Cho bé học tiếng Anh ở nhà hay đến trung tâm là câu hỏi bố mẹ thường đặt ra bởi thật khó khi cả hai đều có những ưu và khuyết điểm riêng. Hãy yên tâm, bài viết này sẽ giúp ba mẹ lựa chọn định hướng học tiếng Anh phù hợp sao cho trẻ phát triển ngôn ngữ một cách toàn diện và hiệu quả.
Một số lưu ý trước khi đọc bài viết
Bài viết này không đề cập đến việc thuê gia sư mà là bố mẹ trực tiếp dạy tiếng Anh cho bé. Thường khi thuê gia sư dạy tiếng Anh dễ gặp phải trường hợp gia sư thiếu kỹ năng giao tiếp với trẻ, biến việc tiếp thu ngôn ngữ tự nhiên trở nên nghiêm túc mà ở độ tuổi nhỏ là không cần thiết.
Bố mẹ chỉ nên dạy con học tiếng Anh tại nhà khi cảm thấy tự tin vào khả năng giao tiếp, phát âm, ngữ điệu và ngữ pháp của mình. Có thể cho con song song học online với giáo viên bản xứ thông qua trung tâm hoặc các ứng dụng trực tuyến để đảm bảo hơn.
Cho bé học tiếng Anh tại trung tâm
Lợi ích của học trung tâm tiếng Anh
- Chương trình học tại trung tâm đã được các chuyên gia ngôn ngữ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy biên soạn với giáo trình và phương pháp học bài bản. Chương trình được thiết kế sao cho phù hợp với các lứa tuổi và trình độ tiếng Anh khác nhau của trẻ.
- Tiết kiệm thời gian cho bố mẹ, giảm áp lực khi dạy con khi ở nhà.
- Bé được giao tiếp với giáo viên bản xứ, sử dụng tiếng Anh 100% trong lớp học giúp cải thiện khả năng phản xạ ngôn ngữ và năng lực phát âm của trẻ.
- Học cùng các bạn giúp tăng động lực và hứng thú cho trẻ trong quá trình học ngôn ngữ.
Bất cập của học trung tâm tiếng Anh
- Chi phí học tại trung tâm tương đối cao, đặc biệt đối với các trung tâm có giáo viên bản xứ.
- Các giáo viên hầu như không thể giám sát và hỗ trợ trẻ 100% bởi mỗi lớp học thường có ít nhất 5 học sinh. Nếu giảm số lượng học viên thì phải tăng mức học phí khiến bố mẹ do dự không cho con học. Đồng thời để đảm bảo môi trường học vui vẻ, năng động thì sự tương tác của trẻ với bạn bè cần phải được ưu tiên.
- Ngày nay trung tâm mọc lên như nấm nên việc chọn được trung tâm tốt đã khó, trung tâm có phương pháp dạy phù hợp với con càng khó hơn. “Tiền mất tật mang” có thể xảy ra dù ba mẹ đã lựa chọn trung tâm rất kĩ, mất công đưa đón con đi học và đóng tiền hàng tháng nhưng kiến thức trẻ nhận lại không tương xứng hoặc thậm chí còn hình thành những tính cách xấu.
- Cần được tiếp xúc với tiếng Anh thường xuyên để trẻ có thể tự tin giao tiếp nên trung tâm thường yêu cầu học sinh đi học từ ít nhất từ 4-5 buổi/ tuần. Như vậy ba mẹ sẽ phải tốn thời gian đưa đón con đi học thường xuyên. Ngoài ra vốn không thích phải đi học, trẻ em với lịch học dày đặc (nhất là đối với những bé cùng lúc theo học tại trường mầm non hoặc mẫu giáo) sẽ dễ cảm thấy chán nản với việc học tiếng Anh.
Cho bé học tiếng Anh tại nhà
Lợi ích của học tiếng Anh tại nhà
- Bé được bố mẹ kèm cặp, theo sát được quá trình và khả năng ngôn ngữ hiện tại.
- Ba mẹ không phải đưa đón bé đi học thường xuyên.
- Dạy tiếng Anh cũng là một cách giúp bố mẹ gần gũi, tâm sự với con nhiều hơn sau những giờ làm và sinh hoạt riêng trong cuộc sống.
- Bé được học về nhiều chủ đề khác nhau, môi trường không cạnh tranh nên không bé học thoải mái, không sợ sai. Điều này giúp tăng tính thực hành và sáng tạo cũng như kích thích tinh thần ham học hỏi của bé.
- Khi học tại nhà, phụ huynh có quyền tùy chỉnh nội dung học theo sở thích và khả năng của bé mà không bị bó buộc trong bất kỳ lĩnh vực nào. Từ đó giúp con định hướng tương lai từ sớm ngay trong quá trình học ngôn ngữ, khai phóng điểm mạnh và tìm ra điểm yếu cần khắc phục của con.
Bất cập của học tiếng Anh tại nhà
- Học ở nhà vẫn gây tâm lý chán nản vì bé không được giao tiếp với bạn bè. Ngoài ra phần lớn gia đình Việt Nam thường gộp bàn học, máy vi tính và giường ngủ chung một phòng, không gian sai mục đích cùng với những đồ vật không liên quan dễ làm bé phân tâm và lười biếng trong quá trình học. Do đó nếu bạn đáp ứng được không gian học phù hợp thì có thể cho bé học tại nhà.
- Bé có xu hướng sử dụng tiếng mẹ đẻ khi ở nhà, do đó khó để duy trì thói quen sử dụng ngôn ngữ thường xuyên cho trẻ.
- Đối với trẻ không đi học ở trường mầm non hoặc mẫu giáo mà lại không được chơi với bạn bè xung quanh nhà thì bố mẹ không nên trực tiếp dạy con ở nhà. Bé cần được giao tiếp xã hội ngay từ sớm để hình thành kỹ năng mềm.
Giáo viên nghĩ gì về việc cho con học trung tâm Anh ngữ?
Qua những liệt kê về lợi ích và bất cập của việc cho con học trung tâm hay học tại nhà được bố mẹ kèm, có thể thấy sự chọn lựa thế nào còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và mong muốn của mỗi gia đình. Đối với tôi – một giáo viên tại trung tâm Anh ngữ – tôi cho rằng nếu bố mẹ tự tin vào khả năng tiếng Anh thì vẫn rất nên dành thời gian trực tiếp dạy con tại nhà, vừa tạo môi trường học thoải mái để con phát huy hết năng lực của mình, vừa rèn tính tự học cho con từ sớm.
Tuy nhiên khi quyết định cho con học tiếng Anh tại nhà, cần đảm bảo con có định hướng học tập rõ ràng như lộ trình học thế nào, kết quả mong đợi ra sao ở từng thời điểm. Đồng thời phụ huynh nên chuẩn bị thêm phương án cho con kết hợp học online cùng giáo viên bản xứ trong trường hợp cần thiết. Lưu ý đó chỉ là phương án bổ sung chứ không phải thay thế hoàn toàn việc học offline.
Theo quan sát cá nhân, tôi thấy rất nhiều bé khi được học tại nhà với sự kèm cặp của bố mẹ có khả năng tự học và phản xạ ngoại ngữ rất tốt vì có cơ hội được luyện tập thường xuyên. Như phân tích ở trên, ở trung tâm giáo viên phải quản lý một lần nhiều học sinh, không thể chỉ tập trung vào mỗi con của bạn. Do đó, tương tác giữa giáo viên với học sinh thường ít hơn giữa con và bố mẹ.
Một vài bài viết hữu ích liên quan bạn có thể tham khảo:
- Top 10 trung tâm học tiếng anh uy tín & chất lượng nhất tại thành phố Hồ Chí Minh
- Có nên học ngoại ngữ bằng app Duolingo – chú chim xanh “huyền thoại”?
- 9 trò chơi tiếng Anh cho trẻ hay, hữu ích và dễ dàng thực hiện ở lớp, ở nhà
- Kỹ năng thu hút quần chúng – Làm sao để được mọi người yêu mến?
Hy vọng qua bài viết trên, BlogAnChoi đã đem lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích về sự hoài niệm – một hiện tượng tâm lý phức tạp của con người chúng ta. Đừng quên theo dõi BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích bạn nhé!