹp trai ngồi phía trên. Còn hoàng tử lại chẳng để ý đến ai.

Nhưng khi nhìn thấy nàng Ếch bước vào chàng thấy đây là cô gái xinh đẹp nhất và chàng đem lòng thương nhớ, quyết định chọn nàng là vợ mà không cần biết gốc gác của nàng ra sao và từ đâu đến.

Ngày đầu tiên của lễ hội kén vợ qua đi, hoàng tử vẫn chưa công khai tuyên bố sự lựa chọn của mình. Chàng vẫn niềm nở tiếp đón các cô gái và các vị khách quí.

Nàng Ếch, sau bữa tiệc lại bí mật trở về theo con đường rừng. Đến chỗ bụi rậm, nàng lấy bộ da ếch khoác lên người và lại biến thành con ếch. Nàng trở về nhà trước khi sáu cô chị về nhà.

Hôm sau, sáu cô chị lại lên đường, nàng Ếch lại đòi đi theo nhưng các cô chị vẫn từ chối. Chờ cho các chị đi khỏi, nàng Ếch lại đi theo. Nàng lột bộ da ếch giấu trong bụi rậm và lại biến thành cô gái xinh đẹp bước vào hoàng cung.

Lúc này, hoàng tử đã nhìn thấy nàng Ếch xinh đẹp và vẫn quyết định lấy nàng làm vợ. Tuy nhiên, ngày thứ hai của lễ hội kén vợ qua đi mà hoàng tử vẫn chưa công khai lấy ai làm vợ mình. Các cô gái lần lượt ra về và vẫn nuôi niềm hy vọng.

Nàng Ếch vội vã theo con đường rừng trở lại chỗ bụi rậm, lấy bộ da ếch khoác lên người và kịp về nhà trước các cô chị của mình.

Nàng yên tâm đi ngủ vì nghĩ rằng không ai biết những gì nàng đã làm. Xong có một người đã biết rõ tất cả. Người đó chính là hoàng tử. Chàng đã bí mật đi theo nàng kể từ khi nàng rời khỏi hoàng cung và đã chứng kiến tất cả.

Một thời gian ngắn sau, người ta thấy văn võ bá quan triều đình cùng binh lính rầm rập kéo đến nhà của cặp vợ chồng già nọ. Sáu cô chị vui mừng khấp khởi, ai cũng hy vọng hoàng tử sẽ chọn mình. Nhưng không ai để mắt đến họ.

Các quan đến phòng nàng Ếch và mời nàng lên kiệu. Trước sự lựa chọn đấy, ai cũng buồn cười và nhạo báng hoàng tử. Còn nhà vua thì nổi giận đuổi chàng ra khỏi hoàng cung và truất quyền thừa kế ngôi vị của hoàng tử.

Hoàng tử vâng lệnh vua cha rời khỏi hoàng cung và đưa nàng Ếch ra vùng ngoại thành sinh sống, chàng yêu thương nàng Ếch hết mực.

Nàng Ếch kể từ khi lấy hoàng tử thì chưa một lần nào hiện trở lại thành người. Đêm đêm khi hoàng tử ngủ say, nàng lại lột bỏ lớp vỏ ếch trở lại thành người đẹp và đến bên chồng âu yếm.

Thế là hoàng tử và nàng Ếch mỗi người một thế giới nhưng sống với nhau rất hạnh phúc, yêu thương và gắn bó với nhau.

Nhưng cứ phải sống mãi với cảnh người và ếch như thế này, hoàng tử không thể nào chịu nổi. Rồi một hôm, chàng giả vờ ngủ thật say.

Nàng Ếch không nghi ngờ gì, trút bỏ bộ da ếch trở thành người đẹp và đến bên chồng. Hoàng tử nhìn thấy tất cả cảnh đó, chợt chàng vùng dậy vồ lấy bộ da ếch và ném vào bếp lò.

Vậy là nàng Ếch không làm sao trở lại lốt ếch được nữa. Từ đó hai vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc.

Chuyện lạ đến tai vua cha, người vui mừng khôn xiết cho gọi hai vợ chồng hoàng tử trở về cung và truyền lại ngôi báu cho chàng.

Truyện cổ tích: Con rùa vàng

Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất 2024 nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)
Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất 2024 nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)

Ngày xưa có hai người bạn thân, người giầu tên là Đại trượng phu, người nghèo tên là Chí quân tử. Vợ chồng Đại trượng phu thấy bạn nghèo ngỏ ý muốn giúp cho để buôn bán. Chí quân tử nghĩ rằng mình lấy của bạn về không may buôn bán thua lỗ thì biết lấy đâu mà trả, nên không dám nhận, đành chịu phận nghèo.

Nhà Đại trượng phu đồ đạc chẳng thiếu vật gì, một hôm lấy 5 làng vàng đưa cho thợ kim hoàn làm một con rùa để trưng bày. Gặp lúc Chí quân tử lại chơi, Đại trượng phu đem rùa vàng mới đúc ra khoe với bạn. Xem rồi để trong cái đĩa, 2 người ngồi uống rượu nói chuyện, uống mãi say nằm ngủ quên đi.

Con trai của Đại trượng phu đi học xa về thăm nhà, thấy con rùa lấy đem đi chơi. Đến khi 2 người tỉnh dậy quên lửng con rùa vàng. Chí quân tử từ giã bạn ra về, một lúc Đại trượng phu nhớ đến con rùa vàng, hỏi vợ, vợ nói không cất, mới chẳng biết tính sao, không lẽ nghi cho bạn là người có bụng tốt đã lấy đi.

Một hôm Đại trượng phu đến nhà Chí quân tử chơi, hỏi xa xôi rằng:” Hôm trước anh có cầm con rùa vàng về cho chị coi không. Chí quân tử nghĩ bụng bạn nghi mình, nên nhận là có lấy về. Đại trượng phu mới bảo:” Anh cứ giữ con rùa vàng lại mà chơi”.

Bạn về rồi, vợ chồng Chí quân tử không biết tính sao để trả lại cho được, bảo nhau:” Người ta thấy mình nghèo nên nghĩ cũng phải, không lẽ mình bảo không”. Rồi đành bán nhà cửa, đưa nhau đến nhà ông bá hộ Phú trưởng giả, vào lạy xin ông cho ở hầu hạ, để lấy 5 lạng vàng làm rùa trả cho bạn.

Ông Phú trưởng giả nghe đầu đuôi câu truyện liền lấy vàng kêu thợ kim hoàn tới nhà làm một con rùa vàng, rồi trao cho vợ chồng đem về trả bạn.

Nhưng Phú ông không nhận Chí quân tử cố thân làm tôi tớ, mà bảo chỉ giúp cho 2 người thôi. Vợ chồng Chí quân tử nhận rùa vàng rồi, cứ đến ở nhà Chí quân tử để hầu hạ.

Được ít lâu, con trai Đại trượng phu trở về thăm nhà, mang theo con rùa vàng bảo cha mẹ: “Hôm nọ, may là con, chớ gặp phải người ngoài thì mất con rùa vàng rồi còn đâu nữa”.

Vợ chồng Đại trượng phu ngạc nhiên, không rõ rùa vàng nào con mình lấy đi chơi, rùa vàng nào bạn đem trả, mới nghĩ ra là người bạn nghèo đã sợ mình nghi, nên mới làm con rùa vàng khác để thế.

Đại trượng phu vội vàng đến nhà Chí quân tử, không thấy vợ chồng bạn đâu, hỏi thăm mới hay là đã đi cố thân cho nhà Phú trưởng giả để lấy vàng đúc rùa bồi thường cho của mình không lấy.

Tìm đến nhà ông bá hộ, Đại trượng phu vào trả con rùa vàng cho Phú trưởng giả để xin lãnh vợ chồng Chí quân tử về. Hai bên gặp nhau cùng khóc ròng. Phú trưởng giả không chịu lấy rùa vàng, bảo Đại trượng phu: ”Anh có mượn của tôi đâu mà anh trả? Nhìn vợ chồng Chí quân tử nói:” Tôi có bắt buộc gì đâu mà xin lãnh về”.

Phú trưởng giả không lấy vàng trả, vợ chồng Chí quân tử cho là mình mắc nợ không chịu đi. Cả 3 người tính không xong, mới đem đến cửa quan để xin xét xử.

Không nghe nói quan phân xử ra sao đối với ba người ngay thật và tốt bụng hiếm có này.

Truyện cổ tích Việt Nam: Sự tích con cua

Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất 2024 nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)
Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất 2024 nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)

Ngày xửa ngày xưa, không ai nhớ rõ khi nào, có một cô gái xinh đẹp, nết na nhưng kém may mắn hơn những người khác. Cô mồ côi mẹ lúc chưa đầy tháng tuổi. Cha lấy vợ kế được một thời gian thì chẳng sao ông sinh bệnh rồi qua đời, để lại cô con gái bé bỏng một mình.

Cô gái sống với mẹ kế cùng đứa con riêng của mẹ. Cô con gái riêng của bà mẹ kế suốt ngày chỉ ra ngắm vào vuốt, chẳng phải làm việc gì cả, mà có làm gì thì cũng chẳng thành. Nhưng mọi lời khen ngời bà mẹ đều dành cho cô ta và cô ta lấy thế làm hãnh diện lắm. Lúc nào công ta cũng vênh vênh, váo váo, kiêu kỳ, tự cao tự đại cứ như mình là lá ngọc cành vàng vậy.

Còn cô gái mồ côi thì phải làm hết mọi việc. Biết thân phận mình, vốn tính hiền lành, ngoan ngoãn, cô chịu đựng hết thảy, nín lặng làm hết mọi việc bà mẹ ghẻ đổ lên đầu. Cô dằn lòng gánh chịu mọi lời mắng chửi trút xuống đầu mình. Bao nhiêu người thương mến cô, thông cảm cho hoàn cảnh của cô, nhưng họ chẳng biết làm gì để giúp cô bớt khổ.

Một hôm, thấy cô mặc chiếc váy hoa rực rỡ, mụ dì ghẻ nổi cơn tam bành. Bởi xưa nay cô vốn đã xinh đẹp, giờ trong chiếc váy mới, trông cô lại càng xinh đẹp, kiều diễm hơn. Con con gái mụ dì ghẻ thì có đắp bao nhiêu lụa là gấm vóc vào mà vẫn không sao che lấp được vẻ ngoài xấu xí. Bao nhiêu chàng trai tuấn tú tài giỏi đều chỉ muốn lấy được cô gái mồ côi làm vợ. Đến nước này, mụ không sao chịu đựng nổi. Mụ dì ghẻ sôi máu, xấn xổ vào cô gái đáng thương mà tru tréo, đánh đập:

– Con ranh kia, sao mày cứ luẩn quẩn trước mắt tao. Đồ lười chảy thây. Biết kiếm việc gì cho mày làm bây giờ, không kẽ ra sông giặt đống giẻ rách vứt ngoài ngõ. Mà này, chiếc váy đẹp thế này, mày ăn cắp ở đâu vậy. Nói mau.

Mụ dì ghẻ thẳng tay đánh cô con chồng. Mụ không ngớt gào thét:

– Nói ngay, đồ thối thây, thằng khốn nạn nào cho mày chiếc váy đó hả.

– Mẹ ơi! Con xin mẹ. Chẳng có gã đàn ông nào cho con cả, mà chính của một bà già cho con đấy chứ!

Nghe thấy thế, mụ dì ghẻ nghiến răng ken két quát lên:

– Bà già? Làm gì có bà già nào mà lại tốt bụng quá vậy. Thôi, nói thật đi, tao tha cho.

– Thưa mẹ! Con nói thật đấy, con chẳng biết bà già ấy là ai nữa. Hôm ấy, con ra sông giặt quần áo cho mẹ và em, bỗng có một và cụ rách rưới, bẩn thỉu đứng bên cạnh con phều phào xin nước uống. Nước sông đục ngầu nên con lấy ống nước đem theo đưa cho bà cụ.

Bà cụ uống nước xong liền cho con cái bọc nhỏ, bảo là thưởng cho lòng tốt của con. Mở ra thấy chiếc váy đẹp này, con định trả lại cho bà cụ, nhưng không thấy bà đâu nữa.

Mụ di ghẻ nghĩ: “Có lẽ đúng thế, con nhãi này chắc không dám nói dối. Thảo nào bấy lâu nay người làng cứ bàn tán xôn xao là có một bà tiên nào đó. Đúng là bà tiên ấy đã cho con ranh chiếc váy đó. Vậy ta phải cho con gái ta ra sông để xin bà tiên cho nó xinh đẹp được không”.

Thế là từ ngày ấy, cô gái mồ côi không phải đi giặt nữa. Con gái riêng của mụ thay thế công việc không lấy gì dễ dàng đối với cô ta. Nhưng mong muốn được gặp bà tiên để xin cho mình đỡ xấu đã thôi thúc cô ta. Ngày nào cô cũng ra sông với vài cái khăn nhỏ, hy vọng gặp được bà tiên nọ.

Thế rồi hôm ấy, một buổi sáng đẹp trời. Mây trôi bồng bềnh, chim sơn ca hót véo von, hoa thi nhau khoe sắc. Cô gái đỏng đảnh õng ẹo đi ra sông để giặt. Cô thấy mộ bà cụ lạ mặt xuất hiện. Nhìn thấy bà cụ, cô gái kiêu kỳ định lấy bầu nước của mình ra đưa cho bà. Bà cụ tới gần bảo:

– Chào cô gái! Vạt váy của tôi lấm bùn, cô làm ơn lấy nước gột cho tôi với.

Cô gái đỏng đảnh cong cớn đáp:

– Cái mụ già bẩn thỉu này. Bà nghĩ tôi là gì mà bảo tôi làm cái việc ghê tởm ấy. Dạng bà xách dép cho tôi còn chưa xứng.

– Chà! Đúng là một đứa con gái hư hỏng, hỗn láo. Con bé này không giống con bé kia.

– Sao, bà biết chị gái tôi à?

Cô gái đỏng đảnh hốt hoảng kêu lên. Cô ta hiểu là mình đã phạm sai lầm không thể cứu vãn được. Thế là công toi mấy ngày mình phải chịu khổ sở. Cô gái mở miệng định xin bà cụ tha lỗi và cầu xin cụ cho mình được xinh đẹp thì bà cụ đã nghiêm sắc mặt.

– Một con người có tâm hồn xấu xí thì không thể trở thành người con gái xinh đẹp được. Lũ các ngươi phải bị trừng phạt.

Bà cụ nói xong thoắt biến mất như chưa từng xuất hiện ở đấy. Liền sau đó, cô gái đỏng đảnh cũng biến mất. Ở chỗ cô ta vừa đứng, xuất hiện một con vật nho nhỏ, xám xịt, chân cẳng tua tủa. Đến nay cứ thấy người lại gần con vật đó lại vội lủi xuống sông. Đó chính là con cua.

Download 20+ truyện cổ tích Việt Nam hay 2024

Link download tại đây

Xem thêm

[Dowload] Bộ tập tô chữ cái cho bé 5 tuổi đầy đủ, full 4K chuẩn nhất 2023

Bộ tập tô chữ cái cho bé 5 tuổi đầy đủ, full 4K chuẩn nhất 2023 dưới đây gồm bảng chữ cái 28 chữ đơn và 11 chữ ghép, phù hợp cho bé 5 tuổi để tập tô và làm quen với các chữ cái trước khi bước vào lớp 1.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận