Tiểu đường đang là căn bệnh phổ biến với xu hướng trẻ hóa, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Việc kiểm soát lượng đường trong máu có thể thực hiện với các giải pháp đơn giản tại nhà. Hãy để BlogAnChoi cung cấp cho bạn thông tin hữu ích về các giải pháp cho bệnh tiểu đường.
1. Tiểu đường là gì?
Tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất gây tăng glucose huyết, do tuyến tụy không sản xuất insulin (tiểu đường type 1) hoặc do sản xuất không đủ insulin (tiểu đường type 2). Tăng glucose huyết trong thời gian dài sẽ làm tổn thương đến các cơ quan trong cơ thể (đặc biệt ở tim, thận, mắt, thần kinh và mạch máu).
2. Biện pháp giúp kiểm soát lượng đường huyết
2.1. Thực phẩm
Lựa chọn thực phẩm đúng và đủ sẽ giúp cải thiện lượng đường trong máu, bao gồm các thực phẩm ít carbs (carbs được cơ thể chuyển hóa thành đường, chủ yếu là glucose), thực phẩm nhiều chất xơ và có chỉ số đường huyết thấp.
- Lúa mạch: Loại thực phẩm cung cấp chất xơ tốt và giàu protein, lượng chất xơ đươc khuyến nghị 25g cho nữ và 35g cho nam giúp cải thiện lượng đường trong máu cũng như cholesterol.
- Rau, trái cây: Bao gồm quả mọng, táo, mận, nho, súp lơ, hành tây, cà tím, củ cải, cây họ đậu, chế độ nhiều chất xơ giúp điều chỉnh lượng đường huyết trong bệnh tiểu đường typ 1.
- Mướp đắng: Chứa vitamin nhóm B (B1,B2, B3, B5, B6, B9), canxi, kali, phốt pho và một lượng vitamin C cao, vị đắng tính mát nên giúp đẹp da và dáng ngoài ra các nhóm glycosid giúp hạ đường huyết và mỡ máu.
- Giấm táo: Chứa acid acetic được chứng minh làm giảm hấp thu tinh bột (tinh bột được chuyển hóa thành glucose) giúp hạn chế được lượng đường xấu vào cơ thể. Dùng 2 muỗng giấm táo pha loãng với khoảng 500ml nước ấm uống buổi tối sẽ giúp kiểm soát lượng đường lúc đói vào buổi sáng.
- Quế: Làm chậm hấp thu glucose giúp ổn định đường huyết sau mỗi bữa ăn, tuy nhiên quế không giúp giảm đường huyết chỉ giúp kiểm soát lượng đường huyết lâu dài cho người tiểu đường typ 2. Ngâm khúc quế khoảng 5cm vào nước để qua đêm và uống buổi sáng bụng đói.
- Protein: Thịt nạc (gia cầm, cá), trứng, hải sản không ướp muối.
- Hạn chế hoặc loại bỏ: Bánh mì trắng, gạo trắng, đường trắng vì những thực phẩm này gây lượng đường trong máu tăng.
2.2. Luyện tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên giúp duy trì cân nặng, tăng hoạt động các cơ và tăng độ nhạy insulin (nghĩa là các tế bào trong cơ thể sẽ sử dụng hiệu quả lượng đường có sẵn trong máu).
Các bài tập hữu ích như cử tạ, chạy bộ nhẹ, đạp xe, khiêu vũ, bơi lội,…, nếu không có thời gian nhiều thì nên chia nhỏ thời gian tập trong ngày và có thể kiểm tra lượng đường trước và sau khi tập để căn chỉnh bài tập cho phù hợp.
2.3. Hạn chế căng thẳng
Khi bị căng thẳng cơ thể sẽ tiết ra các hormone là glucagon và cortisol, làm cho lượng đường trong máu tăng. Hãy giúp cơ thể thư giãn bằng các bài thiền, yoga và ngủ đủ giấc điều này sẽ giúp kiểm soát được quá trình tiết insulin.
2.4. Theo dõi lượng đường trong máu
Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên sẽ giúp kiểm soát được đường huyết bằng cách điều chỉnh ăn uống hoặc thuốc. Ghi chép lại lượng đường trước và sau khi tập thể dục, trước ăn và sau ăn 2 giờ, sử dụng máy đo đường huyết tại nhà.
2.5. Kiểm soát khẩu phần ăn
Kiểm soát khẩu phần ăn sẽ giúp theo dõi được lượng đường, calo đưa vào cơ thể do đó sẽ giúp duy trì cân nặng hợp lý cũng như mức đường trong máu luôn an toàn. Quản lý khẩu phần ăn bằng cách đo lường lượng calo trong mỗi lần ăn, dùng đĩa nhỏ hơn, ăn chậm nhai kỹ, đọc nhãn thực phẩm để biết thành phần cũng như lượng calo.
Một số bài viết bạn có thể tham khảo:
- Bệnh tiểu đường: Triệu chứng, yếu tố nguy cơ mắc bệnh, cách điều trị và phòng ngừa
- Những điều mà người bệnh đái tháo đường nên biết để điều trị bệnh hiệu quả
Hãy theo dõi chuyên mục Sức khỏe của BlogAnChoi để có thêm nhiều thông tin về bệnh tiểu đường bạn nhé!
Tài liệu tham khảo:
- stamfordhealth.org
- portea.com
Bạn có nhận xét gì về bài viết này không? Chia sẻ với mình nha.