Bài thơ ”Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là một trong những tác phẩm trọng tâm trong kì thi THPTQG. Đặc biệt là đoạn 12 câu thơ” Những người vợ nhớ chồng còn góp cho đất nước những núi Vọng Phu… Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”- đoạn này chưa ra ở cả đề minh họa lẫn đề chính thức. Hãy cùng Blog An Choi phân tích đoạn 12 câu thơ cực kì quan trọng này nhé!

Mở bài phân tích 12 câu thơ trong Đất Nước

Đoạn trích 12 câu được trích từ SGK Ngữ Văn 12 Tập 1
Đoạn trích 12 câu được trích từ SGK Ngữ Văn 12 Tập 1

Quê hương, đất nước luôn là những điều thiêng liêng, thiết tha trong dòng chảy nghệ thuật trên khắp thế giới như thế. Khuất trong dòng chảy tháng năm, thi ca nhạc họa về đề tài này vẫn soi bóng thời gian, vượt qua bao kiếp người mà ở mãi trong trái tim rung cảm. Để rồi trong chính dáng hình đất nước hình chữ S những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, ta lại tìm thấy một “Đất Nước” được khám phá một cách mới mẻ, độc đáo qua lời thơ Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca “Mặt đường khát vọng” Qua đó, “Đất Nước” được cảm nhận trong góc nhìn của không gian địa lý, qua những danh lam, thắng cảnh mang đậm chiều sâu văn hóa đã bật lên như một tiếng tri âm của nhà thơ dành cho tất cả những điều đẹp để dựng xây nên Tổ quốc. Nhà thơ mang nặng lòng biết ơn với những người đã “góp” cuộc đời, tên tuổi, số phận của mình để hóa thân thành những địa danh, thắm cảnh đặc biệt của Việt Nam:

“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

…..

Những cuộc đời đã hoá núi sông ta.”

Thân bài phân tích 12 câu thơ trong Đất Nước

Luận điểm 1: Lí luận văn học về thơ

Như chúng ta đã biết thơ ca là một thể loại văn học trữ tình ra đời từ rất sớm.Thơ là tiếng nói tình cảm, cảm xúc của người nghệ sĩ trước cuộc đời, nếu không có cảm xúc thì người nghệ sĩ không thể sáng tạo nên những vần thơ hay, ngôn từ sẽ chỉ là những xác chữ vô hồn nằm thẳng đơ trên trang giấy, như Ngô Thì Nhậm đã nói “thi sĩ phải xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần” còn Xuân Diệu khẳng định: “Thơ hay, lời thơ chín đỏ trong cảm xúc”. Trong bài thơ ” Đất nước nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện cảm xúc một cách mãnh liệt về đất nước, con người Việt Nam. Chính điều này đã làm nên sức sống bền lâu của tác phẩm.

Luận điểm 2: Khái quát chung

Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với giọng thơ trữ tình chính luận được hòa quyện hài hòa cùng cảm xúc nồng nàn, suy tư sâu lắng, ông đã chắp bút nên tác phẩm “Đất Nước” trích từ chương V của bản trường ca “Mặt đường khát vọng”. Đoạn thơ mà đề bài đưa ra nằm ở phần gần cuối của tác phẩm đã khẳng định những nét khám phá về không gian địa lý, vẻ đẹp về thiên nhiên, phẩm chất cao đẹp của nhân dân ta một cách thanh yên, nhẹ nhàng và giàu nhịp điệu.

Luận điểm 3: Phân tích 2 câu thơ đầu

Đến hòn Trống Mái, Thanh Hóa nghe truyền thuyết về mối tình thủy chung ( Ảnh Internet)
Đến hòn Trống Mái, Thanh Hóa nghe truyền thuyết về mối tình thủy chung

“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái”

Vận dụng tài tình nghệ thuật liệt kê với sự xuất hiện của hàng loạt những địa danh nối tiếp nhau, nhà thơ đã phác họa trọn vẹn một bức tranh thiên nhiên Việt Nam tươi đẹp, trải dài vẻ tuyệt mỹ, diễm lệ từ Bắc đến Nam. Trong bức tranh đầy màu sắc ấy, ta bắt gặp bóng dáng của Nhân dân với vô vàn câu chuyện nằm sâu trong tiềm thức bao thế hệ đã qua, từng câu chuyện lại gắn mình với từng bài học đạo lí, giá trị khác nhau mà ông bà xưa đã truyền lại mãi muôn đời cho con cháu mai sau. Hình tượng Đất Nước hiện lên qua từng địa danh như thế, một Đất Nước hùng vĩ, một giang sơn gấm vóc được tạo dựng bằng hành trình xây dựng, vun đắp của ông cha. Khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc đều là những cảnh đẹp say đắm lòng người, những danh lam thắng cảnh mang theo hồn thiêng của riêng nó từ câu chuyện lưu truyền đến hôm nay. Đó cũng là cách núi Vọng Phu và hòn Trống Mái đi vào huyền thoại cổ tích, biểu trưng cho những vẻ đẹp phẩm chất của lòng thủy chung, son sắt và tình nghĩa vợ chồng thiết tha, cảm động. Đất Nước từ “ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể” với sự tích hòn Vọng Phu qua câu chuyện nàng Tô Thị bồng con đợi chồng, sau khi chết đã hóa thân thành tượng đá, giữ đúng lòng thủy chung và tiết hạnh của mình. Lời ca dao: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh…” Theo tác giả Nguyễn Dược – Trung Hải trong Sổ tay địa danh Việt Nam, NXB Giáo dục năm 1998, nước ta hiện nay có đến bảy Hòn Vọng Phu ở các tỉnh Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên. Cảm thương tình cảnh người vợ bồng con chờ chồng đến hóa đá, nhạc sĩ Lê Thương đã sáng tác bài Hòn Vọng Phu với lời ngân nga cảm động lòng người: “Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về/ Bao nhiêu phen thời gian xóa phai lời thề/ Người tung hoành bên núi xa xăm/ Người mong chồng còn đứng muôn năm…”, ca ngợi tính chung thủy của người vợ năm nào, ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam. Bằng ý thơ gợi nhắc về câu chuyện “Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ…” ấy, Nguyễn Khoa Điềm đã có cái nhìn khám phá đặc biệt và nhân văn.Từng hòn núi ấy được tạc nên bằng tình nghĩa vợ chồng do “những người vợ nhớ chồng”, “cặp vợ chồng yêu nhau” cùng tô điểm, làm đẹp nên dáng hình Đất Nước như nhiều nhà thơ vẫn ngày đêm tha thiết nhắc về lối sống đẹp của của nhân dân Việt Nam:

“Vọng phu đá ẩn bóng người

Trông chồng mòn mỏi biển trời khắc ghi

Đây hòn Trống Mái uy nghi

Mối tình son sắt chia ly sao đành”

(Tuyệt tác Hạ Long – Nguyễn Thị Tính)

Hòn Vọng Phu, hòn Trống Mái không chỉ là vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn của Nhân dân, trở thành lời nhắn nhủ cho tình yêu lứa đôi thắm thiết, tình nghĩa vợ chồng chung thủy – một phần tình cảm quan trọng đã góp phần dựng xây một Đất Nước hòa hợp, hạnh phúc.

Luận điểm 4: Phân tích 2 câu thơ ”Gót ngựa Thánh Gióng… đất tổ Hùng Vương”

"Ngát linh thiêng hồn Tổ quốc tụ về" ( Ảnh Internet )
“Ngát linh thiêng hồn Tổ quốc tụ về”

Tiếp nối vẻ đẹp của tình nghĩa vợ chồng thủy chung chính là những vần thơ hào hùng gợi nên vẻ đẹp của truyền thống đánh giặc cứu nước, vẻ đẹp của người anh hùng làng Gióng năm xưa:

“Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương”

Vốn văn hóa dân gian sâu rộng trải trên mỗi trang thơ với những cảm nhận mới mẻ, tinh tế của nhà thơ hiện lên qua từng cách ông liệt kê những dấu tích, thắng cảnh của đất nước. Từng “trăm ao đầm” đến “Đất tổ Hùng Vương” mang theo câu chuyện lịch sử đặc biệt mà nhân dân vẫn luôn ngợi ca, khi người anh hùng làng Gióng năm xưa đã đánh đuổi giặc ân bằng tất cả sự quả cảm, can đảm và hết lòng cứu nước, cứu dân. Nhổ bụi tre đằng ngà quật vào giặc, cùng ngựa sắt bay về Trời chính là cách Phù Đổng Thiên Vương đã ở lại mãi trong từng làn gió mảnh đất của nước non ta, mãi phù trợ cho non sông xã tắc vững bền qua năm tháng. Chính câu chuyện Thánh Gióng dũng cảm nhổ tre đằng ngà đánh đuổi giặc Ân đã tạo cho nhân dân một niềm tin sắt đá về sự kiên cường, can đảm, mở ra bao con đường đứng lên đấu tranh cứu nước về sau. Khi Tổ quốc bị xâm lăng, tình yêu Tổ quốc sẽ thôi thúc ta trỗi dậy, cùng nhau đánh đuổi giặc ngoại xâm và giành lại độc lập cho dân tộc mình. Bên cạnh đó, chi tiết “chín mươi chín con voi” càng khẳng định tầm quan trọng của sự trung thành, son sắt một lòng, tinh thần đoàn kết của Nhân dân ta dành cho đất nước. Bởi, tương truyền nơi phần mộ của Vua Hùng thứ 6 đã được chôn trên núi Cả theo lời dặn của Người, để Người có thể thực hiện ước nguyện đứng trên núi cao trông nom bờ cõi cho con cháu. Cạnh đền còn có một cột đá, người xưa truyền lại khi Thục Phán được Vua Hùng nhường ngôi, đã dựng cột đá trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thề nguyện muôn đời bảo vệ giang sơn gấm vóc mà Vua Hùng trao lại và đời đời hương khói tại miếu Vua Hùng. Người ta vẫn nhắc về câu chuyện đã có một trăm voi khi nghe tin Hùng Vương chọn đất đóng đô và về chầu về đất Tổ, trong đó có một con voi đã quay ngược hướng với đàn, thể hiện lòng chưa trung thành và ngay thẳng. Từ đó, chín mươi chín con voi quần tụ, chung sức chung lòng bao quanh đất Tổ, “góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương” để bảo vệ vua Hùng, bảo vệ Nhân dân. Chính nơi dấu tích từng ao đầm mà gót ngựa Thánh Gióng đi qua và để lại, nơi những hòn đá bao quanh đền thờ vua Hùng đã được tạc dựng trong lòng người bao thế hệ bởi những giá trị văn hóa sáng ngời, thể hiện vẻ đẹp phẩm chất, tinh thần dân tộc đậm nét của người Việt Nam ta.

Luận điểm 5: Phân tích 2 câu thơ ”Những con rồng…núi Bút, non Nghiên”

Cánh thiên di nơi câu chữ đưa ta đi qua núi rừng, non nước phía Bắc và trở lại dòng chảy hiền hòa phía Nam. Núi cao rộng sâu, rừng vàng biển bạc một phần cũng nhờ:

” Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm”

Đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh “Long, Lân, Quy, Phụng”, hình ảnh của rồng vẫn luôn là biểu tượng thiêng liêng, dần ăn sâu vào tâm thức người Việt với sự trù phú, quyền uy, thịnh vượng, cho những ước mơ, khát vọng của Nhân dân. Ta nhớ một thủ đô Hà Nội với tên gọi đầu tiên: Thăng Long – rồng bay; một vùng Đông Bắc đất nước có Hạ Long – rồng hạ; một đồng bằng Nam Bộ với dòng sông Cửu Long – chín rồng chảy trôi, dạt dào mạnh mẽ. Vì thế, hình ảnh “những con rồng” cùng con số chín đã cùng làm nên cái tên của dòng sông lớn – Cửu Long, gửi gắm bao ước nguyện về sự vững bền, trường tồn vĩnh hằng của đất nước. Cách dùng từ của Nguyễn Khoa Điềm thật tài tình, khi linh vật lại “nằm im” ở Nam Bộ, nguyện dùng cả đời mình phò tá cho nước non, cho miền Nam Tổ quốc, góp vào dáng hình chữ S một “dòng sông xanh thẳm”, nước chảy hiền hòa, bồi đắp phù sa, cá tôm, đem lại cuộc sống ấm no cho bao người dân lương thiện nơi đây. Chính bởi “nằm im” bảo vệ cho phía Nam, lặng lẽ hòa trong dòng chảy Cửu Long, “những con rồng” – những khát vọng, ước mơ của Nhân dân cũng được khơi dòng, tỏa đi khắp bốn phương đất nước. Phải chăng để viết nên những lời thơ giàu cảm xúc như thế, Nguyễn Khoa Điềm đã có một quá trình lao động nghệ thuật vô cùng nghiêm túc và cần mẫn? Bởi “Cái kết tinh của vần thơ là muối biển/ muối lắng ở ô nề và thơ đọng ở bề sâu” (Chế Lan Viên). Chính sự cần cù, tâm huyết và hết lòng cho những vần thơ đã giúp “Đất Nước” đọng lại mãi trong lòng mỗi người qua bao thế hệ, đã làm nên một dáng hình thơ ca Nguyễn Khoa Điềm sáng mãi trên bầu trời thi ca Việt Nam.

Nước Việt ta từ ngàn đời luôn có truyền thống hiếu học tỏa sáng giữa năm châu, luôn ghi danh vào tên tuổi người tài của thế giới bằng những thành quả, những hành trình lĩnh hội tri thức đáng ngợi ca. Cũng vì thế, mảnh vườn thơ ca của Nguyễn Khoa Điềm đã chan chứa bao hạt mầm trân trọng, tin tưởng vào những người “học trò” dù nghèo khó hay đủ đầy, những người đã hết lòng góp sức mình vào dựng xây đất nước:

“Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên”

Miền Trung hiện lên thật đặc biệt với hình ảnh núi Bút non Nghiên do cậu học trò nghèo dựng nên, mang đến tên tuổi, động lực cho thế hệ sau này noi theo, phấn đấu vì chữ nghĩa, công danh, thành tài. Ta nhớ những lời răn dạy yêu thương của ông bà ngày thuở nhỏ: Cần mẫn chăm chỉ học hành sẽ sớm thoát khỏi cái nghèo, vất vả; chỉ có việc học, chỉ có tri thức mới giúp ta tìm kiếm công danh, thành đạt như mong muốn. Bài học thân thương ấy vẫn đi theo mỗi người Việt Nam từ khi ấu thơ đến lúc trưởng thành, vẫn là lời tâm niệm trong trái tim ta. Lời thơ chính là niềm tự hào của người con miền Trung dành cho quê hương xứ sở; dành cho vùng đất Quảng Ngãi với bao mến thương trải dài trang viết. Nền văn hóa, tinh thần vươn lên rạng rỡ sáng ngời, không chỉ đoàn kết, thủy chung mà người Việt Nam còn luôn cầu tiến, biết vượt qua mọi gian khó để tiến về phía trước.

Luận điểm 6: Phân tích 2 câu thơ ”Con cóc, con gà….Bà Đen, Bà Điểm”

Vịnh Hạ Long
Vịnh Hạ Long

Nhà thơ Lưu Quang Vũ từng viết: “Nếu chúng ta là kẻ không có tài chí lắm, không viết được điều gì to tát, thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống, về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người”. Thưởng trọn từng trang thơ của Nguyễn Khoa Điềm, ta dễ thấy “những niềm yêu thương đơn giản” ấy trong chính những địa danh, thắng cảnh mà ông nhắc về với lòng tự hào thiết tha:

“Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”

Dù là con vật lớn lao, hùng vĩ như voi, rồng dũng mãnh đến “con cóc, con gà quê hương” nhỏ bé đều đã và đang làm đẹp cho đất nước, đều “góp” vào mỗi địa danh, thắng cảnh những vẻ đẹp, giá trị văn hóa sâu sắc, trọn vẹn theo thời gian. Lời thơ ngân rung từ trái tim tự hào và biết ơn của thi sĩ, để rồi hình ảnh Hạ Long đã trở thành niềm tự hào của miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung. Năm 1962, khu vực vịnh Hạ Long được công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia. Năm 1994, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới về giá trị thẩm mỹ và được tái công nhận lần thứ 2, với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất – địa mạo vào năm 2000. Với những giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học và thẩm mỹ đặc biệt của vịnh, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long là di tích quốc gia đặc biệt và cho đến hôm nay, Hạ Long vẫn luôn để lại trong ta những ấn tượng riêng về dòng chảy ngát xanh, về dãy non cao điệp trùng hùng vĩ. Dưới ngòi bút của Nguyễn Khoa Điềm, từng câu thơ là ý nghĩa tượng trưng cho hàng loạt vẻ đẹp tâm hồn: nhân hậu, trí tuệ, tài năng, lòng dũng cảm của nhân dân. Chính các động từ “góp”, “góp nên”, “ để lại”… được điệp lại đầy tinh tế đã và đang tô điểm cho Đất Nước trở nên mới mẻ, đặc biệt qua từng câu thơ. Một Đất Nước bình dị, mộc mạc, thân quen một lần nữa hiện lên trong dáng hình chăm chỉ, cần cù, hết lòng vì Tổ quốc non sông của Nhân dân để “góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”. Miền Nam gợi ta nhớ, ta thương trong từng vẻ đẹp chịu thương chịu khó, dầm dãi ng mưa, lao động lam lũ để dựng nên cơ đồ, dựng xây núi sông, bờ cõi, nhà cửa, ruộng nương. Từng vùng miền, rừng Bắc Trung – Nam trong dải đất hình chữ S tỏa rộng khắp trang thơ đã làm nên một không gian địa lí đáng trân trọng và tự hào, khiến ta càng quý, càng thương, càng hướng lòng mình về từng vùng đất thân thương giữa Việt Nam mình.

Luận điểm 7: Phân tích 4 câu thơ cuối

Vốn là một người con am hiểu về phong tục tập quán, vẻ đẹp từng vùng miền từ Bắc vào Nam, nhà thơ xứ Huế đã dành trọn tấm lòng viết về sự hóa thân của Nhân dân dành cho Đất Nước. Đó là một quá trình dựng xây, bảo vệ và phát triển bằng tất cả máu xương, tâm hồn của Nhân dân ta:

“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha”

Ruộng đồng gò bãi, nương lúa khoai ngô… tất cả đều là hình ảnh của quê hương xứ sở, của làng quê Việt Nam thân thương, gần gũi. Những núi non, sông biển, tên bản, tên làng đều mang dáng hình Đất Nước, đều đáng được nâng niu, trân trọng; đều đáng để ta mang theo bên mình trong hành trình ta lớn lên. Hình tượng Đất Nước trong câu chữ của Nguyễn Khoa Điềm cũng chính là điệu tâm hồn, ước mơ, giá trị mà ông cha ta đã dành cả đời người để xây dựng, để bồi đắp trong ta những khát vọng cao đẹp từ “dáng hình” anh hùng, trí dũng, kiên cường, nhân nghĩa của cha ông ta. “Dáng hình” ấy đã được lưu danh trong bao trang sử, bao ghi công, nhớ ơn trên những tấm bia còn vương nỗi niềm tự hào của bao người nằm xuống. Nhưng “dáng hình” ấy cũng chính là “dáng hình” của những người vô danh đã ngã xuống vì non sông, đã hiến trọn cuộc đời cho dân tộc anh hùng. Những “dáng hình” lặng thầm mang tên Nhân dân, hướng về Tổ quốc, hướng về tương lai mà cho đi không nề hà, không suy tính, không đắn đo. Trên khắp Tổ quốc này, Nhân dân và bao người anh hùng, bao người con đất Việt đã gửi gắm vào từng hơi thở, từng tấc đất, từng núi non, từng cây cỏ những dáng hình, ao ước, “một lối sống ông cha” với phẩm chất nhân nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết, gắn bó chung sức, chung lòng. Dáng hình ấy, lối sống ấy chính là tiền đề cho hành trình phát triển vững bền của một quốc gia, một dân tộc, cũng chính là vẻ đẹp ẩn hiện sau lời thơ mà thi nhân đã dốc lòng gửi gắm. Giọng thơ đong đầy tính triết luận, chiêm nghiệm, lắng sâu đã đại diện cho cái hay, cái đẹp trong hồn thơ Nguyễn Khoa Điềm. Nhà thơ ca ngợi sự hóa thân của Nhân dân vào từng di tích lịch sử, danh lam lam thắng cảnh làm nên Đất Nước, bộc bạch tiếng lòng đậm tình với non sông. Bởi dù là ai, ở bất kì lớp nào, mỗi người con Việt Nam đều cần có tình yêu nước đậm sâu, đều cần hiểu được sứ mệnh và bổn phận của mình cho quê hương, đất nước, dân tộc:

“Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…”

Thán từ “ôi” tạo nên sự du dương, cân bằng trong trong câu thơ chan hòa, làm cho lời thơ thêm lắng đọng, da diết mà không hề gò bó, khô khan khi tác giả gửi gắm lời nhắn nhủ của mình. Câu thơ vừa là lời ca ngợi sự hóa thân của Nhân dân vào Đất Nước, vừa nhắn gửi ẩn thầm về vai trò, sứ mệnh của thanh niên, tuổi trẻ lúc bấy giờ trong hành trình cống hiến, góp giá trị vào non sông. Vẻ đẹp “bốn ngàn năm” được dựng xây từ cuộc đời, trí tuệ của Nhân dân và vẻ đẹp ấy cần được kế thừa, phát huy bằng chính sự hiến dâng hết mình của thế hệ trẻ yêu nước. Đất Nước đẹp đẽ, hài hòa như thế không khỏi khiến người đọc bồi hồi, xốn xang:

“Ôi ! Việt Nam! Yêu suốt một đời…”

(Vui thế hôm nay, Tố Hữu)

Luận điểm 8: Đánh giá nội dung

Đây là một trong những đoạn thơ hay và đặc sắc nhất trong cả bài thơ. Đoạn thơ là cách nhìn mới mẻ về Đất Nước trong chiều dài lịch sử, chiều rộng địa lý và chiều sâu văn hóa thật tinh tế, lắng đọng. Những những cảnh quan thiên nhiên, vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh gắn liền với đời sống của Nhân nhân đã được tiếp nhận và cảm thụ một cách có chọn lọc, tinh tế và sâu sắc. Đoạn thơ đã minh chứng cho một chân lí: Đất Nước là sự “hóa thân” kì diệu diệu của Nhân dân, do Nhân dân tạo dựng và chỉ được phát triển khi thế hệ trẻ luôn ý thức về điều đó và “hóa thân” để tiếp nối, phát huy những giá trị muôn đời.

Luận điểm 9: Đánh giá nghệ thuật

Sức sống của một tác phẩm văn học bắt nguồn từ chính tình cảm mãnh liệt gợi lên từ sâu thẳm trong tâm khảm nhà thơ, từ quá trình xây dựng nội dung và nghệ thuật đậm nét riêng, in đậm dấu ấn phong cách sáng tạo của người nghệ sĩ chân chính. Với “Đất Nước”, từng lời thơ cùng hệ thống ngôn từ đậm chất nghệ thuật, đậm cá tính sáng tạo đã mang đến cho người đọc những dư vị cảm nhận riêng, những nét trầm bổng trong cảm xúc cùng nhịp điệu thơ ca lắng đọng của Nguyễn Khoa Điềm. Lời thơ ấy đã cõng trên lưng mình những tâm sự, chiêm nghiệm thiết tha, gửi đến người đọc bao giá trị sâu sắc, cho ta hiểu được vẻ đẹp của không gian địa lý non sông không chỉ là chiều dài hay chiều rộng của dáng hình chữ S, mà còn là chiều sâu văn hóa từ chính Nhân dân đã tạo nên. Bằng thể thơ tự do, phóng khoáng; giọng thơ trữ tình – chính luận thủ thỉ, tâm tình, biến đổi linh hoạt; bằng biện pháp liệt kê, tạo ấn tượng về vẻ đẹp dồi dào, phong phú của những thắng cảnh, những dấu tích, nhà thơ đã xây dựng nên một “Đất Nước” từ trái tim giàu xúc cảm và tài năng thơ ca sâu sắc, định vị một tên tuổi, một dáng hình trong thời kì thơ ca kháng chiến chống Mỹ.

Kết bài phân tích 12 câu thơ trong Đất Nước

Bằng giọng điệu thơ tự nhiên với thể thơ tự do được vận dụng triệt để, kết cấu chặt chẽ với các thủ pháp nghệ thuật liệt kê đã làm cho đoạn thơ giàu sức gợi cảm và vô cùng linh hoạt. Từng câu thơ, từng hình tượng đucợ gắn kết và đan cài, trải dài từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam như dẫn dắt độc giả khám phám hết chiều dài đất nước trên bình diện địa lý thật đặc biệt. Nhà thơ thể hiện tất cả sự trân trọng với “Đất nước của nhân dân” bằng việc luôn viết hoa hai chứ “Đất Nước”, xem Đất nước như một sinh thể, và nhân dân đã “góp” vào sinh thể ấy những tình cách, những cuộc đời thật đẹp.

Mặc cho bước chân thời gian vẫn chảy trôi không ngừng, thơ văn vẫn ở đó và vẫn tỏa sáng, bởi lẽ “Thơ ca làm cho những gì tốt đẹp nhất trở thành bất tử” (Shelly), nên chúng cũng trường tồn mãi mãi với tháng năm. Bài thơ “Đất Nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã ngân lên một khúc dạo du dương, dịu dàng, khắc sâu vào từng trái tim, từng tâm hồn, gợi lên một niềm yêu thương, tự hào khó tả về mảnh đất quê hương thân yêu, nơi ta thuộc từng đường đi lối về, từng hàng cây ngọn cỏ. Dù đi đâu, đi đến tận cuối đất cùng trời, ta vẫn tự hào mang trang mình dòng máu Lạc Hồng hào hùng, hiên ngang. Dù ta là ai, chỉ cần ta sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, trái tim sẽ mãi luôn nhớ: “Dù đi đâu.. Đến phương trời nào, cũng chẳng đẹp hơn nước non Việt Nam”..

Xem thêm

[Dowload] Bộ tập tô chữ cái cho bé 5 tuổi đầy đủ, full 4K chuẩn nhất 2023

Bộ tập tô chữ cái cho bé 5 tuổi đầy đủ, full 4K chuẩn nhất 2023 dưới đây gồm bảng chữ cái 28 chữ đơn và 11 chữ ghép, phù hợp cho bé 5 tuổi để tập tô và làm quen với các chữ cái trước khi bước vào lớp 1.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
3 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Phạm Long Thuyên

bài viết hay lắm

Bequyt24

Bài viết rất hay