Theo báo cáo mới nhất của WHO, khoảng 1,1 triệu người trẻ tuổi có nguy cơ bị mất thính giác do sử dụng tai nghe không đúng cách. Vậy làm sao để không bị điếc vì tai nghe và bảo vệ an toàn cho thính giác? Nào, cùng tìm hiểu ngay!

Hiện nay, tai nghe đã trở thành một phần của cuộc sống tương tự như các thiết bị di động khác. Mặc dù thiết bị này có thể làm phong phú thêm trải nghiệm nghe của bạn, nhưng âm lượng quá lớn hoặc thời gian nghe quá lâu có thể làm hỏng thính giác và thậm chí có thể dẫn đến mất thính lực. Theo Viện Quốc gia về Khiếm thính và Rối loạn Giao tiếp Hoa Kỳ, mất thính giác do tiếng ồn lớn gây ra có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào.

Harvard Health Publishing cho biết: tai của chúng ta rất nhạy cảm, màng nhĩ nhỏ ở trong tai khá mỏng, âm thanh lớn có thể làm tổn thương chúng. Màng nhĩ khi bị tổn thương sẽ giảm khả năng truyền tín hiệu âm thanh đến não.

Và sau đây là những cách sử dụng tai nghe an toàn để ngăn ngừa mất thính lực.

1. Giảm âm lượng

Giảm âm lượng khi đeo tai nghe (Ảnh: Internet)
Giảm âm lượng khi đeo tai nghe (Ảnh: Internet)

Một trong những cách dễ dàng nhất bạn có thể làm để ngăn ngừa mất thính lực khi sử dụng tai nghe là chỉ cần giảm mức âm lượng nhỏ đi. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) giải thích rằng tiếng ồn trên 70 decibel trong thời gian dài có thể làm suy giảm thính lực, và tiếp xúc với tiếng ồn trên 120 decibel có thể gây ra tổn thương ngay lập tức. The Hearing Health Foundation báo cáo rằng nhiều loại tai nghe có thể tạo âm lượng đạt mức 100 và 120 decibel.

Vì tai nghe có thể đạt đến mức âm thanh cao như vậy nên một trong những cách an toàn nhất là giảm âm lượng khi sử dụng. James E. Foy, DO, một bác sĩ nhi khoa về bệnh xương khớp tại California, cho rằng nếu bạn không thể nghe thấy bất kỳ tiếng ồn nào xung quanh khi đeo tai nghe thì âm lượng sử dụng đang quá lớn. Bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng Tahl Colen ở New York cho biết nếu người khác có thể nghe được âm thanh phát ra từ tai nghe khi bạn đang sử dụng, thì âm lượng đang quá to. Hiệp hội Xương khớp Hoa Kỳ khuyến nghị không bao giờ chỉnh quá 50% đến 60% âm lượng tối đa.

2. Hạn chế thời gian sử dụng

Dùng tai nghe liên tục quá lâu có thể làm hại thính giác (Ảnh: Internet)
Dùng tai nghe liên tục quá lâu có thể làm hại thính giác (Ảnh: Internet)

Nói về âm lượng, Hiệp hội Xương khớp Hoa Kỳ khuyên nên giới hạn việc sử dụng tai nghe ở mức không quá 60% âm lượng tối đa trong 60 phút mỗi ngày, nếu sử dụng ở mức âm lượng tối đa thì thời gian không quá 5 phút. Bên cạnh đó nên tạm nghỉ sử dụng tai nghe mỗi 1 giờ. Nếu thời gian nghe liên tục dài hơn một giờ, nên nghe ở mức âm lượng thấp để tránh tổn thương thính giác.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo rằng việc sử dụng tai nghe một cách an toàn không chỉ liên quan đến âm lượng, mà còn là thời lượng sử dụng tai nghe và tần suất tiếp xúc với những âm lượng lớn khác. “Mức độ an toàn” đối với tiếng ồn giải trí là dưới 80 decibel tối đa 40 giờ mỗi tuần, bao gồm cả thời gian dành cho việc nghe nhạc, chơi game, xem tivi và phim ảnh.

3. Dùng loại tai nghe chống ồn

Tai nghe chống ồn giúp bảo vệ thính giác (Ảnh: Internet)
Tai nghe chống ồn giúp bảo vệ thính giác (Ảnh: Internet)

Theo trang WebMD, nên đầu tư vào một cặp tai nghe chống ồn để bảo vệ thính giác. Những loại tai nghe này ngăn chặn các tiếng ồn bên ngoài, nhờ đó bạn không cần tăng âm lượng quá to để nghe rõ hơn. Tiến sĩ Kevin H. Franck tại Massachusetts, Harvard, cho biết rằng tai nghe chống ồn là loại tai nghe tốt nhất để ngăn ngừa mất thính lực.

Suman Golla, phó giáo sư tai mũi họng tại Đại học Pittsburgh School of Medicine cho biết nên cân nhắc hoàn cảnh khi sử dụng tai nghe chống ồn, không nên sử dụng loại tai nghe này khi cần chú ý môi trường xung quanh. Ví dụ: khi tập thể dục ngoài trời, lái xe hoặc đi bộ một mình, những âm thanh bên ngoài có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của bạn nên phải được chú ý.

4. Sử dụng tai nghe chụp tai

Tai nghe chụp tai giúp bảo vệ thính giác (Ảnh: Internet)
Tai nghe chụp tai giúp bảo vệ thính giác (Ảnh: Internet)

Tai nghe nhét tai nhỏ gọn và dễ mang theo hơn tai nghe chụp tai, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tốt hơn cho thính giác. Trên thực tế, chúng nguy hiểm hơn vì khoảng cách gần với các cơ quan bên trong tai hơn so với tai nghe loại chụp tai. Tai nghe chụp tai cách xa các cơ quan bên trong tai và do đó giúp bảo vệ thính giác (theo trang WebMD).

Không chỉ vậy, tai nghe loại nhét tai cho âm lượng to hơn loại chụp tai, mang lại cảm giác chân thật, sống động nhưng điều đó thực sự có thể gây hại cho thính giác. Tiến sĩ Colen giải thích rằng tai nghe nhét tai có khả năng cho mức âm lượng lớn hơn 9 decibel so với tai nghe chụp tai.

Tai nghe chụp tai cũng loại bỏ nhiều tiếng ồn bên ngoài tốt hơn, do đó không cần tăng âm lượng để nghe rõ hơn. Tiến sĩ Sharon Sandridge cho biết nên lựa chọn tai nghe chất lượng sẽ mang đến trải nghiệm âm thanh tốt hơn mà không cần phải tăng âm lượng.

5. Chủ động quan tâm đến thính lực

Khám tai thường xuyên để bảo vệ thính lực (Ảnh: Internet)
Khám tai thường xuyên để bảo vệ thính lực (Ảnh: Internet)

WHO cho biết việc nhận ra các dấu hiệu mất thính lực là rất quan trọng để bảo vệ thính giác. Kiểm tra thính lực thường xuyên giúp đảm bảo thính giác luôn hoạt động tốt. Một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cho thính giác khi sử dụng tai nghe quá lâu (hoặc quá to) là cảm giác của tai khi tháo tai nghe. Tiến sĩ Colen cho biết:”Nếu bị ù tai hoặc có tiếng chuông hay tiếng vo vo trong tai sau khi ngưng sử dụng, hoặc mất thính giác sau khi rút tai nghe, thì chắc chắn rằng âm lượng tai nghe đã quá lớn“.

WHO cho biết hầu hết các thiết bị tai nghe đều đi kèm với các ứng dụng giám sát hoạt động nghe. Một số ứng dụng có chức năng giới hạn thời gian nghe, đồng thời cảnh báo nếu âm lượng quá lớn. Theo dõi và điều chỉnh thói quen dùng tai nghe sẽ giúp làm giảm nguy cơ mất thính lực.

Nguồn: healthdigest

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Biện pháp quản lý đái tháo đường thai kỳ giúp bảo vệ mẹ và bé khỏe mạnh

Ngày nay đái tháo đường thai kỳ đang có chiều hướng gia tăng do sự gia tăng tỷ lệ béo phì. Hiện nay, ước tính có khoảng 5% phụ nữ mang thai bị bệnh đái tháo đường thai kỳ và thường gặp ở 3 tháng giữa của thai kỳ. Các mẹ cùng BlogAnChoi tìm hiểu thêm về bệnh này ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận