Học sinh sử dụng các công cụ AI và chatbot để gian lận trong trường học ngày càng phổ biến. Các giáo viên cảnh giác với trí tuệ nhân tạo, thậm chí nhiều tổ chức trên thế giới đã cấm hoàn toàn ChatGPT trong trường học. Tuy nhiên trên thực tế AI cũng có thể giúp ích cho cả giáo viên và học sinh nếu được sử dụng đúng cách.

Các nhà giáo dục cảm thấy lo ngại về các công cụ AI là chuyện dễ hiểu, nhưng thực ra AI cũng mang lại nhiều lợi ích và không cần thiết phải cấm hoàn toàn. Dưới đây là một số cách để học sinh và giáo viên có thể sử dụng các công cụ AI cho mục đích tốt.

1. AI phát hiện văn bản do AI tạo ra

Thực tế là các trường học không thể cấm hoàn toàn các công cụ AI như ChatGPT. Kể cả khi các trang web AI bị chặn trên mạng của trường thì học sinh sinh viên vẫn có thể truy cập bằng các thiết bị cá nhân và sử dụng AI để gian lận trong học tập.

Sử dụng AI để gian lận trong trường học ngày càng phổ biến (Ảnh: Internet)
Sử dụng AI để gian lận trong trường học ngày càng phổ biến (Ảnh: Internet)

Thay vì cố gắng ngăn học sinh dùng AI, các nhà giáo dục nên tìm cách phát hiện nội dung do AI tạo ra. Hiện nay đã có một số công cụ phát hiện văn bản của AI, tuy nhiên các mô hình AI cao cấp như GPT-4 (hỗ trợ các chatbot như Bing Chat và ChatGPT Plus) có khả năng tạo ra văn bản tự nhiên, giống người thật đến mức gần như không thể phân biệt được.

Các công cụ phát hiện văn bản của AI vẫn còn thiếu sót, nhưng một số công cụ được nhiều người tin dùng như GPTZero và Text Classifier của OpenAI cho kết quả tương đối đáng tin cậy. Các giáo viên có thể sử dụng chúng để phát hiện gian lận trong trường lớp, sau đó tự mình kiểm tra bài làm của học sinh nếu phát hiện đáng ngờ. Cách này sẽ giúp giáo viên không cần phải kiểm tra hết tất cả học sinh.

GPTZero giúp phát hiện văn bản do AI tạo ra (Ảnh: Internet)
GPTZero giúp phát hiện văn bản do AI tạo ra (Ảnh: Internet)

2. Các công cụ tạo hình ảnh từ văn bản giúp khơi dậy tính sáng tạo

Nhiều họa sĩ chuyên nghiệp không thích hình ảnh do AI tạo ra, cho rằng việc sử dụng các công cụ chuyển văn bản thành hình ảnh cũng giống như lợi dụng tác phẩm nghệ thuật của người khác, vì nói cho cùng thì AI lấy các yếu tố từ các hình ảnh có sẵn để tạo ra hình mới. Hiện nay luật bảo vệ bản quyền không áp dụng cho hình ảnh do AI tạo nên người dùng không thể xác nhận quyền sở hữu đối với chúng, do đó sử dụng các tác phẩm này cho mục đích thương mại có thể gặp rắc rối về pháp lý.

Nhiều công cụ AI có khả năng tạo hình ảnh (Ảnh: Internet)
Nhiều công cụ AI có khả năng tạo hình ảnh (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên trong thực tế học sinh vẫn có thể sử dụng hình ảnh của AI để làm nguồn cảm hứng, và nên coi các công cụ AI đó giống như Google hay Pinterest. Chỉ cần yêu cầu tạo ra hình ảnh bất kỳ dựa theo gợi ý, AI sẽ cho ra kết quả.

Ngoài việc khơi dậy sự sáng tạo, các công cụ AI tạo hình ảnh có thể giúp học sinh trải nghiệm các phong cách nghệ thuật khác nhau. Thực tế hầu hết các họa sĩ đều có một hướng đi riêng, nhưng học hỏi thêm nhiều kỹ thuật sẽ giúp hiểu sâu hơn về các phong cách khác.

3. Chatbot giúp học sinh sinh viên nghiên cứu thông tin

Tất nhiên học sinh không được phép dùng kết quả do AI tạo ra để nộp bài, nhưng không có gì sai nếu chỉ đọc để tham khảo. Chatbot giúp người dùng nghiên cứu thông tin dễ dàng hơn, đưa ra kết quả cô đọng rõ ràng có chứa thông tin từ các nguồn đáng tin cậy.

AI giúp tìm kiếm thông tin dễ dàng hơn (Ảnh: Internet)
AI giúp tìm kiếm thông tin dễ dàng hơn (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên học sinh cần phải biết nhược điểm của AI: chúng không xác minh thông tin mà chỉ đưa ra các con số và văn bản từ kho dữ liệu của chúng. Kết quả là AI đôi lúc có thể trả lời sai.

Để khắc phục vấn đề này, cách tốt nhất là sử dụng chatbot khi bắt đầu quá trình nghiên cứu và trước tiên hãy yêu cầu chúng đơn giản hóa các chủ đề. Nếu không, người dùng có thể gặp khó khăn khi theo dõi các tạp chí, bài báo học thuật và cơ sở dữ liệu học thuật phức tạp hơn.

Học sinh sinh viên nên sử dụng Bing Chat thay cho ChatGPT để nghiên cứu học tập, vì Bing liệt kê các nguồn tham khảo giúp người dùng có thể kiểm tra lại thông tin dễ dàng hơn.

4. Các công cụ AI giúp tự động hóa công việc

Học sinh không nên bị nhồi nhét quá nhiều việc, mà thay vào đó nên dùng các công cụ tự động để thực hiện các nhiệm vụ đơn giản lặp đi lặp lại. Điều này sẽ giúp học sinh có nhiều thời gian hơn cho những việc phức tạp mà máy móc không làm được.

Ví dụ như viết luận, học sinh sinh viên không được phép nộp bài viết do AI tạo ra nhưng AI có thể giúp tạo đề cương cho bài viết và nghiên cứu thông tin. Thời gian dư ra cho phép học sinh có thể tập trung vào viết và chỉnh sửa.

Giáo viên nên hướng dẫn cho học sinh xác định những việc nào cần giao cho máy móc tự động và giải thích các vấn đề có thể phát sinh khi sử dụng AI. Phải đảm bảo học sinh hiểu được những ưu điểm và nhược điểm của AI để đưa ra quyết định hợp lý.

5. Chatbot giúp giáo viên thấu hiểu học sinh

Giáo viên hiểu lầm học sinh là chuyện thường xảy ra vì khoảng cách thế hệ khiến người lớn khó hiểu được suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn của người trẻ. Thấu hiểu và đồng cảm là bản tính tự nhiên, nhưng các giáo viên cũng có thể luyện tập bằng cách trò chuyện với chatbot, ví dụ như yêu cầu AI đóng vai nhiều tính cách khác nhau.

Hình dưới đây là kết quả ChatGPT đóng vai một nam sinh viên đại học 20 tuổi đang gặp vấn đề cá nhân ảnh hưởng đến việc học.

Yêu cầu ChatGPT đóng vai nhân vật (Ảnh: Internet)
Yêu cầu ChatGPT đóng vai nhân vật (Ảnh: Internet)

Sau đó giáo viên cũng có thể yêu cầu ChatGPT tư vấn để giải quyết vấn đề.

ChatGPT đưa ra lời tư vấn (Ảnh: Internet)
ChatGPT đưa ra lời tư vấn (Ảnh: Internet)

Nhưng lưu ý rằng AI không có tri giác như người thật mà chỉ thể hiện tính cách dựa trên bộ dữ liệu được dùng để huấn luyện nó. Như vậy trò chuyện với AI không thể hoàn toàn thay thế việc tư vấn trực tiếp, giáo viên nên nói chuyện với học sinh để hiểu rõ hơn vấn đề.

6. Tư duy phản biện khi sử dụng AI

Giáo viên nên dạy cho học sinh biết những hạn chế của AI. Thay vì cấm sử dụng, hãy chỉ cho học sinh cách tư duy phản biện để tránh mắc phải sai lầm và nhấn mạnh rằng AI chỉ là công cụ hỗ trợ mà thôi.

Các hệ thống AI có năng lực khác nhau: các mô hình cao cấp tạo ra văn bản giống người thật hơn và ảnh chân thực hơn, trong khi các mô hình thấp thường hoạt động kém hiệu quả hơn.

Ví dụ như các chatbot: Bing Chat sử dụng mô hình GPT-4 trong khi ChatGPT phiên bản miễn phí chạy trên mô hình GPT-3.5, do đó Bing thường cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy hơn. Giáo viên nên giải thích vấn đề này cho học sinh, đồng thời khuyến khích học sinh sử dụng các kỹ năng tư duy phản biện để phân tích xem công cụ AI nào phù hợp nhất.

7. Video được AI hỗ trợ giúp học trực tuyến tốt hơn

Các thiết bị hỗ trợ nghe nhìn đóng vai trò quan trọng đối với học tập thời hiện đại. Các giáo viên sử dụng nội dung được ghi sẵn từ trước để giải thích các vấn đề phức tạp vốn rất khó diễn tả bằng lời nói. Điều này ngày càng phổ biến khi học online và cả lớp học trực tiếp.

Ai giúp video rõ nét hơn (Ảnh: Internet)
Ai giúp video rõ nét hơn (Ảnh: Internet)

Mặc dù có tác dụng hữu ích như vậy nhưng hiện nay không nhiều lớp học có được bài giảng trực tuyến chất lượng tốt vì cần nhiều chi phí để làm ra chúng. Đa số các giáo viên thường không có đủ kỹ năng, thời gian và thiết bị để tự sản xuất video có độ phân giải cao.

Để giải quyết vấn đề này, các trường học nên trang bị cho giáo viên các công cụ tăng cường video do AI hỗ trợ, giúp nâng cấp hình ảnh chất lượng thấp lên 720p, 1080p và 4K. Các công cụ này đặc biệt hữu ích khi chỉnh sửa video được quay bằng điện thoại hoặc quay trong điều kiện thiếu sáng.

8. AI tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới

Bất chấp lo ngại của nhiều người hiện nay, AI sẽ không thay thế hoàn toàn công việc của con người. Máy móc được thiết kế chủ yếu để thực hiện những việc lặp đi lặp lại, trong khi các nhiệm vụ phức tạp đòi hỏi tư duy phản biện, thiết kế sáng tạo và diễn giải chủ quan vẫn cần đến trí thông minh của con người.

Nhiều nhà tuyển dụng đang tìm người làm việc liên quan đến AI (Ảnh: Internet)
Nhiều nhà tuyển dụng đang tìm người làm việc liên quan đến AI (Ảnh: Internet)

Trên thực tế, AI sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn. Các nhà lãnh đạo công nghệ trên thế giới đã đầu tư hàng tỷ đô la vào cuộc đua AI và cần tuyển các chuyên gia trình độ cao giúp hiện thực hóa kế hoạch của họ, đổi lại là mức lương cao cho việc xây dựng hệ thống AI.

Với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp AI hiện nay, các giáo viên nên giúp học sinh khám phá lĩnh vực trí tuệ nhân tạo càng sớm càng tốt. Hãy cho học sinh thấy những công việc đa dạng liên quan đến AI, ví dụ như các lập trình viên máy tính có thể tham gia xây dựng hệ thống AI, còn các chuyên gia thông tin liên lạc có thể thiết kế lời nhắc cho chatbot.

Tóm lại

AI vốn dĩ không nguy hiểm, mà các vấn đề đạo đức thường phát sinh khi mọi người lạm dụng công cụ AI và không hiểu rõ các hạn chế của chúng. Thay vì cấm hoàn toàn AI, các giáo viên nên dạy cho học sinh sử dụng công nghệ này một cách có trách nhiệm.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Trí tuệ nhân tạo: Sự tiến bộ của công nghệ hay mối đe doạ tới cuộc sống con người?

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) là một trong những lĩnh vực công nghệ đang phát triển mạnh mẽ nhất trong thời gian gần đây. Từ việc sử dụng trong sản xuất công nghiệp đến y tế, AI đã và đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Các hệ thống có khả năng thực ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận