Trong khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt thì nhiều nước lại phải đối mặt với bệnh đậu mùa khỉ. Đáng lo ngại hơn nữa là các chuyên gia y tế cảnh báo nhiều trường hợp mắc bệnh này rất khó phát hiện và có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Vậy bệnh đậu mùa khỉ là gì, triệu chứng như thế nào và có nguy hiểm cho con người hay không? Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới

Trong một thông báo mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) cảnh báo rằng một số người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể đã không được làm xét nghiệm và biểu hiện phát ban của bệnh này có thể bị chẩn đoán nhầm với các bệnh truyền nhiễm khác như herpes.

Mụn nước của bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh: Internet).
Mụn nước của bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh: Internet).

Trước đó các chuyên gia y tế đã lưu ý rằng bệnh đậu mùa có triệu chứng là các nốt giống như mụn nhọt hoặc phồng rộp trên da, khác với dạng phát ban lan rộng của các bệnh khác. Mặc dù bệnh này chưa đe dọa tới mức đại dịch nhưng CDC khuyến cáo mọi người phải chú ý phát hiện sớm các triệu chứng để ngăn chặn nguy cơ bùng phát ở nhiều quốc gia.

Hiện tại tổng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thế giới đã vượt hơn 2000, trong đó có nhiều nước trước đây hầu như không ghi nhận bệnh này. Các chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu cảnh báo cần theo dõi nhưng hiện tại chưa nên quá hoảng sợ. Bệnh đậu mùa không phải là mới và chúng ta cũng đã có một số biện pháp để ngăn chặn sự lây lan, trong đó có vaccine ngừa bệnh đậu mùa ở người.

Bệnh đậu mùa khỉ là gì? Mức độ nghiêm trọng như thế nào?

Virus gây bệnh đậu mùa khỉ nhìn dưới kính hiển vi (Ảnh: Internet).
Virus gây bệnh đậu mùa khỉ nhìn dưới kính hiển vi (Ảnh: Internet).

Bệnh đậu mùa trên khỉ do do một loại virus thuộc chi Orthopoxvirus gây ra, tức là giống với virus gây bệnh đậu mùa ở người và bệnh đậu bò ở bò. Tuy nhiên bệnh đậu mùa khỉ được cho là ít nghiêm trọng hơn đậu mùa ở người.

Theo CDC, bệnh đậu mùa ở khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1950 trên khỉ nhưng ngoài ra cũng được tìm thấy ở sóc, chuột và các động vật khác. Trường hợp đầu tiên mắc bệnh này ở con người được phát hiện vào năm 1970.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh đậu mùa khỉ lưu hành phổ biến ở Tây Phi và Trung Phi gồm 2 nhóm khác nhau, trong đó một nhóm gây ra những ca bệnh gần đây có tỷ lệ tử vong dưới 1%, còn nhóm kia cao tới 10%.

WHO cũng cho biết trong năm nay đã có 72 ca tử vong do bệnh đậu mùa khỉ ở các nước mà bệnh này lưu hành từ lâu, nhưng chưa có ca tử vong nào ở các nước mới xuất hiện bệnh này.

Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền như thế nào? Có dễ lây như COVID-19 không?

Theo CDC, bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người chủ yếu qua tiếp xúc với vết loét, vảy da bị bong tróc hoặc các chất dịch cơ thể, cũng có thể lây qua các giọt bắn đường hô hấp hoặc do chạm vào đồ dùng có nhiễm virus. Các chuyên gia hiện đang nghiên cứu xem bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục hay không.

Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, nhưng CDC cho biết nhiều ca bệnh ở Mỹ gần đây là ở nam quan hệ đồng giới.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người (Ảnh: Internet).
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người (Ảnh: Internet).

Tiếp xúc gần gũi là một yếu tố quan trọng để lây truyền bệnh đậu mùa ở khỉ, và tốc độ nhân lên của virus này cũng chậm hơn virus gây COVID-19, do đó có thể nói bệnh này khó lây hơn COVID-19.

Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa rõ về cách lây truyền của virus nhưng một số chuyên gia ​​cho rằng bệnh này không lây qua không khí giống như COVID-19 và cũng không dễ lây như cúm, thủy đậu hoặc sởi – những bệnh lây lan rất nhanh đối với những người chưa được tiêm vaccine phòng ngừa. Ví dụ nếu mọi người đi lướt qua nhau trong cửa hàng mua sắm thì rất ít có nguy cơ lây bệnh đậu mùa khỉ.

Nhiều trường hợp mắc bệnh gần đây ở châu Âu có tổn thương ở vùng sinh dục và giống với các triệu chứng của bệnh lây truyền qua đường tình dục như herpes, do đó các chuyên gia khuyến cáo rằng nên xét nghiệm nếu bạn bị phát ban không rõ nguyên nhân ở vùng sinh dục của mình.

Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Các nốt mụn nước do bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh: Internet).
Các nốt mụn nước do bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh: Internet).

Các triệu chứng của người mắc bệnh đậu mùa khỉ cũng tương tự như bệnh đậu mùa ở người nhưng nhẹ hơn. Bệnh đậu mùa đã được WHO tuyên bố loại trừ hoàn toàn trên thế giới vào năm 1980.

Bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu với các triệu chứng giống cúm như mệt mỏi, nhức đầu dữ dội, sốt và sưng hạch bạch huyết. Theo CDC, trong vòng 1 đến 3 ngày kể từ khi bắt đầu sốt, người bệnh sẽ xuất hiện phát ban hoặc vết loét có thể ở nhiều vị trí trên cơ thể như bàn tay, bộ phận sinh dục, mặt, ngực và trong miệng. Các tổn thương này có thể phẳng hoặc nổi gồ lên, chứa đầy dịch trong hoặc hơi vàng, sau một thời gian sẽ khô và rụng đi.

Bệnh có thể lây từ lúc nổi ban cho đến khi vết loét lành hẳn và mọc da mới, theo CDC. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày, và diễn tiến của bệnh thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần.

Đáng chú ý là một số người không có các triệu chứng giống cúm, CDC cho biết, và không phải ai cũng có đầy đủ các triệu chứng điển hình dễ nhận biết. Đặc biệt là bệnh đậu mùa khỉ không lây trong thời kỳ ủ bệnh, khác với một số loại virus như cúm và SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Tuy nhiên các chuyên gia đang nghiên cứu xem điều này còn đúng trong đợt bùng phát hiện nay hay không.

Các nốt mụn nước do bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh: Internet).
Các nốt mụn nước do bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh: Internet).

Theo CDC, các tổn thương mụn nước của bệnh đậu mùa khỉ diễn tiến qua các giai đoạn rồi cuối cùng mới đóng vảy. Điển hình là phát ban bắt đầu từ trên mặt rồi lan rộng khắp cơ thể, nhưng cũng có thể chỉ giới hạn ở một vị trí nhìn giống như mụn nhọt hoặc vết loét do bệnh khác.

Đã có vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ hay chưa?

Vaccine ngừa bệnh đậu mùa ở người cũng có thể chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Ở Mỹ có 2 loại vaccine được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm (FDA) cấp phép sử dụng là JYNNEOS và ACAM2000. Tuy nhiên vaccine có thể chỉ được dùng cho những người có nguy cơ cao với bệnh đậu mùa khỉ chứ không tiêm rộng rãi cho tất cả mọi người.

Ở Anh, vaccine được tiêm cho những người có nguy cơ cao đã tiếp xúc với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, nhằm ngăn chặn sự lây lan. Các chuyên gia cho biết rằng các loại thuốc kháng virus chống lại bệnh đậu mùa cũng sẽ có tác dụng với bệnh đậu mùa khỉ.

Vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh: Internet).
Vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh: Internet).

Vaccine được tiêm cho những người đã tiếp xúc với người mắc bệnh đậu mùa khỉ nhưng chưa xuất hiện triệu chứng, vì thời gian ủ bệnh rất lâu. Vaccine giúp kích thích hệ miễn dịch để nhận diện virus và chống lại chúng trước khi bệnh bùng phát mạnh.

Theo WHO, vaccine đậu mùa ở người đã được chứng minh là có hiệu quả ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ khoảng 85%.

Tổng kết

Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên chú ý nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ, nhưng hiện tại không có lý do gì để hoảng sợ. Giống như với COVID-19, điều quan trọng là phải có một hệ thống y tế công cộng hoạt động tốt và người dân tin tưởng vào hệ thống y tế.

Đợt bùng phát này cũng khiến chúng ta phải chú ý đến nguy cơ lây lan virus từ động vật sang người, bắt nguồn từ các hoạt động tương tác của chúng ta với động vật hoang dã và cả động vật nuôi trong nhà.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

6 thói quen xấu dễ gây bệnh ung thư mà nhiều người thường chủ quan

Một trong những nguyên nhân gây nên bệnh ung thư có thể xuất phát từ chính các thói quen xấu hàng ngày của bạn. Rất nhiều thói quen mà bạn thực hiện mỗi ngày đang vô tình khiến sức khỏe của bạn ngày càng đi xuống. Nếu bạn chưa biết được 6 thói quen xấu gây ung thư đó ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận