Bạn có biết rằng móng tay không chỉ làm đẹp cho chúng ta mà còn có thể tiết lộ nhiều điều về sức khỏe? Hãy cùng khám phá xem sự thay đổi về màu sắc, hình dạng hoặc kết cấu của móng tay có thể báo hiệu những vấn đề gì của cơ thể nhé!

Tất cả chúng ta đều có thói quen cắt móng tay thường xuyên, nhưng bạn đã bao giờ thực sự quan sát kỹ những chiếc móng của mình chưa? Móng tay có thể tiết lộ nhiều thông tin về tình trạng sức khỏe, vì vậy điều quan trọng là phải nhận biết được móng tay khỏe mạnh là như thế nào, và khi nào thì bị coi là bất thường đến mức đáng lo ngại.

Móng tay khỏe đẹp là mong muốn của tất cả mọi người (Ảnh: Internet).
Móng tay khỏe đẹp là mong muốn của tất cả mọi người (Ảnh: Internet).

Móng tay bình thường và bất thường là như thế nào?

Nếu móng tay của bạn có các đặc điểm sau đây thì có thể được coi là khỏe mạnh:

  • Màu sắc đồng đều
  • Bề mặt trơn láng, không có rãnh hoặc lõm
  • Bám chặt vào da
  • Phần liềm móng màu trắng nằm sát ở gốc móng
Liềm móng là phần màu trắng nằm ở gốc móng (Ảnh: Internet).
Liềm móng là phần màu trắng nằm ở gốc móng (Ảnh: Internet).

Móng tay có các dấu hiệu sau đây bị coi là bất thường:

  • Đổi màu
  • Có các chấm
  • Móng tách rời khỏi da, không bám chặt
  • Móng bị dày hoặc mỏng bất thường
  • Móng bị biến dạng, méo mó

Tin tốt là đa số những thay đổi của móng tay không phải là triệu chứng đáng lo ngại. Tuy nhiên đôi khi đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý ở những cơ quan khác trong cơ thể. Nếu bạn phát hiện bất kỳ thay đổi nào trên móng tay của mình, hãy thận trọng và đến gặp bác sĩ da liễu hoặc khám sức khỏe tổng quát.

Thay đổi màu móng tay báo hiệu bệnh gì?

Một số trường hợp móng tay đổi màu có thể liên quan đến các bệnh lý như:

Leukochynia – đốm trắng ở móng

Đốm trắng ở móng tay là bệnh gì? (Ảnh: Internet).
Đốm trắng ở móng tay là bệnh gì? (Ảnh: Internet).

Theo bác sĩ Ashley Anderson thuộc Tổ chức Y tế Dignity Health ở California (Mỹ), leukochynia còn được gọi là “hội chứng móng tay trắng” và có thể xuất hiện khi có rối loạn phát triển của móng.

Móng tay sẽ có các mảng hoặc sọc màu trắng (thường không lan đến rìa móng), hoặc toàn bộ móng sẽ chuyển sang màu trắng. Nguyên nhân có thể do tổn thương vi mô của móng, đặc biệt là sau khi đi làm móng hoặc đeo móng giả, hoặc là dấu hiệu của bệnh phong, xơ gan hoặc sốt thương hàn, theo cảnh báo của Trung tâm Thông tin về Bệnh Hiếm gặp và Di truyền của Mỹ (GARD).

Móng Terry

Móng Terry là như thế nào? (Ảnh: Internet).
Móng Terry là như thế nào? (Ảnh: Internet).

Là trường hợp phần lớn diện tích móng chuyển sang màu trắng và sần sùi, có một dải màu hồng hoặc đỏ ở trên cùng. Hiện tượng này được quan sát thấy ở khoảng 80% những người bị xơ gan, theo một bài báo đăng trên tạp chí American Family Physician. Móng Terry cũng có thể xuất hiện ở những người bị suy tim sung huyết, suy thận và tiểu đường, theo Mayo Clinic.

Móng Muehrcke

Móng Muehrcke có các đường nằm ngang chạy song song (Ảnh: Internet).
Móng Muehrcke có các đường nằm ngang chạy song song (Ảnh: Internet).

Đây là hiện tượng trên móng tay xuất hiện các đường thẳng nằm ngang thành từng cặp màu trắng, hiếm khi xuất hiện ở ngón cái, theo một bài báo trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada năm 2013. Tình trạng này có liên quan đến giảm nồng độ protein albumin trong máu. Ngoài ra theo một bài báo trên Tạp chí Viện Da liễu Thổ Nhĩ Kỳ, tình trạng này cũng có liên quan đến bệnh gan và suy dinh dưỡng.

Móng Lindsay

Móng Lindsay có màu hồng hoặc đỏ (Ảnh: Internet).
Móng Lindsay có màu hồng hoặc đỏ (Ảnh: Internet).

Theo một bài báo trên Tạp chí Y học New England năm 2015, móng tay Lindsay là hiện tượng có các dải màu đỏ, hồng hoặc nâu chiếm 20 đến 60% diện tích móng. Tình trạng này có liên quan đến bệnh thận mãn tính.

Đường Mees trên móng

Đường Mees nằm ngang trên móng tay (Ảnh: Internet).
Đường Mees nằm ngang trên móng tay (Ảnh: Internet).

Đây là những đường hẹp màu trắng nằm ngang theo chiều rộng của móng và có thể xuất hiện ở nhiều móng, theo Tạp chí Da liễu Ấn Độ năm 2015. Nguyên nhân của chúng là do nhiễm độc asen và cũng được quan sát thấy có liên quan với các tình trạng khác như ung thư hạch Hodgkin, bệnh phong, bệnh lao, sốt rét, bệnh zona, dùng thuốc hóa trị, ngộ độc khí CO, ngộ độc antimon, suy thận, suy tim, viêm phổi, và phụ nữ sinh con.

Các vết xuất huyết dạng mảnh vụn

Xuất huyết dạng mảnh vụn trên móng tay (Ảnh: Internet).
Xuất huyết dạng mảnh vụn trên móng tay (Ảnh: Internet).

Đây là những đường mảnh nằm dọc, màu đỏ sẫm hoặc màu nâu ở giường móng (phần da bên dưới móng tay) trông giống như những mảnh vụn, nhưng thực chất là máu. Nguyên nhân gây ra nó có thể là chấn thương, bệnh mạch máu collagen, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng và bệnh tim. Một số chuyên gia cho biết đôi khi nó cũng xuất hiện ở những người có vấn đề về đông máu và những người tiêm thuốc dưới móng tay.

Hội chứng móng tay vàng

Có nhiều nguyên nhân làm móng tay chuyển màu vàng (Ảnh: Internet).
Có nhiều nguyên nhân làm móng tay chuyển màu vàng (Ảnh: Internet).

Đây là tình trạng móng tay có màu vàng, mọc chậm, trở nên dày và cong, có liên quan đến bệnh phổi và phù bạch huyết. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng hiện tượng này thỉnh thoảng xảy ra theo di truyền trong gia đình.

Sọc dọc màu nâu

Sọc dọc màu nâu trên móng (Ảnh: Internet).
Sọc dọc màu nâu trên móng (Ảnh: Internet).

Mặc dù đây là hiện tượng phổ biến ở những người có làn da sẫm màu nhưng cũng không nên xem thường. Các vệt đen hoặc nâu trên móng tay có thể là dấu hiệu của bệnh nguy hiểm như melanoma (một dạng ung thư da), hoặc nhẹ hơn như u nevus lành tính ở da (tế bào phát triển quá mức) hoặc do hóa chất (sơn móng tay), theo American Family Physician.

Thay đổi về hình dạng móng tay báo hiệu bệnh gì?

Rất nhiều vấn đề về sức khỏe có thể gây thay đổi hình dạng của móng tay, bao gồm:

Móng tay hình thìa (Koilonychia)

Móng tay lõm như chiếc thìa (Ảnh: Internet).
Móng tay lõm như chiếc thìa (Ảnh: Internet).

Đây là hiện tượng móng tay mềm và lõm trông giống như chiếc thìa, có thể do nhiều nguyên nhân như thiếu máu thiếu sắt, bệnh huyết sắc tố (cơ thể hấp thu quá nhiều sắt), bệnh nhược giáp và bệnh tim.

Móng tay dùi trống

Đầu ngón tay và móng tay phình to như dùi trống (Ảnh: Internet).
Đầu ngón tay và móng tay phình to như dùi trống (Ảnh: Internet).

Đây là hiện tượng các đầu ngón tay trở nên to hơn và móng tay cong nổi gồ lên. Triệu chứng này rất hay gặp ở người bị bệnh tim mạch hoặc bệnh phổi, chẳng hạn như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và suy tim sung huyết. Các nguyên nhân ít phổ biến hơn bao gồm bệnh viêm ruột và xơ gan.

Thay đổi về kết cấu của móng tay báo hiệu bệnh gì?

Ngoại trừ một vài vết sần sùi hoặc sọc nhỏ thì đa phần móng tay thường trơn láng. Sự thay đổi lớn về kết cấu có thể xảy ra khi có bệnh lý ở các cơ quan khác trong cơ thể, chẳng hạn như:

Đường Beau trên móng

Đường Beau trên móng là bệnh gì? (Ảnh: Internet).
Đường Beau trên móng là bệnh gì? (Ảnh: Internet).

Đây là những vết lõm chạy ngang trên móng tay, có liên quan đến nhiều vấn đề như bệnh tiểu đường và bệnh mạch máu ngoại vi, cũng có thể là bệnh ban đỏ, bệnh sởi, quai bị và viêm phổi. Đường Beau cũng có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể dang bị thiếu kẽm.

Vết rỗ trên móng

Rất nhiều vết rỗ li ti trên móng (Ảnh: Internet).
Rất nhiều vết rỗ li ti trên móng (Ảnh: Internet).

Những vết lõm nhỏ li ti như đầu đinh có thể xuất hiện trên móng tay khi có rối loạn trong quá trình hình thành các lớp cấu trúc của móng. Những vết rỗ có thể nông hoặc sâu và phổ biến ở móng tay hơn là móng chân. Theo một bài báo trên tạp chí Reumatologia, vết rỗ gặp ở khoảng 68% những người bị bệnh vảy nến và thay đổi móng, ngoài ra cũng có thể xuất hiện cùng với bệnh rụng tóc từng mảng, bệnh chàm và bệnh tự miễn dịch lichen planus trên da.

Móng tay bị tách khỏi da là dấu hiệu bệnh gì?

Hở móng (onycholysis)

Móng tay bị hở ra khỏi da và đổi màu trắng (Ảnh: Internet).
Móng tay bị hở ra khỏi da và đổi màu trắng (Ảnh: Internet).

Là hiện tượng móng bị đẩy cao lên đến mức không còn dính chặt vào da nữa và có thể chuyển sang màu trắng. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm chấn thương, nhiễm trùng và bệnh vảy nến.

Mất móng (onychomadesis)

Móng bị tách ra khỏi da giống như sắp thay mới (Ảnh: Internet).
Móng bị tách ra khỏi da giống như sắp thay mới (Ảnh: Internet).

Đây là hiện tượng móng bị ngừng phát triển tạm thời và cấp tính, tách ra khỏi phần da bên dưới. Nó có thể xuất hiện do chấn thương ở móng, nhưng cũng có thể gặp ở trẻ em sau bệnh tay chân miệng, người mắc các bệnh về miễn dịch, bệnh vẩy nến và phù thũng.

Khi nào thì bất thường ở móng tay là vô hại và khi nào cần đi khám?

Móng tay nói lên rất nhiều điều về sức khỏe của bạn, vì vậy đừng bỏ qua những biểu hiện bất thường. Đa số những thay đổi của móng không có gì đáng lo ngại, nhưng không thể biết chắc được cho đến khi bác sĩ kiểm tra.

Các chuyên gia khuyên rằng bất kỳ thay đổi nào ở móng tay nếu không tự biến mất trong vài tuần và không có nguyên nhân rõ ràng thì nên đi khám. Ngoài ra những triệu chứng như đau, sưng hoặc đỏ ở móng cũng nên thận trọng.

Trên đây là những dấu hiệu bất thường ở móng tay có thể cảnh báo các vấn đề sức khỏe. Hãy tự quan sát mỗi ngày và chăm sóc bản thân mình thật tốt nhé!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

Màu mắt có thể dự báo điều gì về sức khỏe và nguy cơ bệnh tật?

Mắt của bạn màu gì? Bạn có biết rằng đôi mắt không chỉ là “cửa sổ tâm hồn” để giao tiếp với mọi người, là điểm nhấn trên khuôn mặt khi chúng ta nhìn nhau, mà mắt còn nói lên nhiều điều về sức khỏe? Hãy cùng khám phá xem màu mắt có liên quan đến nguy cơ mắc ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận