Chưa cái Tết nào lại khiến chúng ta băn khoăn việc đi về hay ở lại như Tết 2021 này. Chẳng phải xa xôi như cách nhau nửa vòng trái đất, chẳng phải khác biệt như múi giờ đêm và ngày. Gói gọn trong dải đất hình chữ S này thôi, con đường về nhà đón Tết năm nay đối với nhiều người lại gian nan hơn rất nhiều.

Phải chăng là năm con Trâu nên đầu năm chúng ta đã phải đương đầu với thử thách?

Trải qua năm 2020 với những từ khóa “giãn cách”, “cách ly” khiến cho việc sum họp bên gia đình lại càng trở nên thân thương và đáng quý. Không kể đến những y bác sĩ hay những chiến sĩ công an bộ đội đang ở tuyến đầu chống dịch thì Tết năm nay cũng sẽ là một cái Tết đặc biệt khó quên với rất nhiều người.

Cách ly , giãn cách là trạng thái của năm 2020 ( ảnh Internet)
Cách ly , giãn cách là trạng thái của năm 2020 ( ảnh Internet)

“Ai ở đâu hãy ở yên đấy”

Câu khẩu hiệu này chúng ta đã nghe rất rất nhiều lần trong nửa đầu năm 2020. Nhưng nếu lúc đó “ở yên đấy” chỉ đơn giản là tạm hoãn vài cuộc gặp mặt cafe, ăn uống, tạm hoãn một vài chuyến du lịch hè vi vu…thì ở thời điểm này “ở yên” đồng nghĩa với việc không về nhà ăn Tết.

Đối với những người đi làm xa nhà, những bạn sinh viên đi học xa quê, vài ba tháng không về nhà cũng chẳng mấy khó khăn. Thế nhưng “không về nhà ăn Tết” lại là một cảm xúc khác hẳn. Khi những ca bệnh Covid quay trở lại cộng đồng, rất nhiều trường đại học đã hoãn kì thi cuối kỳ và cho sinh viên nghỉ Tết sớm. Bố mẹ nào cũng vậy, chỉ yên tâm khi thấy con an toàn trở về nhà. Tuy nhiên có những bạn trẻ lại không chọn cách quay trở về nhà ngay lập tức. Không nên phán xét, đánh giá rằng đó là chủ quan, lơ là cảnh báo về dịch bệnh. Họ cũng có những câu chuyện riêng.

Duy hiện là sinh viên năm 2, ngoài giờ học, như rất nhiều bạn khác Duy cũng đi làm thêm. Công việc cậu chọn là làm shipper. Khi trường cho nghỉ Tết sớm nhưng Duy vẫn ở lại Hà Nội và đi làm. Tôi hỏi lý do thì cậu trả lời rằng:

“Em muốn tranh thủ chạy ship cho một vài cửa hàng nữa, năm vừa rồi dịch bệnh nên nhà em cũng khó khăn, em muốn kiếm thêm để đóng học phí kỳ sau. Bố em cũng gọi về nhưng em chưa muốn về.”

Câu trả lời của Duy chắc cũng là câu chuyện của rất nhiều người. “Cơm áo gạo tiền” có sức nặng khiến cho “đúng – sai”, “nên hay không nên” cũng khó có thể rạch ròi. Duy còn nói thêm, nếu gần Tết dịch bệnh lan rộng hơn, không thể về nhà thì em cũng đành chấp nhận.

giây phút quây quần bên mâm cơm là điều hạnh phúc nhất ( ảnh Internet)
giây phút quây quần bên mâm cơm là điều hạnh phúc nhất ( ảnh Internet)

Một cái Tết xa nhà của sinh viên chắc hẳn là sẽ khó khăn hơn so với những người đã đi làm ổn định. Và cái thiếu thốn ở đây, không chỉ là vật chất. Chúng ta có thể lấp đầy cái bụng nhưng khó lấp đầy được nỗi buồn không được sum họp bên gia đình. Bữa cơm ngày Tết nó khác lắm! Bởi chúng ta nếm nó không chỉ bằng vị giác, nó ngon không chỉ bằng những thứ gia vị, nó ngon bởi nụ cười của bố, bằng những lời càu nhàu, cằn nhằn của mẹ.

Một chuyến xe trở về nhà ngày Tết nó khác lắm, dù có thể trong năm thì bạn đã đi hàng chục lần chuyến xe đó. Vậy nhưng hàng trăm chiếc vé tàu, vé máy bay đã phải hủy. Đôi khi ta chép miệng tắc lưỡi “năm nào chả có Tết, năm nay không ăn Tết thì sang năm ăn Tết”. Đúng vậy, 365 ngày nữa Tết lại về. Nhưng thời gian xoay vòng lặp lại không có nghĩa chúng ta luôn cơ hội để thực hiện những điều từng bỏ qua.

Hãy trở về nhà ngay khi có cơ hội. (Ảnh: Internet)
Hãy trở về nhà ngay khi có cơ hội. (Ảnh: Internet)

Giỗ ông ngoại tôi là vào ngày giáp Tết. Đã nhiều năm tôi không về thăm quê vậy nên dự định của tôi là sẽ về giỗ ông năm nay. Vậy mà dịch bùng phát ở Hải Dương chỉ vài ngày trước ngày giỗ ông. Tôi ước giá như mình không bỏ lỡ những dịp về quê trước đây, giá như không thờ ơ nghĩ rằng “muốn về lúc nào cũng được”. Khoảng cách 80km chỉ mất 2 tiếng đi xe máy vào một ngày cuối tuần, vậy nhưng biết bao ngày cuối tuần đã trôi qua, đó vẫn chỉ là kế hoạch.

Những thứ “có thể” luôn luôn có thể biến thành “không thể” nếu chúng ta cứ chần chừ và lưỡng lự. Bạn có thể chọn chấp nhận xa gia đình vì cuộc sống mưu sinh, tôi có thể day dứt ân hận vì đã quá thờ ơ, không trân trọng những dịp được quây quần bên gia đình, dù muốn hay không, cái Tết này sẽ là cái Tết khó quên với rất nhiều người. Đi qua 365 ngày nữa sẽ lại có Tết, nhưng đừng đợi Tết đến mới quay về bên gia đình, hãy ở bên gia đình bất cứ khi nào có thể.

Xem thêm

300+ câu châm ngôn cuộc sống hay nhất sẽ khiến bạn "sáng mắt ra"!

Những câu châm ngôn cuộc sống, câu nói về cuộc sống hay, ý nghĩa nhất sẽ giúp bạn hiểu ra nhiều sự thật và chân lý, có thêm động lực để cố gắng phát triển bản thân hoặc đơn giản là bạn sẽ "sáng mắt ra" vì cuộc đời vốn không phải ngôn tình.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
2 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
zoelee

bài viết hay quá đi TT mình đang tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình :((

Phạm Long Thuyên

Tết mình đã được về nhà và thực sự khoảng thời gian đó rất đáng để trân quý