Chắc không chỉ có tôi, bạn tôi, nhiều người khác cũng từng muốn vắt kiệt sức làm việc để đổi lấy một đêm ngon giấc, không trằn trọc. Ai mà chẳng sợ hãi cái không gian yên tĩnh, chỉ có bản thân đối diện với nội tâm, vì cuộc trò chuyện đó mới chính là cuộc chất vấn căng thẳng và áp lực nhất đối với mỗi người.

Nếu từng trải qua những ngày tháng triền miên mất ngủ, ta mới hiểu rõ nó đáng sợ thế nào

Có những giai đoạn, điều tôi ao ước nhất mỗi ngày là có thể chìm sâu vào giấc ngủ ngay khi đặt lưng xuống giường. Ngủ một mạch đến sáng, không tỉnh giấc giữa đêm.

Giấc ngủ là cần thiết để tái tạo năng lượng (Ảnh: Internet).
Giấc ngủ là cần thiết để tái tạo năng lượng (Ảnh: Internet).

Tại sao tôi lại thấy sợ khoảng thời gian trước khi chìm vào giấc ngủ? Khoảng thời gian cuối ngày đáng ra phải là lúc chúng ta cho phép cơ thể và tâm trí được thư giãn, nghỉ ngơi. Nhưng ngược lại, nó rất hay phải trở thành một giờ “tổng kết và báo cáo” sau một ngày làm việc. Nếu một ngày trôi qua suôn sẻ, vui vẻ thì tất nhiên cuối ngày chúng ta sẽ rất dễ chịu. Còn nếu bạn vừa trải qua một ngày không hề “hoàng đạo” thì những bực tức, khó chịu dồn nén trong ngày sẽ níu giữ tâm trí ta, mãi không buông để ta bước vào giấc ngủ một cách trọn vẹn.

Chúng ta thì luôn bị bủa vây giữa trăm thứ lo toan, nghìn mối bận tâm. Vậy trong vòng xoáy cứ lặp đi lặp lại đó, một ngày như thế nào sẽ là một ngày khiến chúng ta dễ chịu nhất, khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ và đầy đủ nhất?

Hiển nhiên rằng sẽ có rất nhiều câu trả lời khác nhau. Một cô gái đang yêu mong muốn có một ngày thức dậy với thời tiết bên ngoài thật đẹp, người yêu đưa đi làm, 8 tiếng với công việc và đồng nghiệp trôi qua thuận lợi, tan làm đi hẹn hò với người yêu, về nhà skincare đủ các bước, sau đó là đi ngủ. Một ngày trôi qua thật bình dị và bình yên.

Còn nếu bạn là một cô gái trẻ còn độc thân? Em tôi nói rằng, “đó sẽ là một ngày mà mọi thứ không suôn sẻ quá mức, không tốt quá đến mức nghi ngờ. Có người quan tâm để mình có thể kể vài ba chuyện linh tinh, vớ vẩn.” Một ngày giản đơn vậy thôi.

Thì con gái chúng ta đều như vậy mà, nhỉ? Thường thích để tâm đến những điều tỉ mỉ, đặc biệt coi trọng cảm xúc và coi trọng việc được sẻ chia và lắng nghe. Đàn ông, con trai thì họ lại khác. Những thứ chi phối cảm xúc, cảm nhận của những người được coi là trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa cho những người khác – nó rộng và bao quát hơn. “Một ngày trôi qua mà không cảm thấy mắc nợ ai hay mắc nợ điều gì, đó là một ngày dễ chịu nhất”, đấy là cách nhìn của bạn tôi, một người đàn ông.

Còn có vô vàn những tiêu chuẩn, những mong muốn, những mục tiêu khác được con người đặt ra cho mỗi ngày sống trên đời. Những thứ đó, vừa giống nhau, vừa rất khác nhau. Ví như có người phải kiếm được 5 triệu, 10 triệu mỗi ngày thì tối mới yên tâm duỗi chân nằm ngủ. Lại có những người chỉ cần ngày hôm đó nhìn thấy mọi người trong gia đình cười đùa, trêu chọc nhau vui vẻ là đã đủ mãn nguyện.

Những suy nghĩ bộn bề khiến cho giấc ngủ không trọn vẹn (Ảnh: Internet).
Những suy nghĩ bộn bề khiến cho giấc ngủ không trọn vẹn (Ảnh: Internet).

Chắc không chỉ có tôi, bạn tôi, nhiều người khác cũng từng muốn vắt kiệt sức làm việc để đổi lấy một đêm ngon giấc, không trằn trọc. Ai mà chẳng sợ hãi cái không gian yên tĩnh, chỉ có bản thân đối diện với nội tâm, vì cuộc trò chuyện đó mới chính là cuộc chất vấn căng thẳng và áp lực nhất đối với mỗi người.

Chìa khóa để mở cánh cửa cho một đêm ngon giấc

Có một cảnh phim trong bộ phim “2012 Năm đại họa” đã đọng lại rất lâu trong suy nghĩ của tôi, dù nó chỉ là một phân đoạn rất ngắn thôi. Khi vị Lạt Ma Tây Tạng bình thản ngồi nói chuyện với đệ tử của mình trên đỉnh Himalaya trước lúc cơn đại hồng thủy ập đến. Trong khi người đệ tử đầy vẻ vội vã, lo lắng về những gì đang xảy ra và sắp xảy ra, Lạt Ma vẫn ung dung rót nước vào chén, thậm chí cứ rót ngay cả khi nước đã tràn khỏi chén. Lạt Ma nói: “Như cái tách này, lòng con đầy những ý kiến và suy đoán. Để nhìn thấy ánh sáng và sự thông thái, trước hết con cần làm rỗng cái tách trước đã.”

Tôi cho rằng, sự sẻ chia chính là chìa khóa, là cách tốt nhất để làm vơi bớt, thậm chí là để làm rỗng chiếc chén. Nếu cứ giữ khư khư lấy nó, để nó mãi “tù đọng” trong chén, ta sẽ chỉ nhận lấy những thứ đã “nguội ngắt”. Thử coi những suy nghĩ, những vấn đề đang tồn đọng trong tâm trí chúng ta cũng vậy, sẻ chia chúng là cách để ta có lại những khoảng trống, những khoảng trống để ta có được tầm nhìn sáng suốt và thoát đãng.

Sự thật là chúng ta đều mong muốn trải qua những ngày tháng bình yên, dù là theo những cách khác nhau. Và cũng hiển nhiên rằng, không phải cứ muốn là được và chúng ta cũng chẳng thể nhìn thấy trước những điều sẽ xảy ra. Vậy nên, liệu một ngày trôi qua như thế nào có là vấn đề quá quan trọng không? Vui thì tốt, có chuyện bực bội, không thuận lợi cũng không sao. Ta vẫn luôn luôn có thể chia sẻ những điều đó với người khác. Chia sẻ những niềm vui để nhân lên niềm vui, sẻ chia nỗi buồn, những thất bại để làm vơi đi những nỗi buồn, để cùng nhau tìm ra cách khắc phục. Đó chính là chìa khóa cho một ngày vui vẻ, dễ chịu và đủ đầy.

Chia sẻ, lắng nghe, nói chuyện nhiều hơn là cách để bước vào một giấc ngủ nhẹ nhàng êm ái (Ảnh: Internet).
Chia sẻ, lắng nghe, nói chuyện nhiều hơn là cách để bước vào một giấc ngủ nhẹ nhàng êm ái (Ảnh: Internet).

Khi ngày hôm nay sắp trôi qua, biết đâu có một người đang rất chờ đợi một câu hỏi từ bạn đấy. “Hôm nay thế nào? Có ổn không?”.

Xem thêm

300+ câu châm ngôn cuộc sống hay nhất sẽ khiến bạn "sáng mắt ra"!

Những câu châm ngôn cuộc sống, câu nói về cuộc sống hay, ý nghĩa nhất sẽ giúp bạn hiểu ra nhiều sự thật và chân lý, có thêm động lực để cố gắng phát triển bản thân hoặc đơn giản là bạn sẽ "sáng mắt ra" vì cuộc đời vốn không phải ngôn tình.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
2 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
little apple

Cảm ơn tác giả