Kính áp tròng mang lại rất nhiều lợi ích cho người sử dụng, nhưng dùng sai cách sẽ gây ra tai hại khôn lường. Vì vậy, hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu những sai lầm khi sử dụng kính áp tròng cần lưu ý nhé!
- 1. Sai lầm khi sử dụng kính áp tròng phổ biến nhất là đeo quá lâu
- 2. Đeo kính áp tròng khi ngủ
- 3. Đeo kính áp tròng khi tiếp xúc với nước
- 4. Đeo kính áp tròng quá hạn
- 5. Vệ sinh kính áp tròng không đúng cách
- 6. Đeo kính áp tròng khi mắt bị tổn thương
- 7. Bảo quản kính áp tròng không đúng cách
- 8. Sử dụng chung kính áp tròng
- 9. Không đi khám mắt thường xuyên
Kính áp tròng là một loại thấu kính mỏng làm từ chất dẻo, được đặt trực tiếp lên con ngươi của mắt. Nó có tác dụng tương tự như kính gọng, giúp cải thiện tầm nhìn cho người bị cận thị (hoặc viễn thị hay loạn thị), phù hợp với những ai chơi thể thao hoặc những công việc đòi hỏi hoạt động mạnh.
Kính áp tròng không chỉ giúp điều trị các tật khúc xạ của mắt mà còn có thể làm thay đổi màu mắt với các loại kính áp tròng màu. Nhờ đó mà nó mang tính thẩm mỹ rất cao, giúp cho người dùng tự tin hơn với sự thay đổi của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà kính áp tròng mang lại thì nó còn tồn tại những vấn đề nguy hiểm gây hại cho mắt như dị ứng, nhiễm trùng, viêm giác mạc, loét giác mạc,… và thậm chí là gây mù mắt vĩnh viễn. Do đó, những người dùng kính áp tròng cần có kiến thức về việc sử dụng, đặc biệt là những sai lầm dễ mắc phải để bảo vệ đôi mắt của mình.
1. Sai lầm khi sử dụng kính áp tròng phổ biến nhất là đeo quá lâu
Theo các chuyên gia y tế, chúng ta chỉ nên sử dụng kính áp tròng từ 6 – 8 tiếng một ngày. Việc đeo kính áp tròng quá lâu sẽ khiến cường độ mắt làm việc nhiều hơn, khiến cho mắt bị thiếu oxy nghiêm trọng. Từ đó dẫn tới viêm loét giác mạc và có tỷ lệ mù lòa cao.
2. Đeo kính áp tròng khi ngủ
Những người đeo kính áp tròng khi ngủ thường có đôi mắt khô và mờ lúc tỉnh dậy, đó là do kính áp tròng đã cản trở nguồn cung cấp oxy cho đôi mắt. Do vậy, nếu đeo kính áp tròng khi ngủ thì sẽ khiến nhãn cầu bị “ngạt thở”, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng lên gấp 8 lần.
3. Đeo kính áp tròng khi tiếp xúc với nước
Dù là đi bơi hay đi tắm thì chúng ta cũng không nên đeo kính áp tròng bởi các loại vi khuẩn và các mầm bệnh trong nước sẽ bám vào mắt kính, xâm nhập vào giác mạc khiến mắt có thể bị nhiễm trùng. Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể khiến mắt bị mất thị lực.
4. Đeo kính áp tròng quá hạn
Trên thực tế, những loại kính áp tròng đã hết hạn thì chất lượng không còn đảm bảo, thậm chí là nơi sản sinh vi trùng và các chất gây hại cho mắt. Nếu cố dùng thì sẽ khiến mắt không thoải mái và bị tổn thương. Vì vậy, đừng bao giờ tiếc của mà “đánh liều” đôi mắt của mình với kính áp tròng đã hết hạn.
5. Vệ sinh kính áp tròng không đúng cách
Có rất nhiều người dùng nước máy để vệ sinh kính áp tròng hoặc không rửa tay kỹ trước khi làm sạch kính. Đây là một sai lầm lớn bởi nước máy không vô trùng, có chứa rất nhiều vi khuẩn dễ bám vào kính áp tròng. Giải pháp tốt nhất là luôn rửa mắt kính bằng các dung dịch phù hợp được bác sĩ khuyên dùng để đảm bảo an toàn. Mua dung dịch ngâm kính áp tròng tại đây.
6. Đeo kính áp tròng khi mắt bị tổn thương
Tuyệt đối không nên đeo kính áp tròng khi mắt chúng ta có biểu hiện ngứa, sưng, đỏ. Nguyên nhân gây ra những triệu chứng đó có thể là do vi khuẩn đã lọt vào kính áp tròng ta đang dùng, nếu tiếp tục sử dụng sẽ dẫn đến nguy cơ bị viêm giác mạc. Do đó, chúng ta chỉ nên đeo kính áp tròng khi mắt ở trạng thái bình thường và hoạt động tốt.
7. Bảo quản kính áp tròng không đúng cách
Kính áp tròng luôn luôn phải được bảo quản một cách cẩn thận để đảm bảo chất lượng kính cũng như sự an toàn của đôi mắt. Vì vậy, chúng ta cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc nhất định khi bảo quản kính áp tròng.
- Làm sạch là thay dung dịch ngâm kính mỗi ngày. Không sử dụng dung dịch ngâm kính đã hết hạn.
- Rửa sạch tay trước khi vệ sinh kính áp tròng.
- Hộp đựng kính áp tròng nên thay sau khi sử dụng khoảng 2 – 3 tháng để đảm bảo sạch sẽ.
8. Sử dụng chung kính áp tròng
Không nên dùng chung kính áp tròng với người khác vì mỗi kính áp tròng sẽ có kích cỡ và kích thước nhãn cầu khác nhau. Nếu sử dụng kính không phù hợp với mình sẽ khiến mắt cảm thấy khó chịu. Hơn nữa, việc đeo chung đụng có thể lây nhiễm các bệnh về mắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.
9. Không đi khám mắt thường xuyên
Đi kiểm tra mắt định kỳ là việc vô cùng quan trọng dù bạn đang sử dụng kính áp tròng hay kính thường. Qua việc kiểm tra, bác sĩ sẽ cho bạn biết tình trạng của mắt cũng như những cách tốt nhất để bảo vệ mắt khỏi những tác hại bên ngoài. Từ đó, thị lực của bạn sẽ được cải thiện hơn.
Bạn có thể tham khảo các bài viết có nội dung liên quan tại đây:
- 7 cách tăng thị lực cho mắt hiệu quả và an toàn không cần phẫu thuật
- 5 loại thực phẩm tốt cho mắt cận để mắt sáng khỏe
- 5 món ăn tốt cho mắt dễ nấu ngay tại nhà
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp các bạn trang bị thêm kiến thức để sử dụng kính áp tròng đúng cách, bảo vệ đôi mắt của mình. Và đừng quên theo dõi các thông tin bổ ích khác trên BlogAnChoi nhé!
Mình cận 7 độ lại còn hay đeo kính áp tròng lâu