Đứa trẻ nào cũng từng một thời ấu thơ sống trong thế giới cổ tích. Chúng ta đều từng tin vào những phép màu có thể biến hóa mọi thứ, tin vào ông Bụt, bà tiên, ông già Noel hay cây đèn thần… sẽ lắng nghe và thực hiện mọi mong ước cho ta chỉ trong nháy mắt. Tôi cũng chẳng nhớ đâu, về lần đầu tiên được nghe mẹ kể chuyện.

Chúng ta ai cũng lớn lên cùng những câu chuyện cổ tích

Chẳng rõ câu chuyện đầu tiên xuất hiện từ lúc nào, chẳng rõ trên đời này có bao nhiêu câu chuyện cổ tích. Nhưng “thế giới” đó vẫn mãi tồn tại, phải chăng vì đó là nơi chúng ta gửi gắm hết những ước mơ, khát vọng và cả trí tưởng tượng, để tạo nên những điều mà ở thực tại này sẽ không bao giờ có thể?

Cổ tích là một thế giới đầy phép màu và hạnh phúc (Ảnh: Internet).
Cổ tích là một thế giới đầy phép màu và hạnh phúc (Ảnh: Internet).

Câu chuyện cổ tích đầu tiên mà ta được nghe, chắc hẳn là từ rất sớm. Hỏi lũ trẻ con bây giờ, bé nào cũng biết Lọ Lem, Bạch Tuyết, nàng tiên cá, công chúa ngủ trong rừng, ông già Noel, cô bé quàng khăn đỏ… thậm chí dễ dàng có được những bộ quần áo như những nhân vật cổ tích đó.

Tôi cũng chẳng nhớ đâu, về lần đầu tiên được nghe mẹ kể chuyện. Khi nhìn thấy mẹ kể chuyện cho em tôi, lúc nó mới chỉ gần 1 tuổi, nó chỉ chăm chú nhìn vào những trang truyện đầy màu sắc, không biết lời kể của mẹ cu cậu hiểu được bao nhiêu. Ngày xưa, thế giới cổ tích chỉ hiện lên qua lời kể của mẹ, chứ sao mà có truyện tranh và cả phim hoạt hình như bây giờ. Chỉ biết nàng Bạch Tuyết thì da trắng, nàng tiên cá thì có đuôi, chứ khó mà tưởng tượng ra chiếc đuôi của nàng trông như thế nào. Hay cũng chính vì vậy nên hồi nhỏ tôi ngây ngô vô cùng.

Trẻ con bây giờ có thể dễ dàng "hóa thân" thành những nhân vật cổ tích (Ảnh: Internet).
Trẻ con bây giờ có thể dễ dàng “hóa thân” thành những nhân vật cổ tích (Ảnh: Internet).

Có một câu chuyện mà đến tận bây giờ mẹ vẫn thường mang ra để trêu chọc tôi. Ngày bé tôi rất sợ lấy ráy tai. Mẹ nói lúc tôi còn nhỏ xíu thì mẹ còn “canh” lúc tôi ngủ để lấy được, chứ khi lớn hơn thì rất khó vì tôi ngủ hay ngọ nguậy, xoay bên nọ lật bên kia, lúc thức thì thấy mẹ cầm cái que đó là tôi khóc. Thế nên mẹ đã bịa ra một câu chuyện để “lừa” tôi.

Mẹ nói rằng trong tai tôi có 2 viên ngọc, 1 bên là viên ngọc màu hồng và 1 bên là viên màu xanh, nếu tôi chịu ngồi yên thì mẹ sẽ lấy nó ra cho tôi. Tôi tin sái cả cổ!!! Và ngoan ngoãn chịu để mẹ lấy ráy tai. Cứ mỗi lần lấy là mẹ dỗ tôi: “Viên ngọc sắp ra rồi, mẹ nhìn thấy nó rồi…”, “Để mấy hôm nữa lấy tiếp nhé, nó sắp lăn ra rồi…”. Tôi háo hức lắm, ngày nào cũng đòi “mẹ lấy ngọc cho con”. Đến giờ thì tôi không nhớ mình phát hiện ra sự thật từ lúc nào, nhưng lạ thay tôi lại nhớ rõ, “tai bên phải là viên ngọc màu hồng, tai bên trái là viên ngọc màu xanh”. Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, mỗi khi nhắc lại, cả nhà tôi đều không nhịn được cười. Trong lòng tôi, đó mãi là câu chuyện cổ tích đẹp nhất.

Tất nhiên với thằng em tôi, câu chuyện đó chẳng thể “lừa” được nó. Có thể vì nó là con trai nên chẳng hứng thú gì với mấy viên ngọc. Nhưng chị em tôi vẫn có chung một câu chuyện cổ tích khác, nhớ đến tận bây giờ, câu chuyện “Sự tích cây vú sữa”. Mẹ nói rằng, cả 2 chị em tôi, đều giống nhau, ngay từ lần đầu tiên nghe mẹ kể câu chuyện này, đều ôm mẹ khóc thút thít.

Những câu chuyện cổ tích là thông điệp đầu tiên về đạo đức mà người lớn muốn dạy cho trẻ con

Đứa trẻ nào cũng từng một thời ấu thơ sống trong thế giới cổ tích. Chúng ta đều từng tin vào những phép màu có thể biến hóa mọi thứ, tin vào ông Bụt, bà tiên, ông già Noel hay cây đèn thần… sẽ lắng nghe và thực hiện mọi mong ước cho ta chỉ trong nháy mắt. Tại sao lại khơi gợi và xây dựng cho trẻ con tin vào những câu chuyện cổ tích, trong khi thế giới mà chúng sẽ sống và bước đi sau này sẽ chẳng có cây đũa phép nào phẩy ra những phép nhiệm màu?

Những câu chuyện cổ tích là thông điệp về đạo đức dành cho trẻ con (Ảnh: Internet).
Những câu chuyện cổ tích là thông điệp về đạo đức dành cho trẻ con (Ảnh: Internet).

Cổ tích là do người lớn sáng tạo ra. Người lớn xây nên một thế giới mà chúng ta chỉ có thể “sống” bằng trí tưởng tượng, đầy phép thuật nhưng lại thuần khiết vô cùng. Ở nơi đó, người tốt sẽ được sống hạnh phúc, người xấu phải trả giá. Đơn giản vậy thôi. Tất cả những nhân vật siêu nhiên, những phép thần thông biến hóa cũng chỉ được sử dụng để đạt được đến chân lý giản đơn và hiển nhiên đó. Trong thế giới thực, những điều đơn giản đôi khi lại là thứ khó có được nhất.

Những câu chuyện cổ tích là thông điệp đầu tiên về đạo đức mà người lớn muốn dạy cho trẻ con: hãy làm người tốt. Làm người tốt sẽ được yêu thương, được giúp đỡ, được nhận những điều tốt đẹp. Và trẻ con, muốn trở thành “người tốt” thì hãy là một em bé ngoan. Giống như tôi hồi nhỏ, nếu ngoan ngoãn nghe lời mẹ thì mẹ sẽ lấy cho tôi 2 viên ngọc trong tai của mình.

Trẻ con vẫn sẽ tin và thích thú với những câu chuyện cổ tích. Tôi tin rằng, chừng nào thế giới cổ tích còn tồn tại trong trí óc non nớt, ngây thơ, thuần khiết của trẻ con, thì thế giới này vẫn sẽ có những “phép màu” được tạo ra bởi những “người tốt”. Bạn có đồng ý không?

Xem thêm

200+ câu đố vui thả thính hài hước khiến crush phải bật cười và đổ gục

Những câu đố vui thả thính hài hước không chỉ khiến crush phải bật cười mà còn thể hiện được sự thông minh của bạn. Cùng tham khảo ngay các câu đố vui thả thính dễ thương dưới đây để cưa đổ crush của bạn nhé.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận