Hiện nay một vài tai biến xảy ra sau tiêm phòng vắc xin khiến rất nhiều phụ huynh lo sợ. Vậy làm thế nào để giảm tối đa nguy cơ cho con sau tiêm chủng? Đó là gia đình cần nắm rõ để biết theo dõi trẻ sau tiêm phòng là phải theo dõi những gì, thời gian bao lâu, các triệu chứng bình thường, bất thường thế nào để kịp thời xử lý.

Hiện nay y tế ngày càng phát triển, nhiều loại vắc xin mới ra với mục đích phòng tránh các bệnh nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, tai biến y khoa là khó tránh dù với tỉ lệ rất rất nhỏ. Các bậc phụ huynh khi quyết định tiêm phòng cho con chắc chắn cũng không khỏi lo lắng về vấn đề này.

Vậy hãy nắm chắc những thông tin trong bài viết dưới đây để biết sau tiêm phòng cho trẻ cần theo dõi trong thời gian bao lâu, các biểu hiện như thế nào là bình thường có thể tự khỏi và như thế nào là nguy hiểm cần đưa con đi cấp cứu ngay.

trẻ sau tiêm chủng
Bố mẹ cần theo dõi con sau tiêm chủng để kịp thời phát hiện bất thường (Nguồn: Internet).

Theo dõi sau tiêm chủng bao lâu

  • Theo khuyến cáo, sau tiêm chủng cần ở lại cơ sở y tế nơi tiêm ít nhất 30 phút để theo dõi diễn biến và kịp thời xử lý những bất thường xảy ra.
  • Khi về nhà cần chú ý theo dõi trẻ ít nhất 24 tiếng sau tiêm.

Sau tiêm chủng cần theo dõi những gì?

Sau tiêm chủng, phụ huynh cần theo dõi các biểu hiện sau: tinh thần của trẻ tỉnh táo vui chơi hay mệt mỏi; ăn có được không; bú mẹ nhiều hay ít hơn bình thường; uống; ngủ ngon hay ngủ li bì, quấy khóc; thở gấp hay không; nhiệt độ là vấn đề rất quan trọng; phát ban trên da; phản ứng tại vị trí tiêm; vấn đề đại, tiểu tiện, phân; các bất thường khác về sức khỏe,…

Phản ứng của trẻ sau tiêm chủng được chia làm 2 mức độ, đó là mức độ phản ứng thông thường có thể tự khỏi và mức độ phản ứng bất thường sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ hoặc để lại di chứng về sau.

đo nhiệt độ
Bố mẹ cần theo dõi con sau tiêm chủng ít nhất 24 tiếng (Nguồn: Internet).

Biểu hiện bình thường của trẻ sau tiêm phòng

  • Sốt nhẹ (dưới 38, 5 độ C): Sốt sau tiêm phòng là phản ứng khá hay gặp, nếu trẻ sốt nhẹ, mẹ tiếp tục cho con uống nhiều nước, ăn uống bình thường và dùng thuốc hạ sốt đúng liều khi thân nhiệt trên 38 độ C. Việc theo dõi sát thân nhiệt của trẻ sau tiêm chủng là rất quan trọng. Tìm mua máy đo nhiệt độ điện tử tiện dùng cho trẻ em ở đây.
  • Vị trí tiêm đỏ hoặc sưng nhẹ.
  • Trẻ giảm phản xạ, choáng có thể xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi tiêm phòng.
  • Một vài trường hợp trẻ có thể xuất hiện các vết bầm tím hoặc chảy máu (nguyên nhân do giảm tiểu cầu) thì tiên lượng thông thường là nhẹ và tự khỏi. Tuy nhiên, để đánh giá đúng nguyên nhân, ở trường hợp này mẹ vẫn nên đưa con tới gặp bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Các dấu hiệu bất thường của trẻ sau tiêm chủng cần đưa đi cấp cứu ngay

  • Cần đưa NGAY trẻ tới các cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ có các dấu hiệu nặng, bất thường sau tiêm chủng như: sốt cao (>39°C), co giật, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, bú kém, bỏ bú, phát ban, các biểu hiện bất thường khác về sức khỏe…
  • Nếu các phản ứng thông thường (đã nêu ở trên) kéo dài quá một ngày cũng có thể là dấu hiệu bất thường cần có sự tư vấn của bác sĩ.
  • Ngay sau khi tiêm trẻ có thể khóc do đau, nhưng nếu trẻ khóc sau tiêm một thời gian và kéo dài dai dẳng 3 tiếng là dấu hiệu bất thường, phụ huynh không nên chủ quan dù chưa có biểu hiện gì rõ ràng.
  • Dấu hiệu sốc phản vệ sau tiêm phòng ở trẻ: Đây là diễn biến nguy hiểm, thường xảy ra rất nhanh sau khi tiếp xúc với kháng nguyên lạ, thậm chí ngay trong khi đang tiêm. Trẻ xuất hiện ban đỏ, mẩn ngứa, vật vã, kích thích, đau đầu, đau bụng, ỉa chảy, khó thở, tím tái. Trẻ có thể co giật, kích thích, giãy giụa hoặc hôn mê, li bì. Điều cần làm là dừng ngay việc tiêm vắc xin (nếu đang tiêm) và thực hiện cấp cứu sốc phản vệ theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.
  • Biểu hiện dị ứng nặng sau tiêm chủng: Dị ứng với thuốc có thể tùy mức độ, nhưng nếu là trường hợp quá mẫn cấp tính thì diễn biến sẽ rất nhanh, nếu phát hiện bất kì biểu hiện dị ứng nào như nổi mẩn đỏ, phát ban, hay phù môi, phù mặt bố mẹ cần đưa con ngay tới cơ sở y tế để đảm bảo an toàn, trẻ được xử trí kịp thời đề phòng biến chứng nguy kịch. Ở trường hợp nặng, trẻ khó thở, thở khò khè do phù nề thanh quản, đường thở bị hẹp và cần được hỗ trợ thở oxy, xử trí cấp cứu.
  • Trẻ co giật sau tiêm phòng: Trẻ có thể có cơn co giật ngắn hay dài, thường là co giật toàn thân. Dù cơn co giật của trẻ đã hết và chưa phát hiện bất thường xảy ra nhưng bố mẹ cũng cần cho con tới gặp bác sĩ ngay. Phụ huynh cũng cần đề ý cơn co giật của bé về thời gian, tính chất để mô tả lại cho bác sĩ nắm được tình hình. Trẻ cần được xử trí đảm bảo thông thoáng đường thở, thuốc chống co giật và điều trị theo nguyên nhân.
  • Áp xe ở vị trí tiêm: Nếu bố mẹ thấy vị trí tiêm của trẻ có chảy dịch ra, hoặc sưng lên và sờ cảm giác mềm như chứa dịch mủ bên trong thì cũng cần đưa bé tới cơ sở y tế ngay.
dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng
Khi có các dấu hiệu bất thường mẹ cần đưa bé tới ngay cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị (Nguồn: Internet).

Nói chung, khi bố mẹ thấy có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ nguy hiểm sau tiêm chủng cũng nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ, vì nhiều trường hợp diễn biến rất nhanh, cấp cứu không kịp thời gây nguy hại tính mạng của trẻ.

Các nguyên nhân dẫn đến phản ứng bất thường sau tiêm phòng cho trẻ em

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các phản ứng bất thường ở trẻ sau tiêm phòng, có thể là khách quan, chủ quan:

  • Nguyên nhân do vắc xin: Phản ứng ở đây xảy ra do các đặc tính vốn có của vắc xin hoặc do vắc xin không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.
  • Do trùng hợp ngẫu nhiên: Trẻ gặp các phản ứng bất thường sau khi tiêm chủng nhưng nguyên nhân thực tế không phải do đợt tiêm chủng này mà do trùng sự hợp ngẫu nhiên từ một bệnh lý có sẵn trước đó hay nguyên nhân khác.
  • Do tâm lý lo sợ của phụ huynh hay trẻ tiêm vắc xin: Đây hoàn toàn là do tâm lý, có thể biểu hiện bình thường nhưng do tâm lý lo sợ nên bị hiểu nhầm, hiểu sai.
  • Do sai sót trong khi thực hiện tiêm chủng: Tiêm chủng là quy trình với từng bước cần được thực hiện chính xác, đảm bảo. Từ chuẩn bị tới pha chế, bảo quản, kĩ thuật tiêm, vị trí tiêm,… Khi một bước trong đó xảy ra sai sót có thể dẫn tới các phản ứng bất thường.
  • Không xác định được nguyên nhân.

Dù nguyên nhân là gì thì phụ huynh cũng cần bình tĩnh, việc quan trọng đầu tiên là xử lý bất thường ở trẻ tránh nguy hiểm. Sau đó cần tìm hiểu để làm rõ, làm đúng nguyên nhân.

thuốc tiêm
Việc xảy ra những dấu hiệu bất thường ở trẻ sau tiêm văc xin có thể do nhiều nguyên nhân (Nguồn: Internet).

Lưu ý quan trọng khi cho con đi tiêm phòng

  • Khi đưa con đi tiêm phòng, mẹ cần nói rõ với bác sĩ về tiền sử bệnh của con, các bệnh đã mắc trước đây, bệnh hiện nay, trẻ có đang phải điều trị bệnh gì hay dùng thuốc gì không.
  • Trẻ có bị dị ứng với thuốc, thực phẩm hoặc tác nhân đặc biệt nào không
  • Các lần tiêm vắc xin trước của trẻ thế nào, đã tiêm những gì, tiêm khi nào, phản ứng sau đó ra sao, có gì bất thường không .
  • Theo dõi các dấu hiệu của trẻ sau tiêm theo hướng dẫn.
  • Đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay khi gặp các dấu hiệu bất thường.

Một vài bài viết liên quan cùng chuyên mục phụ huynh có thể tham khảo:

Hi vọng những thông tin mà BlogAnChoi chia sẻ có thể giúp các mẹ cũng như cả gia đình chăm sóc sức khoẻ của trẻ tốt hơn. Đừng quên truy cập chuyên mục Sức khoẻ của BlogAnChoi để được cập nhật thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích cho mình bạn nhé!

Xem thêm

10 nguyên nhân chóng mặt hoa mắt hàng đầu bạn cần chú ý

Bạn có thường xuyên bị hoa mắt chóng mặt và mệt mỏi không? Bạn có từng quan tâm đến lý do của hiện tượng này và cách để khắc phục nó? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu để biết các nguyên nhân chóng mặt hoa mắt hay gặp hàng đầu và cách điều trị sao cho an toàn, hiệu quả nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận