Khi bị cận thị chẳng ai lại muốn “trang điểm” cho khuôn mặt xinh xắn của mình bằng một cặp kính to bự dày cộp cả, thế là kính áp tròng trở thành cứu tinh để bạn vừa nhìn rõ mà vẫn giữ độ thẩm mỹ cho nhan sắc của mình, lại chẳng ai biết bạn bị cận nữa chứ! Nhưng loại kính cực kỳ hữu dụng này thực ra cũng không dễ sử dụng, nếu không cẩn thận còn có thể gây hại nghiêm trọng cho mắt. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu những điều cần lưu ý khi dùng kính áp tròng nhé!

1. Khi cần trang điểm, hãy đeo kính áp tròng trước đã

Ưu điểm cực lớn của kính áp tròng là giúp bạn có thể thoải mái trang điểm cho khuôn mặt và đặc biệt là đôi mắt y như khi không bị cận. Tuy nhiên nguyên tắc cực kỳ quan trọng cần ghi nhớ mỗi lần bạn muốn “tô son trát phấn” là hãy đeo kính áp tròng trước rồi muốn tô vẽ gì thì để sau. Phải thực hiện việc này trước cả khi thoa phấn nền chứ không chỉ là phần trang điểm mắt.

Nhớ đeo kính áp tròng trước khi trang điểm bạn nhé (Ảnh: Internet).
Nhớ đeo kính áp tròng trước khi trang điểm bạn nhé (Ảnh: Internet).

Có hai lý do cho điều này. Thứ nhất, nếu đeo kính áp tròng sau khi đã trang điểm xong bạn sẽ dễ làm lem, hỏng những đường kẻ mắt hoặc phấn. Nhưng lý do thứ hai mới thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe đôi mắt chứ không chỉ vì thẩm mỹ, đó là các hạt bụi phấn hoặc mascara có thể rơi vãi vào mắt trong lúc bạn loay hoay đeo kính áp tròng. Chẳng ai muốn cảm giác khó chịu khi có các “vật thể lạ” này ở trong mắt mình đâu nhỉ? Thậm chí nếu không được lấy ra chúng còn có thể gây nhiễm trùng nguy hiểm cho “cửa sổ tâm hồn” của bạn nữa đấy.

Kính áp tròng có thể trở thành vật trung gian làm bẩn đôi mắt của bạn, do đó hãy đeo chúng trước khi trang điểm (Ảnh: Internet).
Kính áp tròng có thể trở thành vật trung gian làm bẩn đôi mắt của bạn, do đó hãy đeo chúng trước khi trang điểm (Ảnh: Internet).

Vậy lần tới trước khi mở hộp trang điểm mắt hãy luôn nhớ đeo cặp kính áp tròng vào trước đã nhé, vì một đôi mắt khỏe đẹp!

2. Đừng bao giờ dùng chung kính áp tròng với người khác

Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng thực tế vẫn có một số người vì lý do nào đó hay đi mượn hoặc cho người khác mượn kính áp tròng của mình, đặc biệt là người thân trong nhà. Việc dùng chung như vậy rõ ràng đã tạo cơ hội cho vi khuẩn gây bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác. Kể cả khi bạn đã rửa kính thật sạch cũng đâu thể chắc chắn đánh bay hết 100% mầm bệnh còn sót lại đúng không?

Kính áp tròng là vật dụng cá nhân nên chỉ dùng riêng cho mỗi người thôi nhé (Ảnh: Internet).
Kính áp tròng là vật dụng cá nhân nên chỉ dùng riêng cho mỗi người thôi nhé (Ảnh: Internet).

Một lý do nữa mà bạn không nên dùng chung kính với người khác là kính áp tròng được chế tạo phù hợp với kích thước nhãn cầu và độ cong giác mạc đặc trưng riêng cho từng người. Đeo kính không đúng cấu tạo của mắt sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu, mắt bị kích ứng và thậm chí có thể bị trầy xước, tổn thương giác mạc dẫn đến nhiễm trùng nguy hiểm.

Có rất nhiều loại kính áp tròng được ché tạo riêng theo nhu cầu của mỗi người (Ảnh: Internet).
Có rất nhiều loại kính áp tròng được ché tạo riêng theo nhu cầu của mỗi người (Ảnh: Internet).

Do đó bạn chỉ nên dùng kính của riêng mình, đừng bao giờ mượn của người khác hay cho người khác mượn kể cả người thân nhé!

3. Sử dụng dung dịch ngâm kính đúng cách

Kính áp tròng cần được bảo quản đúng cách trong dung dịch ngâm chuyên biệt (Ảnh: Internet).
Kính áp tròng cần được bảo quản đúng cách trong dung dịch ngâm chuyên biệt (Ảnh: Internet).

Nếu đang sử dụng kính áp tròng thì bạn cũng đã quá quen với việc bảo quản chúng trong dung dịch ngâm chuyên dụng rồi đúng không? Đó là các chất lỏng được sản xuất theo quy trình đặc biệt để loại bỏ các vi sinh vật gây hại có thể bám trên kính áp tròng, đảm bảo đôi mắt của chúng ta luôn được an toàn tuyệt đối khi tiếp xúc với kính.

Có rất nhiều loại dung dịch ngâm kính khác nhau, hãy lựa chọn đúng loại phù hợp với kính của mình nhé (Ảnh: Internet).
Có rất nhiều loại dung dịch ngâm kính khác nhau, hãy lựa chọn đúng loại phù hợp với kính của mình nhé (Ảnh: Internet).

Để dung dịch ngâm kính phát huy được hết tác dụng bảo vệ của nó, chúng ta cần biết cách sử dụng hợp lý. Có nhiều loại dung dịch khác nhau với thành phần từ bình dân đến cao cấp, thích hợp với các loại kính và cơ địa riêng của mỗi người. Do đó cũng giống như khi dùng kính, tuyệt đối đừng bao giờ dùng chung dung dịch ngâm kính với người khác bạn nhé.

Lưu ý thứ hai là nước muối hay nước nhỏ mắt không thể thay thế được dung dịch ngâm kính. Nhiều người có thói quen “dùng đại” nước muối để ngâm kính khi chưa kịp mua dung dịch mới. Việc làm này tưởng là tiện lợi nhưng thực ra cực kỳ tai hại, có thể mang mầm bệnh vào nhiễm cho đôi mắt của bạn.

Nước nhỏ mắt không thể thay thế cho dung dịch ngâm kính chuyên dụng đâu nhé (Ảnh: Internet).
Nước nhỏ mắt không thể thay thế cho dung dịch ngâm kính chuyên dụng đâu nhé (Ảnh: Internet).

Nước muối hoặc nước nhỏ mắt thông thường chỉ có tác dụng sát khuẩn nhẹ cho các bề mặt ít nhiễm khuẩn hoặc da, nhưng đôi mắt lại là cơ quan cực kỳ nhạy cảm và dễ bị tổn thương, do đó nước muối không phải là giải pháp đảm bảo an toàn đâu nhé. Đó là chưa kể khi pha nước muối bạn có thể đã đưa thêm vi khuẩn từ môi trường bên ngoài vào nước, làm tăng thêm nguy cơ cho mắt mình khi đeo kính được ngâm trong “dung dịch” đó.

Còn loại nước nhỏ mắt chuyên dụng khi đeo kính áp tròng cũng chỉ có thể coi là giải pháp tình thế trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài chúng cũng không hiệu quả và không thể giữ vệ sinh cho đôi kính thân yêu của bạn đâu.

Đừng để đôi kính thân yêu "tắm" trong những loại nước ngâm không phù hợp bạn nhé (Ảnh: Internet).
Đừng để đôi kính thân yêu “tắm” trong những loại nước ngâm không phù hợp bạn nhé (Ảnh: Internet).

Vậy tốt nhất bạn nên chuẩn bị sẵn dung dịch ngâm kính phù hợp với mình và đừng bao giờ dùng những loại nước khác không đảm bảo vệ sinh nhé! Bạn có thể đặt mua các loại dung dịch ngâm kính áp tròng phù hợp với mình tại đây, nhớ tìm hiểu kỹ và tham khảo ý kiến của bác sĩ.

4. Lưu ý đối với loại kính áp tròng dùng một lần

Lưu ý này cũng đơn giản thôi: đúng như tên gọi của nó, loại kính này chỉ dùng một lần rồi bỏ đi ngay, tuyệt đối đừng dùng lại!

Hiện nay có nhiều loại kính áp tròng được dùng theo kiểu "one day" như thế này (Ảnh: Internet).
Hiện nay có nhiều loại kính áp tròng được dùng theo kiểu “one day” như thế này (Ảnh: Internet).

Chính xác hơn thì đây là loại kính chỉ dùng được tối đa 24 tiếng đồng hồ, sau thời gian đó bắt buộc phải tháo ra và loại bỏ. Tuy nhiên một số người với tâm lý “tiếc của” vẫn cố dùng lại vài lần nữa, việc này sẽ khiến mắt dễ bị tổn thương do “kính một lần” không được thiết kế để chống được bụi bẩn, khác với các loại kính dùng nhiều lần thông thường.

Hãy dùng kính đúng với thời hạn quy định để giữ mắt sáng khỏe (Ảnh: Internet).
Hãy dùng kính đúng với thời hạn quy định để giữ mắt sáng khỏe (Ảnh: Internet).

Lại có loại kính dùng một lần nhưng có thể đeo liên tục trong 1 tháng, tức trong suốt khoảng thời gian đó bạn vẫn để kính trên mắt, không tháo ra. Một khi đã tháo bạn phải bỏ kính luôn và cũng không dùng lại nữa.

Ngoài ra còn có loại kính “dùng trong ngày”, vào cuối ngày bạn vẫn phải tháo ra nhưng có thể đeo lại đến một vài tháng tùy nhà sản xuất. Do hiện nay có rất nhiều loại kính áp tròng với “hạn sử dụng” khác nhau nên bạn cần tìm hiểu thật kỹ trước khi mua và nắm rõ cách sử dụng để đảm bảo hiệu quả cũng như an toàn cho mắt nhé!

Bạn có thể tìm mua các loại kính áp tròng dùng một lần tại đây, nhớ là chỉ dùng đúng một lần thôi đấy!

5. Hãy đi khám mắt trước khi quyết định dùng kính áp tròng

Khám mắt là việc nên làm thường xuyên để đảm bảo sức khỏe của đôi mắt (Ảnh: Internet).
Khám mắt là việc nên làm thường xuyên để đảm bảo sức khỏe của đôi mắt (Ảnh: Internet).

Nhiều người khi đang đeo loại kính có gọng cảm thấy khó chịu liền đổi sang kính áp tròng ngay lập tức mà không đi khám mắt hay tham khảo ý kiến của bác sĩ. Đây là cách làm sai lầm vì không phải ai cũng có thể đeo kính áp tròng một cách thuận lợi như nhau.

Những người có mắt nhạy cảm hoặc đang mắc các bệnh về mắt sẽ dễ bị kích ứng và nhiễm trùng khi đeo kính áp tròng. Bên cạnh đó loại kính này cũng đòi hỏi phải đeo đúng độ tuyệt đối, không như kính thường hơi lệch độ một chút cũng có thể chấp nhận được.

Kính áp tròng không thể dùng tùy tiện mà phải được lựa chọn và tìm hiểu kỹ càng (Ảnh: Internet).
Kính áp tròng không thể dùng tùy tiện mà phải được lựa chọn và tìm hiểu kỹ càng (Ảnh: Internet).

Và như đã nói ở trên, kính áp tròng được thiết kế phù hợp với đặc điểm mắt của mỗi người, do đó bạn nhất định phải đến khám bác sĩ nhãn khoa để biết được chính xác loại kính như thế nào phù hợp nhất cho đôi mắt của mình nhé!

6. Nên tháo kính áp tròng sau một khoảng thời gian nhất định

Đeo kính áp tròng quá lâu có thể gây ra nhiều tác hại cho đôi mắt của bạn (Ảnh: Internet).
Đeo kính áp tròng quá lâu có thể gây ra nhiều tác hại cho đôi mắt của bạn (Ảnh: Internet).

Nhiều người vì ngại việc tháo ra đeo vào và ngâm rửa kính mất thời gian nên cứ thế đeo kính áp tròng suốt ngày, kể cả khi mắt không cần hoạt động nhiều như đọc, viết. Việc này tuy giúp bạn tiết kiệm được thời gian nhưng rất có hại cho mắt, bởi kính áp tròng không được thiết kế để đeo quá lâu như vậy.

Về cơ bản khi đeo kính áp tròng tức là bạn đang “đè” một lớp chất rắn lên bề mặt giác mạc. Nếu không được tháo ra đúng lúc, kính sẽ làm giác mạc bị thiếu oxy và lâu ngày dẫn tới tổn thương các tế bào, thậm chí nặng hơn có thể gây ra sẹo giác mạc.

Kính áp tròng để quá lâu không tháo sẽ làm tổn thương giác mạc do thiếu oxy (Ảnh: Internet).
Kính áp tròng để quá lâu không tháo sẽ làm tổn thương giác mạc do thiếu oxy (Ảnh: Internet).

Vậy sau bao lâu nên tháo kính một lần? Điều này phụ thuộc vào đặc điểm mắt và môi trường sống của bạn. Theo các chuyên gia, nếu không khí có nhiều bụi bặm và ô nhiễm thì bạn chỉ nên đeo kính 3-4 tiếng đồng hồ liên tục. Bên cạnh đó bất cứ khi nào mắt không phải điều tiết nhiều (như khi nghỉ ngơi, đi ngủ) bạn cũng có thể tháo kính để thư giãn cho mắt.

7. Đừng đeo kính áp tròng khi mắt đang “có vấn đề”

Những dấu hiệu nào cảnh báo bạn không nên đeo kính áp tròng? (Ảnh: Internet).
Những dấu hiệu nào cảnh báo bạn không nên đeo kính áp tròng? (Ảnh: Internet).

Hãy tập thói quen tự kiểm tra và cảm nhận mắt mình trước mỗi lần đeo kính. Nếu bạn cảm thấy mắt khó chịu, đau, ngứa, chảy nước nhiều hay đỏ mắt thì đừng đeo kính và đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời. Các triệu chứng trên có thể là dấu hiệu của bệnh lý về mắt, và nếu đeo kính áp tròng ngay lúc đó bạn sẽ làm tình trạng bệnh thêm tồi tệ hơn.

Hãy cẩn thận với các bệnh về mắt, chúng có thể lấy đi đôi "cửa sổ tâm hồn" của bạn đấy (Ảnh: Internet).
Hãy cẩn thận với các bệnh về mắt, chúng có thể lấy đi đôi “cửa sổ tâm hồn” của bạn đấy (Ảnh: Internet).

Mặt khác, kính áp tròng cũng có thể chính là thủ phạm gây ra các dấu hiệu trên do việc sử dụng và bảo quản không đúng hoặc kính không đảm bảo chất lượng. Do đó bạn cần mang theo kính khi đi khám để các bác sĩ có thể đánh giá và xác định nguyên nhân khiến mắt khó chịu là gì.

8. Không đeo kính áp tròng bị hỏng hoặc hết hạn sử dụng

Hãy kiểm tra xem kính có còn tốt không rồi mới đeo bạn nhé (Ảnh: Internet).
Hãy kiểm tra xem kính có còn tốt không rồi mới đeo bạn nhé (Ảnh: Internet).

Không giống như các loại kính thông thường có thể dùng được rất lâu mà chẳng cần thay mới, kính áp tròng có đặc điểm là tiếp xúc trực tiếp với mắt và thường xuyên bị tác động bởi bàn tay người dùng nên rất dễ hỏng. Tốt nhất bạn nên thay kính khi hết hạn sử dụng hoặc sau 3 đến 6 tháng nếu có điều kiện.

Đặc biệt nếu phát hiện kính bị sứt mẻ hay trầy xước bạn phải bỏ ngay và luôn, đừng tiếc của mà đeo tiếp bởi những vết xước trên kính có thể làm tổn thương mắt và khiến bạn mất thị lực nghiêm trọng lắm đấy!

9. Vệ sinh kính áp tròng đúng cách

Kính áp tròng cần được vệ sinh cẩn thận sau mỗi lần dùng (Ảnh: Internet).
Kính áp tròng cần được vệ sinh cẩn thận sau mỗi lần dùng (Ảnh: Internet).

Cùng với cách đeo kính thì cách vệ sinh và bảo quản kính áp tròng cũng là những bài học “vỡ lòng” mà bất kỳ ai dùng loại kính này đều phải thuộc. Thế nhưng vì vội hoặc “lỡ quên” mà nhiều người hay bỏ qua các lưu ý quan trọng khi thực hiện những việc này.

Đầu tiên hãy nhớ luôn rửa tay sạch với xà phòng trước khi đeo, tháo hay vệ sinh kính. Chỉ được dùng đúng loại nước rửa kính chuyên dụng để làm sạch, không dùng bất kỳ loại chất lỏng nào khác như nước lọc, nước máy, nước muối hay xà phòng. Những loại nước này tuy nhìn có vẻ sạch nhưng thực ra vẫn có thể ẩn chứa vi trùng không nhìn thấy bằng mắt thường, do đó bạn tuyệt đối đừng chủ quan.

Muốn vệ sinh kính tốt, hãy vệ sinh tay sạch! (Ảnh: Internet).
Muốn vệ sinh kính tốt, hãy vệ sinh tay sạch! (Ảnh: Internet).

Và một điều nữa cần nhớ là nước rửa kính hay dung dịch ngâm kính cũng có hạn sử dụng (đối với dung dịch ngâm thường là 3 tháng sau khi mở nắp), do đó trước khi vệ sinh kính hãy luôn để ý xem chai dung dịch của mình “còn đát” hay không nhé. Nếu chai cũ sắp hết hạn bạn có thể đặt mua nước rửa kính áp tròng mới tại đây, nhớ dùng đúng loại phù hợp với mình đấy!

Bạn có thể xem lại cách vệ sinh kính áp tròng chi tiết qua video dưới đây:

Mời bạn đọc tiếp những bài viết bổ ích trong chuyên mục Sức khỏe của BlogAnChoi:

Chúc bạn luôn nhận được những thông tin thú vị cùng những phút giây thư giãn tại BlogAnChoi nhé!

Xem thêm

Xước măng rô ở ngón tay, cách xử trí sao cho đúng?

Xước măng rô có thể gặp ở tất cả mọi người bất kể độ tuổi, giới tính,… Đây cũng được coi là dấu hiệu nhận biết tình trạng sức khoẻ của cơ thể. Nhiều người cảm thấy rất khó chịu khi gặp phải tình trạng này., chính vì vậy bài viết này sẽ đưa ra một số phương pháp ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
5 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
mt1803

đến bh mình vẫn chưa dám tự đeo kính áp tròng

Phan Thanh Hoàng Yến

Bài viết rất bổ ích!

Phạm Long Thuyên

mình sẽ chú ý, cảm ơn bạn vì bài viết này nhé

User 0d02648c

bài viết tốt ^^

llihari

mắt khô nên không dám dùng kính áp tròng