COPD có phải là bệnh ít gặp? Có phải COPD chỉ ảnh hưởng đến phổi? Và liệu những người không hút thuốc lá có thể mắc bệnh này hay không? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu những sự thật không phải ai cũng biết về căn bệnh tưởng lạ mà quen này nhé!

Khi nói đến các bệnh của đường hô hấp, đa số chúng ta thường nghĩ về ung thư phổi, hen suyễn hay viêm phổi. Nhưng bạn đã từng nghe nói đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD chưa?

Đường thở bị kích ứng và tăng tiết nhầy trong bệnh COPD (Ảnh: Internet).
Đường thở bị kích ứng và tăng tiết nhầy trong bệnh COPD (Ảnh: Internet).

COPD xuất hiện khi các mô và tế bào của đường dẫn khí trong phổi bị phá hủy, xơ hóa khiến cho không khí bị tắc nghẽn và khó lưu thông như bình thường. Tình trạng này khiến người bệnh khó thở nghiêm trọng, ngoài ra phản ứng viêm của đường hô hấp gây ho đàm nhiều cũng ảnh hưởng đến đời sống của người bệnh.

Đặc biệt COPD có thể gây ra những đợt cấp với biểu hiện ho và khó thở dữ dội đe dọa tính mạng, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ mắc thêm nhiều bệnh nguy hiểm khác làm cơ thể ngày càng suy kiệt. Những trường hợp bệnh nặng thậm chí không thể tự chăm sóc bản thân và phải dùng thuốc liên tục mỗi ngày.

Các triệu chứng của COPD - bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Ảnh: Internet).
Các triệu chứng của COPD – bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Ảnh: Internet).

COPD có tác hại nặng nề đối với sức khỏe như vậy nhưng hiện nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ hoặc lầm tưởng về bản chất của bệnh cũng như ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống. Hãy cùng tìm hiểu sự thật về căn bệnh này nhé!

1. COPD là bệnh hiếm gặp?

“Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính” hay “COPD” là khái niệm khá xa lạ và không được chú ý nhiều như các bệnh ung thư, tim mạch hay đột quỵ, do đó hiện nay nhiều người hoàn toàn không biết COPD thực ra phổ biến đến mức nào.

COPD là nguyên nhân gây tử vong rất cao trên thế giới (Ảnh: Internet).
COPD là nguyên nhân gây tử vong rất cao trên thế giới (Ảnh: Internet).

Trên thực tế căn bệnh này không hề hiếm gặp: nó luôn nằm trong top các nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trên thế giới cùng với bệnh tim, ung thư và đột quỵ. Trong số các bệnh hô hấp thì COPD cũng là vấn đề được tập trung nghiên cứu rất nhiều bên cạnh hen suyễn.

Theo báo cáo của Hiệp hội Phổi Mỹ năm 2013, có hơn 65 triệu người trên toàn thế giới mắc COPD, riêng tại Mỹ có tới 15 triệu người trưởng thành được chẩn đoán mắc bệnh này, tương đương với khoảng 6% dân số. Hơn 10 triệu người trưởng thành khác ở Mỹ cũng mắc COPD, nhưng họ chưa biết mình mắc bệnh. Nhìn chung COPD có thể ảnh hưởng đến khoảng 25 triệu người Mỹ.

2. COPD chỉ ảnh hưởng đến phổi?

Mặc dù tổn thương chủ yếu nằm ở phổi, nhưng căn bệnh này cũng có thể ảnh hưởng nhiều cơ quan khác trên khắp cơ thể.

COPD cũng ảnh hưởng đến tim mạch (Ảnh: Internet).
COPD cũng ảnh hưởng đến tim mạch (Ảnh: Internet).

Khi lượng oxy trong máu thấp do hệ hô hấp hoạt động kém, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn. Việc bơm máu qua phổi trở nên khó khăn hơn và áp lực lớn dần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đau tim.

Khi COPD hạn chế hoạt động thể chất, nó cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người bệnh. Nhiều bệnh nhân cảm thấy bị cô lập với xã hội và mắc chứng trầm cảm sau khi được chẩn đoán COPD, họ ít nói chuyện với bạn bè hơn vì cảm thấy mình không thể theo kịp. Do đó điều trị tâm lý luôn là một phần không thể thiếu trong kế hoạch chăm sóc bệnh nhân COPD.

3. Người mắc COPD không thể sinh hoạt và làm việc như bình thường?

Sự thật là: Điều này không đúng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là ở giai đoạn sớm của bệnh. Đây cũng là một trong những lý do tại sao cần phải phát hiện sớm COPD.

Phát hiện sớm và điều trị đúng cách giúp nâng cao chất lượng cuộc sống (Ảnh: Internet).
Phát hiện sớm và điều trị đúng cách giúp nâng cao chất lượng cuộc sống (Ảnh: Internet).

Những người bị COPD giai đoạn đầu và tuân thủ tốt kế hoạch điều trị thường có thể tiếp tục các hoạt động sống hằng ngày của họ. Có nhiều phương pháp điều trị và chiến lược để kiểm soát các triệu chứng COPD, giúp người bệnh kiểm soát tình trạng của họ đủ để duy trì một cuộc sống bình thường.

4. Không có phương pháp nào điều trị dứt điểm COPD?

Hiện nay căn bệnh này chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn và cũng không thể ngăn chặn quá trình diễn tiến ngày càng nặng hơn. Tuy nhiên có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng của COPD và làm chậm sự tiến triển của nó.

COPD có hai dạng biểu hiện là viêm phế quản mạn và khí phế thũng (Ảnh: Internet).
COPD có hai dạng biểu hiện là viêm phế quản mạn và khí phế thũng (Ảnh: Internet).

Nếu COPD thuộc dạng khí phế thũng, bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng oxy bổ sung. Còn COPD dạng viêm phế quản mạn thường được điều trị bằng hai loại thuốc:

  • Thuốc giãn phế quản giúp mở rộng đường thở bằng cách làm giãn các cơ xung quanh. Các thuốc này thường được cung cấp qua đường hít, nhưng một số cũng được dùng dưới dạng viên uống hoặc thuốc tiêm.
  • Thuốc corticosteroid dạng hít được sử dụng để giảm phản ứng viêm của đường thở.
Thuốc điều trị COPD có thể là thuốc hít hoặc thuốc uống (Ảnh: Internet).
Thuốc điều trị COPD có thể là thuốc hít hoặc thuốc uống (Ảnh: Internet).

Đối với cả hai dạng của COPD, chương trình phục hồi chức năng phổi kết hợp với giáo dục, hỗ trợ và tập thể dục để giúp bệnh nhân hoạt động tích cực có thể giúp ích cho quá trình điều trị. Ngoài ra người bệnh cũng được khuyên nên bảo vệ phổi bằng cách không hút thuốc lá và tránh các chất kích thích khác.

5. Chỉ những người hút thuốc lá mới mắc COPD?

Khoảng 90% người mắc COPD là do phổi bị tổn thương khi hút thuốc lá, đó là nguyên nhân phổ biến nhất cho đến nay. Nhưng không chỉ những người hút thuốc mới bị COPD, những nguyên nhân khác cũng có thể khiến người không hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh.

Nhiều yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc COPD (Ảnh: Internet).
Nhiều yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc COPD (Ảnh: Internet).
  • Các chất kích thích có hại trong không khí tại nơi làm việc hoặc trong nhà (như bụi silic, bụi bê tông, khói hóa chất) cũng có nguy cơ gây COPD, đây là nguyên nhân gây bệnh cho khoảng 20% ​​người không hút thuốc được chẩn đoán mắc bệnh này.
  • Nếu bạn lớn lên ở khu vực thường sử dụng bếp củi trong nhà để nấu nướng thì cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Một số rất ít những người khác được sinh ra với tình trạng hiếm gặp được gọi là thiếu hụt alpha-1 antitrypsin, cũng làm cho họ có nhiều khả năng bị COPD ngay cả khi không hút thuốc hoặc hít phải các chất kích ứng.

6. Nếu ngừng hút thuốc thì COPD sẽ tự khỏi? Hay nếu đã mắc COPD thì không cần phải bỏ thuốc lá nữa?

Sự thật là: Không có cách nào để chữa khỏi COPD hoặc phục hồi tình trạng tổn thương phổi do hút thuốc gây ra. Kể cả nếu người bệnh ngừng hút thuốc ngay sau khi được chẩn đoán mắc COPD thì tổn thương phổi vẫn tồn tại vĩnh viễn. Tuy nhiên bỏ thuốc lá sẽ giúp họ có cơ hội kiểm soát bệnh tốt hơn nhiều và giữ cho bệnh không diễn tiến xấu đi nhanh chóng.

Bỏ thuốc lá luôn có lợi cho sức khỏe trong mọi trường hợp (Ảnh: Internet).
Bỏ thuốc lá luôn có lợi cho sức khỏe trong mọi trường hợp (Ảnh: Internet).

Một số người nghĩ rằng không cần phải bỏ hút thuốc khi đã bị COPD. Điều này là hoàn toàn sai lầm, vì đối với bệnh nhân COPD thì cai thuốc là yếu tố then chốt hỗ trợ cho quá trình điều trị.

Nếu người bệnh tiếp tục hút thuốc, tổn thương phổi của họ sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều và bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn. Các triệu chứng hô hấp cũng nghiêm trọng hơn và các đợt cấp COPD cũng xảy ra thường xuyên hơn so với những người ngừng hút thuốc. Hút thuốc làm cho các triệu chứng khó thuyên giảm và bệnh khó kiểm soát hơn nhiều.

7. Khi đã phải sử dụng oxy thì người bệnh phải sống với nó suốt đời?

Một số người mắc COPD lo lắng rằng khi đã bắt đầu áp dụng liệu pháp oxy thì họ chắc chắn sẽ phải tiếp tục điều trị mãi mãi. Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng đúng.

Bệnh nhân COPD có thể phải dùng oxy khi triệu chứng trở nặng (Ảnh: Internet).
Bệnh nhân COPD có thể phải dùng oxy khi triệu chứng trở nặng (Ảnh: Internet).

Một số người cần phải điều trị oxy ngắn hạn để giúp qua khỏi đợt cấp, hay còn gọi là “cơn COPD”. Trong thời gian đợt cấp, các triệu chứng như ho đàm và khó thở đột ngột trở nên dữ dội hơn nhiều so với thường ngày. Liệu pháp oxy có thể giúp điều trị và kiểm soát các triệu chứng này. Khi đợt cấp kết thúc, người bệnh có thể không cần dùng oxy nữa.

8. Người mắc COPD không thể tập thể dục?

Sự thật là: Ngược lại, tập thể dục là mấu chốt để duy trì chất lượng cuộc sống sau khi được chẩn đoán COPD.

Nếu không vận động nhiều vì khó thở, người bệnh sẽ bị mất khối lượng cơ, mất xương và giảm sức chịu đựng. Khi không còn khả năng chịu đựng, tình trạng khó thở sẽ càng trở nên tồi tệ hơn và cuối cùng tạo thành một vòng luẩn quẩn.

Người bệnh vẫn có thể tập luyện nếu được hướng dẫn và có kế hoạch phù hợp (Ảnh: Internet).
Người bệnh vẫn có thể tập luyện nếu được hướng dẫn và có kế hoạch phù hợp (Ảnh: Internet).

Các chương trình phục hồi chức năng phổi có thể giúp người bệnh thực hiện nhiều bài tập và kỹ thuật thở an toàn. Ví dụ như chuyên gia phục hồi chức năng có thể hướng dẫn cách thở mím môi để giải phóng không khí bị tắc nghẽn bên trong phổi và làm cho mỗi hơi thở có hiệu quả cao hơn.

Người bệnh cũng sẽ được học các bài tập giãn cơ, tim mạch và tăng cường sức mạnh phù hợp với thể trạng của mỗi người để tăng cường sức khỏe, chống lại bệnh tật.

Trên đây là những lưu ý bạn cần nhớ về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính – COPD, căn bệnh rất phổ biến và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được hiểu đúng và phát hiện kịp thời. Hãy lan tỏa những kiến thức hữu ích để cuộc sống luôn khỏe mạnh và vui tươi bạn nhé!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

4 dấu hiệu cho thấy bạn đang đánh răng quá mạnh và cách khắc phục để chăm sóc răng miệng tốt hơn

Khi đánh răng, điều bạn cần làm không phải là dùng sức thật mạnh mà là phải chải kỹ khắp mọi nơi trong miệng. Sau đây là 4 dấu hiệu cho thấy bạn đang đánh răng quá mạnh và cách để khắc phục, hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận