Nếu bạn đã từng tham khảo giá của iPhone, iPad hay các sản phẩm của Apple nói chung thì chắc sẽ tự hỏi tại sao chúng luôn đắt hơn nhiều so với các thiết bị cùng loại của hãng khác mà vẫn nhiều người mua? Có phải Apple đang “hét giá”, hay thực sự sản phẩm của họ tốt hơn? Hãy cùng khám phá nhé!
Sản phẩm của Apple thường đắt hơn nhiều so với các hãng đối thủ, không chỉ dựa vào giá trị thương hiệu của gã khổng lồ công nghệ mà còn do nhiều yếu tố như hệ sinh thái riêng biệt của Apple, tính bảo mật cao, chi phí marketing và độ bền lâu dài. Sau đây hãy cùng tìm hiểu chi tiết những “giá trị ngầm” này của Apple nhé.
1. Hệ sinh thái của Apple
Trong lĩnh vực công nghệ, khái niệm “hệ sinh thái” có nghĩa là nhiều thiết bị khác nhau có thể kết nối và bổ sung cho nhau để tạo thành một môi trường lớn hơn với nhiều chức năng hơn để phục vụ người dùng. Ví dụ như iPhone và MacBook của Apple có thể kết nối để chia sẻ file, lưu dữ liệu và nhiều chức năng khác, giúp người dùng trải nghiệm thoải mái hơn.
Hệ sinh thái của Apple có điểm đặc biệt là chỉ kết nối các thiết bị của hãng và khi đó chúng hoạt động cùng nhau rất tốt. Càng có nhiều thiết bị tham gia vào hệ sinh thái thì giá trị sử dụng càng tăng lên, cùng với tính độc quyền có một không hai của Apple đã góp phần làm nên mức giá cao của các sản phẩm. Có thể coi đó là số tiền mà người dùng trả thêm để được hưởng trải nghiệm tốt hơn.
2. Chất lượng cao và độ bền lâu dài
Các thiết bị của Apple thường có tuổi thọ lâu hơn các hãng khác vì cả phần cứng và phần mềm đều được làm với chất lượng cao. Các chi tiết phần cứng được thiết kế cẩn thận và chế tạo bằng các vật liệu bền đẹp như nhôm, còn phần mềm gồm hệ điều hành và các ứng dụng gốc của hãng được tối ưu hóa để hoạt động tốt nhất trên phần cứng đó, không cần phải thiết kế tương thích với các thiết bị của hãng khác.
Những điều đó làm cho sản phẩm của Apple không chỉ đẹp mắt bên ngoài mà còn có hiệu suất tốt và độ bền dài lâu. Kết hợp với nhau, phần cứng và phần mềm của thiết bị mang đến cho người dùng trải nghiệm tốt nhất, khiến mọi người phải trả nhiều tiền hơn.
3. Đổi mới công nghệ
Các công nghệ mới được bổ sung thường xuyên vào thiết bị của Apple cũng là một lý do khiến chúng có giá cao hơn. Ví dụ gần đây là chip CPU M1 mới được đưa vào sử dụng. Không còn là CPU của Intel nữa, con chip silicon dựa trên cấu trúc ARM do Apple tự sản xuất đã tạo ra hiệu suất tốt hơn cho MacBook và iPad, thậm chí được coi là một cuộc cách mạng trong sản xuất CPU.
Sự đổi mới đã được Apple thực hiện từ lâu, ví dụ rõ nhất là máy nghe nhạc iPod từng làm mưa làm gió nhiều năm trước đây. Có thể nói Apple là hãng tiên phong cải tiến công nghệ ở Thung lũng Silicon. Để duy trì vị thế dẫn đầu, họ cũng phải đầu tư rất nhiều vào hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, cụ thể ngân sách cho mảng này của Apple gần đây đã lên tới 20 tỷ USD, theo Statista.
4. Quyền riêng tư và bảo mật cho người dùng
Apple không bán dữ liệu người dùng để lấy tiền như nhiều công ty công nghệ khác, và các thiết bị của họ cũng không được cài sẵn các phần mềm theo dõi người dùng. Để “bù” cho khoản lợi nhuận bán dữ liệu, Apple phải tăng giá sản phẩm của mình. Trong thời buổi ngày càng nhiều người ý thức rõ về dữ liệu cá nhân của mình bị thu thập, thì chính sách bảo mật của Apple khiến mọi người sẵn sàng trả giá cao hơn.
Nhưng không phải là Apple hoàn toàn không theo dõi người dùng, mà họ vẫn phải làm điều đó để biết cần phải cải thiện các sản phẩm và dịch vụ của mình như thế nào cho đúng với ý muốn của mọi người, mục đích này là hoàn toàn chính đáng.
5. Miễn phí hệ điều hành, các ứng dụng và bản cập nhật
Apple tung ra một bản nâng cấp lớn mỗi năm cho hệ điều hành của mình và có nhiều bản cập nhật nhỏ hơn xuất hiện rải rác trong năm. Để so sánh, Windows vài năm mới có một phiên bản hệ điều hành mới và thường phải trả tiền. Mặc dù việc nâng cấp lên Windows 11 hiện nay là miễn phí nhưng vẫn có nhiều khoản mua trong ứng dụng với giá cao, ví dụ như Office Suite.
Nếu bạn dùng laptop Windows thì phải mua Office Suite để có các công cụ làm việc tiện lợi, và việc nâng cấp lên phiên bản mới của chúng cũng phải trả phí. Trong khi đó nếu dùng hệ điều hành macOS của Apple, bạn sẽ được dùng Pages, Numbers và Keynote miễn phí và các bản cập nhật cho chúng cũng không phải trả tiền.
Như vậy Apple phải kiếm lợi nhuận từ nguồn khác để duy trì các phần mềm này được miễn phí cho người dùng, tức là giá của các thiết bị bán ra sẽ cao hơn.
6. Chi phí marketing và chăm sóc khách hàng
Giá thành của một sản phẩm là tổng chi phí nguyên vật liệu trực tiếp làm ra nó, chi phí lao động trực tiếp và chi phí sản xuất chung. Tuy nhiên còn có những khoản chi phí “ngầm” rất quan trọng là marketing và dịch vụ sau khi mua hàng (hậu mãi), tức là những hoạt động để quảng bá sản phẩm, bán được hàng và chăm sóc khách hàng để giữ chân họ lâu dài. Đối với Apple cũng như vậy: họ không chỉ nâng cao sản phẩm mà còn đầu tư rất nhiều cho marketing và chăm sóc khách hàng.
Ví dụ về chiến lược marketing của Apple có thể thấy rõ ở bất kỳ cửa hàng nào của hãng: thiết kế không gian đặc trưng, đội ngũ các chuyên gia có trình độ và kinh nghiệm, và khách hàng được tương tác với sản phẩm một cách thoải mái nhất. Ngoài ra còn có dịch vụ hỗ trợ Apple Support để khách hàng thông báo sự cố của sản phẩm với các đại lý và được tư vấn giải quyết. Hơn nữa Apple cũng nổi tiếng với những đoạn phim quảng cáo mang tính đột phá và gây ấn tượng mạnh với người dùng.
Tất cả những yếu tố đó không nằm trong giá thành chính thức của sản phẩm, nhưng góp phần làm cho các thiết bị của Apple có giá cao ngất ngưởng. Nói cách khác, nếu một sản phẩm của họ được bán với giá 1000 USD và chi phí sản xuất chỉ là 400 USD thì phần 600 USD còn lại cũng không hẳn là lợi nhuận toàn bộ.
7. Xây dựng thương hiệu
Cho đến nay Apple đã sản xuất rất nhiều sản phẩm thuộc đủ mọi thể loại khác nhau, từ điện thoại, máy tính, đồng hồ thông minh cho tới tai nghe, thậm chí cả khẩu trang chống COVID-19 trong thời đại dịch. Với chiến lược đó, Apple không chỉ được biết đến là hãng sản xuất công nghệ mà còn trở thành một thương hiệu “quốc dân” ăn sâu vào đời sống của mọi người.
Cùng với đó là các chi tiết cấu tạo tinh xảo, phong cách sang trọng và trải nghiệm tối ưu khi sử dụng – tất cả làm nên thương hiệu cao cấp của Apple, để người dùng mỗi khi cầm sản phẩm trên tay đều có cảm giác “sang chảnh” và thể hiện đẳng cấp của mình.
Một điều thú vị là túi đựng iPhone có các lỗ cắt dường như để khoe logo Apple, chứng tỏ họ coi trọng thương hiệu đến mức nào. Những người muốn thể hiện phong cách sống thời thượng luôn sẵn sàng trả giá cao để sở hữu những sản phẩm như vậy.
8. Giá trị bán lại
Hãy so sánh điện thoại của Samsung và Apple: Galaxy S9 có giá 700 USD và iPhone X có giá 1000 USD đều ra mắt năm 2018, nhưng đến nay một chiếc Galaxy S9 second-hand có thể được bán lại với giá khoảng 50-150 USD (khoảng 14% giá ban đầu), trong khi một chiếc iPhone X second-hand có thể giữ giá khoảng 150-400 USD (khoảng 27% giá ban đầu).
Tất cả những yếu tố nêu trong bài này đều là lý do giúp cho các sản phẩm của Apple giữ được giá trị lâu dài như vậy. Và chính vì giữ giá được lâu nên giá bán lúc đầu tất nhiên cũng cao hơn các hãng khác.
9. Khách hàng trung thành
Sau tất cả những lý do kể trên thì một yếu tố giúp Apple có thể giữ giá cao là vì luôn có những khách hàng trung thành sẵn sàng trả mức giá đó. Công bằng mà nói, giá bán sản phẩm của Apple đã tăng chóng mặt trong vài năm qua, nhưng doanh số bán hàng, doanh thu và độ nhận diện thương hiệu cũng không ngừng tăng theo.
Trong số tất cả lý do kể trên, quan trọng nhất để thu hút khách hàng trung thành có lẽ là thương hiệu thể hiện phong cách sống của Apple.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Mạng xã hội kiếm tiền bằng cách nào? Có phải chỉ là quảng cáo?
- Khi những gã khổng lồ công nghệ “không ưa nhau”: Hết đấu khẩu tới đấu trí
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!