“Ăn nhiều rau vào” là câu thần chú mà tất cả chúng ta đều được dặn phải làm theo từ nhỏ đến lớn. Nhưng liệu có khi nào “thần chú” cũng mất linh không? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá những điều bất ngờ trong bài viết này nhé!
- Ăn nhiều rau đúng là có lợi, nhưng không phải lúc nào cũng thế!
- Bệnh Crohn và viêm ruột
- Người bị đầy hơi chướng bụng
- Trước và sau khi trải qua phẫu thuật
- Hội chứng ruột kích thích (irritable bowel syndrome – IBS)
- Bệnh thận
- Người bị ợ nóng
- Rau củ quả đã qua chế biến chứa nhiều đường và muối
- Trước khi vận động mạnh
- Một số loại rau làm nước tiểu “bất thường”
- Một số loại rau củ quả làm bạn bị vàng da
Chế độ ăn nhiều rau củ quả là chìa khóa để giảm cân, phòng ngừa bệnh tật, tăng cường sức khỏe – đó là điều tất cả chúng ta đều thuộc nằm lòng. Nhưng chắc chắn bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng có những trường hợp chúng ta nên hạn chế lượng rau củ quả trong khẩu phần ăn hằng ngày, thậm chí ăn càng ít càng tốt!
Ăn nhiều rau đúng là có lợi, nhưng không phải lúc nào cũng thế!
Đã bao nhiêu lần bạn được nhắc nhở rằng “ăn rau nhiều vào”? Chắc là không thể đếm hết! Đó là vì rau củ quả có tác dụng cực kỳ tốt cho sức khỏe, giúp bổ sung chất xơ, các khoáng chất và vitamin thiết yếu mà cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được. Chế độ ăn nhiều rau giúp bạn nạp nhiều dưỡng chất quý giá mà không sợ dư thừa calo gây tăng cân béo phì.
Tuy vậy lại có những trường hợp bạn nên “nhịn” ăn rau để đảm bảo cơ thể không gặp vấn đề. Một số bệnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa thức ăn và hấp thu dưỡng chất, gây đau bụng, tiêu chảy, khi đó người bệnh cần tránh các thức ăn nhiều chất xơ như rau quả. Bên cạnh đó có những bệnh khác lại rất “kỵ” các chất có trong rau nên cũng khiến bạn phải gạch bỏ loại thực phẩm này trong bữa ăn của mình.
Bệnh Crohn và viêm ruột
Đây là một dạng bệnh viêm ruột mãn tính gặp ở phương Tây nhiều hơn. Người bị bệnh Crohn có thể ăn uống khá bình thường trong phần lớn thời gian, nhưng khi bệnh trở nặng và xuất hiện những đợt bùng phát sẽ làm niêm mạc đường tiêu hóa bị tổn thương nghiêm trọng, do đó người bệnh cần ăn những thực phẩm mềm và dễ tiêu, đặc biệt cần tránh ăn trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt dù những thực phẩm này có lợi cho sức khỏe tổng quát.
Khi đợt bùng phát đã được điều trị ổn, người mắc bệnh Crohn có thể ăn uống bình thường trở lại và lúc này cần nạp đủ thực phẩm giàu dưỡng chất để cơ thể hồi phục, bao gồm cả các loại rau củ quả.
Người bị đầy hơi chướng bụng
Chắc bạn đã từng biết đến “tác dụng” của khoai lang hay các loại đậu khi được ăn quá nhiều, đó là khiến bụng bị đầy hơi và phải tìm cách “xả” bớt ra ngoài! Thực tế hầu hết các loại rau củ quả đều có khả năng gây ra hiện tượng này với mức độ ít nhiều khác nhau.
Ngoài đậu và khoai, các loại rau xanh có thể gây đầy hơi nhiều hơn cả do chứa lượng chất xơ dồi dào là bông cải xanh, bắp cải, cải Brussels và măng tây. Đầy hơi cũng có thể xảy ra khi bạn cố ăn quá nhiều rau so với bình thường, do đó nếu muốn tăng lượng chất xơ trong bữa ăn bạn nên thêm từ từ mỗi ngày một ít thôi nhé.
Trước và sau khi trải qua phẫu thuật
Theo các bác sĩ, sau khi được phẫu thuật đường tiêu hóa (chẳng hạn như cắt đoạn ruột) người bệnh sẽ phải kiêng ăn rau trong khoảng 2 đến 6 tuần để tạo điều kiện cho vết mổ liền sẹo. Các bệnh nhân này thường được khuyên ăn các thực phẩm ít chất xơ để giảm sự cọ xát lên niêm mạc đường tiêu hóa, sau đó sẽ tập ăn rau từng ít một để theo dõi đáp ứng của cơ thể ra sao.
Trước khi cuộc mổ diễn ra, người bệnh cũng được yêu cầu nhịn ăn các thực phẩm rắn – bao gồm cả rau – để đường tiêu hóa thải hết thức ăn cũ, tạo thuận lợi cho quá trình phẫu thuật.
Hội chứng ruột kích thích (irritable bowel syndrome – IBS)
Cũng giống như bệnh Crohn, người mắc IBS có thể được hưởng lợi từ chế độ ăn ít chất xơ để tránh đầy hơi, đau bụng, co thắt và tiêu chảy là những triệu chứng thường gặp của hội chứng này.
Mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa hiểu hoàn toàn về nguyên nhân và cơ chế gây nên IBS nhưng điều đã rõ là có những loại thức ăn dễ làm người bệnh trở nặng hơn bình thường, và giảm lượng chất xơ có thể là một biện pháp hữu ích đối với nhiều bệnh nhân.
Bệnh thận
Người mắc các bệnh về thận như suy thận và bệnh thận mạn nên tránh ăn các loại rau củ quả chứa nhiều kali và phốt pho vì thận của họ không thể đào thải các chất này ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả như người khỏe mạnh.
Đặc biệt kali khi không được thận lọc và thải ra nước tiểu sẽ tăng cao trong máu có thể dẫn đến loạn nhịp tim gây tử vong. Các loại rau củ quả mà người mắc bệnh thận không nên ăn bao gồm khoai tây, khoai lang, măng tây, cải Brussels và hầu hết các loại trái cây do có chứa nhiều kali.
Người bị ợ nóng
Nếu bạn là “nạn nhân” của những cơn ợ nóng khó chịu thì các thực phẩm nhiều axit như cà chua hay các sản phẩm từ cà chua sẽ là thứ bạn nên tránh. Axit của dạ dày kết hợp với axit trong thức ăn sẽ làm triệu chứng ợ nóng và trào ngược dạ dày thực quản trở nên tồi tệ hơn.
Những người mắc các bệnh này thường được khuyên nên dùng sổ ghi chép để theo dõi những loại thực phẩm ăn vào hằng ngày và cơ thể có đáp ứng tốt với chúng hay không.
Rau củ quả đã qua chế biến chứa nhiều đường và muối
Những người bị tăng huyết áp, bệnh thận và các bệnh tim mạch khác luôn phải kiểm soát lượng muối nạp vào cơ thể, khi đó các loại rau đóng hộp sẽ là “kẻ thù” của họ vì lượng muối khá lớn được thêm vào trong quá trình chế biến để tạo vị ngon cho món ăn. Kể cả khi không mắc bệnh gì thì bạn vẫn nên hạn chế lượng muối trong thực phẩm để đảm bảo sức khỏe.
Bên cạnh muối thì đường cũng là loại gia vị được các nhà sản xuất thực phẩm rất “hào phóng” nêm vào món ăn. Có thể dễ dàng tìm mua các loại trái cây sấy khô tẩm đường, sốt cà chua ngọt lịm và rất nhiều món rau đóng hộp được thêm đường để kích thích vị giác của người dùng. Tác hại của việc ăn nhiều đường thì ai cũng rõ, đó là nguyên nhân gây thừa cân, béo phì, tăng nguy cơ tiểu đường…
Không chỉ tăng thêm lượng đường và muối, rau củ quả đã qua chế biến còn bị giảm mất các dưỡng chất do ngâm rửa nhiều lần, nhiệt độ cao phá hủy và thời gian bảo quản lâu. Do đó mỗi khi lựa chọn các thực phẩm này bạn nên xem kỹ thành phần nguyên liệu in trên bao bì, nhưng tốt nhất là hãy dùng rau củ quả tươi sống để giữ được đầy đủ dưỡng chất nhé!
Bên cạnh những bệnh lý kể trên, có những trường hợp tuy không phải là bệnh nhưng cũng có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn nếu ăn nhiều rau, đó là:
Trước khi vận động mạnh
Các vận động viên chuyên về những môn thể thao đòi hỏi sức bền như chạy đường trường đều biết rằng tập luyện cường độ cao trong thời gian dài sẽ gây ra nhiều vấn đề ngoài đau mỏi cơ bắp. Khi tập luyện cơ thể sẽ dồn máu tới cung cấp cho các cơ, do vậy làm giảm lượng máu tới các cơ quan hoạt động tiêu hóa thức ăn như dạ dày và ruột.
Vì thế nếu bạn ăn nhiều trước khi tập nặng thức ăn sẽ không được tiêu hóa tốt dẫn đến tức bụng, thậm chí đau và tiêu chảy. Đặc biệt thức ăn giàu chất xơ như rau lại càng lâu bị tiêu hóa trong dạ dày khiến cho bụng của bạn dễ gặp vấn đề hơn.
Lựa chọn tốt nhất trước khi bạn tham gia các hoạt động thể dục thể thao không phải là rau mà nên là các loại carb dễ tiêu như bánh mì phết một ít bơ đậu phộng, chuối, hoặc ngũ cốc với sữa.
Một số loại rau làm nước tiểu “bất thường”
Củ dền được biết đến là có khả năng làm nước tiểu chuyển thành màu đỏ trông rất “đáng sợ”. Hiện tượng này được gây ra bởi hợp chất betacyanin tạo nên màu sắc đặc trưng cho loại củ này. Tuy nhiên không phải ai ăn củ dền cũng bị tiểu đỏ do đáp ứng của cơ thể với betacyanin còn phụ thuộc vào yếu tố di truyền của mỗi người nữa.
Một số người sau khi ăn măng tây sẽ thấy nước tiểu của mình có mùi như bắp cải luộc, đó cũng là kết quả của quá trình tiêu hóa và không phải ai cũng bị như vậy. Chỉ những người có cơ địa di truyền nhất định mới chuyển hóa các hợp chất sulfuric trong măng tây theo cách tạo ra mùi đặc trưng, và thậm chí một số người có tạo ra mùi này nhưng cũng không ngửi thấy được.
Một số loại rau củ quả làm bạn bị vàng da
Nhiều cha mẹ lâu nay vẫn dặn con rằng ăn quá nhiều cà rốt sẽ bị biến thành màu cam, và thực tế điều đó không phải là lời đồn vô căn cứ. Hiện tượng này có nguyên nhân là do tăng beta carotene trong máu, chính là chất sắc tố tạo nên màu của cà rốt, đu đủ, bí ngô và nhiều loại rau có màu đỏ vàng cam khác.
Tuy da bị biến thành màu vàng nhìn rất đáng sợ (giống như người bị bệnh gan) nhưng thực tế chất carotene tích tụ trong cơ thể không gây hại gì cho sức khỏe, và chỉ cần ngừng ăn những loại thực phẩm “thủ phạm” vài ngày là da bạn sẽ trở về bình thường thôi.
Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin thú vị và bổ ích. Hãy chăm sóc cơ thể mình đúng cách mỗi ngày và chú ý tới những bệnh thường gặp kể trên bạn nhé!
Mời bạn tiếp tục theo dõi những bài viết lý thú của BlogAnChoi:
- 7 nguyên nhân thường gặp khiến trẻ khó tăng trưởng chiều cao
- 5 điều sai lầm về tật cận thị mà nhiều người vẫn tưởng là đúng
Chúc bạn luôn nhận được những kiến thức hữu ích mỗi ngày tại BlogAnChoi nhé!