Đã bao giờ bạn thắc mắc: tại sao chúng ta được sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Twitter một cách miễn phí, vậy mà chủ nhân của chúng lại toàn tỷ phú hàng đầu thế giới? Mạng xã hội kiếm tiền bằng cách nào? Và chúng ta – những người dùng mạng “free” – đóng vai trò gì để đem lại doanh thu cho các nền tảng đó?

Các mạng xã hội phổ biến hiện nay như Facebook, Twitter, Reddit đều cho phép mọi người đăng ký và sử dụng mà không mất chi phí nào, và có đến hàng tỷ người sử dụng chúng thường xuyên. Vậy làm sao các trang mạng thu được lợi nhuận để duy trì hoạt động?

Mạng xã hội kiếm tiền bằng cách nào? (Ảnh: Internet).
Mạng xã hội kiếm tiền bằng cách nào? (Ảnh: Internet).

Chắc bạn cũng biết cách kiếm tiền phổ biến của mạng xã hội là thông qua quảng cáo. Nhưng thực tế còn có những cách khác như huy động vốn đầu tư hoặc đăng ký thành viên cao cấp có trả phí. Hãy cùng xem chi tiết những phương thức này hoạt động như thế nào nhé.

1. Thu hút vốn đầu tư mạo hiểm

Đầu tư mạo hiểm là một hình thức tài trợ tư nhân, là nguồn tài chính giúp cho rất nhiều mạng xã hội có thể khởi nghiệp lúc ban đầu.

Đầu tư mạo hiểm là gì? (Ảnh: Internet).
Đầu tư mạo hiểm là gì? (Ảnh: Internet).

Đầu tư mạo hiểm là khi một nhà đầu tư – có thể là cá nhân hoặc ngân hàng – tin rằng một doanh nghiệp non trẻ có tiềm năng phát triển và sinh lời trong tương lai, họ sẽ đổ tiền vào giúp doanh nghiệp có vốn làm ăn (đôi khi đầu tư thêm cả thời gian và kiến thức để hỗ trợ doanh nghiệp), đổi lại họ sẽ được nắm một phần sở hữu doanh nghiệp đó. Số vốn đầu tư càng nhiều thì phần sở hữu càng lớn và họ càng có quyền tác động đến các quyết định của doanh nghiệp nhiều hơn. Sau đó nếu doanh nghiệp làm ăn có lãi thì nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận tương xứng với số vốn bỏ vào.

Các mạng xã hội như Facebook và Twitter đã được rót vốn hàng trăm triệu đô la theo cách này. Ngày nay chúng ta đều biết đó là khoản đầu tư chính xác, nhưng đúng như tên gọi của nó, đầu tư mạo hiểm luôn có rủi ro và không phải lúc nào cũng thành công. Nếu bạn biết đến Facebook ở cái thời còn tên là “Thefacebook” và chỉ có sinh viên Harvard tham gia thì bạn có sẵn sàng đầu tư cho nó không?

2. Quảng cáo

Doanh thu lớn nhất của mạng xã hội đến từ quảng cáo. Đó cũng là lý do các trang mạng này luôn tìm cách thiết kế để người dùng bị “nghiện”, vì chúng ta nhìn vào nó càng lâu thì càng gặp nhiều quảng cáo hơn.

Quảng cáo là nguồn doanh thu lớn nhất của mạng xã hội (Ảnh: Internet).
Quảng cáo là nguồn doanh thu lớn nhất của mạng xã hội (Ảnh: Internet).

Quảng cáo xuất hiện ở khắp mọi nơi: từ các bài đăng được tài trợ trên trang đầu của Reddit cho đến các video trong Story của Instagram hay các tweet được tài trợ trên dòng thời gian của Twitter, v.v. Chỉ riêng Facebook hiện nay đã có khoảng 2,9 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, đó là số khách hàng tiềm năng khổng lồ để các công ty chào bán sản phẩm và dịch vụ của mình thông qua quảng cáo.

Các mạng xã hội kiếm tiền bằng cách tính phí, tức là các công ty phải trả tiền để đăng quảng cáo trên trang của họ. Số tiền cụ thể còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lần hiển thị và thời gian hiển thị quảng cáo.

Tuy nhiên quảng cáo cũng có thể là con dao hai lưỡi. Nếu các trang mạng xã hội đăng quá nhiều quảng cáo tới mức khó chịu thì người dùng có thể sẽ tắt quảng cáo hoặc dùng các công cụ chặn quảng cáo. Do đó phải lựa chọn quảng cáo phù hợp để người dùng nhìn thấy những thứ mà họ quan tâm và nhấp vào xem.

3. Dữ liệu người dùng

Người dùng mạng xã hội luôn bị thu thập dữ liệu mà không hề hay biết (Ảnh: Internet).
Người dùng mạng xã hội luôn bị thu thập dữ liệu mà không hề hay biết (Ảnh: Internet).

Đây cũng là nguồn doanh thu lớn của mạng xã hội nhưng bị phản đối rất nhiều, đó là thu thập và bán dữ liệu của người dùng cho các bên thứ ba. Nhưng hãy hiểu đúng vấn đề ở đây: các trang mạng xã hội không bán những thông tin có thể dùng để nhận dạng con người như số điện thoại, địa chỉ email và các thông tin riêng tư khác.

Tuy nhiên nhiều trang có bán thông tin về hành vi sử dụng của người dùng một cách ẩn danh. Ví dụ: Twitter bán thông tin về lượt truy cập nâng cao vào API (giao diện lập trình ứng dụng) của họ, từ đó các công ty mua dữ liệu có thể biết được các tweet của người dùng. Việc này này chiếm khoảng 11% doanh thu của Twitter.

Hoặc như Facebook từng bị tai tiếng vì những vụ scandal như Cambridge Analytica. Dù có nhiều tranh cãi nhưng thực tế Facebook không cố ý cung cấp dữ liệu người dùng cho các công ty khác, mà chỉ muốn giữ cho riêng mình. Tuy nhiên Facebook vẫn theo dõi hành vi sử dụng mạng xã hội của bạn, ví dụ như bạn thích trang nào, để từ đó giúp các nhà quảng cáo nhắm mục tiêu khách hàng chính xác hơn.

4. Đăng ký thành viên có trả phí

Mặc dù các trang mạng xã hội lớn hiện nay đều cho phép tạo tài khoản miễn phí nhưng một số trang giới hạn các tính năng cao cấp chỉ dành cho người có trả phí, do đó thu hút nhiều người bỏ tiền để trải nghiệm.

Ví dụ như gói đăng ký Premium của Reddit giúp người dùng không phải xem quảng cáo, được truy cập vào subreddit chứa nội dung độc quyền, sở hữu huy hiệu trên profile, v.v. Reddit cũng bán đồng Coin mà bạn có thể mua để tặng huy hiệu cho những người khác khi họ có đóng góp tốt.

Gói đăng ký LinkedIn Premium cũng có ưu đãi là người dùng được truy cập vào các khóa học trên LinkedIn, xem thông tin của những người xem hồ sơ của mình, có thể gửi InMail đến nhà tuyển dụng, v.v.

Hầu hết người dùng không muốn trả tiền để đăng ký cao cấp, do đó các trang mạng xã hội hiện nay về cơ bản vẫn là miễn phí. Tuy nhiên một số ít người sẵn sàng trả tiền vẫn cung cấp một khoản doanh thu cho mạng xã hội.

5. Phí giao dịch và bán vật phẩm ảo

Chức năng kêu gọi gây quỹ trên Facebook (Ảnh: Internet).
Chức năng kêu gọi gây quỹ trên Facebook (Ảnh: Internet).

Một số mạng xã hội tạo ra nền tảng để mọi người bán hàng hoặc kêu gọi đóng góp tiền, đổi lại những người đó sẽ phải trả phí cho mạng xã hội. Ví dụ trên Facebook có chức năng cho phép bạn gây quỹ từ thiện, trước đây có tính phí nhưng giờ không còn nữa. Tuy nhiên những người kêu gọi góp tiền cho mục đích cá nhân vẫn bị Facebook tính phí với lý do là để “xử lý thanh toán” và “đóng thuế”.

Một cách kiếm tiền khác là bán vật phẩm ảo, ví dụ như Tumblr tính phí khi người dùng muốn sở hữu các phông nền blog. Facebook cũng từng bán những món “Quà tặng”, đó là các icon vui nhộn mà bạn có thể đặt vào profile của người khác, nhưng giờ không còn nữa.

6. Đa dạng hóa hoạt động kinh doanh

Khi mạng xã hội phát triển lớn mạnh, hoạt động kinh doanh của họ sẽ mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác so với ban đầu. Thậm chí họ có thể chi tiền mua lại các công ty nhỏ để thực hiện việc đa dạng hóa nhanh hơn.

Ví dụ dễ thấy nhất là Meta (trước đây là Facebook) sở hữu không chỉ mạng xã hội Facebook mà cả ứng dụng nhắn tin WhatsApp, mạng xã hội Instagram và doanh nghiệp Oculus chuyên sản xuất phần cứng. Twitter cũng đã mua lại các công ty nhỏ như Gnip, MoPub và Periscope. Việc thâu tóm không chỉ giúp các ông lớn sở hữu được công nghệ và dữ liệu người dùng của các công ty nhỏ, mà còn có thể dùng chúng để hỗ trợ cho nền tảng mạng xã hội chính của mình.

Meta đã mua lại nhiều công ty nhỏ (Ảnh: Internet).
Meta đã mua lại nhiều công ty nhỏ (Ảnh: Internet).

Chiến lược đa dạng hóa còn có thể được thực hiện bằng cách khác, ví dụ như Facebook đã tung ra sản phẩm Portal, đó là thiết bị camera giúp người dùng trò chuyện qua video. Mục đích của Portal không chỉ là kiếm lợi nhuận từ chính sản phẩm đó mà còn thu hút người dùng tham gia vào hệ sinh thái của Facebook như dùng Messenger để chat với bạn bè và dùng Workplace để làm việc với đồng nghiệp.

Tóm lại

Có câu nói rằng: “Nếu có thứ gì đó miễn phí, thì bạn chính là sản phẩm”, điều này càng đúng đối với mạng xã hội. Mặc dù chuyện đó không hẳn là sai trái nhưng vẫn nên ý thức rõ cách mà các mạng xã hội kiếm tiền để trở thành người dùng thông thái hơn.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

5 điều cần nhớ để tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp khởi nghiệp của bạn

Xã hội ngày càng đổi mới, không có gì lạ khi các doanh nghiệp khởi nghiệp ngày nay trở nên cực kỳ phổ biến. Họ không chỉ giúp các ngành công nghiệp phát triển mà còn mang lại cơ hội việc làm cho những người trẻ tuổi và những người đang quay trở lại lao động sau một thời ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận