“COVID kéo dài” là hiện tượng đã được nhiều chuyên gia nhắc tới trước đây trong đại dịch COVID-19, nhưng đến giờ mới được chính thức công nhận dưới một tên gọi khác. Vậy nó là gì và có ảnh hưởng tới sức khỏe con người ra sao?

“COVID kéo dài” hay “tình trạng hậu COVID” là gì?

Ngày 06/10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên của họ về thứ mà trước đây được gọi là “COVID kéo dài”.

COVID-19 có thể ảnh hưởng dai dẳng kể cả sau khi đã khỏi bệnh (Ảnh: Internet).
COVID-19 có thể ảnh hưởng dai dẳng kể cả sau khi đã khỏi bệnh (Ảnh: Internet).

Các chuyên gia y tế từ lâu đã chú ý đến hiện tượng: trong khi hầu hết những người mắc COVID-19 sẽ hồi phục sau vài tuần thì có một số người lại phải chịu đựng các triệu chứng kéo dài đến 4 tuần hoặc lâu hơn nữa. Nhưng trước đây chưa có cơ quan nào đưa ra định nghĩa chính thức cho vấn đề này.

Tài liệu của WHO gọi đó là “tình trạng hậu COVID-19” và nói rằng nó “xảy ra ở những người có tiền sử có khả năng hoặc đã được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu nhiễm COVID-19, với các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích bằng chẩn đoán khác”.

Nỗi ám ảnh COVID-19 vẫn chưa kết thúc sau khi khỏi bệnh (Ảnh: Internet).
Nỗi ám ảnh COVID-19 vẫn chưa kết thúc sau khi khỏi bệnh (Ảnh: Internet).

Theo WHO, các triệu chứng phổ biến của tình trạng hậu COVID-19 có thể bao gồm mệt mỏi, rối loạn chức năng nhận thức và một số triệu chứng khác ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày. Các triệu chứng này có thể mới khởi phát sau khi đã khỏi bệnh hoặc nối tiếp liên tục với đợt bệnh ban đầu, cũng có thể thay đổi hoặc tái phát theo thời gian.

Tuy nhiên WHO nói rằng có thể phải đưa ra một định nghĩa khác dành riêng cho trẻ em.

Tình trạng hậu COVID ảnh hưởng đến con người như thế nào?

Tiến sĩ Inimary Toby tại Đại học Dallas (Mỹ) và là thành viên của Hiệp hội Sinh lý học Mỹ cho biết COVID kéo dài có thể ảnh hưởng đến con người về nhiều mặt. Các triệu chứng có thể kéo dài liên tục hoặc chia thành từng đợt tăng giảm và tái phát.

Người bệnh vẫn còn triệu chứng sau khi được chữa khỏi (Ảnh: Internet).
Người bệnh vẫn còn triệu chứng sau khi được chữa khỏi (Ảnh: Internet).

Các triệu chứng có thể thay đổi rất đa dạng tùy từng người, chẳng hạn như rối loạn nhận thức, mệt mỏi hay khó thở. Một số biến chứng đã được ghi nhận của COVID kéo dài bao gồm đột quỵ hoặc đau tim. Tiến sĩ Toby giải thích rằng trong giai đoạn bệnh cấp tính có 3 nhóm triệu chứng:

  • Các triệu chứng về hô hấp như ho, khạc đàm, khó thở
  • Các triệu chứng cơ xương như đau cơ và khớp, nhức đầu, mệt mỏi
  • Các triệu chứng đường ruột như đau bụng, nôn ói, tiêu chảy

Tiến sĩ Joseph A. Roche là thành viên của Hiệp hội Sinh lý học Mỹ và cũng là người đã nghiên cứu về ảnh hưởng của COVID kéo dài cho biết: tình trạng này có thể giống với một hiện tượng khác được gọi là “viêm não tủy đau cơ” hay “hội chứng mệt mỏi mãn tính” (ME/CFS), xuất hiện ở một số bệnh nhân sau khi mắc các bệnh do virus khác gây ra.

Tình trạng hậu COVID có thể gây cảm giác mệt mỏi mãn tính (Ảnh: Internet).
Tình trạng hậu COVID có thể gây cảm giác mệt mỏi mãn tính (Ảnh: Internet).

“Điều khiến cho tình trạng hậu COVID-19 đáng quan tâm hơn ME/CFS là không chỉ mệt mỏi về thể chất và tinh thần, mà còn có các vấn đề dai dẳng và tái phát ảnh hưởng đến phổi, tim, mạch máu và các cơ quan khác,” tiến sĩ Roche cho biết.

Tình trạng hậu COVID kéo dài bao lâu?

Tiến sĩ Toby nói rằng khoảng 10 đến 20% mọi người sẽ phải chịu đựng các triệu chứng của COVID kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng. Nhưng theo tiến sĩ Roche thì hiện tại chúng ta không thể dự đoán chính xác nó tồn tại trong bao lâu. Dữ liệu mà ông cùng với cộng sự thu thập được cho thấy có những người từng mắc bệnh trong dịch SARS trước đây có triệu chứng kéo dài đến 4 năm.

Vẫn chưa rõ COVID kéo dài có thể tồn tại lâu đến đâu (Ảnh: Internet).
Vẫn chưa rõ COVID kéo dài có thể tồn tại lâu đến đâu (Ảnh: Internet).

“Điều này thực sự đáng lo ngại. Tôi đã tiếp xúc với những bệnh nhân mắc COVID-19 trong những đợt nhiễm đầu tiên và vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Mặc dù tôi hy vọng rằng những bệnh nhân gặp tình trạng hậu COVID-19 sẽ cải thiện theo thời gian, nhưng mối lo ngại thực sự của tôi là một số bệnh nhân có thể không bao giờ hồi phục hoàn toàn,” tiến sĩ Roche cho biết.

Làm thế nào để ngăn tình trạng hậu COVID xảy ra?

Cách tốt nhất để tránh COVID kéo dài là phòng bệnh ngay từ đầu, trong đó tiêm vaccine là rất quan trọng. Tiến sĩ Roche nói: “Tiêm vaccine chống lại COVID-19 làm giảm nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 và do đó làm giảm nguy cơ tổng thể của mọi người trong dân số chung gặp phải tình trạng hậu COVID.”

Ngoài ra các biện pháp như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, theo dõi tiếp xúc, tự cách ly khi bị bệnh và nghiên cứu bộ gene của virus cũng rất cần thiết, vì chúng ta chưa biết rõ nguy cơ xuất hiện tình trạng hậu COVID ở những người đã tiêm vaccine mà vẫn mắc bệnh. Các biện pháp này đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, đối tượng chưa đủ điều kiện để tiêm ngừa ở nhiều quốc gia hiện nay.

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

Trẻ xì hơi nhiều có phải bệnh về tiêu hóa? Cách xử lý như thế nào?

Trẻ thường xì hơi sau khi ăn hoặc uống, điều này là một hiện tượng bình thường và tự nhiên. Tuy nhiên khi trẻ xì hơi nhiều hơn mức thông thường và liên tục trong thời gian dài có thể gây lo lắng cho phụ huynh và đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là dấu hiệu của ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận