Tự kỷ là “bệnh” gì? Người tự kỷ có thể học tập được hay không? Và có phải trẻ tự kỷ hay bạo lực hơn trẻ bình thường? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá 10 sự thật về “căn bệnh” mà chúng ta tưởng như đã rất quen thuộc này nhé!
- 1. Tự kỷ là một bệnh?
- 2. Tiêm vắc xin có thể gây tự kỷ?
- 3. Tự kỷ đang trở thành một “đại dịch” trên thế giới?
- 4. Tất cả những người mắc tự kỷ đều có một kỹ năng thiên tài nào đó?
- 5. Người tự kỷ không có cảm xúc?
- 6. Người tự kỷ có vấn đề về trí tuệ và không nói được?
- 7. Trẻ em bị tự kỷ có thể khỏi khi lớn lên nhờ can thiệp hoặc tự nhiên?
- 8. Người bị tự kỷ không thể học tập được?
- 9. Cách nuôi dạy không đúng của cha mẹ có thể khiến trẻ bị tự kỷ?
- 10. Những đứa trẻ bị tự kỷ thường có tính cách bạo lực hơn?
Trong xã hội hiện nay có rất nhiều quan niệm sai lầm về tự kỷ, thậm chí lạm dụng khái niệm này để trêu chọc nhau mà không hiểu nó có nghĩa là gì. Dù vô tình hay cố ý thì những lời nói đó đều có thể gây tổn thương cho những người không may mắc phải chứng rối loạn này. Vậy hãy cùng tìm hiểu về bản chất của tự kỷ để giúp cho những người mắc “bệnh” này có thể được thấu hiểu và giúp đỡ vượt qua khó khăn trong cuộc sống nhé.
Rối loạn phổ tự kỷ (autism spectrum disorder – viết tắt là ASD, thường gọi tắt là tự kỷ) ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số hiện nay. Tình trạng này thường được phát hiện ở trẻ em, nhưng một số người lớn cũng có thể được chẩn đoán mắc tự kỷ.
Từ “phổ” trong tên gọi của tự kỷ nói lên rằng đây là một rối loạn với rất nhiều biểu hiện khác nhau về tính chất và mức độ. Không có hai người tự kỷ nào giống nhau hoàn toàn, chẳng hạn như một số người có thể gặp vấn đề về ngôn ngữ hoặc giao tiếp, trong khi những người khác lại nói chuyện bình thường. Có thể nói mỗi người mắc tự kỷ là một cá thể riêng biệt và có vô số đặc điểm biểu hiện khác nhau của chứng rối loạn này.
1. Tự kỷ là một bệnh?
Sự thật là: tự kỷ không phải là một bệnh và không thể chữa được bằng thuốc hay bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Thực chất đây là một rối loạn phát triển thần kinh, biểu hiện bằng sự bất thường trong giao tiếp hoặc khó thực hiện các kỹ năng xã hội và tương tác với mọi người xung quanh. Tuy nhiên với sự trợ giúp của các liệu pháp đặc biệt và sự can thiệp của chuyên gia, người mắc tự kỷ vẫn có thể sống tự lập, khỏe mạnh và tạo ra giá trị cho xã hội một cách có ý nghĩa.
Có nhiều yếu tố được cho là góp phần gây nên tự kỷ, từ môi trường cho tới di truyền. Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ về rối loạn này nhưng chắc chắn đó không phải là một bệnh.
2. Tiêm vắc xin có thể gây tự kỷ?
Sự thật là: không có bằng chứng nào để nói rằng vắc-xin gây ra tự kỷ.
Nguồn gốc của lời đồn này bắt đầu từ một nghiên cứu hồi cuối những năm 1990 nói rằng có mối liên quan giữa việc tiêm vắc-xin và chứng tự kỷ. Tuy nhiên bản thân nghiên cứu này không đạt được những tiêu chuẩn của khoa học và còn bị vạch trần là giả dối, kết quả không đáng tin cậy. Thậm chí sau đó nhà khoa học đứng sau nghiên cứu này đã bị tước bằng bác sĩ.
Tuy vậy lời đồn “vắc-xin gây tự kỷ” vẫn được lưu truyền suốt nhiều năm qua, bất chấp sự thật rằng nó hoàn toàn vô căn cứ.
3. Tự kỷ đang trở thành một “đại dịch” trên thế giới?
Sự thật là: mặc dù số người được chẩn đoán tự kỷ ngày càng tăng lên nhưng đó không phải là một đại dịch như nhiều người vẫn tưởng.
Đúng là trong những năm gần đây ngày càng có thêm nhiều người được chẩn đoán mắc tự kỷ trên khắp thế giới, nhưng lý do của hiện tượng này là vì xã hội ngày càng hiểu biết hơn về rối loạn phổ tự kỷ.
Việc định nghĩa rõ ràng chứng rối loạn này giúp cho các bác sĩ và nhà khoa học có thể nhận biết và chẩn đoán chính xác hơn, nhờ vậy nhiều người trước đây chưa được chẩn đoán thì nay đã được xác định là mắc tự kỷ và nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ cần thiết.
4. Tất cả những người mắc tự kỷ đều có một kỹ năng thiên tài nào đó?
Sự thật là: hội chứng thiên tài thực sự có tồn tại, nhưng không phải người nào mắc tự kỷ cũng có “siêu năng lực” như vậy.
Lời đồn này bắt nguồn từ một vài trường hợp cá biệt được thổi phồng bởi phim ảnh và truyền thông đại chúng. Trên thực tế hội chứng thiên tài là hiện tượng rất hiếm gặp, trong đó con người thể hiện những khả năng phi thường về trí óc, chẳng hạn như ghi nhớ, nghệ thuật hay tính toán cực nhanh.
Theo thống kê chỉ có chưa tới một phần mười số người mắc tự kỷ sở hữu một kỹ năng nào đó vượt trội hơn người bình thường, và những kỹ năng này cũng rất đa dạng thuộc nhiều thể loại và mức độ khác nhau.
Người tự kỷ thường có sự quan tâm và tập trung cực kỳ cao độ đối với một lĩnh vực nhất định, thậm chí quên hết thế giới xung quanh. Điều đó cho phép họ có thể thu nhận lượng kiến thức và thông tin nhiều hơn người bình thường về lĩnh vực đó, dẫn tới khả năng trở thành thiên tài. Tuy nhiên không phải ai cũng như vậy.
5. Người tự kỷ không có cảm xúc?
Sự thật là: Đây là quan niệm sai lầm cực kỳ tai hại. Người tự kỷ hoàn toàn có thể cảm nhận được các cảm xúc giống như người bình thường.
Thực tế chứng tự kỷ có ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp và tương tác xã hội, khiến những người mắc phải rối loạn này gặp khó khăn trong việc hiểu cảm xúc và ngôn ngữ hình thể của người khác, cũng như khó nắm bắt được thay đổi của xã hội. Điều đó ảnh hưởng tới khả năng kết nối và tạo quan hệ với mọi người, nhưng không có nghĩa rằng họ không có cảm xúc hay mối quan tâm nào.
Hiện nay các liệu pháp can thiệp đặc biệt có thể giúp người tự kỷ bộc lộ được suy nghĩ và cảm nhận bên trong con người mình.
6. Người tự kỷ có vấn đề về trí tuệ và không nói được?
Sự thật là: một số người tự kỷ bị khiếm khuyết về trí tuệ, nhưng những người khác thì không. Điều quan trọng cần nhớ là bản thân tự kỷ không phải là khuyết tật về trí tuệ.
Quan niệm sai lầm này bắt nguồn từ việc không hiểu rằng tự kỷ có biểu hiện rất đa dạng. Một số người mắc phải rối loạn này vẫn có thể nói chuyện và giao tiếp, thậm chí có những người sở hữu IQ cao hơn dân số trung bình, trong khi những người khác cũng có mức IQ bình thường. Nói cách khác, rối loạn phổ tự kỷ có rất nhiều biểu hiện khác nhau về mức độ giao tiếp, khả năng ngôn ngữ và trí tuệ.
7. Trẻ em bị tự kỷ có thể khỏi khi lớn lên nhờ can thiệp hoặc tự nhiên?
Sự thật là: tự kỷ không thể chữa khỏi được, đó là một tình trạng kéo dài suốt đời và không có cách nào để chữa bằng thuốc hay các liệu pháp điều trị khác.
Nhiều người nghĩ rằng tự kỷ là một giai đoạn ở trẻ em và sẽ tự khỏi khi lớn lên hoặc nhờ điều trị. Tất nhiên những liệu pháp và can thiệp hợp lý có thể giúp cải thiện một vài khía cạnh nhất định, giúp người tự kỷ phát triển các kỹ năng mới, nâng cao khả năng giao tiếp và tương tác xã hội để có cuộc sống tốt hơn.
Do vậy mặc dù phải sống chung với chứng rối loạn này suốt đời nhưng không có lý do gì để người tự kỷ không thể hạnh phúc và sống có ý nghĩa như bao người bình thường khác.
8. Người bị tự kỷ không thể học tập được?
Sự thật là: năng lực học tập của những người tự kỷ rất khác nhau, không ai giống ai.
Quan niệm này cũng tương tự như suy nghĩ cho rằng người tự kỷ có vấn đề về trí tuệ. Cũng giống như với người bình thường, việc giáo dục cho người tự kỷ đòi hỏi sự hiểu biết về những nhu cầu, năng lực và tính cách của từng cá nhân.
Hầu hết người tự kỷ cần nhận được sự thấu hiểu nhiều hơn và những phương pháp đặc biệt để có thể học tập như người bình thường, nhưng một số người thì không cần như vậy, thậm chí có thể học tập dễ dàng hơn so với những người không bị tự kỷ. Các liệu pháp đặc biệt cũng có thể được sử dụng để giúp người tự kỷ tiến bộ theo cách riêng của họ.
9. Cách nuôi dạy không đúng của cha mẹ có thể khiến trẻ bị tự kỷ?
Sự thật là: trẻ em bị chẩn đoán tự kỷ không hề phản ánh cách nuôi dạy hay tình thương của cha mẹ dành cho chúng.
Đây là quan niệm cực kỳ sai lầm, bắt nguồn từ một giả thuyết hồi những năm 1950 cho rằng người mẹ không có tình cảm và bỏ mặc con mình sẽ làm cho đứa trẻ bị tổn thương đến mức tự kỷ. Giả thuyết này sau đó đã bị chứng minh là sai bởi các nghiên cứu khoa học, không có bằng chứng nào cho thấy cách nuôi dạy của cha mẹ có thể gây ra chứng tự kỷ. Tuy vậy đến nay lời đồn vẫn không bị xóa bỏ hoàn toàn.
10. Những đứa trẻ bị tự kỷ thường có tính cách bạo lực hơn?
Sự thật là: không phải tất cả trẻ em tự kỷ đều có xu hướng bạo lực, và nếu có biểu hiện bạo lực thì cũng không hẳn là nhiều hơn so với những đứa trẻ bình thường.
Đây cũng là một quan niệm sai lầm cực kỳ bất công và đã gây ra rất nhiều tai hại cho người tự kỷ từ trước tới nay. Các nghiên cứu khoa học gần đây đã chỉ ra rằng mức độ bạo lực ở người tự kỷ không nhiều hơn so với người bình thường.
Trẻ em tự kỷ có những biểu hiện mà chúng ta cho là bạo lực đôi khi là vì thiếu khả năng bày tỏ hoặc đối phó với những cảm xúc của bản thân theo cách bình thường. Có thể đó là vấn đề trong việc tiếp nhận các cảm giác từ môi trường xung quanh, không thể điều hòa cảm xúc hay tự sắp xếp những suy nghĩ của mình một cách mạch lạc.
Dù nguyên nhân bên trong là gì đi nữa thì cũng không thể nói rằng trẻ em bị tự kỷ có tính cách bạo lực hơn và dễ gây tổn thương cho mọi người xung quanh.
Người tự kỷ có quyền nhận được sự cảm thông, thấu hiểu và hỗ trợ từ xã hội. Nếu tất cả chúng ta đều tự trang bị cho mình những kiến thức đúng đắn về tự kỷ thì tất cả mọi người sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hãy lan tỏa những kiến thức hữu ích để góp phần xóa đi những quan niệm sai lầm bạn nhé!
Mời bạn đọc tiếp những bài viết thú vị khác của BlogAnChoi:
- 11 quan niệm sai lầm về ung thư vú – căn bệnh cực kỳ nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời!
- Stress có thể làm hại tim mạch ghê gớm đến thế nào?
Chúc bạn luôn nhận được những thông tin bổ ích và hấp dẫn tại BlogAnChoi nhé!
Tác giả phân tích rất chi tiết về bệnh, ủng hộ 5 sao