Cứ 10 người Mỹ thì có 6 người quan niệm nên tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Người dân đã tin tưởng hơn vào quá trình nghiên cứu và phát triển cũng như hiệu quả của vắc-xin và tin rằng họ có thể chiến thắng trước đại dịch COVID-19.
- 1. Vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ đưa virus vào cơ thể bạn?
- 2. Vắc-xin COVID-19 gây vô sinh?
- 3. Vắc-xin ngừa COVID-19 không an toàn và chưa được thử nghiệm như các vắc-xin khác?
- 4. Ngay sau khi tiêm vắc-xin, khẩu trang và giãn cách không còn cần thiết nữa?
- 5. Những người đã bị COVID-19 không cần phải tiêm phòng?
- 6. Một lần tiêm phòng sẽ bảo vệ bạn khỏi COVID-19 suốt đời?
- 7. Nên đợi cho đến khi bạn có thể chọn loại vắc-xin “tốt nhất”?
Tuy nhiên, gần một nửa số người trong nhóm tin vào việc tiêm vắc-xin thừa nhận rằng họ có thể bị dao động nếu có những thông tin về tính thiếu an toàn của vắc-xin cũng như phản ứng phụ nghiêm trọng của vắc-xin. Hãy hiểu đúng về vắc-xin và đưa ra quyết định đúng đắn nhé.
Bác sĩ Sandra Kesh, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là phó giám đốc y tế của Westmed Medical Group ở Westchester, New York cho biết:
“Khi có nhiều người tiêm vắc-xin hơn, chúng tôi có thể làm được nhiều việc hơn. Việc tiêm vắc-xin mang lại cho bạn sự yên tâm, đó là một điều tuyệt vời sau một năm cố gắng ngăn chặn và kiểm soát đại dịch. Có được 95% khả năng miễn dịch từ vắc-xin mRNA là một điều tuyệt vời.”
Như vậy vắc-xin là một trong những phương pháp hiệu quả và an toàn nhất để chống lại đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới. Nhưng đâu đó chúng ta vẫn có thể bắt gặp những hiểu lầm và nghi ngại về việc tiêm vắc-xin, chẳng hạn như những quan niệm sai lầm được liệt kê dưới đây.
1. Vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ đưa virus vào cơ thể bạn?
Sự thật: Vắc-xin không thể gây nhiễm trùng COVID-19.
Bác sĩ Prathit Kulkarni, phó giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Baylor ở Houston, Texas, giải thích: “Về mặt sinh học, không thể lấy virus gây bệnh COVID-19 đưa vào trong vắc-xin dựa trên cách chúng được phát triển.”
Các chuyên gia cho biết thêm, các phản ứng thông thường của vắc-xin như sốt, đau nhức và mệt mỏi thường xảy ra trong vài ngày đầu sau mỗi liều tiêm và tất cả đều là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của bạn đang hoạt động bình thường.
Ho, khó thở và mất khứu giác hoặc vị giác không phải là những phản ứng phổ biến của vắc-xin và có thể là dấu hiệu của việc nhiễm COVID-19 hoặc một bệnh nhiễm trùng khác. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào nêu trên sau khi tiêm chủng.
2. Vắc-xin COVID-19 gây vô sinh?
Sự thật: Điều quan trọng đối với phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai là phải biết rõ về rủi ro và lợi ích của việc tiêm phòng từ bác sĩ và nhân viên y tế. Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy vắc xin gây vô sinh.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết phụ nữ mang thai bị nhiễm virus có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng hơn và ảnh hưởng xấu đến quá trình mang thai. Vì vậy các biện pháp an toàn cơ bản như giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, tránh bị nhiễm bệnh cá nhân và rửa tay là rất quan trọng nếu không được chủng ngừa trong khi mang thai.
3. Vắc-xin ngừa COVID-19 không an toàn và chưa được thử nghiệm như các vắc-xin khác?
Sự thật: Mặc dù vắc-xin COVID-19 được phê duyệt đã được phát triển và thử nghiệm tương đối nhanh so với các vắc-xin khác trong lịch sử, nhưng các giai đoạn thử nghiệm giống nhau đã được sử dụng cho tất cả chúng trước khi được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép.
Chuyên gia khẳng định: “Tất cả các loại vắc xin được ủy quyền đã trải qua các thử nghiệm lâm sàng lớn với hàng chục nghìn bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ về các tác dụng phụ hoặc các vấn đề với vắc-xin. Không có bất kỳ phản ứng phụ nghiêm trọng nào nguy hiểm đến tính mạng được quan sát thấy, do đó vắc xin đã được cấp phép”.
Mặc dù có vẻ như quá trình nghiên cứu, phát triển và đưa ra thị trường đang diễn ra nhanh chóng vì đây là dịch bệnh được Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố là đại dịch toàn cầu vào ngày 11 tháng 3 năm 2020, nhưng vắc-xin của các hãng Moderna và Pfizer thực sự là các vắc-xin an toàn.
Chuyên gia giải thích: “Công nghệ mRNA được sử dụng trong hai loại vắc-xin này đã được nghiên cứu trong hơn một thập kỷ. Tất cả dữ liệu chúng tôi có từ các thử nghiệm lâm sàng – bao gồm hơn 40.000 người trong thử nghiệm Pfizer và hơn 30.000 người trong thử nghiệm Moderna – chỉ ra rằng vắc-xin an toàn. Không thấy tác dụng phụ nghiêm trọng nào và các tác dụng phụ nhẹ hoặc trung bình gần như hết trong vòng vài ngày.”
“Chúng tôi cũng không thấy mối liên hệ rõ ràng giữa vắc xin mRNA và các tác dụng phụ nghiêm trọng, mặc dù đã có hàng triệu vắc-xin được tiêm cho đến nay.”
Các phản ứng dị ứng phản vệ liên quan đến vắc-xin COVID-19 vẫn rất hiếm, chỉ có khoảng hai hoặc ba trường hợp trên 1 triệu người được tiêm chủng. Những kết quả đó là khá tốt, khi chúng ta đang nói về một căn bệnh có khả năng lây nhiễm cao và gây chết người.
4. Ngay sau khi tiêm vắc-xin, khẩu trang và giãn cách không còn cần thiết nữa?
Sự thật: Sau khi chủng ngừa, bạn vẫn nên tiếp tục đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.
Chuyên gia giải thích: “Vắc-xin có thể bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm bệnh, nhưng những người được tiêm chủng vẫn có thể mang và lây lan virus. Vì vậy mặc dù bạn không có khả năng bị triệu chứng nghiêm trọng nguy hiểm tính mạng do COVID-19, nhưng bạn vẫn có thể mang vi rút và phát tán nó.”
Hiện có những nghiên cứu tiềm năng đang được thực hiện về hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn ngừa lây lan và chúng ta sẽ có câu trả lời trong vài tháng tới. Cho đến lúc đó, những người được tiêm chủng nên tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm thiểu sự lây lan đã được khuyến cáo lâu nay.
5. Những người đã bị COVID-19 không cần phải tiêm phòng?
Sự thật: Nếu ai đó đã bị COVID-19, họ vẫn có thể được chủng ngừa. Hướng dẫn từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho thấy họ có thể cân nhắc hoãn việc tiêm chủng trong 90 ngày, nhưng cuối cùng họ vẫn nên tiêm.
Vắc-xin được thiết kế chủ yếu để ưu tiên những người không có kháng thể (tức là những người chưa bị nhiễm bệnh và do đó chưa hình thành một số miễn dịch tự nhiên đối với virus) tại thời điểm hiện nay khi nhu cầu vắc-xin vượt quá nguồn cung.
Chuyên gia cho biết: “Nếu ai đó được điều trị dựa trên kháng thể, hoặc huyết tương dưỡng bệnh hoặc kháng thể đơn dòng, thì họ được khuyến cáo đặc biệt nên đợi 90 ngày cho đến khi được chủng ngừa. Sau 90 ngày đó, những người đã khỏi bệnh COVID-19 nên chủng ngừa để bảo vệ mình khỏi bị tái nhiễm.”
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy rằng vắc-xin kích hoạt mức độ kháng thể trung hòa cao hơn đáng kể so với nhiễm trùng thực sự. Cho đến khi có nhiều thông tin hơn về thời gian miễn dịch có được từ nhiễm trùng thực sự thì vắc-xin vẫn được khuyến nghị tiêm cho tất cả mọi người.
6. Một lần tiêm phòng sẽ bảo vệ bạn khỏi COVID-19 suốt đời?
Sự thật: Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu thời gian miễn dịch của từng loại vắc-xin COVID-19. Chúng ta có thể cần tiêm chủng lặp lại trong tương lai, tương tự như tiêm phòng cúm hàng năm.
FDA cho biết họ dự đoán khả năng miễn dịch ít nhất là một năm. Cho đến nay, các nghiên cứu vẫn chưa cho biết khả năng miễn dịch từ vắc-xin sẽ kéo dài bao lâu. Bởi vì đây là một loại vắc-xin mới, khả năng miễn dịch phải được đo lường theo thời gian và thật khó để trả lời câu hỏi đó vào thời điểm này.
Một điều mà các chuyên gia chắc chắn: “Càng mất nhiều thời gian để chúng ta đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, thì cơ hội virus đột biến càng lớn và chúng ta sẽ cần phải tiêm phòng nhắc lại.”
Tuy nhiên, việc tiêm phòng có nghĩa là bạn không còn phải cách ly nếu bạn tiếp xúc với người có thể bị nhiễm bệnh. Điều này không có nghĩa bạn được tự do gần gũi với người khác hay để tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hay nước bọt của người khác. Khi đã được tiêm phòng, khả năng bạn bị lây nhiễm bởi một người nào đó nhiễm COVID-19 là cực kỳ thấp (dưới 5% với vắc-xin mRNA), vì vậy bạn có thể linh hoạt hơn đối với các quy tắc của CDC về cách ly do phơi nhiễm.
7. Nên đợi cho đến khi bạn có thể chọn loại vắc-xin “tốt nhất”?
Sự thật: Hãy tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào được WHO khuyến nghị khi đièu kiện cho phép, cho dù đó là vắc-xin của Pfizer, Moderna hay vắc xin Johnson & Johnson mới được phê duyệt. Tất cả các loại vắc-xin này đã được FDA chấp thuận để sử dụng khẩn cấp vì chúng có hiệu quả tốt.
Các chuyên gia khẳng định: “Tất cả chúng đều đã được thử nghiệm rộng rãi và cực kỳ hiệu quả trong việc ngăn ngừa tình trạng bệnh chuyển biến xấu. Đây là điều quan trọng nhất mà chúng tôi mong muốn từ vắc-xin và chúng đều rất hiệu quả trong việc thực hiện điều này”.
Hy vọng rằng bài viết đã giải đáp phần nào thắc mắc và nghi ngờ về vắc-xin. Bạn hãy có cái nhìn đúng đắn về vắc-xin và hãy tỉnh táo trước những thông tin sai sự thật. Chúc bạn có một sức khỏe tốt!
Một số bài viết bạn có thể tham khảo:
- Việt Nam sắp nhập vaccine COVID-19, bạn đã biết gì về loại vaccine này?
- COVID-19 và cảm cúm thông thường: Bạn đã biết 10 điểm khác nhau giữa chúng hay chưa?
Hãy thường xuyên ghé thăm BlogAnChoi để cập thêm nhiều thông tin hữu ích bạn nhé!
bài viết sâu sắc quá ạ!
Đúng rồi bây giờ phải phòng bệnh hơn chữa bệnh
rất hay nha nha
Bài viết rất bổ ích nhất là trong giai đoạn này!